“Bố già AI” đột ngột rời khỏi Google và lời cảnh báo về loại công nghệ này: “Mọi người sẽ không thể biết đâu là sự thật nữa”
Là một trong những người đặt nền móng cho sự bủng nổ AI hiện nay, nhưng ông Hinton lại đang lo ngại về cuộc chạy đua phát triển công nghệ này.
- Con người sẽ ra sao khi AI có được ý thức tự chủ?
- Không chỉ AI, Microsoft còn nhiều quân bài khác để đấu với Google trên chiến trường tìm kiếm
- Nghề mai mối sắp hết thời vì ChatGPT: Hệ thống AI tự động dựng hồ sơ, tìm kiếm và sàng lọc đối tượng thích hợp, thậm chí nhắn tín ‘gạ’ hẹn hò hộ
- Phép vua thua lệ làng: Trung Quốc yêu cầu AI có thông minh đến đâu cũng phải chơi theo luật!
Năm 2018, giải thưởng Turing Award, giải thưởng được xem như Nobel của ngành điện toán, được trao cho 3 nhà nghiên cứu AI bao gồm Yann LeCunn của Facebook, Yoshua Bengio của Botler AI và tiến sĩ Geoffrey Hinton của Google. Họ được xem là những "bố già của ngành AI" khi các nghiên cứu của họ về học sâu (deep learning) đã góp phần làm nên sự bùng nổ của các ứng dụng AI bao gồm nhận diện gương mặt, giọng nói, … trong những năm vừa qua.
Nhưng đúng vào thời điểm những người khổng lồ công nghệ đang bắt tay vào cuộc đua AI trên quy mô lớn hơn, tiến sĩ Geoffrey Hinton lại khiến mọi người sửng sốt với thông báo rời khỏi Google cũng như tuyên bố hối tiếc về công trình của cả đời mình.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với New York Times, nhà nghiên cứu kỳ cựu về AI này cho biết ông không còn thấy thoải mái với việc các giới hạn về phát triển AI liên tục được phá vỡ mà không có bất kỳ quy định pháp lý hay điểm dừng nào. Nhà nghiên cứu 75 tuổi, người từng dẫn dắt việc phát triển AI tại Google, cho biết: "Thật khó biết được làm thế nào ngăn được những kẻ xấu sử dụng AI vào những điều xấu."
Ông tự so sánh với Robert Oppenheimer, người giúp phát triển nên bom nguyên tử cho Mỹ. Trong khi ông Oppenheimer tuyên bố, theo đuổi nghiên cứu khoa học chỉ vì mục đích khoa học, ông Hinton lại cho rằng "Tôi không nghĩ họ nên mở rộng AI thêm nữa cho đến khi họ hiểu được liệu mình có thể kiểm soát được nó hay không". Ông cũng lo ngại rằng sự phát triển AI sẽ gây ra sự đứt gãy về việc làm trên toàn thế giới.
Danh hiệu "Bố già về AI" của ông Hinton không phải ngẫu nhiên mà đến từ hàng thập kỷ nghiên cứu về AI. Năm 2012, ông và 2 sinh viên khác của Đại học Toronto (Ilya Sutskever và Alex Krishevsky) đã góp phần xây dựng nên mạng lưới thần kinh nhân tạo – neural network – một chương trình học máy có thể dạy chính bản thân nó nhận biết các vật thể như con chó, bông hoa, hay ô tô.
Cuối cùng nó trở thành một cột mốc đánh dấu bước đệm cho việc ra đời các AI dựa trên mô hình Transformer như công cụ sản sinh hình ảnh Diffusion AI và các mô hình ngôn ngữ lớn. Một trong hai sinh viên của ông – Ilya Sutskever – hiện đang là nhà khoa học trưởng của OpenAI.
Năm 2013, Google bỏ ra 44 triệu USD mua lại công ty được thành lập nên từ nghiên cứu của ông Hinton tại Đại học Toronto. Điều này cho phép ông thiết lập nên một chi nhánh của Google Brain tại Toronto giúp giám sát quá trình phát triển AI. Google tiếp tục chi tiêu mạnh tay hơn cho AI khi mua lại DeepMind, một công ty chuyên về kỹ thuật học sâu vào năm 2014.
Vẫn chưa rõ thái độ của ông Hinton đối với AI thay đổi từ lúc nào, nhưng vài tháng trước ông vẫn xem AI như một "đứa trẻ siêu phàm phát triển sớm" và hạnh phúc với khả năng kiểm soát của Google về công nghệ này. Ông so sánh việc huấn luyện AI như việc cho các con sâu chất dinh dưỡng để nó trở thành bướm, đồng thời gọi mô hình GPT-4 của OpenAI là "cánh bướm của nhân loại."
Nhưng dường như sự xuất hiện của Microsoft Bing mới bên cạnh mô hình GPT-4, thách thức hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google và buộc người khổng lồ tìm kiếm phải phát ra "Báo động đỏ" đã làm thay đổi thái độ của ông Hinton. Ông cho rằng, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những người khổng lồ là không thể dừng lại, dẫn đến việc tạo ra quá nhiều hình ảnh và văn bản giả trên thế giới đến mức không ai có thể nói được "đâu là sự thật nữa."
Thời điểm ra đi của ông Hinton cũng diễn ra cùng lúc với một cuộc đại cải tổ trong nội bộ Google sau các đợt sa thải hàng loạt. Tháng trước Google thông báo hợp nhất 2 nhóm nghiên cứu AI lớn của mình, bao gồm Google Brain và DeepMind, thành một bộ phận và cũng tổ chức lại vị trí lãnh đạo bộ phận này. Giờ đây người đứng đầu Google Brain, Jeff Dean sẽ trở thành nhà khoa học trưởng của bộ phận AI, còn CEO DeepMind Demis Hassabis sẽ điều hành toàn bộ việc phát triển AI.
Cho đến nay những lời kêu gọi ngừng việc phát triển AI đều đến từ bên ngoài những người khổng lồ công nghệ. Mới đây, hàng trăm nhà nghiên cứu hàng đầu đã gửi một bức thư ngỏ yêu cầu các công ty tạm dừng phát triển các hệ thống AI cao cấp mới. Bức thư cho rằng, các công ty công nghệ khổng lồ đang mắc kẹt trong "một cuộc đua mất kiểm soát để phát triển các bộ óc kỹ thuật số ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết" mà không ai có thể dự đoán hoặc kiểm soát được hậu quả của nó.
Tham khảo Gizmodo, The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"