Buồn của Bill Gates: Nếu đi cùng Microsoft tới bây giờ đã có thể giàu gấp đôi Elon Musk, tất cả những gì còn lại chỉ là hơn 1% cổ phần và sự ra đi tai tiếng vì phốt 'thân mật' với nhân viên nữ
Bill Gates của thời điểm hiện tại không phải người giúp Microsoft thăng hoa nhất, cũng không phải cổ đông lớn nhất.
- Chuyện gì xảy ra nếu Bill Gates chưa bán số cổ phiếu Microsoft của mình?
- Từ câu chuyện của Bill Gates và Jeff Bezos rút ra: Bí kíp giữ hạnh phúc gia đình là mua máy rửa bát tặng bản thân mình trước khi quá muộn
- Lý thuyết 'kẻ ngốc hơn' lý giải việc có 1 cơ số người xa lạ đang âm thầm giúp Elon Musk giàu nhanh chóng mặt, vượt từ Bill Gates tới Warren Buffett
Bill Gates lẽ ra giàu hơn Elon Musk và Jeff Bezos cộng lại
Tờ Bloomberg nhận định, tỷ phú Bill Gates có thể cảm thấy rất tiếc nuối khi nhìn giá cổ phiếu Microsoft thời điểm hiện tại. Đáng ra, ông đã có thể giàu hơn người sáng lập Amazon Jeff Bezos và CEO Tesla Elon Musk cộng lại nếu vẫn tiếp tục giữ cổ phiếu của mình tại Microsoft cho tới bây giờ.
Theo thống kê của Bloomberg, Bill Gates hiện là người đàn ông giàu thứ tư trên thế giới với tài sản ước tính 138,5 tỷ USD. Thời điểm tháng 9/1998, ông nắm giữ hơn 2 tỷ cổ phiếu của Microsoft - đây cũng là thời điểm khi lần đầu tiên Microsoft trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.
Hiện tại, Microsoft cũng vẫn là công ty giá trị nhất thế giới với vốn hoá 2.500 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là hàng tỷ cổ phiếu mà Gates từng nắm giữ nếu được tính theo giá giao dịch ngày thứ Sáu sẽ có giá trị khoảng 693 tỷ USD, gấp đôi giá trị tài sản ròng của Musk là 340,4 tỷ USD và gấp ba lần giá trị ròng của Bezos là 200,3 tỷ USD.
Đáng tiếc, tất cả những điều đó đã không xảy ra. Bill Gates đã bán phần lớn cổ phần của mình khi rời hội đồng quản trị Microsoft vào năm ngoái. Thời điểm đó - khoảng tháng 3/2020 Gates thông báo rằng ông sẽ rời gã khổng lồ phần mềm để tập trung vào các nỗ lực từ thiện. Hiện ông chỉ còn nắm 1,3% cổ phần tại Microsoft.
Tuy nhiên, đầu năm nay tờ Bloomberg dẫn lời từ một nguồn tin thân cận cho biết, ban giám đốc tập đoàn Microsoft bắt đầu mở một cuộc điều tra nhắm vào Bill Gates với cáo buộc liên quan tới một nữ nhân viên vào năm ngoái. Hành động này được phía Microsoft cho là "không phù hợp" và sau đó buộc Bill Gates phải từ chức khỏi hội đồng quản trị của tập đoàn vào năm ngoái.
Cụ thể năm 2019, Microsoft nhận được thông tin nói rằng Bill Gates đã cố tình "thân mật" với một nhân viên nữ kể từ năm 2000. Người phát ngôn của Microsoft nói rằng hội đồng quản trị công ty đã xem xét vấn đề với sự trợ giúp của một công ty luật bên ngoài. Các thành viên hội đồng quản trị đã thuê công ty luật để tiến hành cuộc điều tra sau khi nhận một lá thư từ một kỹ sư Microsoft nói rằng cô đã có mối quan hệ tình ái với Gates trong nhiều năm. Dường như vì những lùm xùm này mà Gates đã buộc rời hội đồng quản trị Microsoft trước khi cuộc điều tra hoàn thành.
Đến tháng 3 năm nay, thông tin vợ chồng Bill Gates ly hôn gây chấn động thế giới. Nguyên nhân của việc này vẫn chưa được sáng tỏ nhưng kể từ đó nhiều góc khuất trong cuộc sống giàu có, tưởng êm đềm của Bill Gates dần được tiết lộ.
Là đồng sáng lập, Bill Gates đã có công lớn trong việc đặt nền móng đưa công ty phát triển thành gã khổng lồ như ngày nay. Nhưng trớ trêu thay, giai đoạn cổ phiếu Microsoft thăng hoa nhất lại không phải dưới thời Bill Gates làm CEO.
Cuộc chuyển giao quyền lực thất bại giữa 2 người bạn học
Được đồng sáng lập vào năm 1975 bởi Bill Gates và Paul Allen, Microsoft đã tạo ra ngành công nghiệp phần mềm máy tính cá nhân và thống trị thị trường hệ điều hành PC và phần mềm Office trong nhiều năm. Khi các trình duyệt Internet như Netscape phát triển trong những năm 1990, Microsoft đã tăng tốc giới thiệu sản phẩm của chính họ đồng bộ với Windows. Điều này dẫn tới vi phạm luật độc quyền và họ bị tuyên án vào năm 2000.
Mặc dù Microsoft đã tránh được việc chia tách doanh nghiệp nhưng án phạt đã khiến 1 thập kỷ sau đó, công ty này bỏ lỡ thời của phần mềm di động, mạng xã hội và tìm kiếm internet, thụt lùi so với những đối thủ như Google và Apple.
Gia nhập Microsoft vào năm 1980 và trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp đầu tiên của công ty, Steve Ballmer dốc sức mình trong hai thập kỷ trên cương vị giám đốc kinh doanh, đưa phần mềm Microsoft có mặt trên 97% máy tính cá nhân trên toàn thế giới. Ngày 13/1/2000, dưới sự tín nhiệm của Bill Gates, Steve Ballmer chính thức trở thành CEO – "thuyền trưởng" chèo lái con thuyền Microsoft.
Trong thời gian làm CEO, Ballmer mắc phải những sai lầm gây thiệt hại tới cả tỷ USD cho Microsoft, đánh mất vị trí thống trị thị trường. Cổ phiếu của hãng trong hơn một thập kỷ qua không vượt được mốc 50 USD, thời điểm đánh dấu cuộc chuyển ngôi quyền lực trong tập đoàn của hai người bạn học: Từ Bill Gates sang Steve Ballmer.
Đầu tiên là thương vụ mua lại hãng marketing số aQuantive, mọi chuyện bắt đầu từ năm 2007, Microsoft chi 6,3 tỷ USD để mua lại công ty này nhưng chỉ 5 năm sau đó, hãng phần mềm thừa nhận mất trắng 6,2 tỷ USD vì aQuantive mất giá. Theo GeekWire, Microsoft đã không tập trung phát triển thế mạnh về quảng cáo hiển thị của công ty mình vừa mua về mà chỉ chăm chút cho quảng cáo tìm kiếm (được xem là động thái nhằm cạnh tranh với Google). Những vấn đề nội bộ sau khi sáp nhập cũng khiến nhân tài của aQuantive bỏ việc, nhanh chóng biến doanh nghiệp này thành "cái xác" có giá 100 triệu USD.
Một vụ mua lại khác (lần này bất thành) cũng khiến Ballmer nuối tiếc vì quyết định của mình. Năm 2008, Microsoft sẵn sàng chi 45 tỷ USD để thâu tóm Yahoo. CEO hãng lúc này là Jerry Yang và một số thành viên ban lãnh đạo Yahoo đã không thống nhất khiến Microsoft bỏ cuộc. Lúc đó, Ballmer cho rằng mình may mắn vì Yahoo đang trong cảnh thê thảm khi các mảng kinh doanh lần lượt bị lấn át bởi Google. Nhưng từ khi Marissa Mayer lên nắm quyền điều hành Yahoo, hãng như trải qua một cuộc "lột xác" khiến Steve phải thừa nhận mình sai khi quay lưng bỏ thương vụ này.
Năm 2012, Microsoft cho ra mắt máy tính bảng Surface nhưng chịu cảnh ế ẩm chưa từng có. Những tính toán sai lầm kể trên khiến Ballmer phải mang tiếng "nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn công nghệ tại Thung lũng Silicon".
Ngày 01/10/2013, Steve Ballmer đã chính thức gửi lời từ biệt đến nhân viên khi ông tổ chức cuộc họp cuối cùng trong tư cách CEO của Microsoft. Steve Ballmer đã rời Microsoft, nhưng mãi lưu dấu vinh quang trong lịch sử "gã khổng lồ" phần mềm này. Vị CEO của Microsoft cũng nói với các nhân viên của hãng rằng: "Chúng ta sẽ cho ra mắt những thứ lớn lao sắp tới… Và chúng ta sẽ lại thay đổi thế giới".
Quyền lực từ đó được chuyển giao cho người đàn ông gốc Ấn Satya Nadella. Và điều kỳ diệu đã xảy ra với Microsoft.
Khoảnh khắc hồi sinh vắng bóng Bill Gates
Trong khi Microsoft mất 33 năm kể từ khi IPO để đạt được mốc vốn hóa 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2019, 1 nghìn tỷ USD tiếp theo họ chỉ mất 2 năm để đạt được giữa bối cảnh thăng hoa của các cổ phiếu công nghệ trước khi dịch Covid-19 bùng phát và trong suốt khủng hoảng dịch bệnh. Apple đạt được cột mốc này vào năm ngoái.
Tại Microsoft không quá để ví CEO Satya Nadella với "vua Midas". Trong 6 năm tại vị, Satya Nadella đã biến một Microsoft trì trệ trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết.
Kể từ khi đảm nhiệm cương vị CEO Microsoft vào năm 2014, doanh nhân gốc Ấn Satya Nadella đã định hình lại toàn bộ công ty này trở thành doanh nghiệp bán phần mềm điện toán đám mây lớn nhất, tính cả phần cơ sở hạ tầng và ứng dụng điện toán đám mây trong Office. Microsoft cũng là công ty công nghệ lớn duy nhất ở Mỹ né tránh được làn sóng thanh kiểm tra sát sao của chính quyền Mỹ về chống độc quyền thời gian vừa qua, giúp họ rảnh tay thúc đẩy các thương vụ mua lại và mở rộng sản phẩm.
Giá cổ phiếu Microsoft đã tăng mạnh trong năm nay, vượt Apple và Amazon. Khi các nhà đầu tư liên tiếp mua vào cổ phiếu với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng dài hạn về cả lợi nhuận và doanh thu và mở rộng ra các lĩnh vực khác như máy học và điện toán đám mây.
Microsoft "nhúng tay vào rất nhiều thứ và họ đều đang làm rất tốt: Từ game, điện toán đám mây, tự động hóa, phân tích cho tới trí thông minh nhân tạo", theo Hilary Frisch – Chuyên gia phân tích trưởng tại Clearbridge Investment. "Đó là một cái tên giá trị đầy thu hút trong giới công nghệ và họ sẽ còn được hưởng lợi từ cả việc các nền kinh tế bắt đầu mở cửa lại cũng như từ sự dịch chuyển hướng tới điện toán đám mây".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương