‘Bí quyết’ thành công của địa phương là quán quân chuyển đổi số

    Trần Long,  

    Những ngày tháng 10 vừa qua, Thành phố Đà Nẵng liên tục gặp mưa vào giờ cao điểm dẫn đến ngập cục bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Để xác định những điểm giao thông thuận tiện, anh Ngô Cường, cư dân quận Liên Chiểu có thêm thói quen mới, mở ứng dụng Dannang Smart City trước khi ra đường.

    ‘Bí quyết’ thành công của địa phương là quán quân chuyển đổi số - Ảnh 1.

    Từ những nhu cầu gần gũi nhất của người dân

    Cập nhật lượng mưa, điểm ngập là tính năng mới nhất được thêm vào Danang Smart City, ứng dụng thành phố thông minh tích hợp đa dịch vụ của Đà Nẵng.

    Thậm chí, quan tâm đến cả những nhu cầu thầm kín, một nỗi lo rất chính đáng của khách du lịch và người dân là nơi vệ sinh cũng được thành phố tìm cách giải quyết bằng công nghệ.

    Từ tháng 6, chính quyền Đà Nẵng đã cập nhật thêm tính năng tìm kiếm WC miễn phí trên ứng dụng. giúp người dùng tìm kiếm những cơ sở có nhà vệ sinh miễn phí gần địa điểm của mình nhất, góp phần giảm tình trạng vệ sinh không đúng nơi quy định và quảng bá hình ảnh thân thiện của thành phố thông qua mục “WC cộng đồng, miễn phí”.

    ‘Bí quyết’ thành công của địa phương là quán quân chuyển đổi số - Ảnh 2.

    Chú thích ảnh: Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh là một bước tiến mới trong quá trình xây dựng smart city của Đà Nẵng.

    Trước đó, ngay từ đầu năm, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất đã được Đà Nẵng triển khai, cung cấp những thông tin về quan trắc môi trường, cứu hộ cứu nạn hay hoạt động tàu cá trên biển.

    Vào tháng 8, Đà Nẵng đã có một bước tiến mới trong quá trình xây dựng đô thị thông minh khi khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh (IOC), do Viettel triển khai. Theo đó, bên cạnh việc sử dụng các tiện ích trực tiếp, người dân Đà Nẵng còn thụ hưởng gián tiếp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do thành phố cung cấp.

    “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực, nguồn lực của chuyển đổi số” - lời kêu gọi của Thủ tướng tại Ngày chuyển đổi số quốc gia cũng chính là cách tiếp cận đã giúp Đà Nẵng có những bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số trong nhiều năm gần đây.

    Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, một trong những thành công bước đầu của Đà Nẵng trong chuyển đổi số là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng, được nhân dân đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền thành phố.

    Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tạo động lực cho các cơ quan cung cấp dịch vụ phải xây dựng ứng dụng có trách nhiệm, có trọng tâm và tính thực tế cao nhất, Xã hội số đã thực sự thúc đẩy Chính quyền số và Kinh tế số phát triển bền vững hơn.

    Đến nỗ lực k hông ngừng nâng cao trải nghiệm số của Đà Nẵng

    Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng là địa phương có xếp hạng chuyển đổi số đứng đầu cả nước lần thứ 3 liên tiếp.

    IOC Đà Nẵng là dự án IOC thứ 37 trên toàn quốc, và trước đó Viettel cũng đã có kinh nghiệm xây dựng hơn 30 IOC khác. Tuy vậy, IOC Đà Nẵng được coi là dự án trọng điểm và toàn diện nhất mà Viettel triển khai, với những yêu cầu chặt chẽ và khắt khe từ phía lãnh đạo Đà Nẵng.

    Mô hình này tập hợp thông tin, dữ liệu từ các trung tâm điều hành (OC) quận/huyện, chuyên ngành, cơ quan và đơn vị để phân tích tình hình hoạt động của thành phố.

    IOC như một đầu não số, cung cấp được cho các lãnh đạo thành phố những dữ liệu tổng quan, bức tranh về điểm nóng xã hội, qua đó giúp họ có cách tiếp cận vấn đề của người dân tốt hơn, chị Lê Thị Huệ, Phó Giám đốc Giải pháp Công nghệ thông tin - Viettel Đà Nẵng chia sẻ.

    ‘Bí quyết’ thành công của địa phương là quán quân chuyển đổi số - Ảnh 3.

    Chú thích ảnh: Với smart city, người dân Đà Nẵng có thể sử dụng nhiều dịch vụ công trên mobile.

    Cụ thể, Trung tâm IOC thực hiện giám sát, phân tích, đưa ra cảnh báo sớm, cung cấp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh, tiêu biểu như: Xử lý góp ý, phản ánh của tổ chức, công dân; cung cấp dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính; thông tin trên môi trường mạng; quan trắc môi trường nước, không khí; số liệu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội; hành trình xe cứu thương, cứu hỏa; thu gom, xả, xử lý nước thải; lượng mưa, ngập nước đô thị; hoạt động tàu cá trên biển; thông tin y tế, khám chữa bệnh; phân tích dữ liệu hệ thống camera, Flycam phục vụ quản lý địa bàn và chuyên ngành (tìm người đi lạc, tập trung đông người, cứu nạn cứu hộ...).

    Ông Lê Trung Chinh cho rằng Trung tâm IOC là mô hình mới, áp dụng công nghệ mới, sử dụng dữ liệu số, đặc biệt là yêu cầu cao về quy trình, nghiệp vụ liên ngành.

    Thông qua các dữ liệu được gửi về để sử dụng phân tích, IOC thành phố sẽ phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý, hỗ trợ làm trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…

    Việc khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm IOC cũng chính là cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, không ngừng cải thiện trải nghiệm số của người dân, doanh nghiệp.


    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ