Bill Gates: Nếu không có những kiến thức được học ở trường, sẽ không có Microsoft như ngày hôm nay
Cả thế giới đều biết chuyện Bill Gates bỏ dở việc học ở Đại học Harvard để khởi nghiệp với Microsoft. Nhưng chính tỷ phú cũng khẳng định, những điều ông học được ở trường là nền tảng cho thành công hiện nay.
Chúng ta dường như đều đã quen thuộc với câu chuyện bỏ học đại học của tỷ phú Bill Gates . Năm 1975, Gates bỏ học Havard khi đang là sinh viên năm hai để ra thành lập công ty riêng mà sau này trở thành tập đoàn Microsoft nổi tiếng. Tuy nhiên trong một bài phát biểu gần đây ông ngụ ý rằng những thành công ở Microsoft hôm nay là nhờ vào sự giáo dục mà ông có được trước đây, đặc biệt là giáo dục ở bậc trung học – ngôi trường Lakeside.
Trường trung học Lakeside.
"Lakeside là một trong những điều tốt nhất từng xảy đến với tôi", Gates nói trong bài phát biểu năm 2005 tại trường Lakeside. "Một lý do tôi rất biết ơn Lakeside là ở đây tôi được cung cấp những nền tảng kiến thức quan trọng đầu tiên về máy tính để sau này thành lập Microsoft”.
Gates lần đầu tiên được tiếp xúc với máy tính là tại trường tư thục Seattle. Ở đó, ông trở thành người dạy các học sinh khác về máy vi tính, số hóa lịch học và thậm chí còn tấn công hệ thống lập thời khóa biểu của nhà trường để được xếp vào các lớp học có nhiều…học sinh nữ.
Trước khi ghi danh vào Lakeside – ngôi trường dự bị cho các học sinh giỏi, Gates dường như không hề chắc chắn về tương lai của mình. “Khi tôi lên lớp 6, cha mẹ gợi ý cho tôi đến học ở Lakeside, nhưng tôi lại không chắc chắn về điều đó”, Gates nói. “Ngôi trường lúc bấy giờ chỉ toàn nam sinh, những cậu bé mặc jacket và đeo cà vạt và đến nhà nguyện vào mỗi buổi sáng. Trong thời gian đó, tôi thậm chí còn nghĩ đến việc không thi tuyển”.
May mắn thay, ông vẫn lắng nghe ý kiến của cha mẹ mình. Và trường học đã cho ông cơ hội tiếp xúc với máy tính, mở ra hướng đi tương lai của Gates. Đó là khoảng những năm 1960, khi ông bắt đầu học lớp 7. “Chiếc máy trông mới mẻ với tất cả mọi người, cả giáo viên lẫn học sinh”, Gates cho biết.
Vào thời điểm đó, các máy tính là thứ vô cùng đắt đỏ: Hệ thống thiết bị máy móc tốn hàng ngàn đô la, chúng hoạt động khá chậm và ngốn rất nhiều điện năng. "Điều đó khiến cho máy tính trở nên có gì đó “đáng sợ” đối với một số người ở đây - đặc biệt là với những đứa trẻ 13 tuổi đang háo hức thử vận hành nó. Mặc dù cỗ máy đắt tiền là thế, song nhà trường khi đó không hề có những quy định chặt chẽ để giới hạn người dùng. Thay vào đó, họ mở ra, và dạy chúng tôi về máy tính”.
Cũng ở Lakeside, Bill Gates đã có cơ may gặp gỡ và trở thành bạn của Paul Allen, người sau này trở thành cộng sự của Gates và là đồng sáng lập viên của Microsoft.
Bill Gates và Paul Allen năm 1987.
“ Kinh nghiệm và cách nhìn nhận sâu sắc vấn đề là những điều mà tôi và Allen đã được học ở đây. Điều đó cho chúng tôi niềm tin để bắt đầu một công ty với ý tưởng được coi là điên rồ ở thời điểm cách đây 30 năm, khi mà gần như không ai ủng hộ chúng tôi. Người ta đã không thể ngờ rằng chip máy tính sẽ trở nên phổ biến, đến nỗi máy tính và phần mềm sẽ trở thành công cụ trên mỗi bàn làm việc và trong mỗi gia đình”, Bill Gates chia sẻ.
Nhờ cách mà các giáo viên ở Lakeside truyền đạt kiến thức: làm mọi thứ để cho bài học trở nên chuyên nghiệp hơn, Gates nói rằng ông đã hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa máy tính và thế giới thực. Và bằng cách này hay cách khác, Gates khẳng định: “Không có Lakeside, không có Microsoft".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android