Bị Xiaomi khai tử, đây là câu trả lời của "cha đẻ" Piston 2.0 nổi danh một thời
Piston 2.0 đã quay trở lại? Không phải, nó là một phiển bản hoàn toàn mới!
Năm 2014, từ một hãng chuyên sản xuất smartphone và đồ gia dụng điện tử, Xiaomi đã khiến tất cả bất ngờ với sự xuất hiện của chiếc tai nghe in-ear đầu tiên Piston 2.0. Thiết kế tốt, chất âm khá, tích hợp microphone, cụm điều khiển media control và đặc biệt là mức giá chỉ hơn 400 ngàn đồng, viên đạn Piston 2.0 này đã "làm mưa làm gió" phân khúc tai nghe bình dân một thời gian dài.
Nhiều người tự hỏi, bằng cách nào Xiaomi lại có thể phát triển thành công một sản phẩm "trái ngành" trong thời gian ngắn như vậy? Chẳng có điều thần kỳ nào ở đây cả, thực ra thì cha đẻ của Piston 2.0 chính là 1More - hãng âm thanh đồng hương được Xiaomi trợ cấp kinh phí để hoạt động, thiết kế và sản xuất tai nghe. Nếu để ý, bạn sẽ thấy trên vỏ hộp của Xiaomi Piston luôn có dòng chữ "1More design" thể hiện rõ ràng sự hợp tác này.
Sau khi trình làng những thế hệ mới như Piston 3.0, Piston Iron hay Piston Hi-res, Xiaomi đã bỏ quên thiết kế cũ và Piston 2.0 cũng bị khai tử trong sự tiếc nuối của nhiều người chơi. Song 1More quyết chẳng để đứa con của mình rơi vào quên lãng như vậy, họ quyết định tiếp tục cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện phiên bản Piston mới với cái tên 1More Piston Classic E1003 cùng giá bán tham khảo 490.000 VNĐ.
E1003 vẫn được đóng gói đơn giản trong lớp giấy tái chế. Cái tên Xiaomi đã hoàn toàn biến mất và thay vào đó là thương hiệu 1More
Thông số kĩ thuật của chiếc tai nghe in-ear này
Thông số kĩ thuật E1003:
Trở kháng: 32Ω
Độ nhạy: 98dB
Dải tần đáp ứung: 20-20,000 Hz
Jack 3.5mm - chữ I - mạ vàng
Phiên bản màu sắc: Gold, Space Gray, Rose Gold
Là phiên bản nâng cấp của Piston 2.0, E1003 không có quá nhiều sự khác biệt từ hình thức đóng hộp cho tới thiết kế so với thế hệ trước. Tai nghe được cuốn cẩn thận trong một chiếc đệm cao su, đặt trong chiếc hộp nhựa đủ gọn gàng để người dùng có thể mang nó theo hàng ngày.
Về cơ bản, 1More E1003 vẫn giữ thiết kế đeo thẳng xuống dạng cord down với điểm nhấn là những rãnh tròn đồng tâm quen thuộc như đàn anh Piston 2.0. Toàn bộ củ tai được làm từ kim loại cho cảm giác rất chắc chắn trong khi chất lượng chế tác, độ hoàn thiện, cắt gọt sản phẩm vẫn là điểm cộng cho E1003 trong tầm giá này.
E1003 có trọng lượng khá nhẹ nhàng, chỉ khoảng 15g cho toàn bộ tai nghe
Thiết kế 2 bên củ tai trái, phải (L,R) hoàn toàn giống nhau, thực tế thì người dùng đeo bên nào cũng được.
2 lỗ nhỏ để thoát âm ở đáy housing
Dù sở hữu vẻ bên ngoài "copy&paste" từ phiên bản cũ, song 1More E1003 lại có một tính năng hoàn toàn vượt trội, đó chính khả năng tương thích với hầu hết smartphone Android và các thế hệ iPhone hiện nay.
Trước đó, cụm điều khiển media control của Piston 2.0 đã sử dụng tốt với nhiều smartphone Android, song trên hệ điều hành khác, người dùng chỉ dùng được duy nhất nút ở giữa để nhận cuộc gọi hay dừng chơi nhạc thôi. Với E1003, bạn có thể tăng, giảm âm lượng, chuyển bài và nghe gọi tùy thích.
Cụm micrphone, phím tăng giảm âm lượng, điều khiển media control khá đẹp mắt.
Hướng dẫn sử dụng, play/pause, next/previos bài, tăng giảm âm lượng,...
Phần dây dẫn phía dưới của E1003 được bọc sợi kevlar chắc chắn, bền bỉ. Phần nối, chia bên tai nghe cũng được bọc cao su để hạn chế tối đa hiện tượng đứt ngầm.
Jack chữ I chuẩn 3,5mm được thiết kế khá nhỏ gọn, bọc vỏ kim loại bên ngoài.
Phụ kiện đi kèm chiếc in-ear này là 3 tips cao su size S-M-L và thêm một chiếc kẹp áo bằng nhôm đơn giản
Quá đơn giản để nhận ra 1More đã giữ lại gần như trọn vẹn thiết kế của phiên bản tiền nhiệm, câu hỏi đặt ra là nhà sản xuất này có đủ dũng cảm để thay đổi hệ thống driver bên trong cũng như chất âm đã làm nên tên tuổi của Piston 2.0 hay không?
Sự khác biệt đầu tiên đến từ dynamic driver sử dụng màng loa giấy Mylar PET phủ titan, cùng với đó là sự giám sát, tư vấn kỹ thuật từ kỹ sư âm thanh nổi tiếng Luca Bignardi. Theo nhiều chuyên gia, chất liệu mới này nhẹ và đáp ứng âm thanh tốt hơn so với Beryllium trên phiên bản cũ. Về thông số kĩ thuật, trở kháng 32 Ohm và độ nhạy 98dB giúp E1003 không quá khó tính trong khâu phối ghép với nguồn phát, cụ thể ở đây là Xiaomi Redmi Note 3 Pro và chiếc DAP M1 vừa được Shanling trình làng.
Chất âm của E1003 được 1More tuning lại theo xu hướng cân bằng giữa các dải âm và tự nhiên hơn, không còn tập trung phần nhiều vào bass và mang hơi hướng digital như Piston 2.0. Dải trầm được đánh gọn gàng, tập trung, có lực tốt chứ không hề lan tỏa hay kéo đuôi dài. Sub-bass sâu vừa phải (đôi lúc roll-off nhẹ), mid-bass chơi nhanh, thiên về việc kiểm soát nhịp điệu, tiết tấu ngay cả với nhiều thể loại nhạc cần tốc độ cao như rock chứ không dành riêng cho EDM, Dance.
Theo cá nhân tôi, chủ đích làm dải bass cân bằng hơn cùng hình khối rõ ràng giúp E1003 phục vụ đa dạng nhiều thể loại nhạc, bên cạnh đó mid và treble cũng không bị lấn dải như một số tai nghe giá rẻ khác trong tầm tiền. Khi dải bass đánh gọn và tập trung, các dải âm khác có nhiều đất diễn hơn là điều dễ hiểu. Trước 1More, SoundMagic với phiên bản nâng cấp E10C cũng đi theo hướng "giảm lượng, tăng chất bass" mới mẻ này.
Mid là dải âm được người nghe yêu thích nhất của Piston 2.0, nhưng trên E1003 thì mid chẳng còn quá tiến, ấm ngọt mà thanh nhẹ, trung tính hơn. High-mid được boost nhẹ nhằm cải thiện độ chi tiết, tổng thể dải âm trung khá sáng song vẫn giữ được cảm giác tự nhiên, không quá ngọt hay màu mè.
Từ điệu Pop sôi động của Sugar (Maron 5), When You Believe phô diễn bởi giọng vocal nữ đầy cảm xúc Whitney Houston hay chút ngọt ngào sâu lắng mà Alan Jackson thổ lộ trong Remember When, giọng ca sĩ đều được đẩy lên rất nổi bật (một phần cũng vì bass đánh gọn, không lấn dải), dễ nghe và dễ thấm. Trên nền âm tổng thể, mid của E1003 không quá nổi bật nhưng nó vẫn đáp ứng được nhu cầu đánh tạp cao, sib cũng ít khi xuất hiện - thế là đủ.
So với Piston 2.0, dải Treble của phiên bản mới này nhiều lượng hơn - song vẫn theo xu hướng đánh tơi, thoáng tạo cảm giác airy chứ không sắc lạnh, gắt đến cắt cứa mà một số người mê rock tìm kiếm. Từng nốt piano, tiếng miết guitar hay âm vang của cymbal được thể hiện khá tự nhiên, chi tiết song đôi lúc vẫn roll-off sớm.
Nếu không phải là một treble head khó tính thì dải cao mà chiếc in-ear này thể hiện hoàn toàn chấp nhận được ở tầm giá này. Âm trường, không gian sân khấu của E1003 ổn hơn Piston 2.0 song vẫn thua kém Piston 3.0 một bậc, nó chưa thực sự rõ nét ở chiều sâu 3D, dù sự dàn trải, tách lớp của dàn nhạc cụ được xử lý không đến nỗi nào.
1More E1003 được "hồi sinh" không chỉ để cạnh tranh thị trường với Xiaomi Piston 3.0, Piston Iron hay SoundMagic E10. Nhà sản xuất âm thanh được thành lập bởi cựu CEO Foxconn, giám đốc sáng tạo là cai sĩ nổi tiếng JayChou chẳng muốn một trong những chiếc tai nghe thành công nhất của hãng rơi vào quên lãng như vậy.
Thiết kế không thay đổi nhưng tương thích tốt hơn với iOS và Android, chất âm được trau chuốt cùng khả năng chơi tạp đã trở thành thương hiệu - E1003 hứa hẹn sẽ là một "big hit" mới trong tầm giá 500 ngàn đồng - khi tìm được một chiếc Piston 2.0 hàng real giờ đây chẳng phải là việc dễ dàng.
Xin cảm ơn cửa hàng Xuân Vũ Audio đã hỗ trợ chúng tôi trong quá trình thực hiện bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín