'Bí mật xấu xa' được Google âm thầm che giấu suốt 15 năm

    Vũ Anh,  

    Mang danh gã khổng lồ internet lưu trữ thông tin của thế giới, song Google lại duy trì một nền văn hóa ngược lại.

    'Bí mật xấu xa' được Google âm thầm che giấu suốt 15 năm- Ảnh 1.

    Vào cuối năm 2008, khi Google đối mặt với sự giám sát độc quyền về một thỏa thuận quảng cáo với Yahoo, các giám đốc điều hành đã gửi một bản ghi nhớ mật, lo sợ rằng phía cơ quan quản lý nhà nước hoặc đối thủ cạnh tranh có thể nắm bắt thông tin thông qua những đoạn hội thoại vô tư của nhân viên Google.

    Để giải quyết vấn đề này, Google khuyến khích nhân viên tránh suy đoán và mỉa mai, đồng thời suy nghĩ kỹ trước khi bàn về những chủ đề nóng. Họ được hướng dẫn “không được bình luận trước khi có đầy đủ thông tin”.

    Công nghệ cũng được điều chỉnh. Cài đặt cho công cụ nhắn tin tức thời của công ty bị thay đổi thành “off the record”. Một cụm từ thiếu thận trọng sẽ bị xóa ngay vào ngày hôm sau.

    Động thái trở thành phát súng đầu tiên trong chiến dịch kéo dài 15 năm của Google nhằm biến việc xóa thông tin nội bộ trở thành mặc định. Mang danh gã khổng lồ internet lưu trữ thông tin của thế giới, song tập đoàn này lại duy trì một nền văn hóa ngược lại. Kết luận được đưa ra sau khi liên kết hàng trăm tài liệu, bằng chứng, cũng như lời khai của nhân chứng trong 3 phiên tòa chống độc quyền.

    Các nguyên đơn — Epic Games và Bộ Tư pháp — đã cố gắng tập hợp rất nhiều tài liệu. Bằng chứng và lời khai cho thấy Google đã thực hiện nhiều cách để giữ kín thông tin liên lạc nội bộ. Công ty cũng khuyến khích nhân viên thêm luật sư của Google vào danh sách người nhận, ngay cả khi không có câu hỏi pháp lý nào liên quan.

    Google đã phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi trong cả 3 vụ kiện chống độc quyền. Thẩm phán James Donato cho biết có “một nền văn hóa che giấu bằng chứng ăn sâu bám rễ bên trong Google” và hành vi đó là “một cuộc tấn công trực diện vào sự công bằng”.

    Thẩm phán Leonie Brinkema, người giám sát vụ kiện chống độc quyền của Google liên quan đến công nghệ quảng cáo, thì cho rằng chính sách đó “không phải cách một công ty có trách nhiệm nên hoạt động”. Bà nói thêm, “rất nhiều bằng chứng có khả năng đã bị tiêu hủy”.

    Đáp lại trong một tuyên bố, Google cho biết đã “thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình là bảo quản và xuất trình các tài liệu có liên quan”.

    “Trong nhiều năm, chúng tôi đã trả lời mọi yêu cầu và vụ kiện tụng. Chúng tôi giáo dục nhân viên của mình về đặc quyền pháp lý”, đại diện công ty nói và cho biết hành động trên chỉ đơn giản là dọn dẹp hồ sơ và tập tin của mình.

    Tuy nhiên, theo Agnieszka McPeak, giáo sư tại Trường Luật Đại học Gonzaga, việc Google là ám ảnh đến mức tạo ra ảo giác lừa dối.

    “Google có chính sách doanh nghiệp từ trên xuống là ‘không lưu bất cứ thứ gì có thể khiến họ trông tệ đi. Nếu Google trong sạch, mọi người nghĩ, tại sao họ lại hành động như vậy?”.

    Vào tháng 9 năm 2023, khi Google ra tòa trong vụ kiện chống độc quyền, Bộ Tư pháp khẳng định công ty đã giữ lại hàng chục nghìn tài liệu.

    “Toà án rất ngạc nhiên trước những nỗ lực của Google nhằm tránh tạo ra dấu vết”, thẩm phán Amit P.Mehta nói. “Họ đã đào tạo nhân viên của mình một cách hiệu quả để không tạo ra bằng chứng “xấu”.

    Google trong suốt nhiều năm đã liên tiếp đối mặt các vụ kiện tụng. Gã khổng lồ đã bị kết luận vi phạm luật chống độc quyền không chỉ bằng cách trả tiền cho Apple và các đối tác. Một phát hiện khác, ít được thảo luận hơn, liên quan đến quyền định giá mạnh bất thường của Google trên thị trường quảng cáo tìm kiếm.

    Sự độc quyền của Google cho phép công ty tăng giá quảng cáo một cách giả tạo trong nhiều năm. Các nhà quảng cáo vô tình phải trả quá nhiều tiền để quảng cáo thông qua Google.

    “Chúng ta có thể chứng kiến một vụ kiện tập thể từ các nhà quảng cáo yêu cầu bồi thường vì đã bị tính phí quá cao trong nhiều năm”, Shmulik viết. “Rất có thể sẽ có vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại lên tới hơn 100 tỷ USD”.

    Trên thị trường tìm kiếm trực tuyến, cạnh tranh lành mạnh này đã không tồn tại trong ít nhất 1 thập kỷ. Google tăng giá quảng cáo liên tục vì không có đối thủ cạnh tranh nghiêm túc nào. Điều đó rất bất thường.

    Trong một vụ kiện của Google, Thẩm phán Mehta cho biết vào ngày 5 tháng 8 rằng công ty này đã duy trì độc quyền bất hợp pháp đối với các dịch vụ tìm kiếm trực tuyến nói chung và một số quảng cáo chạy trong kết quả tìm kiếm. Ông đồng ý rằng Google đã xây dựng một “chu kỳ thống trị” ngăn cản các đối thủ xây dựng các sáng kiến mới, đồng thời cho phép mình tăng giá quảng cáo vượt mức trong một thị trường tự do. Trung tâm của chu kỳ đó là hàng tỷ USD mà Google đã chi cho các công ty như Apple và Mozilla để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone và các trình duyệt như Firefox.

    Theo: The NY Times, Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ