Bị cá mập cắn năm 13 tuổi, đây là cách cậu bé này vượt qua nỗi sợ hãi và trở lại biển cả
Cậu và cả gia đình đã phải trải qua một biện pháp trị liệu tâm lý gọi là "liệu pháp phơi nhiễm".
Đó là một buổi sáng mùa thu mờ sương năm 2018, Keane Hayes đang bơi cách bờ biển Beacon ở San Diego khoảng 200 mét. Cậu bé sinh năm 2005 quyết định lặn xuống dưới đáy để tìm tôm hùm.
Tiếp cận độ sâu khoảng 3 mét, Keane tìm thấy một mỏm đá có khả năng là nơi mà lũ tôm đang trốn. Cậu bơi vòng xung quanh đó để xem xét nhưng cuối cùng lại chẳng thấy một con tôm nào.
Trắng tay khi đang chồi lên mặt nước, Keane đột nhiên cảm thấy cơ thể mình bị giật mạnh.
Ban đầu, cậu bé nghĩ rằng đó là người bạn lặn đang làm trò chơi khăm mình. Nhưng sau đó, Keane thấy bộ wet suit của mình bị rách và từ vết rách lớn đó, một dòng máu đỏ túa ra hòa vào nước biển.
Keane hoảng loạn khi lên tới mặt biển, cậu bé la hét và vùng vẫy. Một chiếc kayak bị thu hút bởi tín hiệu cầu cứu đã tiếp cận cậu, trên đó có một cảnh sát và một nhân viên cứu hộ đã đưa cậu vào bờ.
Keane thậm chí còn không nhìn thấy con cá mập đã cắn mình, nhưng nó chắc chắn là một con cá mập.
Khi thiên đường trở thành bóng tối
Keane sinh ra và lớn lên ở thành phố ven biển San Diego thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ. Cậu bé mê bơi lội từ bé. Ellie Hayes, mẹ Keane kể lại rằng bà và chồng mình, Ben Hayes đã phải cậy tay Keane ra khỏi bể bơi mỗi khi cậu không muốn lên bờ. Mỗi lần như vậy Keane đều khóc rất dữ dội.
Nhưng càng lớn, Keane càng cảm thấy những chiếc bể bơi nhỏ bé mới chính là nơi giam cầm mình. Như những đứa trẻ lớn lên ở vùng duyên hải khác, cậu bé tự nhiên tìm thấy đại dương như một thiên đường mới.
Keane bắt đầu chinh phục biển cả bằng bộ môn lướt sóng. Nhưng không lâu sau đó, cậu nhận ra lặn biển mới là thứ mình phải lòng. Keane thường bị quyến rũ bởi những gì có bên dưới bề mặt đại dương, cậu bé thường quay phim lại những chuyến lặn tìm động vật giáp xác của mình và chia sẻ chúng lên Youtube.
Bước ngoặt xảy đến vào ngày 29 tháng 9 năm 2018, ngày khai mạc mùa lặn tôm hùm ở San Diego. Mẹ Keane đã miễn cưỡng cho phép cậu đi săn tôm hùm hôm đó. Bà cùng chồng mình cũng đã tới lễ hội để cổ vũ, họ đứng trên đỉnh một vách đá để quan sát vị trí của con trai.
Khi những tiếng la hét của Keane vang lên từ mặt nước, cha cậu đã quay sang nói đùa với vợ mình "Có lẽ thằng bé đang bị một con cá mập ăn thịt". Gần như chỉ một khoảnh khắc sau đó, họ nhận ra câu bông đùa có thể là sự thật. Cả hai lao ra bãi biển để đón chiếc kayak đang đưa cậu bé vào bờ.
Keane khi đó bị thương rất nặng. Vết cắn của con cá mập sâu đến nỗi nhân viên cứu hộ có thể nhìn xuyên qua đó và thấy phổi của cậu bé đang phập phồng. Keane được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Rady trong tình trạng nguy kịch. Cậu bé phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ và khâu tổng cộng 1.000 mũi.
Các bác sĩ đã đối chiếu hàm răng con cá mập với những dấu vết DNA mà nó để lại trong vết cắn. Nó được xác định là một con cá mập trắng khổng lồ. Con cá đã cắn gãy xương đòn cánh tay của Keane và để lại vô số vết thương ở lưng bao gồm rách cổ tay quay, gãy xương bả vai, tổn thương toàn bộ cơ delta và latissimus dorsi.
Keane nằm viện khoảng một tuần, nhưng cậu thường xuyên phải trở lại với các cuộc kiểm tra và tập vật lý trị liệu liên tục. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thử thách của mình, Keane luôn ấp ủ một khao khát trong thâm tâm mình – một ngày nào đó sẽ được hòa mình trở lại biển cả.
Chàng trai 13 tuổi không chỉ muốn tìm lại niềm đam mê của mình. Cậu bé còn muốn truyền cảm hứng cho những người khác: "Ngay cả khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra, bạn vẫn có thể tìm ra cách để làm những gì bạn yêu thích, bất kể điều đó là gì", Keane nói.
Nhưng chờ đợi cậu bé là những thử thách lớn thực sự, những vết sẹo về mặt thể chất cũng như tinh thần – không chỉ của chính cậu bé mà còn từ phía gia đình cậu ấy.
Đối phó với một sang chấn đặc biệt
Những ngày sau khi bị cá mập cắn, Keane bị choáng ngợp bởi sự chú ý, từ báo đài, tin tức địa phương cho tới sự lo lắng của bạn bè và gia đình. Cha mẹ cậu đã tự hỏi liệu con trai mình có bị ám ảnh bởi con cá mập hay không?
Để động viên Keane và gia đình, nhà văn Bethany Hamilton đã tới thăm họ. Cô gái sinh năm 1990 cũng đã gặp một tai nạn với cá mập vào năm 2003, nghĩa là đúng năm cô 13 tuổi. Hamilton thậm chí còn bị mất hẳn một bên tay nhưng sau đó vẫn trở thành một vận động viên lướt ván thành công.
Cô chính là một minh chứng sống cho thấy bạn không nhất thiết phải mang một nỗi ám ảnh cả đời với một con cá mập.
Trò chuyện với Keane, Hamilton đã giúp cậu bé nhận ra rằng vết cắn có thể chỉ là do con cá mập bị nhầm cậu với thứ gì đó. Cá mập trắng thực ra có thị lực rất kém và nó không bao giờ chủ ý săn con người.
Một nghiên cứu năm 2021 công bố trên Tạp chí Journal of the Royal Society Interface cho thấy cá mập thường xuyên nhầm con người với hải cẩu. Keane sau đó đã cảm thấy bớt sợ hãi hơn, khi cậu bé nhận thấy con cá mập không chủ ý nhắm vào mình.
Nhưng khi cậu thổ lộ với Hamilton về ý định quay trở lại đại dương, mẹ của Keane đã cắt ngang: "Mẹ đã nói "Không, con sẽ không bao giờ được quay lại đó".
***
Cá mập để lại nỗi sợ hãi trong đầu nhiều người hơn số người nó thực sự cắn. Theo một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Sydney, gần một phần ba số người sống sót sau khi bị cá mập cắn và gia đình của họ đã phải trải qua chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Và mặc dù Hamilton đã cố thuyết phục bà Hayes, rằng khi Keane quay lại biển chỉ có một tỷ lệ 1 trên 17 triệu cơ hội cậu bé sẽ bị cắn bởi một con cá mập khác, con số đã không đủ nhỏ để thuyết phục mẹ cậu bé cho phép điều đó.
Phải đến Giáng sinh năm đó, khi Keane năn nỉ món quà duy nhất mà cậu muốn có là được trở lại biển, bà Hayes mới trở nên yếu lòng. Đó là ba tháng sau vụ cá mập tấn công, Keane một lần nữa được đắm mình vào đại dương.
Mặc dù cậu bé chỉ có thể bơi từng đoạn ngắn dứt quãng trên những con sóng nhỏ, Keane cảm thấy "mình như được về nhà", cậu nói.
***
Năm 2019, Keane quyết định tham gia thêm một liệu pháp được gọi là "trị liệu phơi nhiễm". Liệu pháp này là một kỹ thuật trong bộ liệu pháp hành vi để điều trị các chứng rối loạn lo âu hoặc sang chấn tâm lý.
Chủ đích của nó là cho bệnh nhân tiếp xúc với các nguồn gây lo âu hoặc khiến họ sợ hãi, trong một bối cảnh cực kỳ an toàn. Làm như vậy được cho là sẽ giúp bệnh nhân đối mặt với nỗi sợ hãi của họ và trở nên chai lì hơn với nó.
Đối với Keane, cậu bé đã đến Đảo Guadalupe của Mexico và tham gia vào một chuyến lặn trong lồng sắt để quan sát cá mập. Ở phạm vi chỉ cách những con cá mập đang lượn lờ vài chục cm, Keane nói bây giờ cậu thấy tò mò về cá mập hơn là sợ hãi chúng.
Bản thân bà Hayes cũng có cho mình một liệu pháp trị liệu phơi nhiễm riêng. Những ký ức đau buồn và ám ảnh về ngày đứa con trai cô được vớt lên bờ với một bên cánh tay đầy máu đã bị đẩy dần về sau. Thay vào đó là những video mà Keane quay lại trong mỗi chuyến mà cậu bé trở lại biển, với đầy ắp những nụ cười và niềm hạnh phúc thấy rõ trong mắt cậu bé.
"Đó cũng là liệu pháp phơi nhiễm dành cho tôi", Hayes nói. Dần dần, bà không còn cảm thấy lo lắng hay phải thôi thúc ra tận bãi biển để chờ Keane trở về trong những chuyến lướt sóng nữa. "Tôi bắt đầu có sự tin tưởng vào đại dương", Hayes thổ lộ.
Trên một số phương diện, những vụ chạm trán với cá mập sẽ để lại một mô hình chấn thương tâm lý khác với các sự kiện tai nạn khác. Nó thu hút rất nhiều sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Chu kỳ tin tức xung quanh các sự kiện này cũng được kéo ngắn lại và đời tư của nạn nhân cũng như gia đình liên tục bị khai thác hoặc xâm phạm.
Theo một nghiên cứu của Đại học Sydney tất cả những sự xuất hiện dồn dập này tạo ra cho nạn nhân, gia đình và cả những người đọc tin tức rằng họ đang bị cá mập chú ý, săn đuổi, rằng con người là một nguồn thức ăn của cá mập.
Della Commons, một nhà tâm lý học lâm sàng, tình nguyện viên tại Bite Club, một nhóm hỗ trợ những người sống sót sau khi bị cá mập cắn và cả gia đình họ, cho biết: "Cách mọi người cảm nhận cuộc tấn công có thể dẫn đến những kết quả khác nhau".
Gia đình nhà Hayes sau đó cũng tham gia vào Bite Club. Dave Pearson là chủ nhiệm đã thành lập câu lạc bộ sau khi bị một con cá mập bò cắn vào tay. Anh nói rằng Keane đã sớm rút ra bài học quan trọng cho riêng mình: Cậu bé chấp nhận nó.
"Bất kể chấn thương của bạn, bất kể bạn còn lại gì, bạn phải tiếp tục tiến về phía trước", Pearson nói. "Bạn phải chấp nhận rằng cuộc sống của bạn sẽ thay đổi, nhưng nó sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn".
Trở về nơi yêu dấu
Mùa hè năm ngoái, một cơn gió nhẹ khẽ thổi lướt qua da Keane khi cậu đang cưỡi ván và lướt trên những con sóng cao 4 mét tại bãi biển Swami's Beach. Đó là khoảng 3 km về phía nam cách nơi mà con cá mập đã bỏ Keane lại 3 năm trước trong tình trạng nguy kịch.
Cậu bé bây giờ đã 17 tuổi, cởi trần, mặc áo ba lỗ màu xanh và để lộ ra những vết sẹo đỏ gân guốc dọc theo cổ và một bên vai vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Dẫu vậy, Keane vẫn làm chủ được chiếc ván dài. Cậu cũng không cần buộc dây cao su vào chân, một phụ kiện tiêu chuẩn dành cho người lướt ván.
Đó là ngày thứ 193. Keane đã quyết định dành 301 ngày trên đại dương vào năm 2021. Cậu thiếu niên bây giờ còn yêu biển hơn trước. Không những vậy, Keane còn trở thành một nhân chứng sống mới trong câu lạc bộ những người từng bị cá mập cắn.
Cậu đã đi nói chuyện với nhiều nhóm khác nhau, lần gần nhất là với hơn 500 thanh thiếu niên trong một sự kiện của nhà thờ. Ở đó, Keane nói rằng thất bại và sự sợ hãi là một phần tất yếu trong bất kể một chuyến hành trình nào trong cuộc đời. Quan trọng là bạn phải dũng cảm vượt qua chúng.
Bên cạnh những cuộc đấu tranh về thể chất và tinh thần, Keane còn phải chịu đựng sự bắt nạt của một số bạn cùng lớp, những đứa trẻ đã gọi cậu bằng những cái tên ngốc nghếch liên quan đến vụ tấn công của cá mập.
Nhưng gia đình Hayes nhấn mạnh rằng cộng đồng nói chung - hầu hết các bạn cùng lớp khác, nhân viên cứu hộ và bác sĩ, cũng như những thông điệp thiện chí từ những người lạ - đã giúp họ vượt qua biến cố.
Khi một trong số những thiếu niên có mặt tại buổi nói chuyện ở nhà thờ hỏi rằng: Liệu Keane có giận Chúa không? Cậu bé nhớ lại câu trả lời của mình:
Đôi khi, có một cảm giác "Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?". Nhưng sau đó tôi thấy chính biến cố ấy đã mở ra cho tôi những mối quan hệ sâu sắc và đem đến vô vàn điều tốt đẹp khác.
Tham khảo Washingtonpost
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"