Bức vẽ “Người Vitruvius” lừng danh của Leonardo da Vinci mô tả một người đàn ông khỏa thân ở hai trạng thái khác nhau (duỗi thẳng chân và dạng chân) nằm trong một hình tròn và hình vuông trùng tâm đối xứng, số đo của người đàn ông tuân theo một tỷ lệ được Leonardo quy ước và ghi chép phía dưới hình vẽ.
Nhà sử học về kiến trúc người Italia Claudio Sgarbi đã phát hiện một bức tranh minh họa một người đàn ông có các số đo cơ thể lý tưởng - chủ thể trông giống Chúa Jesu, nhưng bố cục tranh trông tương tự tác phẩm của danh họa Leonardo - trong một bản thảo bị bỏ quên ở Ferrara, Italia vào năm 1986. Cả bức tranh này lẫn tác phẩm của Leonardo đều khắc họa lại nội dung một bài viết có từ 1.500 năm trước của Vitruvius, một kiến trúc sư La Mã cổ đại. Trong tác phẩm của mình, Vitruvius đã miêu tả cơ thể người nằm vừa vặn bên trong một vòng tròn (biểu tượng thần thánh) và bên trong một hình vuông (biểu tượng trần tục). Đây thực chất là cách diễn giải bằng hình học một đức tin cổ xưa, rằng con người là đại diện thu nhỏ của toàn thể vũ trụ. Leonardo và các học giả khác đã làm sống lại quan điểm này trong thời kỳ Phục hưng của Italia.
Sau hàng thập kỷ nghiên cứu, nhà sử học Claudio Sgarbi hiện tin rằng bức vẽ người Vitruvius ít được biết tới hơn là tác phẩm của Giacomo Andrea de Ferrara, một kiến trúc sư thời Phục hưng, một chuyên gia về Vitruvius và cũng là bạn thân của danh họa Leonardo. Ngoài ra, ông Sgarbi cho rằng Giacomo Andrea có thể đã vẽ tranh người Vitruvius trước tiên, mặc dù Giacomo và Leonardo nhiều khả năng đã thảo luận với nhau về ý tưởng chung.
Để chứng minh cho nhận định của mình, nhà sử học Sgarbi đã đưa ra những luận cứ sau: Thứ nhất, trong các bài viết của bản thân, Leonardo đã đề cập tới “Vitruvius của Giacomo Andrea” - dường như ám chỉ trực tiếp tới bản thảo của Giacomo. Thứ hai, Leonardo đã dùng bữa tối với Giacomo vào tháng 7/1490, năm mà cả hai được cho là đã vẽ các tranh minh họa người Vitruvius. Các chuyên gia tin rằng, Leonardo đã thăm dò sự hiểu biết của bạn về Vitruvius khi họ gặp nhau. Hơn thế nữa, cả hai bức vẽ đều khắc họa ghi chép của Vitruvius tương tự nhau. Tác phẩm của Leonardo hoàn hảo hơn, trong khi tác phẩm của Giacomo đầy những lỗi vẽ nhầm lẫn ban đầu và sửa chữa lại. Giacomo được cho là khó có thể mắc các lỗi vẽ như trên nếu ông là người sao chép tranh của Leonardo.
Tác phẩm “Người Vitruvius” của Giacomo Andrea.
“Tôi thấy nhận xét của ông Sgarbi rất thú vị và hấp dẫn. Nhưng tôi nghiêng về ý kiến cho rằng Giacomo Andrea và Leonardo cùng song song vẽ tranh, hơn là quan điểm cáo buộc Leonardo đã sao chép tranh của bạn”, Indra McEwen, một nhà sử học về kiến trúc tại Đại học Concordia (Mỹ) phát biểu trên trang Live Science. Bà McEwen mới đây đã có bài viết chuyên sâu, bao quát về các tác phẩm của Vitruvius. Theo bà McEwen, tác phẩm nào là nguyên gốc không phải là điều đáng bận tâm. Hơn thế nữa, không tính đến thời gian xuất hiện, tranh của Leonardo là sự cải tiến so với tranh của Giacomo.
Hai bức vẽ có nhiều điểm tương đồng khi được đặt cạnh nhau.
Bà McEwen giải thích: “Leonardo là người vẽ phác thảo giỏi hơn nhiều, với sự hiểu biết vượt trội về giải phẫu học… Leonardo cũng trung thành hơn với ghi chép của Vitruvius. Vitruvius không hề đề cập tới việc người được đặt cùng lúc bên trong hình vuông và hình tròn. "Một người đàn ông nằm thẳng lưng, có thể được bao quanh bằng một hình tròn nếu dang rộng hai tay, hai chân", Vitruvius đã viết như vậy. Tương tự, chiều cao của người đàn ông đó tương đương với độ dài hai cánh tay duỗi thẳng của anh ta, khoanh vùng khu vực có thể viền bằng hình vuông. Hình tượng của Giacomo Andrea chỉ có các cặp tay, chân được bao bọc bằng hình tròn và hình vuông cùng lúc, trong khi Leonardo thể hiện gắn kết hơn bằng cách lột tả sự thay đổi vị trí của các tay và chân. Tôi phải thừa nhận rằng, điều đó khiến tranh của danh họa gần hơn với sự mô tả của văn bản gốc so với tranh của Giacomo”.
Có một điều chắc chắn là: Bức tranh Người Vitruvius “chuẩn hơn” đã nổi tiếng toàn thế giới, trong khi tranh minh họa đơn giản hơn dù có thể nguyên bản hơn lại bị lãng quên trong một thư viện suốt 5 thế kỷ. Điều đó có thể liên quan đến những số phận rất khác nhau của Leonardo và Giacomo. Khi người Pháp xâm chiếm Milan vào năm 1494, Leonardo đã trốn thoát an toàn và tiếp tục tạo dựng danh tiếng trường tồn. Trong khi đó, Giacomo ở lại Milan và bị người Pháp treo cổ, phanh thây, rồi hầu như bị lịch sử quên lãng cho mãi tới tận ngày nay.