“Bộ ba TV thần thánh" của CES 2018 là cách Samsung thay đổi và tăng cường trải nghiệm người dùng
Samsung đã bắt đầu kỷ nguyên TV thế hệ mới bằng cách giới thiệu các dòng sản phẩm TV tương lai của mình tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2018.
Theo đó, bên cạnh việc giới thiệu các bản nâng cấp mới cho dòng QLED TV Series 9 của năm 2017, Samsung còn khiến người tham dự CES “trố mắt" với hai siêu phẩm công nghệ đỉnh cao: một TV LCD 8K phát sáng trực tiếp với hơn 10.000 vùng tối cục bộ LED, được gọi là “Micro Dimming TV", dự kiến ra mắt ngay trong năm nay, và một chiếc TV LCD sử dụng công nghệ tự phát sáng chưa từng xuất hiện trước đây, được gọi là “The Wall".
Điều đáng nói nhất đó là, cả 3 sản phẩm này đều minh chứng cho nỗ lực của Samsung muốn thay đổi lối mòn của thị trường TV hiện tại, phục vụ những nhu cầu cao cấp hơn của người dùng. Điển hình như:
Gã khổng lồ “The Wall" - kích cỡ siêu lớn để phục vụ nhu cầu “xem rạp ngay tại nhà” của người dùng
Chúng ta sẽ nói về chiếc TV thứ hai trước. Đây là một TV microLED 4K, kích cỡ màn hình khổng lồ 146-inch, có thiết kế module - tức là ghép các hàng gồm nhiều khối vuông microLED lại - và là sản phẩm ít có khả năng được đưa đến tay người tiêu dùng nhất. Dù được đặt một cái tên khá hiền lành - The Wall - nhưng chiếc TV siêu lớn này lại là một món đồ công nghệ không thể thích hợp hơn để Samsung mở màn show trình diễn tại CES của mình. Nó còn cho thấy dù các TV microLED hướng đến người tiêu dùng thông thường vẫn chưa sẵn sàng, nhưng công nghệ này đã có những bước tiến gần hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Công nghệ microLED này gồm các chấm lượng tử (Quantum Dots) gắn trên một đèn lưỡng cực (diode) vô cơ tự phát sáng. Có nghĩa là bạn sẽ không cần phải lo lắng đến vấn đề toả nhiệt hay thoái hoá màu khi sử dụng chiếc TV này, dù màn hình của nó có độ sáng cao một cách đáng kinh ngạc.
Samsung chưa tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào liên quan độ sáng tối đa hay độ tương phản của hệ thống microLED mà họ vừa giới thiệu. Tuy nhiên với những gì hãng điện tử Hàn Quốc này đã trình diễn, có thể hi vọng rằng những con số khi được công bố sẽ vô cùng ấn tượng. Và rất có thể Samsung sẽ buộc chúng ta phải đợi cho đến Triển lãm CES năm sau - 2019 - mới chính thức công bố rõ ràng hơn về chiếc The Wall này.
Biến hình ảnh thường thành hình ảnh 8K mà không cần nội dung 8K - Samsung mang tương lai đến cho người dùng ngay ở thời hiện tại
Như đã nói ở trên, trong số hai siêu phẩm TV mà Samsung mang đến CES 2018 có một chiếc chắc chắn sẽ ra mắt trong năm nay, và đó là chiếc TV 8K “nền micro" (MFA).
Chiếc TV 8K này có màn hình 85-inch (còn có một bản nhỏ hơn có kích thước 65-inch, nhưng không được Samsung đề cập đến nhiều), độ phân giải 8K - tức 7680 x 4320 pixels. Nó sử dụng hệ thống ánh sáng FALD với hơn 10.000 vùng tối cục bộ LED, và đặc biệt hơn là nó có thể đạt đến độ sáng cực cao - 4.000 nits.
4.000 nits là con số quen thuộc trong thế giới âm thanh - hình ảnh, bởi nó chính là độ sáng tối đa được dùng để xử lý các nội dung HDR trên các đĩa Bluray 4K. Do đó, cho dù bạn có chơi một nội dung Bluray 4K đã được xử lý chi tiết đến mức nào đi nữa thì chiếc TV 8K Micro Dimming mới này của Samsung vẫn có thể render toàn bộ dải tần nhạy sáng mà không cần dùng tới tính năng Tone Mapping hay bị mất một số chi tiết và màu sắc ở những vùng quá sáng.
Thông thường, một chiếc TV LCD có màn hình sáng như thế này sẽ gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến đèn nền. Samsung chắc chắn biết đến điều này, và đó cũng là lý do họ trang bị cho chiếc TV 8K này hơn 10.000 vùng tối cục bộ. Những vùng tối này sẽ mang lại khả năng kiểm soát đèn nền cục bộ chưa từng xuất hiện trên bất kỳ chiếc TV LCD nào trước đây và cho phép người dùng tận hưởng một màn hình siêu sáng trong khi vẫn đảm bảo hiển thị màu đen cực kỳ trung thực với “độ ô nhiễm màu" ở mức tối thiểu.
Khi nói về độ phân giải 8K của chiếc TV này, nhiều người sẽ ngay lập tức tự hỏi “8K để làm gì khi chẳng có nội dung 8K nào để xem?!”. Thực ra Samsung một lần nữa biết trước điều này, và họ đã phát triển một thuật toán kéo dãn hình ảnh lên mức 8K với khả năng tăng cường chi tiết và độ sâu điểm ảnh, loại bỏ các đường viền răng cưa và giảm độ nhiễu hình ảnh. Thuật toán này hoạt động với mọi nguồn nội dung mà bạn muốn xem!
Nếu nghe vẫn chưa sướng tai thì Samsung cho biết thêm là thuật toán kéo dãn này được tích hợp một AI (trí tuệ nhân tạo) có khả năng liên tục học hỏi các kỹ thuật xử lý hình ảnh để tìm ra phương thức hoạt động tốt nhất đối với từng nguồn và thể loại nội dung. Các kỹ năng mà hệ thống AI này học được sẽ được lưu trữ vào một cơ sở dữ liệu và mở rộng dần cơ sở dữ liệu này theo thời gian, từ đó giúp thuật toán kéo dãn có thể hoạt động nhanh và hiệu quả hơn nếu nó phát hiện ra người dùng phát một nội dung tương tự nội dung mà họ từng phát trước đó.
Về mặt thiết kế, TV 8K Micro Dimming của Samsung có thiết kế hình giá vẽ tương tự như dòng Samsung S ra mắt năm 2013. Dù hãng chưa khẳng định đây là hình dáng cuối cùng của mẫu TV này, nhưng có vẻ họ đã đi đúng hướng với phong cách thiết kế này.
Vấn đề duy nhất đối với chiếc TV QLED 8K của Samsung là mức giá. Tại CES 2018, Samsung khá kín tiếng về giá cả các sản phẩm mà họ mang tới, nhưng cũng như The Wall, chiếc TV 8K này chắc chắn sẽ có một mức giá khiến người dùng “toát mồ hôi hột".
Kết nối vạn vật, sử dụng trí thông minh nhân tạo để giúp sản phẩm tự hoàn thiện chính mình phục vụ người dùng
Cuối cùng, chiếc TV thứ 3 mà Samsung giới thiệu tại CES 2018 là một bản nâng cấp của flagship Q9F năm ngoái với nhiều cải tiến đáng giá.
Cụ thể, TV Q9F đời 2018 không còn sử dụng hệ thống ánh sáng rìa nữa, mà thay vào đó là hệ thống FALD tương tự chiếc TV QLED 8K nêu trên. Với hàng trăm vùng tối cục bộ trên toàn màn hình, Q9F 2018 hứa hẹn tăng cường độ tương phản và khả năng kiểm soát ánh sáng tốt hơn so với thế hệ trước.
Chiếc TV này cũng sẽ là một trong những TV có màn hình sáng nhất trên thị trường nhằm tăng cường hiệu năng hiển thị HDR, và sử dụng các chấm lượng tử màu xanh và đỏ nhỏ hơn, nhờ đó nâng cao độ sáng khoảng 5% và mang lại màu sắc trong trẻo hơn nhiều. Q9F đời 2018 có khả năng hiển thị 100% quang phổ màu DCI-P3.
Ngoài việc được trang bị số lượng vùng tối cục bộ khá lớn, Q9F 2018 và TV QLED 8K Micro Dimming còn có chung một công nghệ mới là Q Contrast. Một phần của công nghệ này là bộ lọc Ultra Black - các tấm chắn ngăn giữa các pixel giúp giảm lượng ánh sáng chéo bị rò rỉ giữa các pixel này đến 40%. Mặt trước của tấm nền TV còn có một bộ lọc chống loá cải tiến, khi kết hợp với bộ lọc Ultra Black sẽ mang lại khả năng hiển thị màu đen trung thực hơn gấp 3 lần so với mẫu Q9F năm ngoái, đồng thời vẫn giữ được độ sâu màu và chi tiết hình ảnh ngay cả khi hoạt động trong điều kiện phòng nhiều ánh sáng. Trên thực tế, bộ lọc chống loá này sẽ giúp giảm hiệu ứng gương soi đến 20%.
Nhiều người sẽ nghĩ rằng việc áp dụng các bộ lọc hấp thu ánh sáng sẽ khiến góc nhìn của TV bị giảm đi. Tuy nhiên Samsung đã làm góc nhìn rộng hơn rõ rệt so với các mẫu TV ra mắt năm ngoái bằng cách tăng độ sáng trên các subpixel RGB. Bên trong màn hình Q9F 2018 còn có một lớp thấu kính lăng trụ nhằm tận dụng mọi lợi thế của ánh sáng LED trực tiếp trong khi vẫn đảm bảo độ mỏng tối ưu cho TV, và còn đóng vai trò cân bằng ánh sáng từ mỗi subpixel nhằm giúp tông màu xanh dương ăn khớp hơn với tông màu đỏ và xanh lá, giảm hiện tượng ám xanh thường thấy trên màn hình QLED.
Bộ xử lý hình ảnh Q Engine thế hệ mới nhất được trang bị trên Q9F 2018 và TV QLED 8K có khả năng xử lý 16-bit, do đó hoàn toàn loại bỏ được hiện tượng color banding khi hiển thị các nội dung với dải tần nhạy sáng cao - vốn thường xuyên xảy ra trên các thế hệ TV trước đây của Samsung, cũng như giúp TV xử lý được các dải màu rộng hơn và làm quá trình chuyển tông xám mượt mà hơn. Samsung cũng nhấn mạnh rằng với sức mạnh xử lý mới này, khả năng xử lý các nội dung HDR10 và HDR10 của các TV mà hãng giới thiệu tại CES 2018 sẽ được cải tiến rõ rệt.
Như vậy, cả Q9F 2018 và TV QLED 8K mới đều hỗ trợ định dạng hình ảnh HDR10 . Định dạng này thêm một lớp thông tin vào luồng hình ảnh, cung cấp cho TV các dữ liệu bổ sung về quá trình chuyển cảnh nhằm tối ưu hoá hiệu năng hoạt động. Tuy nhiên, với việc hỗ trợ HDR10 , Samsung nhiều khả năng sẽ không hỗ trợ hệ thống HDR động Dolby Vision.
Bộ xử lý hình ảnh Q Engine còn mang lại nhiều tiềm năng sử dụng khác. Ví dụ, nó sẽ tăng cường khả năng hỗ trợ chơi game dưới hình thức giảm độ trễ nhập liệu xuống mức 15.4ms; hay chế độ chơi game tự động, trong đó TV tự động phát hiện khi nào bạn đang chơi game bằng một máy console để tự kích hoạt chế độ Game; và tối ưu hoá tốc độ làm tươi.
Chưa hết, Samsung còn giới thiệu hệ thống Smart Sound mới với khả năng cân bằng âm lượng của nhiều nguồn khác nhau và tự động tối ưu hoá phương thức âm thanh được tạo ra để phù hợp với nội dung bạn đang xem. Hệ thống này hoạt động thông qua sự kết hợp của việc phân tích âm thanh cục bộ và các dữ liệu metadata được nhúng trong nội dung đang được phát.
Cuối cùng là Q Smart - liên kết TV với điện thoại di động của người dùng, hoạt động trên cả Android lẫn iOS. Bạn có thể sử dụng điện thoại để thực hiện toàn bộ quá trình cài đặt ban đầu, chia sẻ các ứng dụng đã cài đặt trên điện thoại với TV mà không cần đăng nhập lại khi chạy các ứng dụng đó trên TV.
Các dòng TV mới trong năm 2018 của Samsung cũng hỗ trợ trợ lý ảo Bixby, mở ra nhiều tính năng kích hoạt bằng giọng nói mới bên cạnh các câu lệnh giọng nói đơn giản mà Samsung đã giới thiệu vào năm ngoái. Bạn cũng có thể biến chiếc TV thành trung tâm điều khiển/giám sát toàn bộ các thiết bị IoT trong ngôi nhà thông minh của mình, dùng nó để theo dõi các camera gắn trước cửa, theo dõi con em, kích hoạt hệ thống ánh sáng và các ổ cắm thông minh, kiểm tra mức tiêu thụ điện năng của tủ lạnh…
Rõ ràng hãng điện tử Hàn Quốc này cho thấy họ đã sẵn sàng để bước qua kỷ nguyên mới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming