Biết trước về iPhone và iOS đến hàng năm, vì sao Nokia vẫn sụp đổ? Apple liệu có nối gót Nokia?
Cho dù biết trước về mối nguy hiểm của iPhone và iOS nhưng tại sao Nokia vẫn chậm chạp đối phó để rồi cuối cùng sụp đổ chỉ sau một thời gian ngắn? Và liệu Apple có đi theo vết xe đổ này?
Năm 2013, trong buổi thông báo việc bán thương hiệu Nokia cho Microsoft, CEO của Nokia đã nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Chúng tôi không làm gì sai cả nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn thất bại."
Quả thật, dường như họ không làm sai điều gì ngay cả sau khi Apple ra mắt iPhone. Họ vẫn làm ra những chiếc điện thoại di động tốt và bền bỉ, và vào thời điểm iPhone xuất hiện, các smartphone của Nokia đang chiếm đến 49,4% thị phần cùng với một lượng người hâm mộ đông đảo trên toàn thế giới. Vậy điều gì khiến họ sụp đổ
Đó cũng là điều hai nhà nghiên cứu, bao gồm Tim O. Vuori, giáo sư về quản trị chiến lược tại Đại học Aalto và Quy Huy, giáo sư về Chiến lược tại Học viện Quản trị Kinh doanh châu Âu INSEAD Singapore, tìm hiểu. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tài liệu "Distributed Attention and Shared Emotions in the Innovation Process: How Nokia Lost the Smartphone Battle."
Khi lý giải về sự sụp đổ của Nokia, các nhà quan sát thường xoay quanh ba nguyên nhân chính, bao gồm: Công nghệ yếu kém hơn so với Apple, tính kiêu ngạo của đội ngũ lãnh đạo cấp cao của công ty và thiếu tầm nhìn.
Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn của hai nhà nghiên cứu với 76 kỹ sư, các nhà quản lý cấp cao và cấp trung của Nokia, cũng như cả các chuyên gia bên ngoài công ty, đã giúp họ nhận ra ngọn nguồn của các nguyên nhân trên, đó chính là vấn đề đội ngũ lãnh đạo, đối với cả các nhà quản lý cấp cao và các quản lý tầm trung của công ty.
Thời điểm đó, sau nhiều năm thống trị thị trường điện thoại di động với không có nhiều đột phá về công nghệ, Nokia đang gặp phải vấn đề của nỗi sợ tổ chức (organisational fear). Nó bắt nguồn từ cơ cấu tổ chức phức tạp và không rõ ràng của công ty, khiến việc ra quyết định trở nên chậm chạp khi có quá nhiều tầng chịu trách nhiệm và phải báo cáo với quá nhiều quản lý.
Văn hóa công ty trở nên quan liêu và kéo theo là tạo nên các nhà quản lý cấp cao thiếu kiên định và các quản lý tầm trung luôn sợ bị sa thải. Họ trở nên quan liêu hơn khi dành phần lớn thời gian cho các cuộc họp và chờ những quyết định rõ ràng, thay vì dành thời gian cho công việc.
Điều đó làm họ phản ứng chậm chạp trước các nguy cơ, ngay cả khi nhóm tình báo thị trường của Nokia đã biết về iPhone và iOS trước khi ra mắt một năm.
Một thành viên trong bộ phận chiến lược cấp cao của Nokia trả lời phỏng vấn cho biết: "Chúng tôi biết (về iPhone) khoảng một năm trước khi nó ra mắt … Điều đầu tiên thua kém họ là chúng tôi không có màn hình cảm ứng và không có nghiên cứu nào cho nó … Thông tin đó được đưa thẳng lên cho các nhà lãnh đạo cấp cao và được tiếp nhận khá tốt."
Quả thật, CEO và các nhà lãnh đạo cấp cao của Nokia lúc đó cũng nhận thức được tiềm năng của màn hình cảm ứng và đưa ra yêu cầu với các nhà quản lý kỹ thuật tầm trung lúc đó để đưa vào sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, cấu trúc quản lý quan liêu và phức tạp của Nokia lúc đó đã không cho phép đội ngũ kỹ thuật tập trung vào yêu cầu kỹ thuật này. Thay vào đó, họ phải chạy theo quyết định của các nhà quản lý cấp cao vốn đang có một nỗi sợ khác.
Trong khi đó, các nhà quản lý cấp cao lại sợ không đáp ứng được các mục tiêu hàng quý, sợ mất các nhà đầu tư, các nhà cung cấp và khách hàng nếu họ thừa nhận các yếu kém về công nghệ của mình trước Apple.
Một nhà quản lý cấp cao cho biết: "Khi thông tin (từ tình báo thị trường nội bộ) về iPhone xuất hiện (mùa thu năm 2005), tôi đã hỏi xem họ đang dùng OS nào. Khi tôi biết đó là iOS, cảm giác như lông tóc tôi dựng đứng lên. iOS là một quả bom tấn … Đó là một thông tin choáng váng … iPhone là một phần mở rộng của máy Mac – một máy Mac với bộ phát sóng radio. Họ đã xây dựng các ứng dụng và OS đó trong 35-40 năm nay."
Cho dù các nhà quản lý cấp cao biết rằng Nokia cần một hệ điều hành tốt hơn (MeeGo) để đối đầu với iOS, nhưng họ cũng biết nó sẽ cần nhiều năm phát triển. Và nếu họ thừa nhận Symbian kém hơn iOS, nó sẽ phá hủy doanh số và tinh thần công ty trong ngắn hạn. Và "nếu anh không đạt các mục tiêu hàng quý, anh sẽ trở thành cựu điều hành rất nhanh."
Trong khi không dám công khai thừa nhận sự yếu kém của Symbian trước iOS, nhưng các nhà quản lý cấp cao cũng hối thúc đội ngũ bên dưới nhanh chóng phát triển phần mềm mới đủ sức cạnh tranh với iPhone và iOS.
Nhưng không phải nhà quản lý tầm trung nào cũng có nỗi lo như vậy. Nhiều người trong số họ tự tin thái quá vào năng lực phát triển của Nokia đến nỗi, họ thường đánh giá thấp ưu điểm hiện tại của đối thủ và tin rằng, các phát triển trong tương lai của Nokia sẽ đánh bại chúng.
Một số nhà quản lý tầm trung đã cho rằng, "iPhone là chiếc điện thoại kém cỏi, nó thậm chí còn không có 3G." Một số khác còn băn khoăn, phải chăng "Apple đã trả tiền cho biên tập viên các tạp chí để nói quá lên về iPhone trong các bài viết ca tụng của họ", bởi vì "họ tin rằng iPhone là không xứng đáng."
Trong khi đó, một số nhà quản lý tầm trung khác lại không dám thừa nhận rằng các yếu kém về công nghệ của Nokia cần nhiều năm phát triển để bắt kịp đối thủ. Họ sợ rằng, nói ra điều đó sẽ bị xem là kém cỏi và bị mất việc. Thay vào đó, họ thường chấp nhận yêu cầu từ lãnh đạo cấp cao và đưa ra các báo cáo về những tiến bộ quá lạc quan, bất chấp các khó khăn khi thực thi.
Một quản lý cấp cao về phần mềm cho biết: "Ai đó sẽ luôn nói Vâng (với các yêu cầu bất khả thi của lãnh đạo cấp cao). Tất cả những gì tôi có chỉ là thông tin. … Và sau đó trách nhiệm của tôi là cắt giảm yêu cầu. Bởi vì luôn luôn có kẻ điên rồ nào đó hứa rằng họ sẽ làm toàn bộ 10 thứ tuyệt vời này trong khung thời gian do các lãnh đạo cấp cao đưa ra. … Các lãnh đạo cấp cao tin vào những người này khi họ nói mọi thứ sẽ ổn thỏa. Họ đã có niềm tin mù quáng."
Hơn nữa, việc thiếu năng lực công nghệ của các lãnh đạo cấp cao tại Nokia không chỉ khiến họ ảo tưởng về tiến bộ công nghệ của công ty khi đặt ra các mục tiêu kinh doanh, mà còn không nhận ra các báo cáo sai sự thật cũng như sự lạc quan thái quá của các nhà quản lý tầm trung. Điều này trái ngược hoàn toàn với Apple vào thời điểm đó, khi những nhà quản lý cấp cao đều là các kỹ sư.
Cuối cùng, các đánh giá sai lầm trên dẫn đến việc thay vì bố trí nguồn lực cho phát triển công nghệ, như một hệ điều hành mới, đội ngũ lãnh đạo Nokia đã quyết định phát triển hàng loạt điện thoại mới để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của thị trường.
Điều này càng làm Nokia phụ thuộc hơn nữa vào Symbian, một nền tảng với kiến trúc lạc hậu, để đáp ứng nhu cầu liên tục ra mắt sản phẩm mới. Việc đưa vào nền tảng lạc hậu đó quá nhiều tính năng khiến nó trở nên rất chậm chạp và mắc nhiều lỗi. Đến khi các nhà quản lý cấp cao nhận ra thì Symbian đã trở nên không thể sửa chữa.
Hậu quả là cho dù hãng vẫn tiếp tục sản xuất ra những mẫu điện thoại tầm thấp và tầm trung – các thiết bị không cần đến phần mềm cao cấp – có chất lượng, chất lượng của dòng điện thoại cao cấp với phần mềm tiên tiến hơn ngày càng đi xuống.
Năm 2007, Nokia ra mắt chiếc smartphone N95 huyền thoại. Cho dù vẫn có các khiếm khuyết về phần mềm và chất lượng, nhưng hàng loạt tính năng cách mạng vào thời đó như nghe nhạc, GPS, màn hình lớn và khả năng lướt web hoàn chỉnh đã biến nó thành thiết bị mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho công ty.
Chiếc Nokia 5800 ra mắt năm 2008 dù là một thành công thương mại, nhưng phát hành "chậm mất một năm rưỡi" vì các khó khăn do phát triển phần mềm. Các smartphone ra mắt những năm sau đó, như N97 vào năm 2009, N8 vào năm 2010, đều là các thất bại nặng nề, cả về chất lượng lẫn khả năng thương mại hóa.
Tất cả sụp đổ rất nhanh với Nokia sau khi chuyển sang liên minh với Microsoft vào năm 2011 - một công ty với tình trạng quan liêu tương tự như họ vào thời điểm đó - và cuối cùng Nokia phải bán mảng điện thoại vào năm 2013.
Tình hình hiện tại của Apple có phần nào đó giống với Nokia vào thời điểm trước khi sụp đổ: Nhu cầu thị trường đang ở ngưỡng bão hòa và khách hàng lâu nâng cấp máy hơn. Tuy nhiên, dường như Apple đã học được bài học từ Nokia khi tích cực hướng đến các nguồn thu mới từ dịch vụ, mới đây nhất là động thái đưa dịch vụ phim và show truyền hình của iTunes lên TV Samsung.
Những bộ xử lý di động A12 Bionic đầy sức mạnh cho thấy Apple vẫn là một trong những nhà thiết kế chip di động hàng đầu hiện nay. Những chiếc iPhone vẫn được xem như sự kết hợp chuẩn mực giữa chất lượng phần cứng, phần mềm và khả năng tương tác với các thiết bị trong cùng hệ sinh thái iOS. Vấn đề mọi người thường hay phàn nàn nhất về chúng chỉ là mức giá cao đến mức vô lý khi so với hiệu năng sử dụng của chúng.
Không chỉ vậy, các năng lực về AI – công nghệ được xem như tương lai cho nhân loại – của Apple đã được cải thiện mạnh mẽ. Trong khi trợ lý ảo Siri của Apple thường bị đánh giá thấp hơn so với các đối thủ như Google Assistant, nhưng bài kiểm tra mới đây của Loup Ventures cho thấy, khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, khả năng sử dụng AI trong chụp ảnh của iPhone cũng đã ngang hàng với Google, điển hình là tính năng chụp xóa phông của iPhone XR.
Điều này cho thấy đội ngũ lãnh đạo của Apple vẫn đang duy trì được sự tỉnh táo của mình. Không còn đưa ra các đột phá lớn về mặt công nghệ, nhưng dường như họ không ảo tưởng về vị trí của mình trước các đối thủ khác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"