BS Nguyễn Huy Hoàng phản bác CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng: "Chế tạo vaccine giống phần mềm diệt virus là quan điểm phản khoa học"
"Ai biết được, nếu chúng ta làm như theo ý kiến của anh Quảng cho lây nhiễm chủ động chủng virus đó, nó lại đột biến ra chủng siêu lây nhiễm nào đó… Liệu đến khi đó chúng ta có sửa sai được không? Bởi virus máy tính làm lỡ có sai sót gì thì chỉ gây tổn hại đến kinh tế. Còn virus SARS-CoV-2 mà sai là thiệt hại về mạng người, không chỉ 1 mà rất nhiều, rất nhiều mạng người nữa...", BS Nguyễn Huy Hoàng phản biện.
Liên quan đến tình hình Ấn Độ hiện nay, khi mỗi ngày chính phủ nước này ghi nhận tới hơn 350.000 ca nhiễm mới và 2.800 ca tử vong, rất nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đang tranh cãi về một phát ngôn của ông Nguyễn Tử Quảng (CEO của tập đoàn BKAV) về một “giả thuyết” mà ông Quảng đề xuất: Dùng virus diệt virus trong các trường hợp khẩn cấp (như ở Ấn Độ).
Một số người ủng hộ các ý tưởng của ông Quảng và cho rằng đó là ý tưởng đột phá, trong khi một số khác nói rằng nó có thể làm xấu tình hình và gây ra thảm họa.
Ông Quảng dựa vào thông tin "Chùm ca bệnh liên quan sân bay Tân Sơn Nhất: Ít triệu chứng, xét nghiệm âm tính nhanh" (https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-1441) để đưa ra kết luận biến chủng SARS-CoV-2 Rwanda (A 23.1) lây nhiễm ở Tân Sơn Nhất hồi tháng 2 là "một biến thể virus rất đặc biệt. Thậm chí, có thể thấy chúng chỉ giống như cúm mùa không gây hại".
Dựa vào kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực sản xuất phần mềm diệt virus máy tính, ông Quảng nói rằng có những biến thể virus máy tính có thể diệt được chủng virus tổ tiên ban đầu. Qua đó vị này đề xuất ý tưởng nghiên cứu kỹ biến chủng SARS-CoV-2 Rwanda (A 23.1) để sử dụng nó chủ động lây nhiễm ra cộng đồng trong các trường hợp khẩn cấp như ở Ấn Độ, mục đích là để người nhiễm nó không bị bệnh nặng nhưng sẽ có kháng thể để không nhiễm các chủng SARS-CoV-2 khác nguy hiểm hơn.
Bình luận của ông Nguyễn Tử Quảng trên facebook cá nhân.
"Chẳng bao giờ có 1 con virus nào xâm nhập vào 1 vật chủ mà không gây hại lên vật chủ khác"
Phản ánh về phát ngôn của CEO Nguyễn Tử Quảng về việc chế tạo vaccine chống COVID-19 giống lập trình phần mềm diệt virus, BS.CKI Nguyễn Huy Hoàng, trưởng bộ phận Oxy cao áp, Trung tâm Oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga bày tỏ quan điểm:
"Từ phát ngôn của anh Quảng, chúng ta đặt ra câu hỏi rằng: "Liệu việc nghiên cứu sản xuất vaccine có những điểm tương đồng so với lập trình phần mềm diệt virus hay không? Câu trả lời chắc chắn là không thể."
BS.CKI Nguyễn Huy Hoàng, trưởng bộ phận Oxy cao áp, Trung tâm Oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga
Theo BS Hoàng chia sẻ: "Ý kiến của anh Quảng rất phản khoa học. Không ai làm thế cả, vì đó chính là vaccine sơ khai đấy.
Ai biết được, nếu chúng ta làm như theo ý kiến của anh Quảng cho lây nhiễm chủ động chủng virus đó, nó lại đột biến ra chủng siêu lây nhiễm nào đó… Liệu đến khi đó chúng ta có sửa sai được không? Bởi virus máy tính làm lỡ có sai sót gì thì chỉ gây tổn hại đến kinh tế... Còn virus Covid này mà sai là thiệt hại về mạng người - không chỉ một mà rất nhiều, rất nhiều mạng người nữa...
Nếu muốn bàn luận về virus Covid, thì anh Quảng cần phải tìm hiểu, có kiến thức cơ bản về bản chất của virus, và hệ miễn dịch (kháng nguyên, kháng thể…) về cách có đi vào cơ thể nó làm gì, cơ thể có phản ứng gì và tại sao chúng ta khỏi bệnh?
Bởi giả thuyết anh gọi là "Vacxin tự nhiên" nó không liên quan gì đến con covid này hết. Nó xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại con virus đó. Không có bất cứ một biến thể của con covid nào xâm nhập vào cơ thể để tiêu diệt con covid khác. Chẳng bao giờ có một con virus nào xâm nhập vào 1 vật chủ mà không gây hại lên vật chủ khác.
Khi chúng ta tăng số lượng nhiễm covid dù là biến thể nào thì số lượng đột biến cũng tăng lên. Và đột biến tạo các biến thể là điều mà chúng ta không thể lường được và không có khả năng đi trước ngăn chặn.
Hiện tại, không có gì đảm bảo được là virus biến chủng mới ở Ấn Độ có độc lực yếu có thể sử dụng làm vaccine sống giảm động lực được. Vaccine cúm mùa còn phải tiêm lại hàng năm còn với các vaccine covid hiện nay cũng chưa đảm bảo là có thể duy trì kháng thể trọn đời được.
Nếu Việt Nam có khả năng nghiên cứu và sản xuất vaccine ở tầm cỡ thế giới thì đã đành nhưng hiện tại khả năng của mình chưa đủ. Nên ý kiến của anh Quảng có thể chỉ mang tính chất ý kiến, còn để triển khai thì khả năng bất ổn rất cao. Nhất là khi Việt Nam đang chống dịch rất hiệu quả.
Theo tôi thì những người không có chuyên môn nhưng lại có độ nổi tiếng, tiếng tăm nhất định như anh Quảng (có nhiều người theo dõi anh ấy). Nhưng anh ấy lại phát ngôn và đưa ra quan điểm như trên khiến nhiều người không hiểu biết nhưng lại nghe, hùa theo và chia sẻ, lan truyền thông tin này. Đây là một điều "Rất nguy hiểm!". Bởi lẽ, anh Quảng có kiến thức nền về bệnh truyền nhiễm nên sẽ nói nhiều điều ngây ngô, không phù hợp hay nói một cách khác là "Nói nhăng nói cuội về một chuyện nghiêm trọng và thời sự".
Mỗi người giỏi một việc. Việc phát huy thế mạnh của mình là điều rất trân trọng và rất tạo cảm hứng cho cộng đồng. Tuy nhiên, nếu chúng ta giỏi mảng A không có nghĩa là chúng ta cũng giỏi mảng B. Khi tiếng nói có trọng lượng, thì việc thận trọng trong hành động là điều hết sức cân nhắc".
Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch COVID-19 đang bủa vây "tứ phía"
"Diễn biến nhanh chóng và phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Á và khu vực Đông Nam Á là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ với Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta không được phép chủ quan, lơ là với những biện pháp phòng dịch.
Hiện tại Việt Nam là an toàn, nhưng có thể có làn sóng COVID-19 mới, với sức mạnh khủng khiếp hơn không thể biết được.
Đặc biệt, với tình hình Ấn Độ hiện nay, thì không thể nói trước điều gì với loại virus này cả. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, nguy cơ bùng dịch có thể đến bất cứ lúc nào. Với Covid-19 chúng ta không thể lường trước được, cho nên cần phải luôn cảnh giác. Tất nhiên, việc đề phòng, cảnh giác không bao giờ thừa.
Bên y tế, bộ đội, công an, biên phòng, hải quan... chỉ biết cố gắng tối đa, làm tròn nhiệm vụ của mình. Còn việc Covid nó có bùng phát nữa hay không thì không ai có thể biết được", BS Hoàng chia sẻ.
Vị bác sĩ này cũng mong mọi người đừng chủ quan, đừng cho rằng người Việt Nam có sức mạnh thần kỳ nào đó khiến Covid phải né xa. Điều duy nhất chúng ta có thể làm hiện tại là "hạn chế tối đa các nguy cơ".
Đồng thời, phải luôn cảnh giác, nghiêm túc thực hiện ‘5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế’, tiêm vaccine càng nhanh, càng nhiều càng tốt khi có thể. Nếu vaccine của Việt Nam nghiên cứu mà thành công thì là một sự may mắn lớn. Nhiệm vụ của chúng ta là hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của nCoV, nếu chẳng may dịch vẫn bùng phát thì có sẵn các kịch bản, các phương án để hạn chế tối đa thiệt hại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4