Một cái hắt hơi từ người béo có khiến bạn tăng cân?
Randy 62 tuổi, cao 1m85. Thời thơ ấu, ông lớn lên trong một trang trại ở làng Glasford thuộc tiểu bang Illinois. Lối sống kiểu mẫu của một gia đình nông dân Mỹ đã tập cho Randy những kỷ luật từ khi còn rất nhỏ.
Ông luôn ra khỏi giường khi mặt trời bắt đầu mọc, xỏ ủng và mặc quần jean. Trước khi ăn sáng, Randy sẽ phải vắt đủ sữa bò, dọn cỏ khô và quét chuồng gà. Hết năm này qua năm khác, mỗi ngày bất kể thời tiết hay sức khỏe, Randy luôn luôn hoàn thành những công việc của mình. Chỉ khi nào chúng được hoàn thành, ông mới có thể yên tâm vào bếp và chuẩn bị bữa sáng.
Chăm sóc cả một đàn gà hẳn là công việc khó nhọc. Randy sẽ phải chui vào chuồng, lùa lũ gà ra hết ngoài và quét dọn những thứ bẩn thỉu chúng để lại. Sau đó, ông lại phải xua đủ cả đàn vào trong một chiếc cũi mới ngoài trời. Bởi những con gà sẽ hoạt bát hẳn lên sau một đêm bị nhốt, một vài con sẽ chạy quanh khiến công việc đôi khi rất đáng sợ.
Vào một ngày nọ, Randy nhớ đó là năm ông 11 tuổi, một con gà trống vạm vỡ đã vung cái chân, với móng vuốt sắc nhọn của nó đạp vào chân ông. Randy hét lên trong đau đớn. Ông mô tả cú đá ấy ở tuổi 11 giống như bị một lưỡi câu cỡ lớn móc phải.
Câu chuyện của Randy bắt đầu từ một con gà trống
Con gà trống đã để lại hẳn một vết rách dài và máu chảy ròng xuống tận mắt cá chân Randy. Ông ngay lập tức chạy vào nhà để rửa sạch vết thương. Con gà và cái chân của nó hẳn đã rất bẩn sau một đêm lội dưới sàn chuồng chật hẹp.
Vài ngày sau đó, chẳng có chuyện gì xảy ra cả, vết rách không nhiễm trùng và lành lại. Nhưng Randy cảm thấy có chút gì đó thay đổi trong thói quen ăn uống. Ông cảm thấy thèm ăn hơn mọi khi và lúc nào cũng đói. Đó là lý do ông bắt đầu lục tung hết thực phẩm trong nhà và ăn liên tục. Khác với thói quen cũ, Randy ăn thêm các bữa phụ giữa buổi và lúc nào cũng có bữa tối quá tải.
Từ một đứa trẻ người dong dỏng, Randy đã tăng 4 ký rưỡi vào năm sau đó. Ba mẹ ông tin rằng đó chỉ là dấu hiệu của tuổi dậy thì, mặc dù có thể là nó đến hơi sớm so với những đứa trẻ khác. Thế nhưng, dáng người béo tròn của Randy bắt đầu ngày càng lộ rõ, những sự nghi ngờ bắt đầu bởi cả gia đình ông chẳng có ai béo cả.
Randy vẫn tiếp tục giữ thói quen dậy sớm và làm việc trong nông trại. Anh buộc mình ăn ít hơn, chuyển sang những loại thực phẩm thấp calo và tập thêm cả thể dục. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực cho đến tuổi thiếu niên, cậu bé Randy đã thừa hơn 18 cân so với mức bình thường. Ông nhớ lại: “Tôi đã tăng cân, cho dù làm việc hàng năm trong nông trại với đủ hoạt động nặng nhọc”.
Mọi người trong gia đình Randy đều muốn kìm lại sự tăng cân của cậu. Họ chuyển sang ăn thực phẩm calo thấp và khuyến khích chàng thanh niên tập thể dục. Thế nhưng, cho đến những năm tháng đại học, Randy vẫn không thể chiến thắng nổi cân nặng. Nhiều lần anh chàng đã tự hỏi điều gì đã xảy đến với mình. Randy đã là một đứa trẻ gầy khi đứng giữa tất cả bạn bè thời thơ ấu. Nhưng sau đó mọi thứ thay đổi ngược lại, từ khi ông bị đá chảy máu bởi một con gà trống.
Trường hợp kỳ lạ của những con gà Ấn Độ
Ở Mumbai Ấn Độ, Nikhil Dhurandhar nối nghiệp cha mình để trở thành một bác sĩ điều trị béo phì. Nhưng cũng giống như bất kể một ai làm việc trong lĩnh vực này, Nikhil sẽ phải đối mặt với một thách thức chung phổ biến.
“Vấn đề là ở chỗ tôi không thể tạo ra được một thứ gì đó hay làm gì cho bệnh nhân, khiến họ có thể giảm cân và duy trì được trong thời gian dài”, anh nói. “Những bệnh nhân của tôi cứ điều trị rồi lại quay trở lại”.
Cách đây khá lâu, Nikhil và ba anh có mời một người bạn của gia đình đến nhà uống trà, S. M. Ajinkya, một nhà bệnh lý học thú y. Ajinkya nói chuyện về một dịch bệnh gia cầm đã từng hoành hành tại Ấn Độ, giết chết hàng ngàn con gà. Anh là người đã phát hiện ra chủng virus gây bệnh và đặt tên cho nó. Cái tên khá dài và khó nhớ, nhưng nó được viết tắt là SMAM-1.
Khi mổ tử thi các con gà nhiễm bệnh này, Ajinkya phát hiện tuyến ức của chúng đều bị teo lại. Thay vào đó, thận và gan của những con gà phì đại và chất béo tích tụ rất nhiều ở bụng. Rõ ràng đó đều là những dấu hiệu bất thường, Ajinkya giải thích. Virus gây bệnh thường gây sút cân chứ không bao giờ khiến những con vật béo lên cả.
Khi Ajinkya sắp lái câu chuyện sang một hướng khác, Nikhil đã ngắt lời anh lại: “Anh vừa nói một điều gì đó có vẻ không đúng. Những con gà có rất nhiều chất béo ở vùng bụng. Liệu rằng chính virus đã khiến chúng béo?”.
Gà có thể béo lên vì nhiễm phải một virus có tên SMAM-1
Ajinkya lúc này mới phân vân: “Tôi cũng không biết nữa”. Nếu muốn có câu trả lời, Nikhil phải bắt tay vào nghiên cứu. Sau buổi uống trà hôm đó, anh đã lên kế hoạch dưới sự khuyến khích của Ajinkya. Sau này, khảo sát và nghiên cứu những con virus gây béo phì đã thực sự trở thành một đề tài trong luận án tiến sĩ của Nikhil.
Ban đầu, anh đã thiết kế một thí nghiệm sử dụng 20 con gà khỏe mạnh. Một nửa trong số đó được nhiễm bệnh chủ động với virus SMAM-1. Nikhil cho cả hai nhóm gà ăn cùng một lượng thức ăn. Nhưng đến thời điểm thí nghiệm kết thúc, chỉ có những con gà nhiễm SMAM-1 mới béo lên. Mặc dù vậy, Nikhil phát hiện ra một nghịch lý là chúng lại có mức cholesterol và trglyceride thấp.
“Nếu bạn có một con gà béo, bạn sẽ dự đoán được chúng cũng có nồng độ cholesterol và tryglyceride cao. Nhưng trường hợp này, những chỉ số đã cho thấy điều ngược lại”. Nikhil nói.
Để thực sự xác nhận quan sát khoa học này, Nikhil đã phải thiết kế một thí nghiệm lặp lại. Lần này, anh sử dụng một mẫu lớn hơn gấp 5 lần. Trong số 100 con gà mới, đúng thật là chỉ 50 con nhiễm virus SMAM-1 mới béo lên. Nikhil thực sự hứng thú: Một virus có thể gây ra tình trạng béo phì đúng như điều mà anh nghi ngờ.
Không dừng lại lưng chừng, Nikhil tiếp tục thiết kế thí nghiệm mới. Anh lựa chọn một nhóm gà khỏe mạnh và chia chúng làm 3: một nhóm bình thường, một nhóm nhiễm virus và một nhóm gồm cả những con gà khỏe sống cùng những con gà nhiễm bệnh.
Trong vòng 3 tuần, những con gà khỏe mạnh sống chung chuồng với gà nhiễm bệnh cũng đã bị dính virus. Chúng tăng cân lên đến cùng một mức có thể so sánh với lũ gà nhiễm bệnh bị cô lập. Kết luận mà Nikhil mong đợi được tuyên bố: Béo phì, nó thực sự là thứ có thể lây như bệnh truyền nhiễm.
Liệu rằng béo phì có thể lây lan như bệnh truyền nhiễm?
Hiện tại, Nikhil đã là một nhà khoa học. Anh là một người lý trí và bình tĩnh. Nhưng ngay cả vậy khi nói đến các con virus gây béo phì, Nikhil cũng phải thừa nhận rằng ý tưởng đó thật ngạc nhiên hết sức. Liệu khi bạn hắt hơi vào một ai đó sẽ khiến anh ta béo phì lên? Béo phì có thể lây lan ở động vật, nhưng liệu nó có thể diễn ra trên con người?
Tiêm SMAM-1 vào người thử nghiệm là một điều phi đạo đức, nhưng Nikhil đã có cách khác để đi tìm câu trả lời. Anh đã từng làm việc ở một phòng khám béo phì trong quá khứ và những năm tháng ấy bây giờ sẽ trở nên có ích.
“Tôi đã từng làm nhiều xét nghiệm máu cho những bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng giờ tôi có thể trở lại và xin họ một chút máu để làm xét nghiệm với kháng thế SMAM-1”, Nikhil nói.
Mục đích của việc tìm ra kháng thể là để xem những bệnh nhân của anh trong quá khứ đã từng nhiễm SMAM-1 hay chưa. Quan niệm thường có hiện nay, là một virus gây bệnh cho gà ít khi lây nhiễm sang người. Nhưng bởi đã quen với những điều bất ngờ, Nikhil quyết định sẽ điều tra đến cùng.
Không ngoài dự đoán, Nikhil nói rằng 20% số bệnh nhân mà anh thử nghiệm máu cho kết quả dương tính với kháng thể SMAM-1. Và cũng chính nhóm 20% này là những người có chỉ số BMI cơ thể cao hơn, nồng độ cholesterol và triglyceride cũng thấp hơn. Những tính chất này giống hệt với lũ gà. Nikhil cho biết, nếu bị nhiễm virus SMAM-1, những bệnh nhân trung bình sẽ nặng thêm khoảng 15 kg.
Cân nặng vẫn cứ tăng lên
Trong khi Nikhil tiếp tục những nghiên cứu của anh ở Ấn Độ, Randy vẫn phải loay hoay để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tăng cân của mình.
Năm 1977, sau một thời gian làm việc như một giáo viên, Randy xin nghỉ và trở lại trang trại bởi ông thích truyền thống làm nông của gia đình. Ông sau đó kết hôn và có 4 người con. Trong những bữa tối gia đình và đôi khi là buổi tiệc tùng, Randy đã cố gắng kìm chế để ăn ít hơn mọi người. Tuy nhiên, cân nặng của ông vẫn tăng vọt, cho đến tuổi 30, Randy đã nặng 136 kg.
Lúc nào Randy cũng cảm thấy đói, nhưng ngay cả khi anh cố gắng nhịn ăn, cân nặng không suy chuyển. “Tôi có thể đã dành vài tuần ăn uống rất kiêng khem, ít hơn nhiều so với bất kể ai xung quanh mình. Nhưng ngay khi mà tôi chấm dứt nó và có một bữa ăn hỉ xả, cân nặng sẽ ngay lập tức tăng trở lại”, ông chia sẻ.
Nỗ lực kiểm soát chế độ ăn của mình, ngay cả khi đem lại một chút thành quả cho Randy cũng khiến ông vô cùng khổ sở. “Tôi không thể nói cho bạn biết cái cảm giác lúc nào cũng đói nó như thế nào. ‘Ăn kiêng sẽ khiến bạn căng thẳng, nhưng hãy thử nó’. Hầu hết mọi người đều khuyên như vậy đấy, nhưng họ đâu có phải trải qua cái cảm giác ấy mà biết được”.
Mùa thu năm 1989, Randy 35 tuổi. Anh đăng ký thi lấy bằng lái xe. Điều kiện bắt buộc là anh sẽ phải khám sức khỏe. Có một buổi xét nghiệm nước tiểu và người y tá đã hỏi Randy rằng liệu anh có cảm thấy mình khỏe mạnh không? “Tôi hoàn toàn ổn”, anh đáp.
Nhưng cô y tá đã yêu cầu Randy làm thêm một xét nghiệm máu nữa, chẳng hiểu tại sao nước tiểu của anh có nồng độ đường bất thường. 500 mg/dL, đó là nồng độ glucose trong mẫu máu của Randy, không còn nghi ngờ gì nữa, người đàn ông 35 tuổi đã có nồng độ đường trong máu gấp 5 mức bình thường.
Kết quả này ngay lập tức được gửi cho bác sĩ của Randy, ông sau đó đã đề nghị anh một vài xét nghiệm mới để kết luận: Randy đề kháng insulin và đã mắc tiểu đường nặng.
Kiểm soát cân nặng là một điều hết sức khó khăn với những người béo phì
Thời gian trôi thêm 5 năm nữa, Randy lúc này sắp chạm tới mức 160 kg. Bây giờ nếu không dừng lại kịp, anh sẽ sớm phải đối mặt với biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường và béo phì, bao gồm bệnh lý tim mạch và những tổn thương thần kinh.
Sau khi đã thử nhiều chế độ ăn kiêng mà không hiểu quả, Randy và bác sĩ quyết định rằng anh nên nằm viện, trong một chương trình chăm sóc bệnh nhân tiểu đường nặng. Các y tá thường xuyên xét nghiệm máu cho Randy để xác định những điểm thời gian tối ưu nên tiêm insulin cho anh.
Tiếp tục thực hiện chế độ ăn dành cho người bệnh tiểu đường, Randy cắt bỏ toàn bộ carbohydrate tinh chế, bao gồm cả bánh mì. Ăn nhiều thịt, rau và chất béo. “Tôi đã không ăn bánh mỳ và pizza dù chỉ một miếng trong nhiều năm trời”, ông nói. Nhưng ngay cả khi chế độ ăn nghiêm ngặt đến vậy, một số thời kỳ Randy vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng của mình.
Từ thời còn là một cậu bé, Randy đã duy trì tập thể dục, ăn kiêng và tránh những buổi tiệc tùng xã giao. Nhưng những kỷ luật và nguyên tắc dường như không có ý nghĩa với tình trạng tăng cân. Bây giờ, anh phải vào viện và đối mặt với một tình trạng “giam lỏng” vĩnh viễn. Môi trường bệnh viện dù sao cũng giúp Randy giảm được một vài cân, nhưng rất ít.
Virus gây béo phì ở Mỹ
Nikhil tới Mỹ để theo học một chương trình sau tiến sĩ tại Đại học Wisconsin. Ở đây, anh được tự do theo đuổi chương trình nghiên cứu của mình. Tiếp tục sự tò mò mãnh liệt với virus béo phì, anh đã xin Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho phép nhập một số mẫu SMAM-1 từ Ấn Độ.
Họ từ chối, Nikhil đã vô cùng thất vọng.
Không thể có được mẫu virus ưng ý, Nikhil đã tiếp cận một công ty bán virus. Ở đây, họ cho anh một danh mục 50 lựa chọn để làm nghiên cứu tương tự với SMAM-1. Nhiều quá khiến Nikhil đắn đo, anh không biết chọn mẫu virus nào để bắt đầu.
“Nên bắt đầu ở số 1, số 2, số 3 hay 50, 49 và 48?”, Nikhil tự hỏi rồi quyết định lựa chọn Ad-36. Chủng virus này khá lạ vì kháng nguyên của nó chỉ có tác dụng với chính nó mà các kháng nguyên của 49 loại virus còn lại cũng không làm việc với Ad-36.
Một lựa chọn tình cờ và khá may mắn. Hóa ra, Ad-36 lại có những tính chất khá sát với SMAM-1 ở gà. Nhưng nó là một virus trên người. Tiến sĩ Richard Atkinson, người hướng dẫn của Nikhil nói rằng rất có thể Ad-36 là một dạng đột biến của SMAM-1.
Khi tiêm Ad-36 vào những con gà thí nghiệm, Nikhil quan sát được hiện tượng quen thuộc, lượng chất béo trong cơ thể chúng tăng lên, nồng độ cholesterol và triglyceride giảm xuống. Để loại trừ các khả năng gây nhiễu, Nikhil đã thử nghiệm một virus khác gọi là Celo trên gà, nhưng chúng không hề tăng cân giống với Ad-36. Nhóm gà khỏe mạnh mà anh giữ làm đối chứng cũng không tăng thêm một lượng chất béo nào.
Virus Ad-35 được Nikhil đem sang thử nghiệm với chuột và khỉ. Trong tất cả các trường hợp, virus này đã làm những con vật béo lên. Những con khỉ thậm chí đã đạt tới cân nặng gấp 3 lần, chất béo trong cơ thể chúng tăng thêm 60%.
Mọi nỗ lực đã dẫn đến nút thắt của câu chuyện: Ad-36 có gây béo phì cho con người? Nikhil và tiến sĩ Atkinson đã lựa chọn 500 người để tìm kiếm kháng thể Ad-36 trong máu của họ. Kết quả chỉ ra 30% những người béo phì được xét nghiệm đã từng nhiễm Ad-36 trong quá khứ của họ. Trong khi đó chỉ có 11 người không béo đã từng bị ảnh hưởng bởi virus này.
Tỷ lệ 3:1 là khá lớn. Ngoài ra, những người không béo mà nhiễm Ad-36 đều nặng hơn so với những người không nhiễm. Kết quả này đủ để khẳng định một lần nữa Ad-36 có liên quan đến béo phì.
Thí nghiệm tiếp theo được Nikhil thiết lập nghiêm ngặt hơn. Anh tìm được một số cặp song sinh đối lập với một người đã từng nhiễm Ad-36 và một người không. Quả là những người nhiễm virus béo hơn đáng kể. “Đây đã là điểm gần nhất cho phéo bạn quan sát sự ảnh hưởng của virus trên người”, Nikhil nói. Bởi những thí nghiệm tiêm Ad-36 vào người sẽ không bao giờ được chấp nhận vì rào cản đạo đức.
Tiến sĩ Nikhil Dhurandhar (phải), người đã theo đuổi các nghiên cứu về virus gây béo phì
Đừng trách cứ những người béo
Bác sĩ của Randy là người đã gắn bó với quá trình điều trị của ông trong hàng chục năm. Ông hiểu rằng cuộc chiến của người đàn ông này với cân nặng rất khó nhọc và chưa thể dừng lại. Một trong những lựa chọn cuối cùng, bác sĩ Randy dẫn ông tới Đại học Wiscosin và gặp tiến sĩ Atkinson. Đó là thời điểm mà Randy hiểu rằng nếu không kiểm soát được cân nặng, ông sẽ chết.
Tiến sĩ Atkinson gây được ấn tượng đầu tiên với Randy. Ông là một người tốt bụng và không hề trách cứ Randy về việc không kiểm soát nổi bản thân và béo đến nỗi tệ hại. “Những người khác thì sẽ gán lỗi cho bạn”, Randy nói. Họ sẽ hỏi về quá khứ, tại sao bạn lại phải tới phòng khám béo phì và có rất nhiều thứ để đổ lỗi.
Tiến sĩ Atkinson thì không, ông chỉ nói về chuyện hiện tại và xem Randy phải làm gì cho tương lai. Ông đã thiết kế cho Randy một chương trình giảm cân dài hạn. Béo phì là một bệnh mãn tính và Atkinson giải thích rằng nhiều khi Randy phải điều trị cho tới hết cuộc đời.
Trong 3 tháng đầu của chương trình, Randy thậm chí phải tham dự một số bài giảng cơ bản về chất béo và béo phì. Ông cũng phải bắt đầu các biện pháp giảm cân và tái khám ban đầu là 1-2 tuần một lần, sau là mỗi 1-2 tháng. Nếu cân nặng không giảm theo chu trình thiết kế mà tăng trở lại, số lần khám thường xuyên sẽ được tăng lên.
Mọi bệnh nhân của tiến sĩ Atkinson phải cam kết họ sẽ theo đuổi chương trình đến cùng và nỗ lực hết sức mới được đăng ký.
Tiến sĩ Atkinson giới thiệu với Randy người trợ lý của ông, tiến sĩ Nikhil Dhurandhar, một nhà khoa học trẻ đến từ Ấn Độ. Nikhil trực tiếp khám cho Randy và sau đó đã lấy mẫu máu của ông đem xét nghiệm. Kết quả dương tính với kháng thể Ad-36. Có nghĩa là tại một thời điểm nào đó trong quá khứ, Randy đã bị nhiễm loại virus này.
Câu chuyện được kể lại, cái thời điểm mà Randy còn là cậu bé 11 tuổi với vết rách da do gà đá. Cái cảm giác thèm ăn kinh khủng sau đó, sự tăng cân nhanh chóng mà ba mẹ ông ngỡ là tuổi dậy thì... Không phải, bây giờ Randy đã hiểu mọi chuyện.
Giống như những con gà ở Ấn Độ, khỉ ở Mỹ và các cặp song sinh mà Nikhil từng nghiên cứu, virus đã khiến cho Randy béo lên. Ông chia sẻ: “Những gì mà Atkinson và Nikhil đã làm giúp tôi thay đổi cuộc sống của mình”. Ít ra bây giờ Randy đã có thể giải thích được cái câu hỏi giày vò ông, thứ gì khiến ông béo và đâu là điểm bắt đầu mọi chuyện.
Một virus có thể làm gì mà khiến con người béo phì?
Tiến sĩ Atkinson giải thích rằng có 3 cách để chúng làm được điều đó:
1. Virus làm tăng sự hấp thụ của glucose vào máu và chuyển chúng thành chất béo
2. Nó làm tăng hiệu suất quá trình tạo phân tử chất béo thông qua sự tổng hợp axit béo.
3. Nó cho phép tạo ra nhiều tế bào béo từ tế bào gốc để giữ chất béo lại. Các tế bào béo ngày một lớn hơn và cơ thể tạo ra chúng nhiều hơn.
Cả tiến sĩ Atkinson và Nikhil đều cho rằng cú đá định mệnh của con gà trống năm Randy 11 tuổi là thứ đã bắt đầu quá trình sau khi lây nhiễm Ad-36 cho ông. Nhưng có một chút thận trọng, các nhà nghiên cứu cho biết sự lây truyền virus này từ gà sang người là thứ chưa từng được nghiên cứu.
Lây nhiễm một loại virus có thể khiến cho một người béo thêm trung bình 15 kg.
Cho tới thời điểm hiện tại, các bằng chứng về mối liên hệ giữa Ad-36 và béo phì đã tương đối nhiều. Nhưng sự hoài nghi vẫn còn đó. Tiến sĩ Atkinson nói:
“Tôi nhớ một buổi hội thảo từng tham gia, trong đó 15 nghiên cứu khác nhau đã được trình bày cho thấy Ad-36 trực tiếp gây ra hoặc có liên quan đến độ béo. Ở cuối buổi, một người bạn tốt nói với tôi rằng: ‘Tôi không tin điều đó’. Anh ấy không đưa ra lý do nào cả, nhưng anh ấy chỉ không tin. Mọi người đang mắc kẹt trong suy nghĩ rằng chỉ thói quen ăn uống quá độ và lười tập thể dục mới có thể gây béo. Nhưng thực tế sẽ có những nguyên nhân khác nữa”.
Tiến sĩ Nikhil cho biết thêm: “Có một sự khác biệt giữa khoa học và đức tin. Những gì bạn tin thì thuộc về đức tin mà không phải khoa học. Trong khoa học, bạn phải nói bằng những dữ liệu. Tôi đã từng phải đối mặt với những người hoài nghi, nhưng khi tôi hỏi họ tại sao, họ không thể nói ra một lý do cụ thể. Khoa học không có chỗ cho niềm tin, nó chỉ nói chuyện về thực tế. Có một câu nói thế này- ‘Chúng tôi tin tưởng vào Chúa, thế thôi, còn những điều khác thì phải mang dữ liệu ra đây”.
Theo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"