Trong xã hội của chúng ta, công nghệ đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh, có nhiều chức năng hơn và giúp đỡ chúng ta nhiều hơn. Nhưng phải nói là, cái gì cũng có mặt tiêu cực của nó. Tôi không chắc rằng khoảng cách thế hệ có ảnh hưởng quá nhiều đến suy nghĩ của mình không. Nhưng tôi cảm giác các thế hệ thiếu nên và con trẻ bây giờ đôi khi trở nên quá phụ thuộc vào những thiết bị công nghệ hiện đại mà quên mất những điều giản dị khác xung quang cuộc sống. Đến ngay cả bản thân tôi hay bạn bè tôi cũng có những lúc như vậy, nhưng có lẽ chúng tôi vẫn còn nhiều các ký ức về tuổi thơ với cánh diều, cây cối, chim muông nhiều hơn các bé bây giờ.
Tôi là một 8x đời đầu, hiện tại đang sống và làm việc ở Hà Nội. Bản thân tôi chỉ được làm quen với các thứ đồ công nghệ ở thời niên thiếu khi gia đình có chiếc PC màn hình lồi đầu tiên, chơi những trò chơi 8 bit và cũng mãi mới biết đến internet là gì. Ở lứa tuổi thiếu nhi, tôi hoàn toàn chỉ là bạn của những trò chơi như bắn bi, đuổi bắt, đá bóng ở ngoài với các bạn.
Ngay trong gia đình tôi, các cháu con chị gái tôi (các bé đều sinh sau năm 2000) đã có tuổi thơ khác nhiều với chúng tôi trước khi rồi. Các cháu tôi được tiếp xúc với những đồ công nghệ thông minh ngay từ khi sinh ra. Dù được bố mẹ dạy dỗ nhưng các cháu cũng chỉ thường xuyên chỉ muốn chơi điện thoại, máy tính và cả máy tính bảng.
Bố mẹ chúng và tôi cũng phải thừa nhận rằng khó mà khác được vì bây giờ làm gì có không gian chơi mấy, những đồ công nghệ lại quá quen thuộc và gần gũi. Trong các câu chuyện bọn trẻ nói với nhau thường xuyên xuất hiện những loại pass, nick name, tên các nhân vật trong những trò chơi online – những thứ mà tôi mới chỉ biết đến khi học lên cấp 3. Không chỉ cháu của tôi, nhiều cháu bây giờ ít tuổi đã có điện thoại riêng, nhiều cháu còn có cả facebook và đều sử dụng chúng cực kì chuyên nghiệp. Nhiều lúc cũng mừng vì các cháu được hưởng thụ những thiết bị này sớm hơn mình, nhiều tính năng hơn mình.
Nhưng mừng cũng là lo, tôi cảm thấy chúng có được sự hỗ trợ của công nghệ là rất tốt, chỉ là sự phát triển nhanh quá đôi khi cũng khó kiểm soát được. Dường như bọn trẻ lúc nào cũng cần đến điện thoại, máy nghe nhạc, internet … thậm chí còn có những bé chỉ thích ở nhà để chơi điện tử chứ không thích đi ra ngoài đường đá bóng hay bắn bi nữa.
Những gì trên internet kiểm soát và có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều khi tôi cũng nhức nhối trước việc có quá nhiều scandal, cách bôi xấu, “dìm hàng” nhau của các bạn thiếu niên trên các trang facebook hay diễn đàn. Nhiều người đã lợi dụng sức mạnh của công nghệ để có những hành vi gây tác hại vô cùng xấu tới xã hội và thế hệ trẻ.
Ngoài ra gần đây thấy một số báo đưa tin về thực trạng nhiều người bây giờ đi gặp gỡ nhau, café, họp lớp mà mỗi người đều chỉ chúi đầu vào điện thoại của mình. Bản thân tôi cũng giật mình vì đúng là có nhiều khi mình cũng như thế - quá ham mê chơi game, sử dụng mạng xã hội ảo mà quên đi mục đích của mình là đến để giao lưu, vui vẻ thật sự với bạn bè. Tất nhiên mỗi người có một cách sống khác nhau, nhưng thiết nghĩ, đến những người đã trưởng thành, có nhận thức như chúng tôi còn bị cuốn vào thì bọn trẻ còn chưa đủ trưởng thành, cũng chưa được uốn nắn đủ có thể chống đỡ như thế nào trước sức hút của những thứ đồ công nghệ nhiều tiện ích.
Rõ ràng không thể ngăn cản được công nghệ phát triển, nhưng phải chăng mỗi chúng ta nên có ý thức hơn khi sử dụng chúng, ý thức hơn để giáo dục con em chúng ta, đừng để chúng ta từ sử dụng công nghệ thành bị công nghệ sử dụng. Không biết mọi người như thế nào, nhưng đôi khi nhìn lại tôi thật sự cảm thấy e ngại trước một thế giới mà con người quá phụ thuộc vào những thứ máy móc xung quanh mình.