Bên trong tham vọng thay thế hết con người trong các nhà máy bằng robot của Trung Quốc

    Dink,  

    Việc tự động hóa trong công nghiệp là cần thiết, nhưng những rào cản công nghệ và vấn đề nhân công sẽ được giải quyết ra sao?

    Trong một nhà máy ở Trung Quốc, công nhân đang buồn bã nhìn vào một chiếc máy ở cuối xưởng đã nằm im lìm nhiều tiếng đồng hồ rồi. Chiếc máy này được sử dụng để dán nhãn lên những hộp hàng hóa, trong tuần vừa qua nó đã xử lý công việc một cách hoàn hảo nhưng đột nhiên, mọi thứ dừng lại. Nie Juan, người phụ trách theo dõi hoạt động của cánh tay robot này, nói: “Hệ thống đột nhiên dừng hoạt động. Phải công nhận là nó giúp rất nhiều trong sản xuất, nhưng lại rất khó để duy trì nó hoạt động”.

    Hiện tại các nhà sản xuất hàng hóa Trung Quốc đang gặp phải 2 vấn đề: tiền lương đã tăng hơn 2 lần trong vòng 7 năm nay, và sự cạnh tranh từ các công ty công nghệ cao từ Đức, Nhật và Mỹ là rất lớn. Để giải quyết cả hai bài toán đau đầu này, Nhóm Công Nghiệp Cambridge (CIG - một công ty công nghệ có trụ sở chính tại Thượng Hải) đã có giải pháp: thay thế 1/3 trong số 3.000 công nhân của họ bằng máy móc. Và trong một vài năm tới, họ muốn gần như toàn bộ hệ thống phải được tự động hóa, tạo nên một “nhà máy tối” (dark factory), với mục đích cần ít công nhân tới mức công ty có thể tắt toàn bộ hệ thống đèn và để mặc máy móc làm việc.

    Nhưng với việc cánh tay robot đang ngừng hoạt động mà chúng tôi vừa nhắc tới ở đầu bài, chứng tỏ rằng thay thế hoàn toàn nhân công bằng máy móc không phải là một việc dễ dàng. Hơn nữa, phần lớn công việc tại nhà máy yêu cầu một sự dẻo dai, linh hoạt và phải hiểu và xử lý được những tình huống phát sinh trong quá trình sản xuất. Ví dụ như một kiện hàng bị lệch trên băng chuyền, người công nhân có thể chỉnh ngay lập tức được bằng tay.

    Mặc dù vẫn còn nhiều trở ngại, không ít những nhà sản xuất tại Trung Quốc đang lên kế hoạch thay đổi công nhân bằng máy móc ở một quy mô chưa từng thấy. Nhưng dưới một vài góc nhìn khác, họ không còn có lựa chọn. Do giá nhân công tại Trung Quốc không còn rẻ như trước nữa, bởi vì nguồn nhân công từ nhiều nước khác trong khu vực thậm chí còn có giá rẻ hơn. Một giải pháp được nhiều nhà sản xuất cũng như nhiều cơ quan chính phủ Trung Quốc tin rằng là giải pháp tối ưu, đó là thay thế người lao động bằng máy móc.

    Dạo quanh nhà máy cùng với Gerald Wong, CEO của CIG, phóng viên vẫn thấy rất nhiều nhân công đang làm việc tại đây. Ông Wong chỉ cho phóng viên thấy một công việc đặc biệt khó để có thể tự động hóa nó: hàn một lọn dây điện vào một bo mạch. “Khó khăn nằm ở chỗ lọn dây điện đó có hình dạng cong một cách khác thường”, ông Wong khó chịu nói.

    CEO Gerald Wong.
    CEO Gerald Wong.

    Nhưng bên cạnh đó vẫn rất nhiều ví dụ về máy móc được sử dụng rộng rãi bên trong xưởng làm việc của CIG. Những cánh tay robot lắp ráp những linh kiện điện tử một cách chính xác. CEO Wong còn nói thêm rằng, công ty của ông đang thử nghiệm một loại robot mới có thể hàn được những linh kiện khó, chúng sẽ nhanh và đáng tin cậy hơn con người nhiều. “Ở Trung Quốc thì việc này là rõ ràng, hoặc là bạn tự động hóa mọi thứ hoặc là bạn bước ra khỏi ngành công nghiệp”, Wong nhấn mạnh.

    Sự phát triển cực nhanh của nền kinh tế Trung Quốc phần nhiều năm ở ngành công nghiệp chế tạo và lắp ráp. Khoảng 100 triệu nhân công đang làm việc cho các nhà máy chế tạo này (ở Mỹ, con số chỉ vào khoảng 12 triệu). Hàng triệu công nhân không có trình độ cao làm việc cho những nhà máy lắp ráp khổng lồ này, sản xuất hàng triệu mặt hàng: từ tất chân cho đến những server mạng. Ngày nay, hàng hóa sản xuất của Trung Quốc chiếm gần 1/4 tổng hàng hóa toàn thế giới, bao gồm 80% điều hòa nhiệt độ, 71% điện thoại, 63% lượng giày.

    Nhưng những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Cũng như việc ngành sản xuất của quốc gia này góp một phần lớn vào nền kinh tế toàn cầu, nó cũng đang làm rung động thị trường tài chính với việc phát triển chậm đột ngột này.

    Tự động hóa mở ra một giải pháp cho vấn đề này. Hiện tại Trung Quốc đã nhập khẩu một số lượng khổng lồ robot công nghiệp, nhưng bản thân đất nước lại có tỉ lệ robot/nhân công khá thấp so với các nước khác. Như ở Hàn Quốc, tỉ lệ là 478 robot trên 10.000 công nhân; ở Nhật là 315; ở Đức là 292 trong khi ở Trung Quốc, tỉ lệ chỉ vỏn vẹn 36 trên 10.000 công nhân.

    Chính phủ đất nước đông dân này đang tìm kiếm những giải pháp thay đổi tình trạng này. Vào ngày 16 tháng 3 vừa rồi, trong bản Kế hoạch năm năm mới nhất của chính phủ Trung Quốc, đã có quyết định chi hàng tỉ Nhân dân tệ vào việc sản xuất và cải tiến công nghệ robot hiện đang lỗi thời so với nền công nghiệp thế giới. Dự định của chính phủ là mở thêm nhiều trung tâm công nghiệp tiên tiến trên khắp đất nước. Để làm được điều này, Trung Quốc đang tiến hành nhập khẩu đồng thời sản xuất thêm nhiều robot để phục vụ cho ngành công nghiệp tại đất nước này.

    Để biết rõ được ngành công nghiệp chế tạo robot của Trung Quốc tiến xa tới đâu, phóng viên đã tới thăm Đại Học Giao Thông Thượng Hải, một trong những đại học uy tín nhất và là nơi có phòng thí nghiệm lâu đời nhất đất nước (từ năm 1979).

    Trong phòng thí nghiệm là giáo sư Zhu Xiangyang và hơn một trăm nhân sự già trẻ đang thử nghiệm những mẫu robot mới nhất. Ở một phòng, những nhà nghiên cứu trẻ đang thử nghiệm một chiếc xe lăn được điều khiển bằng não bộ. Ở một phòng khác, một con robot dài và mềm dẻo như loài rắn đang được thử nghiệm chui vào những địa thế khó khăn chật hẹp. Thậm chí, công nghệ xe tự lái cũng đang được thử tại đây.

    Mặc dù những nghiên cứu ở Đại Học Giao Thông thực sự ấn tượng, nhưng làm sao để Trung Quốc có thể đáp ứng được mong muốn thay đổi nền công nghiệp lớn như vậy?

    Kai Yu, trưởng dự án nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI tại Baidu, một công ty về Internet lớn bậc nhất tại Trung Quốc, đã có những nghiên cứu về việc phát triển hệ thống AI tự học hỏi gọi là “học hỏi sâu”, nhằm phát triển những hệ thống có thể học hỏi được những khuôn mẫu sẵn có trong cơ sở dữ liệu. Việc tìm hiểu về cách mà máy móc “học hỏi” sẽ là bước tiến tiếp theo để tạo nên những con robot thông minh và cơ động hơn.

    Không khó để nhận ra tiềm năng của việc robot thay thế con người trong tương lai gần, khi mà hệ thống máy móc có được khả năng tự học hỏi và thích nghi. CEO Wong nói: “Chúng tôi sẽ bắt đầu với những con robot cơ bản. Rồi sau đó, sẽ thay thế bằng những con tiên tiến hơn và cứ như vậy, giấc mơ ‘nhà máy tối’ của tôi sẽ được hoàn thiện”.

    Tình thế bắt buộc của nền công nghiệp, cùng với sự quyết tâm của chính phủ và những tiến bộ trong chế tạo robot của Trung Quốc, trong tương lai rất có thể đất nước này sẽ dẫn đầu về ngành công nghiệp tự động hóa. Ông Wong khẳng định, “chúng tôi sẽ xây được “nhà máy tối’”.

    Sẽ không còn cảnh những người công nhân mệt mỏi sau những ca làm việc dài nữa, bởi vì máy móc làm việc thì đâu biết mệt. Nhưng số phận những người công nhân kia sẽ ra sao, khi mà máy móc đã chiếm hết phần công việc của họ? Một số sẽ trở về quê với công việc đồng áng, một số sẽ tìm kiếm những công việc khác nhưng đâu phải mọi chuyện với ai cũng dễ dàng như vậy.

    Theo TechnologyReview

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ