BMW, Volkswagen, Mercedes bỏ sĩ diện 40 năm, ‘cắp sách’ theo Trung Quốc học làm xe điện

    Vũ Anh , Nhịp Sống Thị Trường 

    Các thương hiệu nước ngoài đang nỗ lực tranh giành lợi thế để thu hẹp khoảng cách với các nhà sản xuất nội địa Trung.

    BMW, Volkswagen, Mercedes bỏ sĩ diện 40 năm, ‘cắp sách’ theo Trung Quốc học làm xe điện - Ảnh 1.

    Theo Canalys, Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới với 5,9 triệu chiếc bán ra vào năm 2022, tức chiếm 59% lượng ô tô bán ra trên toàn cầu. Các thương hiệu nội địa chiếm 81%, trong đó dẫn đầu là BYD, Wuling, Chery, Changan và GAC.

    “Các thương hiệu nội địa Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường trong việc phát triển và triển khai hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến, tận dụng lợi thế trong lĩnh vực xe điện”, đại diện Canalys nói. “Những thương hiệu này có lợi thế hơn so với các liên doanh khác trong việc lập kế hoạch triển khai hệ thống lái xe thông minh”.

    BofA Securities trong một báo cáo hồi tháng 5 kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xe điện lớn nhất thế giới vào năm 2025, chiếm 40%-45% thị phần.

    “Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tăng tốc, nâng cấp hoặc đổi mới công nghệ để mang đến cho người dùng những trải nghiệm vượt trội”, đại diện BofA Securities nói, đồng thời cho biết EV của Trung Quốc cạnh tranh hơn nhiều so với trước đây.

    Trong bối cảnh đó, các công ty nước ngoài nỗ lực tranh giành lợi thế để thu hẹp khoảng cách với các nhà sản xuất nội địa Trung. Chẳng hạn mới đây, BMW thông báo đẩy nhanh quá trình phát triển các tính năng lái xe tự động, hay còn được gọi là chức năng Cấp độ 3 hoặc L3. Những mẫu xe này sẽ được ra mắt vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

    Hiện xe trang bị chức năng lái xe tự động L3 chưa được phê duyệt rộng rãi ở Trung Quốc, dù cho một số công ty, trong đó có Xpeng, đã được phép thử nghiệm công nghệ này.

    Tuần trước, Volkswagen của Đức cam kết đầu tư 700 triệu USD vào Xpeng để đổi lấy 4,99% cổ phần. Ralf Brandstätter, thành viên hội đồng quản trị Volkswagen AG tại Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi hiện đang đẩy nhanh việc mở rộng danh mục đầu tư tại địa phương và chuẩn bị cho bước đổi mới tiếp theo”.

    Được biết, Volkswagen và Xpeng sẽ đồng phát triển 2 mẫu xe điện mới tích hợp phần mềm hỗ trợ người lái tiên tiến. Chúng dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2026.

    BMW, Volkswagen, Mercedes bỏ sĩ diện 40 năm, ‘cắp sách’ theo Trung Quốc học làm xe điện - Ảnh 2.

    Các thương hiệu nước ngoài đang nỗ lực tranh giành lợi thế để thu hẹp khoảng cách với các nhà sản xuất nội địa Trung.

    BYD, cùng với Nvidia và Horizon Robotics cũng đang phát triển công nghệ lái xe tự động. Hãng xe Nhật Bản Toyota thì cam kết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc.

    “Thị trường Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Toyota suy nghĩ xem tồn tại ở Trung Quốc như thế nào”, Tatsuro Ueda, Giám đốc điều hành Toyota tại Trung Quốc, cho biết. “Chúng tôi sẽ cố gắng phát triển và cung cấp các sản phẩm có thể làm hài lòng khách hàng Trung Quốc”.

    Theo JPMorgan, những người mua ô tô ở Trung Quốc trẻ hơn khoảng 10 tuổi so với những người mua xe ở Mỹ và châu Âu. Các thương hiệu nội địa đã nhắm mục tiêu thành công tới những người mua trẻ tuổi này bằng các mẫu xe mới tiên tiến, cung cấp nhiều chức năng kết nối hấp dẫn và đảm bảo trải nghiệm người dùng.

    Như vậy càng ngày, sức hấp dẫn của một xe điện càng phụ thuộc vào độ thông minh của nó. Cao Hua, một đối tác tại công ty cổ phần tư nhân Thượng Hải Unity Asset Management, cho biết: “Người trẻ ở Trung Quốc không còn coi xe điện là phương tiện đơn thuần. Họ muốn chúng giống như một chiếc điện thoại thông minh, và vì vậy, cải tiến công nghệ bên trong những chiếc xe tự hành có thể thu hút nhiều người mua”.

    Những cải tiến này bao gồm tính năng điều khiển bằng giọng nói, nhận dạng khuôn mặt, nâng cấp phần mềm qua mạng, liên kết điện thoại và cao hơn nữa là lái tự động. Chúng được phân loại theo 5 cấp độ, đảm bảo rằng phương tiện có thể tự di chuyển tốc độ cao mà không gây nguy hiểm cho tài xế.

    Theo một cuộc khảo sát vào tháng 12/2022 của JD Power và Đại học Tongji của Thượng Hải, 10 mẫu xe được xếp hạng “thông minh nhất” đều được tích hợp công nghệ tự lái (Cấp độ 2, Cấp độ 3). 9/10 chiếc xe điện bán chạy nhất hồi năm ngoái cũng tính năng này.

    “Các công ty Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng công nghệ xe tự lái, sau đó bán những chiếc ô tô thông minh này trên quy mô lớn”, nhà phân tích Paul Gong của UBS nói, đồng thời cho biết 2022 là năm đánh dấu nhiều bước ngoặt khi ngày càng nhiều các nhà sản xuất ô tô hiện thực hóa giấc mơ tự lái.

    Rõ ràng, nếu xét đến công nghệ được tích hợp trong xe điện, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới. Bằng chứng là tại triển lãm ô tô Thượng Hải năm nay, toàn bộ hội đồng quản trị của tập đoàn Volkswagen cùng hơn 100 nhân viên đã tới tham dự vì nghiêm túc coi Trung Quốc là một thị trường quan trọng trong việc phát triển. Các quan chức cấp cao của Mercedes-Benz và BMW cũng có mặt tại sự kiện này.

    “Rất nhiều tính năng trên các mẫu xe của chúng tôi được giới thiệu tại triển lãm năm nay được lấy cảm hứng từ Trung Quốc”, ông Oliver Zipse, Giám đốc điều hành của BMW phát biểu trong một cuộc họp báo.

    Nhận xét này đã cho thấy sự thay đổi quyền lực từ thời đại động cơ đốt trong sang thời đại xe điện (EV), khi các đối thủ phương Tây đang phải học hỏi từ các đối tác Trung Quốc.

    “Vào năm 2026, những chiếc xe thông minh trở nên phổ biến. Khách hàng sẽ cân nhắc với những chiếc xe không được tích hợp công nghệ lái thông minh”, Li Zhenyu, phó Chủ tịch Baidu kiêm người đứng đầu bộ phận kinh doanh lái xe thông minh Apollo cho biết. “Các nhà sản xuất ô tô phải lên kế hoạch để đối mặt với một cuộc cạnh tranh mới”.

    Theo: SCMP, Reuters

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ