Búp bê gỗ "mở mãi không hết" Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga

    Mây, Theo Helino 

    Lang thang trên những con phố tại bất cứ nơi đâu giữa xứ sở Bạch Dương, người ta cũng có thể bắt gặp những cô búp bê gỗ, đủ kích thước và màu sắc matryoskha, bày trong cửa hàng hay trên những chiếc lò sưởi. Nhiều người ví, matryoskha chính là búp bê mang vẻ đẹp của cả nước Nga.

    Những ngày xưa cũ ở Hà Nội, nhiều gia đình có người thân đi Nga về mang theo biết bao nhiêu là món đồ, từ những chiếc quạt, bàn là cho đến nồi cơm; cái gì có gắn mác "Nga" là ai cũng thích. Còn đám trẻ con chẳng thiết tha gì những thứ ấy; điều duy nhất mà lũ nhóc chờ đợi trong đống đồ lỉnh kỉnh kia là con búp bê bằng gỗ Matryoshka. Lũ trẻ nhìn Matryoshka đầy thích thú, như biết rằng ẩn sau đó là biết bao phép màu của một con búp bê vượt ngàn trùng xa xôi. Hóa ra, bên trong một con búp bê to lại chứa vài con búp bê nhỏ hơn. Con bé hàng xóm cười khanh khách khi bày hết những con búp bê matryoskha nhỏ bên trong ra; giờ nó đã có cả một gia đình búp bê đầy màu sắc.

    Chuyện xưa là thế, nhưng Matryoshka mang theo câu chuyện gì trong mình từ nước Nga xa xôi, liệu còn mấy ai biết đến?

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 1.

    Những con Matryoshka xinh xắn đến từ nước Nga.

    Từ xứ sở Phù Tang đến vùng đất bạch dương

    Bộ búp bê đầu tiên xuất hiện vào khoảng 125 năm trước – cuối thế kỷ 19 gần thủ đô Mát-Cơ-Va. Ít ai biết rằng, cô búp bê nổi tiếng Matryoshka (hay còn gọi bằng cái tên búp bê Nga) lại có nguồn gốc nguyên mẫu từ Nhật Bản, dựa trên bộ búp bê gỗ của Nhật về Thất phúc thần - bảy vị thần may mắn trong thần thoại Nhật Bản.

    Những con búp bê Nhật này được Elizaveta Mamontova, vợ của một nhà công nghiệp, doanh nhân nổi tiếng ở Nga Savva Mamontov, mang về sau chuyến du lịch tới đảo Honshu, Nhật Bản. Sau đó, nhà sản xuất búp bê Vasily Zvezdochkin và nghệ sĩ Sergei Malyutin đã cùng nhau chế tác những con búp bê đầu tiên, khắc họa hình ảnh một người phụ nữ Nga xinh đẹp.

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 2.

    Bộ búp bê Matryoshka đầu tiên trên thế giới.

    Người mẹ của gia đình lớn

    Con búp bê đầu tiên được đặt tên Matrona và thời bấy giờ, Matrona là một trong những cái tên phổ biến nhất tại Nga. Matrona xuất phát từ tiếng Latin: "Mater" nghĩa là mẹ. Hình ảnh của búp bê Matryoshka đầu tiên như người mẹ lớn và đàn con nhỏ. Bộ búp bê đầu tiên gồm 8 búp bê: búp bê ngoài cùng hình người mẹ đang cầm một con gà trống vườn; búp bê lớn thứ tư hình một bé trai, búp bê nhỏ nhất hình một em bé sơ sinh, số còn lại được thể hiện như các bé gái.

    Nhiều người ví, búp bê Matryoshka như biểu tượng của tình mẫu tử cũng vì vậy. Nhiều người nói, Matryoshka cũng là biểu tượng của nước Nga: Đất mẹ bao la rộng lớn ôm ấp trong mình vạn vật, những người đàn ông, phụ nữ, đám trẻ, cả nỗi đau, nỗi buồn, niềm vui, sự tức giận hằn trên gương mặt từng con búp bê nhỏ.

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 3.

    Matryoshka được coi là búp bê biểu trưng cho tình mẫu tử.

    Vượt qua ranh giới của một quốc gia, Matryoshka được cả thế giới đón nhận vì nó như cuộc đời của chính mỗi người trên hành tinh này: Đằng sau mỗi người là biết bao câu chuyện, những gương mặt cảm xúc khác nhau. Người ta chỉ nhìn thấy một khuôn mặt vui vẻ, hài hòa và hạnh phúc; nhưng thử nhìn sâu hơn nữa xem, trong lòng mỗi Matryoshka là một thế giới nội tâm phong phú mà chúng ta có thể soi mình vào. 

    Có lẽ chính vì vậy, từ cái năm 1900 khi Matryoshka được đưa tới hội chợ thế giới tổ chức tại Paris, nhiều người đã yêu thích nó ngay từ cái nhìn đầu tiên. Để rồi hàng chục năm sau, Matryoshka theo chân người chu du khắp thế giới.

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 4.

    Những con Matryoshka khổng lồ.

    Matryoshka đi muôn nơi

    Những con búp bê gỗ Matryoshka bắt đầu được xuất khẩu mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 20. Nó được quảng bá rộng rãi trong hội chợ thương mại Leipzig và kể từ năm 1909, Matryoshka có mặt tại tất cả các triển lãm tại Đức, cũng như xuất hiện trong nhiều gian trưng bày đồ thủ công, mỹ nghệ tại London. Hình ảnh người phụ nữ Nga nhanh chóng dành được cảm tính của nhiều du khách tại các hội chợ lớn rồi lan dần ra cả châu Âu.

    Sự nổi tiếng của búp bê Matryoshka đạt đỉnh cao vào mùa hè năm 1957 khi Lễ hội thanh niên và sinh viên thế giới được tổ chức. 35 nghìn người từ 131 quốc gia đã tới thủ đô Mát-Cơ-Va để tham dự chương trình này và khi kết thúc, mỗi người mang theo mình một bộ búp bê Matryoshka trở về nước mình. Nhiều chuyên gia nhận định, đó chính là lần đầu tiên búp bê Matryoshka thực sự chu du tới khắp thế giới và vượt qua ranh giới Nga hay châu Âu.

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 5.

    Mục đích của những con búp bê Matryoshka  cũng là khiến mọi người ngạc nhiên. Những con búp bê được trang trí, khắc họa đủ nhân vật; bạn có thể thấy hình ảnh một người phụ nữ xinh đẹp bên ngoài nhưng ai biết được bên trong có điều gì đang chờ đón. Đó có thể là một gã chăn bò, cô dâu chú rể, một nghệ sĩ nổi tiếng hay cả chính trị gia. Các nghệ nhân chế tác Matryoshka thường để trí tưởng tượng của mình bay bổng và cho ra đời nhiều nhân vật ấn tượng, từ trang phục, biểu cảm đến màu sắc. Trong nhiều trường hợp, người ta sẽ chế tác các bộ Matryoshka  cho các sự kiện lịch sử, các nhân vật dân gian nước Nga hay nhiều hình mẫu nổi tiếng khác.

    Chính vì vậy, khi nhìn vào một bộ búp bê Matryoshka, nhiều người có thể đoán được nó được làm ở vùng nào của đất nước rộng lớn.

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 6.

    Mỗi nhân vật Matryoshka lại kể một câu chuyện riêng mình.

    Diện mạo những con búp bê Matryoshka

    Về cơ bản, một bộ búp bê Matryoshka truyền thống bao gồm những búp bê rỗng ruột làm bằng gỗ, mỗi con búp bê nhỏ được chứa trong lòng một con búp bê lớn hơn, và cứ thế cho tới con búp bê lớn nhất ở ngoài cùng. 

    Theo truyền thống số lượng búp bê trong bộ thường ít nhất là 5, có những bộ búp bê đặc biệt dưới bàn tay các nghệ nhân có tới vài chục con nhỏ bên trong. Một điều đặc biệt là số lượng búp bê Matryoshka thường là số lẻ, với bộ búp bê Matryoshka nguyên mẫu do Zvyozdochkin chế tác có 8 búp bê là trường hợp ngoại lể nổi tiếng. Hình dạng búp bê thường giống như một chiếc bình với phần đầu búp bê hơi tròn và phần thân thuôn bầu; rất ít có chi tiết nổi ra bên ngoài mà mọi chi tiết đều được vẽ trên thân búp bê.

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 7.

    Búp bê Matryoshka muôn màu muôn vẻ.

     Hình ảnh người phụ nữ/cô gái trên búp bê lớn nhất thường mặc bộ trang phục truyền thống của Nga (sarafan). Chiều cao búp bê Matryoshka thay đổi từ vài xen-ti-mét cho đến cả mét. Một điều đặc biệt là búp bê Matryoshka cuối cùng, nhỏ nhất thường là búp bê xấu nhất. Lý giải cho điều này, người ta quan niệm rằng mỗi con búp bê nhỏ bên trong lại là một mặt khác ít thấy của mỗi người. Búp bê nhỏ nhất nằm ở vị trí cuối cùng chính là con nắm giữ trái tim của Matryoshka. Nếu một ai đó để cho bạn nhìn thấy trái tim búp bê út, xấu xí và thô kệch, trong con người họ, điều đó có nghĩa là họ thực sự tin tưởng bạn. 

    Tuy nhiên, điều này chỉ được nhiều người truyền miệng và đưa vào câu chuyện búp bê Matryoshka để thêm phần ý nghĩa. Trên thực tế, hình dáng, màu sắc hay trang phục đều mang nét đặc trưng của từng vùng.

    Thế giới Matryoskha đa dạng

    Búp bê Matryoskha Sergievo-Posadskaya (hay còn được gọi là Zagorskaya) thường gây ấn tượng bởi những gam màu đối lập và kỹ thuật sơn vẽ đơn giản. Khăn trùm của Zagorskaya Matryoshka sẽ gần như che kín mặt với 2 phần tóc mái lộ ra ngoài.

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 8.

    Búp bê Matryoskha Zagorskaya.

     Búp bê Matryoskha Semionovskaya xuất phát từ vùng Nizhny Novgorod. Người ta thường nhận ra chúng qua cách vẽ phóng khoáng không theo khuôn mẫu, màu vàng và màu đỏ đặc trưng cũng những chi tiết chuẩn mực của hình ảnh. Semionovskaya Matryoshka thường có những hình trang trí hoa trên người, thường là hoa hồng. 

    Về búp bê Maidanskaya Matryoshka, nó cũng có nguồn gốc từ vùng Nizhny Novgorod; cụ thể hơn là một ngôi làng nhỏ ở Nga tên Maidan. Những con búp bê ở đây thường dễ phân biệt bởi chiếc khăn nhỏ, một bông hoa lớn trên đầu và những đường kẻ mặt đậm đặc biệt.

    Búp bê Vyatskaya Matryoshka đến từ vùng Vyatka. Nhờ những kỹ thuật chế tác đặc biệt, loại búp bê Matryoskha này được coi là khó để sản xuất nhất.

    Búp bê gỗ mở mãi không hết Matryoskha: Thứ đồ chơi mang vẻ đẹp và tinh thần của cả nước Nga - Ảnh 9.

    Matryoskha Semionovskaya .

    Búp bê Tverskaya Matryoshka từ vùng Tver thường được chế tác dựa trên các nhân vật lịch sử, truyện cổ tích như bà chúa tuyết, người đẹp Vasilisa. Loại búp bê này thường được trẻ em ở Nga yêu thích nhất. Ngoài ra, ở Nga còn rất nhiều các sản phẩm búp bê Matryoskha chế tác riêng với phong cách đặc trưng của từng nghệ sĩ, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố vùng miền.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ