Chi tới vài chục triệu cho một bộ bàn phím cơ có thực sự đáng?
Ra đường bỏ chỉ vài chục nghìn cũng đã có một bộ bàn phím phục vụ vấn đề nhập liệu rồi, vậy cớ gì những người ‘nghiện nhựa’ lại phải chi vài triệu, thậm chí vài chục triệu cho 1 sản phẩm với chức năng tương tự?
Nếu đã từng được tới thăm nhà, hoặc tham dự những buổi gặp mặt của những người chơi bàn phím cơ bạn sẽ phải ‘choáng váng’ với mác giá trên sản phẩm của họ. ‘Bèo’ 1 - 2 triệu Đồng cho một bộ bàn phím, những người chơi sang hơn thì sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu Đồng để có được sản phẩm ưng ý với họ nhất.
Điều này dấy lên một câu hỏi cho nhiều người: Tại sao phải bỏ số tiền lớn như vậy chỉ cho một thiết bị nhập liệu cho máy tính, và thực sự các sản phẩm đắt tiền đấy có gì hay ho hơn những bộ bàn phím chỉ vài chục nghìn mua ngoài chợ?
Điều đầu tiên mọi người sẽ nghĩ tới là ‘Chất lượng’, vì giống như bao sản phẩm công nghệ khác những bộ bàn phím đắt tiền hơn thường sẽ đem đến những sự khác biệt khi đặt cạnh các lựa chọn rẻ tiền. Những bàn phím chỉ vài chục cho tới vài trăm nghìn thường sẽ là bàn phím cao su, sẽ không cho cảm giác nhấn xuống sâu, phím nảy lên ‘đã tay’ được như những bàn phím cơ.
Kể cả bàn phím cơ cũng được chia ra làm nhiều phân khúc khác nhau, với mỗi phân khúc đều có những điểm tạo ra sự khác biệt. Ở phân khúc giá rẻ, vỏ bàn phím cơ thường được làm bằng nhựa để tiết kiệm chi phí, những linh kiện được sử dụng bao gồm switch (bộ phận nhận phím), keycap (nắp trên của các phím bấm), những bộ stabilizer (cân bằng phím dài) cũng được lựa chọn phù hợp với tầm tiền.
Bên cạnh chất lượng gõ, chất lượng âm thanh của phím cũng được người chơi để ý tới! Điều này thì nghe có vẻ… chi li quá mức vì tại sao một sản phẩm phục vụ vấn đề nhập liệu lại cần để ý tới âm thanh. Nhưng khi bạn ngồi trước máy tính hàng giờ, ngồi gõ từng chữ một thì bàn phím có âm thanh ‘đầm’, chắc và ít những tiếng lọc xọc sẽ tạo cảm giác thoải mái, thư thái hơn. Yếu tố này cũng được quyết định bởi chính vật liệu, linh kiện sử dụng trên phím nên thường những bộ bàn phím đắt tiền, được lắp ráp tỉ mỉ cũng sẽ có tiếng dễ nghe hơn.
Càng gần tới ngưỡng 10 triệu Đồng, bàn phím cơ dần trở thành một ‘thú chơi’ hơn chỉ là một món phụ kiện sử dụng với máy tính. Với những bạn có điều kiện thì có thể sưu tầm nhiều bàn phím để trải nghiệm những cảm giác gõ, âm thanh khác nhau. Anh Tuấn Tùng, người chơi bàn phím cơ mà chúng tôi có cơ hội tới thăm nhà trong bài viết lần trước chia sẻ:
“Bàn phím cơ custom (đặt mua riêng từng linh kiện để lắp ráp) giờ đã trở thành một thú chơi sưu tầm, đâm ra sẽ có những sản phẩm mang tới độ hiếm và chất lượng hoàn thiện cực cao, chưa kể cách ra mắt đặc biệt của những nhà sản xuất tay nghề cao. Có những sản phẩm mà chỉ cần sờ vào chất liệu vỏ ngoài, ngắm nhìn nó đã khiến cho chúng ta mê mẩn.”
Bên cạnh việc đề cao chất lượng gõ và âm thanh, những bộ bàn phím đắt sẽ bắt đầu đề cao tính thẩm mỹ, cá nhân hóa hơn: “Tất nhiên điều quan trọng nhất vẫn là tính cá nhân hóa của nó, khi mà mỗi cá nhân có thể điều chế để sản phẩm ấy trở thành độc nhất, mang đúng tính cá nhân hóa của mỗi người. Tiếng gõ, cảm nhận gõ, độ nặng nhẹ khi gõ hay keycap, đều được chính người chủ của từng chiếc phím biến hóa để trở thành độc nhất vô nhị.”
Một lý do rất lớn nữa khiến giá bán của một số chiếc bàn phím bị đẩy cao ‘ngang những chiếc xe máy’ còn đến từ độ hiếm của chúng. Khác với những bộ bàn phím được sản xuất bởi các hãng lớn thì những bộ bàn phím custom thường được làm ra bởi một người, hoặc từ những đội ngũ nhỏ. Họ tự thiết kế những bộ bàn phím với dấu ấn riêng, sau đó phải đi thuê xưởng sản xuất với số lượng nhỏ chỉ từ vài chục cho tới vài trăm chiếc.
Để mua được những bộ bàn phím này, người chơi sẽ phải tham gia raffle (quay số), khi mà cả một cộng đồng đều sẽ đăng ký mua nhưng sẽ chỉ có những người may mắn mới mua được - không khác mấy việc quay xổ số! Ngay sau khi được bán ra, vì số lượng nhỏ nên giá của những bộ bàn phím này sẽ còn được ‘độn’ lên rất nhiều ở thị trường bán lại, càng ngày càng trở nên đắt đỏ.
“Có những bộ bàn phím chỉ bán ra vài chiếc trên khắp Thế giới, khiến cho những mẫu bàn phím này có giá lên tới vài chục thậm chí cả trăm triệu. Có thể lấy ví dụ như mẫu Cloudline, Unikorn hay Jane TGR…đều là những mẫu phím nổi tiếng toàn cầu, được săn đón và mơ ước từ tất cả những ai mê phím cơ.” - anh Tùng chia sẻ thêm.
Mua phím về rồi, người chơi còn thường mua thêm những món đồ trang trí thêm với giá bán cũng không hề rẻ. “Chiếc dây kết nối phím với máy tính của mình được làm bởi 15cables, một brand Việt Nam ở Hải Phòng, đan rất khéo và màu sắc cực kỳ bắt mắt. Hay các keycap artisan (keycap trang trí được làm bằng tay) cũng trở thành một thú sưu tầm cao cấp khác, có những chiếc keycap giá đến hàng chục triệu đồng, với mục đích chỉ trang trí trên bàn phím. Hàng loạt các maker đến từ Việt Nam ăn nên làm ra, nổi tiếng toàn cầu như Dwarfs Factory Art.key hay Zy.cap…”
Vậy có phải cứ bỏ càng nhiều tiền thì càng có các sản phẩm chất lượng cao hơn không, và với những bạn chỉ quan tâm tới cảm giác rõ cũng như âm thanh của phím chứ không phải hình thức bên ngoài thì cần chi bao nhiêu tiền? Anh Tùng chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này:
“Cái này khó đánh giá vì giá trị của ‘em’ phím không quan trọng bằng sự hài lòng của người chủ. Có rất nhiều sản phẩm không cần giá trị quá cao, mà chỉ cần lắp ráp cẩn thận, có sự tập trung nhiệt huyết cao, vẫn có thể trở thành sản phẩm ưng ý. Bỏ nhiều tiền thì chúng ta sẽ có những sản phẩm hiếm có trên thế giới, do số lượng sản xuất không nhiều, chứ không phải chỉ do mỗi trải nghiệm gõ.
Với những bạn chỉ quan tâm chất lượng gõ không cần ngoại hình, thì mức đầu tư cho các bạn 'newbie' là tầm 2 - 4 triệu Đồng là có thể sở hữu những em phím thực sự chất lượng, âm hay, chất liệu tốt và thậm chí ngoại hình cũng vẫn rất đẹp. Do các ‘pháp sư Trung Hoa’ đang đầu tư rất nhiều cho bộ môn này, nên cơ hội tiếp xúc sử dụng phím cơ chất lượng cao giá tốt đang vô cùng khả thi.”
Cảm ơn sự hỗ trợ của đội ngũ The Mediatory trong quá trình hoàn thiện bài viết
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming