Bi kịch của "Công chúa Samsung": Sinh ra trong gia tộc chaebol hùng mạnh nhất Hàn Quốc nhưng cuộc đời không màu hồng, đến cái chết cũng bị che đậy, giả mạo
Ngày 19/11/2005, báo chí và truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin Lee Yoon-hyung, ái nữ của chủ tịch Tập đoàn Samsung siêu giàu có qua đời vì tai nạn ô tô. Một tuần sau, họ phải lần lượt xin lỗi và đưa tin lại.
Lee Yoon-hyung (26/4/1979 - 18/11/2005) là con gái út của Lee Kun-hee (9/1/1942 - 25/10/2020), cố chủ tịch Samsung, tập đoàn đa quốc gia kiêm chaebol (tài phiệt) lớn nhất Hàn Quốc.
Lee Yoon-hyung (26/4/1979 - 18/11/2005), nữ tài phiệt trẻ đẹp nhất Hàn Quốc một thời
Cái chết chấn động xứ sở kim chi
Lee Kun-hee có 4 người con và Lee Yoon-hyung là con gái út. Cô chào đời ở Hàn Quốc, nổi tiếng là "công chúa Samsung". Từ năm 2003, ở tuổi 24, chỉ riêng tài sản cổ phiếu của Yoon-hyung đã là $191 triệu.
Đối với công chúng Hàn Quốc, Yoon-hyung là nữ tài phiệt trẻ trung nhất. Cô có blog cá nhân, thường xuyên đăng tải hình ảnh, dòng trạng thái về cuộc sống đời thường xa hoa, vương giả và được đông đảo "dân mạng" quan tâm.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Nữ Ewha (Ewha Womans University), Seoul, Yoon-hyung tới Mỹ du học. Cô theo ngành quản lý nghệ thuật tại Trường Văn hóa, Giáo dục và Phát triển Con người Steinhardt, New York.
Nơi Yoon-hyung tạm trú ở Mỹ là East Village, khu vực xa hoa nhất Manhattan
Ngày 19/11/2005, báo chí và truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin chấn động: "Công chúa Samsung bị tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Mỹ, qua đời trên đường đến bệnh viện". Trong thời gian này, Kun-hee cũng đang dưỡng bệnh ở Hoa Kỳ. Ông đã cho cử hành một tang lễ đơn giản, đưa tiễn con gái út theo nghi thức đạo Phật.
Cố ý che đậy, khai báo giả
Sau khi hay tin Yoon-hyung qua đời, nhiều tòa soạn Hàn Quốc muốn tìm hiểu rõ ràng vụ tai nạn. Các phóng viên đua nhau "săn" người nhà tài phiệt Kun-hee và lãnh đạo Samsung cấp cao. Đại diện tập đoàn bắt buộc phải ra mặt, nhưng tuyên bố "không có nghĩa vụ cung cấp thông tin chi tiết" vì lí do "muốn tránh những tin đồn thất thiệt".
Ban đầu, Samsung tuyên bố Yoon-hyung qua đời vì tai nạn xe cộ
Từ Hàn Quốc, tin "công chúa Samsung qua đời vì tai nạn giao thông" quay ngược trở lại Mỹ. Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) có trụ sở tại New York nghi ngờ, cử 3 phóng viên đi xác minh. Rất nhanh, 3 phóng viên này phát hiện một loạt các chi tiết thiếu minh bạch. Chúng bao gồm từ thời gian đến địa điểm xảy ra tai nạn, nhân chứng, ghi chép y tế… Khi đến Sở cảnh sát New York, họ tìm được bằng chứng rõ ràng nhất: không có bất cứ hồ sơ nào liên quan đến tai nạn xe hơi gây chết người mà nạn nhân lại mang họ Lee.
Tiếp tục điều tra, 3 phóng viên tìm thấy sự thật về cái chết của Yoon-hyung. Cô đã tự tử, bằng cách tự thắt cổ với dây điện ngay trong căn hộ. Thời gian Yoon-hyung tự vẫn là ngày 18/11/2005. Bạn trai của cô, Shin Soo-bin đã phát hiện sự việc vào 3h sáng ngày hôm sau, 19/11, và thông báo ngay cho Kun-hee. Tại sao Soo-bin lại xuất hiện vào thời gian muộn như thế này vẫn chưa được tiết lộ.
Cũng trong năm 2005, Samung vướng phải một loạt các bê bối. Vào tháng 9, Kun-hee bay sang Mỹ với lý do "điều trị bệnh ung thư phổi", nhưng thực chất là tránh né các cuộc triệu tập của tòa án. Vị chủ tịch này bị cáo buộc đã đút lót cho các ứng cử viên chức tổng thống Hàn Quốc.
Năm 2005, Lee Kun-hee phải cáo bệnh trốn sang Mỹ để tránh mặt các công tố viên Hàn Quốc
Tháng 10/2005, 2 giám đốc điều hành của Samsung bị kết án treo vì lũng đoạn thị trường cổ phiếu. Đầu tháng 11/2005, Samsung bị buộc tội thao túng giá chip bộ nhớ flash tại Mỹ, phải nộp phạt $300 triệu. Giữa cơn "bĩ cực", Kun-hee lo lắng sự thật về cái chết của con gái út sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tập đoàn. Ông cố ý che đậy vụ tự tử, lấp liếm bằng một tai nạn xe hơi không có thật.
Sự thật đau lòng
Lúc còn sống, Yoon-hyung là 1 trong 5 phụ nữ giàu nhất Hàn Quốc. Trong nước, cô luôn có ít nhất 2 vệ sĩ tháp tùng. Ngay cả tại Mỹ, Yoon-hyung cũng có tài xế 24/7, sẵn sàng đưa đón bất chấp giờ giấc. Phương tiện hộ tống nữ tài phiệt này là limousine, loại xe hơi có thể xem là sang chảnh nhất hành tinh.
Sau khi ghi danh vào Steinhardt, Yoon-hyung chuyển tới căn hộ tuyệt mỹ ở Astor Place, East Village, Manhattan. Ai cũng nghĩ, Yoon-hyung sẽ tiếp quản chức giám đốc mảng văn hóa của Samsung, sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ, siêu giá trị. Cuộc đời vốn ngập trong nhung lụa của cô sẽ tiếp tục toàn màu hồng, tuyệt đối không gặp khó khăn hay bất trắc gì.
Thời gian ở Mỹ, Yoon-hyung ít khi đi ra ngoài
Ít ai biết, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của "công chúa Samsung" là đời tư đầy rẫy tù túng, cô đơn. Yoon-hyung từng yêu tha thiết một người con trai trước khi sang Mỹ du học, muốn kết duyên vợ chồng để gắn bó với nhau suốt đời. Tuy nhiên, cha mẹ tài phiệt của cô chê anh ta không "môn đăng hộ đối", bắt phải chia tay.
Những ngày sống trên đất Mỹ, Yoon-hyung không có bạn bè. Bảo vệ trực cổng tòa chung cư cô tạm trú thường thấy cô ở lỳ trong phòng, có khi đến cả tuần không ra ngoài. Có vẻ như, Yoon-hyung bị trầm cảm nặng nhưng cứ âm thầm chịu đựng. Cuối cùng, cô tự giải thoát bằng dây điện, kết thúc cuộc đời ở tuổi 26.
Yoon-hyung không để lại di thư, nhưng có nhiều khả năng tự tử vì trầm cảm
Theo tín ngưỡng cổ truyền của Hàn Quốc, tự tử là hành vi không thể chấp nhận và con cái đi trước cha mẹ là đại bất hiếu. Mặc dù mẹ và các anh chị của Yoon-hyung đã bay sang Mỹ ngay sau khi được tin, song không ai dự đám tang của cô.
Sau khi sự việc vỡ lở, Samsung thừa nhận Yoon-hyung qua đời vì tự tử. Một phát ngôn viên của tập đoàn nói với giới báo chí rằng, cô vô cùng lo lắng và đau lòng vì bệnh tình của cha, đặc biệt rất buồn trước việc ông phải "đối mặt với khoảng thời gian khó khăn" tại Hàn Quốc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"