Bí ẩn hồ nước gây ra cái chết cho hơn 1700 người chỉ trong một đêm ở châu Phi

    Tài Nguyễn,  

    Thảm họa thiên nhiên bí ẩn cướp đi sinh mạng của hơn 1700 người chỉ trong một đêm ở châu Phi. Đến nay, vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho thảm họa này,

    Vào ngày 21 tháng 8 năm 1986, một trong những thảm hoạ tự nhiên kỳ lạ nhất trong lịch sử đã xảy ra ở Hồ Nyos, một hồ hình thành trên miệng núi lửa ở phía tây bắc Cameroon.

    Hồ đã giải phóng hàng trăm nghìn tấn carbon dioxide (CO2) độc hại, hình thành các đám mây và lan rộng khắp vùng lân cận với vận tốc gần 100 km/h. Theo thống kê, có tới 1.746 người và hơn 3.500 động vật tử vong trong vòng một vài phút.

     Hồ Nyos được hình thành trên miệng núi lửa ở phía tây bắc Cameroon.

    Hồ Nyos được hình thành trên miệng núi lửa ở phía tây bắc Cameroon.

    Trong bán kính 25 km xung quanh hồ, người dân địa phương và động vật hoang dã đã bị ngạt thở do thiếu oxy. Nhiều người từ các làng Cha, Nyos và Subum đã bị ngạt thở trong khi ngủ. Một số nạn nhân đã được tìm thấy với máu xuất hiện ở mũi và miệng của họ.

    Khi vài người còn sống sót tỉnh lại, họ không thấy có những dấu hiệu hỗn loạn hay bạo lực, chỉ có những xác chết nằm la liệt. Ngay cả những con ruồi cũng không thể sống nổi. Các phóng viên địa phương mô tả sự việc giống như hậu quả của một quả bom neutron.

    Joseph Nkwain, người may mắn sống sót sau khi bất tỉnh 3 giờ, kinh hoàng kể lại với nhà nghiên cứu Arnold H. Taylor thuộc trường đại học Plymouth: "Tôi không thể nói được và trở nên vô thức. Tôi không thể mở miệng ra vì tôi ngửi thấy không khí có mùi rất khủng khiếp. Bất chợt, tôi thấy con gái mình đang nằm gần đó và nhận ra nó đã chết. Tôi phát hiện cánh tay của tôi có một số vết thương và không biết lý do tại sao".

     Khung cảnh chết chóc sau thảm họa với la liệt xác người và động vật.

    Khung cảnh chết chóc sau thảm họa với la liệt xác người và động vật.

    George Kling, nhà sinh thái học thuộc Đại học Michigan nói rằng đây là sự kiện tự nhiên kỳ lạ nhất trong lịch sử màc các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nó. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu xác định rằng hồ Nyos đã thải ra một lượng CO2 khổng lồ vào khoảng 9 giờ tối và vì khí CO2 nặng hơn không khí nên nó nhanh chóng chìm xuống các thung lũng dưới, phủ kín tất cả mọi thứ trong một lớp khí độc dày 50 m. Thông thường, hàng trăm ngàn tấn CO2 được giữ trong hồ, nhưng lần này, cái gì đó đã khiến lượng khí này thoát ra ngoài.

    Nhà địa chất học David Bressan giải thích, khí từ núi lửa phát ra từ bên dưới hồ, hòa tan và tập trung ở vùng nước sâu nhất. Vùng nước ấm phía trên đã giữ cho lượng khí này ở trong vùng nước lạnh phía dưới. Khi có sự tác động như động đất hay phun trào núi lửa đã làm xáo trộn vùng nước ấm và khiến CO2 thoát ra ngoài gây nên thảm họa.

    Theo một báo cáo của Atlas Obscura, các nhà khoa học phát hiện ra rằng hồ nước này đã từng phát nổ trong một vụ phun trào núi lửa, tạo ra cột nước cao tới 91 mét kèm theo một cơn sóng thần nhỏ.

    Chưa có một lời giải thích khoa học nào thỏa đáng về nguyên nhân của vụ việc được đưa ra. Có một số phỏng đoán cho rằng việc thử bom được thực hiện bởi chính phủ Israel và Cameroon đã khiến khí CO2 trong hồ thoát ra ngoài. Tuy nhiên, các bằng chứng về thời gian không phù hợp với giả thuyết này.

    Thật kỳ lạ, một sự kiện tương tự đã xảy ra trong khu vực chỉ hai năm trước đó ở hồ Monoun, vụ phun trào CO2 đã giết chết 37 người. Không ai biết nguyên nhân gây ra sự phun trào đó.

    Để ngăn các hồ nước này phun trào CO2 một lần nữa, vào năm 2001, các kỹ sư đã lắp đặt đường ống để hút CO2 dưới lòng hồ và thải nó ra dần dần ra ngoài không khí. Một bộ ống khác đã được lắp đặt vào năm 2011 sau khi các nhà nghiên cứu cảnh báo về vụ nổ khí gas "lớn chưa từng có".

    Khi vấn đề này được giải quyết, lại xảy ra một vấn đề khác, đó là địa chất ở miệng hồ Nyos bắt đầu suy yếu, đe dọa toàn bộ lượng nước bên trong sẽ tràn ra. Một đập nước đã được xây dựng để bảo vệ nó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dự đoán trong tương lai gần, công trình sẽ không thể nào ngăn được thảm họa xảy ra.

    Chúng ta hãy hy vọng các nhà khoa học sẽ tìm ra cách để dự đoán tốt hơn trước, để không xảy ra thảm họa như 30 năm về trước.

    Tham khảo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ