Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh

    Thanh Long,  

    Virus du hành từ quá khứ đến tương lai trong các ngăn tủ đông của loài người có thể gây ra "đại dịch tự ứng nghiệm", một khái niệm tương tự như nghịch lý tiền định trong du hành không thời gian.

    Bất kỳ ai từng xem bộ phim "Kẻ hủy diệt" đều phải bối rối về dòng thời gian khó hiểu của bộ phim này. Nó kể về cuộc chiến giữa John Connor, thủ lĩnh của loài người với hệ thống trí tuệ nhân tạo Skynet. Vào năm 2029, khi Skynet sắp bị John Connor đánh bại thì nó đã gửi một robot hủy diệt T-101 về năm 1984 để thủ tiêu Sarah Connor, mẹ của John nhằm ngăn không cho anh được sinh ra.

    Nhưng song song với đó, John của năm 2029 cũng giao nhiệm vụ cho cấp dưới của mình - Kyle Reese du hành ngược thời gian trở về năm 1984 - để bảo vệ mẹ ruột của mình. Vì chỉ khi Sarah còn sống, thì John mới được sinh ra và lãnh đạo cuộc chiến của loài người chống Skynet.

    Éo le thay, khi Kyle trở về quá khứ, anh đã yêu Sarah và họ trở thành vợ chồng của nhau. John Conner hóa ra chính là con trai của Kyle và Sarah, đồng thời là thủ lĩnh của chính bố đẻ mình trong tương lai. Việc John giao nhiệm vụ cho Kyle trở về quá khứ đã khiến chính anh được sinh ra.

    Đó là một vòng lặp trong không thời gian tạo nên khái niệm "lời tiên tri tự ứng nghiệm".

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 1.

    Bây giờ, hãy tưởng tượng một nhà khoa học ở hiện tại đọc được lịch sử ghi chép về một đại dịch trong quá khứ. Anh ấy quyết định tự mình lên cỗ máy thời gian, quay trở lại phòng thí nghiệm nơi virus từng bị phát tán ra toàn thế giới, để ngăn không cho điều ấy xảy ra.

    Trớ trêu thay, khi vừa mở cửa để bước chân vào phòng thí nghiệm ở quá khứ, anh ấy nhận ra chính cái mở cửa của mình đã vô tình làm phát tán virus ra khỏi phòng sạch, khởi đầu cho đại dịch toàn cầu. Một lần nữa, đó là ví dụ cho lời tiên tri tự ứng nghiệm.

    Nhưng kịch bản này có thể xảy ra trong thực tế hay không? Mặc dù chúng ta không có cỗ máy thời gian để đi ngược về quá khứ, câu trả lời là "có" nếu bạn quay ngược chiều mũi tên thời gian.

    Một nhà khoa học hoàn toàn có thể tạo ra một đại dịch tự ứng nghiệm ở hiện tại, khi anh ấy nghiên cứu một chủng virus trong quá khứ để nhằm ngăn chặn đại dịch xảy ra trong tương lai. Nhà khoa học đã không trở về quá khứ, nhưng các virus đã du hành từ quá khứ đến tương lai trong các ngăn tủ đông của loài người.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 2.

    Ảnh minh họa

    Theo một nghiên cứu mới về lịch sử dịch bệnh đăng trên tạp chí Perspectives in Biology and Medicine, các nhà khoa học nghi ngờ đó chính là kịch bản đã xảy ra vào năm 1977, làm bùng phát đại dịch cúm Nga.

    Một "lỗ hổng không thời gian" trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô, cộng với ý chí của một nhà khoa học nào đó ở vùng Viễn Đông đã vô tình khởi đầu một đại dịch mà chính ông ấy muốn ngăn chặn.

    Ví dụ về đại dịch tự ứng nghiệm này là bài học nhắc nhở các nhà khoa học ở hiện tại và tương lai, khi có ý định ngăn chặn một dịch bệnh nào đó, bản thân họ phải hết sức cẩn thận.

    Khởi đầu của "lỗ hổng không-thời gian"

    Mọi chuyện đã bắt đầu vào ngày 5 tháng 2 năm 1976, tại căn cứ quân sự Fort Dix của Mỹ. Một chàng binh nhì trẻ tuổi tên là David Lewis đang trên đường hành quân cùng đơn vị của mình thì ngã gục. Người ta chỉ nghĩ đơn giản anh chàng 19 tuổi này bị kiệt sức vì quãng đường đi bộ 80km, hoặc bị cảm lạnh vì mùa đông năm đó quá khắc nghiệt.

    Lewis được cho nằm nghỉ trong lán y tế của doanh trại, nhưng ngay trong ngày hôm đó, anh ấy đã qua đời.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 3.

    Ngày 5 tháng 2 năm 1976, tại căn cứ quân sự Fort Dix của Mỹ, một binh nhì trẻ tuổi tên là David Lewis qua đời vì nhiễm cúm H1N1.

    Kết quả xét nghiệm pháp y cho thấy Lewis dương tính với virus cúm lợn H1N1. Ngay lập tức, lệnh giới nghiêm đã được phát đi trên toàn căn cứ Fort Dix. Xét nghiệm hàng loạt được triển khai, phát hiện thêm 200 trường hợp dương tính với H1N1 khác, trong đó có 13 ca có triệu chứng hô hấp nặng cần nhập viện.

    Một hồi chuông báo động vang lên trên khắp nước Mỹ. Người ta sợ cái chết của binh nhì Lewis có thể là điềm báo cho một đại dịch toàn cầu giống như đại dịch cúm lợn H1N1 năm 1918 đã lây nhiễm 500 triệu và giết chết 50 triệu người. Bóng ma của đại dịch năm đó, được gọi là Cúm Tây Ban Nha, có đang quay trở lại?

    Không thể chần chừ, ngay lập tức chính phủ Mỹ đã phải hành động. Vào ngày 24 tháng 3 năm 1976, Tổng thống Gerald Ford đã công bố kế hoạch tiêm chủng toàn dân, "cho mọi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em tại Hoa Kỳ", ông nói.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 4.

    Tổng thống Gerald Ford tự mình tiêm vắc-xin cúm năm 1976.

    Vào ngày 1 tháng 10 năm 1976, chiến dịch tiêm chủng hàng loạt bắt đầu. Cùng lúc đó, dịch bệnh tại Fort Dix đã nhanh chóng lắng xuống, không có ca bệnh mới nào được ghi nhận tại căn cứ quân sự này sau tháng 2 cách ly.

    Như Đại tá Lục quân Frank Top, người đứng đầu cuộc điều tra về virus Fort Dix, sau này nói: "Chúng tôi đã chứng minh khá rõ ràng rằng (virus) không thể thoát ra được Fort Dix … nó đã tự mình biến mất".

    Tuy nhiên, đó là một giai đoạn nhạy cảm trong Chiến Tranh Lạnh, khi thông tin giữa các cường quốc bao gồm Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc bị gián đoạn. Các quốc gia đều tỏ ra nghi ngờ lẫn nhau. 

    Và khi nhìn vào chiến dịch tiêm chủng hàng loạt mà tổng thống Mỹ Gerald Ford đã phát động, không ai nghĩ nó chỉ xuất phát từ một đợt bùng phát virus cúm nhỏ ở một căn cứ quân sự tỉnh lẻ.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 5.

    Chiến dịch tiêm chủng toàn dân tại Hoa Kỳ khiến các cường quốc khác trên thế giới cũng lo sợ H1N1.

    Và thế là Trung Quốc và Liên Xô cũng bắt đầu phát động các chương trình nghiên cứu vắc-xin cho riêng mình. Mục đích là tạo ra một loại vắc-xin phòng được H1N1 trước khi virus xâm nhập qua biên giới.

    Hệ quả là mùa đông năm 1976-77, cả thế giới đã chuẩn bị và chờ đợi, sẵn sàng đối phó với một đại dịch cúm lợn H1N1. Nhưng cuối cùng, nó đã không bao giờ xảy ra.

    Những virus du hành thời gian

    Trong một diễn biến dịch tễ khác, vào tháng 11 năm 1977, nghĩa là 21 tháng sau khi virus cúm lợn H1N1 được phát hiện ở căn cứ quân sự Fort Dix của Mỹ, các viên chức y tế Liên Xô báo cáo họ đã phát hiện ra một chủng cúm H1N1 trên người ở Moscow.

    Cần phải nói rằng virus này không phải chúng cúm lợn đã lây nhiễm binh sĩ ở Mỹ, mà là một chủng cúm người rất kỳ lạ. Chỉ trong vòng 1 tháng, nó đã lây lan khắp Liên Xô và chẳng mấy chốc lan ra toàn thế giới.

    Sự kỳ lạ ở chủng H1N1 này nằm ở chỗ nó gây ra tỷ lệ tử vong rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 so với các chủng cúm khác. Thứ hai, virus dường như chỉ lây nhiễm người dưới 20 tuổi. Và cuối cùng, không giống như các loại virus cúm gây ra đại dịch trong quá khứ, thường áp đảo các ca cúm theo mùa.

    Chủng cúm H1N1 tại Liên Xô không thể đánh bại H3N2 là chủng cúm mùa đang thịnh hành. Cả hai chủng cúm này lưu hành song song nhau- một điều chưa từng xuất hiện trong lịch sử dịch tễ học.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 6.

    Tháng 11 năm 1977, một chủng cúm H1N1 bùng phát ở Liên Xô và chỉ lây nhiễm người dưới 20 tuổi.

    Câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác. Nhà vi sinh vật học Peter Palese đã áp dụng một kỹ thuật mới gọi là lập bản đồ oligonucleotide RNA để nghiên cứu cấu trúc di truyền của virus cúm H1N1 mới. Ông và các đồng nghiệp đã nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm, sau đó sử dụng enzyme cắt RNA để cắt bộ gen virus thành hàng trăm mảnh.

    Bằng cách phân tán RNA đã cắt thành hai chiều dựa trên kích thước và điện tích, các mảnh RNA đã tạo ra một bản đồ các đốm giống như dấu vân tay độc đáo.

    Điều khiến Palese ngạc nhiên là khi họ so sánh mẫu hình đốm của cúm Nga H1N1 năm 1977 với nhiều loại virus cúm khác, loại virus "mới" này về cơ bản giống hệt một chủng cúm H1N1 cũ ở người đã tuyệt chủng vào năm 1957.

    Phát hiện này thách thức lời giải thích đợt bùng phát này xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên. Số lượng các hạt virus cúm trên hành tinh này lớn đến mức không thể tưởng tượng nổi, lên đến hàng triệu tỷ, và tất cả các loại virus này đều liên tục đột biến và sắp xếp lại RNA của chúng theo thời gian.

    Giống như những bông tuyết, mỗi loại virus cúm mới được sao chép đều là duy nhất. Vì vậy, không thể có chuyện một virus cúm mới lại đột biến và quay trở lại sắp xếp RNA của chúng y hệt so với một chủng virus cũ đã tuyệt chủng cách đó 20 năm.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 7.

    Dấu vân RNA của virus cúm Nga năm 1977 giống hệt với chủng virus từng tuyệt chủng 20 năm trước đó.

    Chỉ có một lý giải duy nhất, đó là chủng cúm năm 1957 đã bằng cách nào đó hồi sinh và quay trở lại lưu thông. Điều này giải thích tại sao nó chỉ tấn công những người trẻ tuổi – những người lớn tuổi đã bị nhiễm bệnh và trở nên miễn dịch khi virus lưu thông cách đây nhiều thập kỷ trong lần đầu tiên xuất hiện.

    Nhưng làm thế nào mà chủng loại cũ có thể hồi sinh sau khi tuyệt chủng? Phải chăng chúng đã du hành được thời gian?

    Và du hành cả không gian?

    Mặc dù có tên là cúm Nga, đợt bùng phát virus H1N1 vào tháng 11 năm 1977 ở Liên Xô thực ra không phải đợt bùng phát đầu tiên. Như đã nói, đó là thời kỳ Chiến tranh lạnh và việc trao đổi thông tin chính xác về các vấn đề an ninh, bao gồm dịch bệnh và an ninh sinh học, giữa các cường quốc rất hạn chế.

    Một thời gian sau khi dịch cúm lợn H1N1 đã bùng phát khắp thế giới, báo cáo tiếp theo về đại dịch này mới tiết lộ thực ra nó đã bùng phát nhiều tháng trước tại thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc, có lẽ là giữa tháng 5 và tháng 6 năm 1977.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 8.

    Dữ liệu "đồng hồ phân tử" cho thấy virus H1N1 ban đầu đã lây nhiễm sang người ở Thiên Tân vào tháng 4 năm 1976, chỉ vài tháng sau cái chết của binh nhì Lewis.

    Nhưng báo cáo từ phía Trung Quốc thậm chí còn được cho là muộn hơn một năm so với thực tế. Vào năm 2010, một nhóm các nhà khoa học đã phân tích lại hồ sơ di truyền của virus H1N1 năm 1977 để truy ngược lại địa điểm và thời gian mà chủng virus này đã tiến hóa và bùng phát.

    Dữ liệu "đồng hồ phân tử" này cho thấy virus H1N1 ban đầu đã lây nhiễm sang người sớm hơn một năm, nghĩa là vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm 1976. Nói tóm lại, dịch cúm Nga năm 1977 thực ra đã xuất hiện - hay đúng hơn là "tái xuất hiện" - ở gần Thiên Tân, Trung Quốc, vào mùa xuân năm 1976.

    Đó là khoảng thời gian chỉ vài tháng sau cái chết của binh nhì Lewis. Và các nhà dịch tễ tự hỏi liệu một chủng cúm H1N1 trước đây đã tuyệt chủng đột nhiên quay trở lại lây nhiễm loài người ở thời điểm đó, có phải là ngẫu nhiên hay không?

    Peter Palese, nhà vi sinh vật học đã khám phá ra bí ẩn về nguồn gốc virus cúm Nga năm 1977 nghĩ là: Không! Trong một tài liệu năm 2004, Palese đã viết: "Việc xuất hiện của virus H1N1 năm 1977 được cho là kết quả của các cuộc thử nghiệm vắc-xin ở Viễn Đông, nơi hàng nghìn tân binh đã được cho nhiễm virus H1N1 có độc lực sống".

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 9.

    Chi-Ming Chu (thứ hai từ phải sang) là chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về bệnh cúm.

    Kết luận được Palese rút ra sau khi xâu chuỗi lại một loạt các trao đổi của ông với Chi-Ming Chu, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về bệnh cúm tại thời điểm đó. 

    Năm 1978, chính Chu cũng đã nhận thấy sự giống nhau kỳ lạ giữa virus cúm H1N1 năm 1957 và virus cúm bùng phát năm 1976 ở Trung Quốc và gọi sự kiện này là "hơn cả ngẫu nhiên", "chưa từng có trong lịch sử bệnh cúm".

    Chu không đưa ra lời giải thích chính thức cho sự giống nhau giữa hai chủng cúm này. Nhưng Palese nhớ rằng ông đã có những cuộc gặp và nói chuyện riêng với Chu vào cuối thập niên 1970. Các cuộc nói chuyện này gợi ý 2 kịch bản có thể đã xảy ra.

    "Đó là một đại dịch tự ứng nghiệm"

    Chúng ta trở lại bối cảnh năm 1976, sau cái chết của binh nhì Lewis, nước Mỹ đã triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn dân và nó khiến cả thế giới phải trở nên sốt sắng. Liên Xô và Trung Quốc, có thể bao gồm cả Vương Quốc Anh, ngay lập tức khởi động các chương trình nghiên cứu vắc-xin của mình.

    Để làm được điều đó, họ phải mở các tủ đông đang lưu trữ các chủng cúm H1N1 gần với chủng cúm đang lây nhiễm ở Mỹ nhất. Điều này dẫn tới kịch bản thứ nhất. Một nhóm các nhà khoa học ở vùng Viễn Đông đã rã đông virus H1N1 năm 1957, sao chép chúng và tạo ra một chủng virus giảm độc lực nhằm biến chúng thành vắc-xin để phòng ngừa virus H1N1 mới bùng phát ở Mỹ.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 10.

    Mùa đông năm 1976-77, Liên Xô và Trung Quốc, có thể bao gồm cả Vương Quốc Anh, đã khởi động các chương trình nghiên cứu vắc-xin H1N1 để đề phòng virus lây lan từ Mỹ tới.

    Nhưng vì lý do nào đó, virus này đã không được làm yếu đủ mạnh, nghĩa là độc lực của nó vẫn tồn tại, ở mức đủ để lây lan từ người sang người và gây ra đợt bùng phát ở Thiên Tân năm 1967.

    Kịch bản thứ hai cho rằng các nhà nghiên cứu ở vùng Viễn Đông đã cố tình lây nhiễm virus sống sang cho một nhóm tình nguyện viên, khả năng cao là các binh sĩ. Sau đó, virus đã thoát ra khỏi môi trường nghiên cứu của quân đội và lây lan vào cộng đồng dân cư.

    Bất kể cơ chế phát tán cụ thể là gì, các bằng chứng về RNA, thời gian, địa điểm bùng phát cho thấy đại dịch cúm Nga năm 1977 đã bùng phát vì chính hoạt động nghiên cứu của con người, nhằm phòng ngừa cho một đại dịch có thể xảy ra trước đó.

    "Kịch bản hợp lý nhất là virus năm 1977 là một loại virus được lưu trữ trong nhiều thập kỷ trong tủ đông của phòng thí nghiệm và được rã đông để nghiên cứu thử nghiệm trong cơn hoảng loạn cúm lợn năm 1976: Nó là một đại dịch "tiên tri tự ứng nghiệm"", Palese viết.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 11.

    Peter Palese, nhà vi sinh vật học đã khám phá ra bí ẩn về nguồn gốc virus cúm Nga năm 1977.

    Trong một bài bình luận mới đây trên The Conversation, Donald S. Burke, một chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Pittsburgh cho biết đại dịch cúm Nga năm 1977 đúng là một bài học lịch sử đáng suy ngẫm.

    "Các nhà virus học về cúm trên toàn thế giới đã sử dụng tủ đông để lưu trữ các chủng virus cúm trong nhiều năm, bao gồm một số chủng đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Nỗi lo về một đại dịch cúm lợn H1N1 mới vào năm 1976 tại Hoa Kỳ đã thúc đẩy một làn sóng nghiên cứu trên toàn thế giới về virus và vắc-xin H1N1 .

    Việc vô tình phát tán một trong những loại virus được lưu trữ này chắc chắn có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào đang tiến hành nghiên cứu về H1N1, bao gồm Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và có thể cả những quốc gia khác", ông viết.

    "Sự hồi sinh của một chủng virus H1N1 đã tuyệt chủng nhưng nguy hiểm, thích nghi với con người giữa lúc thế giới đang cố gắng ngăn chặn một đại dịch cúm lợn H1N1 sắp xảy ra cho thấy khi con người quá lo lắng về khả năng xảy ra một đại dịch mới đến nỗi họ vô tình gây ra một đại dịch.

    Đây là một đại dịch tự ứng nghiệm".

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 12.

    Bí ẩn Cúm Nga năm 1977: Một đại dịch tự ứng nghiệm từ “lỗ hổng không-thời gian” trong Chiến tranh Lạnh- Ảnh 13.

    Các phản ứng thái quá với dịch bệnh có thể tạo ra hậu quả không mong muốn, làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và gây ra lời tiên tri tự ứng nghiệm.

    Giáo sư Burke cho biết đại dịch cúm Nga năm 1977 đã để lại một bài học lớn trong bối cảnh thế giới ngày nay đang phải ứng phó với nhiều mối đe dọa từ dịch bệnh mới, ví dụ như các đợt bùng phát cúm gia cầm và virus đậu mùa khỉ gần đây, cộng thêm đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

    "Trong khi ứng phó với những mối đe dọa mới nổi, để ngăn chặn một đại dịch toàn cầu mới có thể xảy ra, nhanh chóng là cần thiết. Nhưng lịch sử đã cho thấy chúng ta cũng không nên quá vội vàng", Burke cho biết. "Các phản ứng thái quá sẽ tạo ra hậu quả không mong muốn, làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và gây ra lời tiên tri tự ứng nghiệm".

    "Tất nhiên, các cơ sở và chính sách kiểm soát sinh học đã được cải thiện đáng kể trong nửa thế kỷ qua", ông nói. Nhưng nguy cơ tạo ra một đại dịch tự mới, từ các "lỗ hổng không-thời gian" như đại dịch cúm Nga 1977, không phải là không có.

    Nguồn: Tham khảo Theconversation, Muse, Springer
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày