Bất chấp đã nộp đơn xin phá sản, Sam Bankman-Fried vẫn gọi điện ngày đêm tìm nhà đầu tư... rót thêm vốn vào FTX

    Phương Linh, Theo Nhịp sống thị trường 

    Cùng với vài nhân viên còn lại, Sam Bankman-Fried đã dành cả cuối tuần vừa qua gọi điện khắp nơi thuyết phục các nhà đầu tư rót thêm vốn vào FTX.

    Theo một số nguồn tin thân cận của tờ WSJ, dù FTX đã nộp đơn xin phá sản vào tuần trước, nhưng người sáng lập sàn giao dịch tiền số này vẫn nghĩ rằng anh ta có thể huy động đủ tiền để trả lại cho người dùng.

    Được biết, cùng với một vài nhân viên còn lại, Sam Bankman-Fried đã dành cả cuối tuần vừa qua gọi điện khắp nơi thuyết phục các nhà đầu tư cam kết rót thêm vốn để bù đắp cho khoản thiếu hụt lên tới 8 tỷ USD, với hy vọng trả nợ cho các khách hàng của FTX.

    Tuy nhiên, nguồn tin tiết lộ những nỗ lực kể trên của Sam đến nay vẫn không thành công. Phía WSJ hiện không thể xác định được những gì Bankman-Fried định cung cấp cho các nhà đầu tư để đổi lấy bất kỳ khoản tiền mặt tiềm năng nào hoặc liệu có nhà đầu tư nào đã cam kết hay không.

    Bất chấp đã nộp đơn xin phá sản, Sam Bankman-Fried vẫn gọi điện ngày đêm tìm nhà đầu tư... rót thêm vốn vào FTX - Ảnh 1.

    FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào thứ sáu và Bankman-Fried đã từ chức giám đốc điều hành của công ty. Hiện anh ta vẫn là cổ đông lớn nhất của FTX. Thông báo phá sản đã gây sốc cho các khách hàng của FTX, những người đã hy vọng có thể thu hồi tài sản. Các dòng tweet của Bankman-Fried vào những ngày trước khi nộp đơn xin phá sản nói với người dùng rằng công ty vẫn “ổn” đã bị xóa.

    Các công ty được bảo hộ phá sản đôi khi nhận được các khoản vay nhằm giúp duy trì hoạt động. Điều này có nghĩa là khoản tiền đầu tiên công ty kiếm được sẽ dùng để duy trì hoạt động, tìm cách vực dậy trong tương lai. Việc một công ty cố gắng huy động vốn cổ phần mới ngay khi vừa nộp đơn xin phá sản là điều ít phổ biến hơn.

    Ngay cả khi Bankman-Fried thành công trong việc huy động vốn, anh ta có thể sẽ phải thương lượng với các chủ nợ và được sự chấp thuận của các quan chức tòa án phá sản.

    Trong trường hợp của Bankman-Fried, số tiền nếu có thể nhận được từ các nhà đầu tư không nhằm mục đích duy trì hoạt động, mà để trả nợ cho các người dùng cá nhân và tổ chức, những người không thể rút tiền ra khỏi sàn.

    FTX đã cho vay tài sản của khách hàng trị giá hàng tỷ USD để tài trợ cho các vụ đặt cược rủi ro của một công ty liên kết với nó là Alameda Research. Đây chính là vấn đề tạo tiền đề cho sự sụp đổ nhanh chóng của FTX.

    Bankman-Fried đã nói với các nhà đầu tư vào tuần trước rằng anh ta cần tài trợ khẩn cấp để bù đắp khoản thiếu hụt lên tới 8 tỷ USD do yêu cầu rút tiền từ khách hàng.

    Luật sư của FTX cho biết trong hồ sơ tòa án vào cuối ngày thứ hai rằng vụ phá sản của FTX có thể liên quan đến hơn một triệu chủ nợ.

    Trước khi nộp đơn theo chương 11, Bankman-Fried đã nói chuyện với các công ty bao gồm các sàn giao dịch tiền số đối thủ Coinbase và Kraken, cùng với các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư mạo hiểm với hy vọng nhận được một gói cứu trợ. Đối thủ lớn nhất của FTX là Binance, đã đồng ý mua FTX trong một thời gian ngắn trước khi tuyên bố rút lui khỏi thương vụ.

    Số tiền cần thiết để FTX trả hết nợ có thể sẽ lớn hơn nhiều lần số 1,9 tỷ USD mà công ty đã huy động được trong suốt thời gian tồn tại. Vòng tài trợ gần đây nhất của FTX là vào tháng 1, khi huy động được 400 triệu USD từ một danh sách dài các tên tuổi ở Thung lũng Silicon và Phố Wall, bao gồm Tiger Global và SoftBank Group Corp.

    Trong suốt mùa hè, FTX đã bắt đầu các cuộc đàm phán để huy động thêm 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư, với mục tiêu mua lại các công ty đang trong thời kỳ thị trường suy thoái.

    Nguồn tin cho biết FTX hy vọng sẽ hoàn tất 1 vòng huy động vốn nữa vào tháng 9 nhưng đã gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, Bankman-Fried đã đến thăm Trung Đông trong vài tuần trước khi công ty sụp đổ để tìm kiếm nguồn vốn mới.

    Nguồn: WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ