Bẫy giảm giá ảo vẫn tái diễn trong ngày Black Friday

    Nhóm phóng viên, Theo ICTnews 

    Theo phản ánh của người tiêu dùng, trong ngày Black Friday 24/11, doanh nghiệp như Tiki dù tuyên bố giảm giá sản phẩm chiếc SmartTV LG 55 inch 4K UHD 55UJ750T tới 31%, còn 23,29 triệu đồng nhưng thực tế vẫn cao hơn nhiều nơi không tuyên bố khuyến mãi tới vài triệu đồng.

    Bẫy giảm giá ảo vẫn tái diễn trong ngày Black Friday - Ảnh 1.

    Nhiều nơi công bố giảm giá hàng hóa tới 50%.

    Ăn theo ngày Black Friday (vốn có nguồn gốc từ Mỹ), ngày 24/11, nhiều trang thương mại điện tử, kinh doanh thiết bị số, siêu thị điện máy tại Việt Nam cũng tung ra hàng loạt mặt hàng như smartphone, tablet, máy tính, máy ảnh, tivi, hàng gia dụng… với giá bán được quảng cáo giảm từ 20%, 30% hoặc thậm chí lên tới 50%.

    Đáng chú ý, hoạt động bán hàng giảm giá ăn theo ngày Black Friday của không ít doanh nghiệp không chỉ giới hạn trong ngày 24/11 mà còn áp dụng cho vài ba ngày, tới tận 27/11.

    Phản ánh tới ICTnews trong sáng ngày 24/11, nhiều người tiêu dùng cho hay năm nay tại một số trang thương mại điện tử, bên cạnh việc giảm giá thực sự vẫn tồn tại tình trạng công bố giảm giá ảo không khác gì mọi năm.

    Lấy trường hợp như chiếc SmartTV LG 55 inch 4K UHD 55UJ750T, anh Thanh Hùng (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay trên Tiki rao bán giảm 31%, “giá yêu thương” còn lại là 23,29 triệu đồng.

    Bẫy giảm giá ảo vẫn tái diễn trong ngày Black Friday - Ảnh 2.

    Chiếc tivi LG 55inch giá 23,29 triệu đồng trên Tiki


    Tuy nhiên, qua sử dụng một công cụ so sánh giá, khách hàng này phát hiện giá bán tại nhiều nơi không có chiến dịch bán hàng ngày Black Friday cũng chỉ quanh mức 20 triệu đồng:

    Bẫy giảm giá ảo vẫn tái diễn trong ngày Black Friday - Ảnh 3.

    Kết quả tra cứu trên websosanh.vn cho thấy nhiều nơi dù không công bố "giá yêu thương" nhưng giá sản phẩm còn thấp hơn.


    Hoặc lấy ví dụ với mặt hàng tivi Samsung 43inch UA43MU6150. Trao đổi với ICTnews, khách hàng Thu Hoài (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho hay tại siêu thị điện máy Pico, tuy không công bố giảm bao nhiêu % nhưng siêu thị này đưa ra giá bán khuyến mãi áp dụng cho ngày Black Friday là 10,99 triệu đồng, trong khi đó tại một địa chỉ khác cũng trong ngày 24/11 chỉ bán 8,99 triệu đồng, thấp hơn 2 triệu đồng.

    Bẫy giảm giá ảo vẫn tái diễn trong ngày Black Friday - Ảnh 4.

    Giá Black Friday tại Pico ngày 24/11


    Và giá bán tại một địa chỉ khác cũng áp dụng cho ngày Black Friday:

    Bẫy giảm giá ảo vẫn tái diễn trong ngày Black Friday - Ảnh 5.

    Giá bán thấp hơn Pico 2 triệu đồng

    "Dù là giá bán doanh nghiệp áp dụng cho ngày Black Friday thì vẫn phải so sánh để xem chính xác có phải là giá tốt hay không chứ không thể tin ngay được", khách hàng Thu Hoài bức xúc,

    Từ lâu nay, câu chuyện quảng cáo giảm giá bán tới 30-50% trong những dịp khuyến mãi như Black Friday của nhiều doanh nghiệp trong nước luôn bị người tiêu dùng tố giảm giá ảo, sử dụng chiêu trò để bẫy.

    Về lý, nhiều nhà bán hàng cho rằng họ không sai khi đăng đúng thông tin giá bán đề nghị của hãng và sau đó công bố giá bán thực để "khoe" cho người tiêu dùng biết họ đã giảm giá lên tới 30 - 40%.

    Thế nhưng, các doanh nghiệp nên nhớ, người tiêu dùng hiện nay đã có nhiều kinh nghiệm hơn trước, không dễ tin ngay vào những chiêu giảm giá khủng "ảo". Thông qua các công cụ tra cứu như Google, các trang so sánh giá, người tiêu dùng sẽ dễ dàng phát hiện ra đó có phải là khuyến mãi thực sự, có bán giá tốt thực sự hay không.

    Theo khuyến cáo của những người có kinh nghiệm, để tránh mắc bẫy khuyến mãi ảo, người tiêu dùng có thể sử dụng các trang so sánh giá để nắm bắt thị trường, vào công cụ tìm kiếm như Google để so sánh giá bán của một sản phẩm tại các trang thương mại điện tử, siêu thị điện máy…

    Sau khi tra giá cần gọi điện trực tiếp đến nơi bán để hỏi kỹ về giá bán cuối cùng cũng như các khuyến mãi đi kèm để đảm bảo quyền lợi.

    Bên cạnh đó cần lưu ý, do những sự kiện như Black Friday là ngày bán hàng giảm giá theo phong trào nên bên cạnh các nhà bán hàng uy tín thì sản phẩm cũng được bán ra bởi rất nhiều cửa hàng, đơn vị, cá nhân không tên tuổi.

    Cộng với việc không phải thông qua bất cứ tổ chức nào điều phối, kiểm soát (ví dụ như Online Friday là do Bộ Công Thương tổ chức), do đó nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng như quảng cáo rất có khả năng xảy ra. Người tiêu dùng cần lưu ý lựa chọn các địa chỉ uy tín, có các cam kết chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, điều kiện đổi trả hàng, thời gian bảo hành…

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ