Mọi chuyện bắt đầu từ cái ngày
Apple kiện
Microsoft vì những tranh chấp có liên quan đến giao diện đồ họa người dùng GUI gây tranh cãi vào cuối những năm của thập niêm 80 thế kỷ trước. Vụ việc không đi đến kết quả cuối cùng, chẳng bên nào tổn thất nhưng sự kiện đó đã đánh dấu mốc quan trọng của Quả táo trong giới kiện tụng. Một câu chuyện xoay xung quanh tòa án, kiện cáo, tranh chấp, bản quyền… của hãng được mở đầu mà vẫn chưa thấy dấu hiệu kết thúc.
Từ chiến tranh với các ông lớn…
Thật hiếm có cặp đôi công nghệ nào lại kiện nhau dữ dội như Apple – Nokia trong khoảng thời gian vừa qua. Hãng điện thoại Phần Lan đâm đơn kiện Quả táo vì lý do xâm phạm các sáng chế về kết nối mạng không dây ở iPhone. Không chịu thua thiệt, Apple trả đũa bằng đơn kiện trong đó cáo buộc Nokia vi phạm những… 13 bằng sáng chế có liên quan đến thiết kế, giao diện di động của hãng trên các model cảm ứng. Chỉ vài ngày sau, một đơn kiện khác bay từ từ trụ sở Nokia chỉ ra rằng Apple đã ăn cắp công nghệ “truyền tải dữ liệu nhanh hơn và ăng ten thu sóng nhỏ gọn hơn với mạng 3G”.
Mới đây, Nokia còn tiếp tục kiện lên Tòa án Mỹ rằng Steve Jobs cùng đồng đảng của mình đã vi phạm bản quyền và áp dụng những công nghệ ăn cắp được trong việc sản xuất iPhone, iPad và iPod Touch.
Không chịu khoanh tay chịu nhục, Quả táo cũng đưa hãng điện thoại Phần Lan ra tòa với lý do hãng đã đánh cắp công nghệ liên quan đến màn hình cảm ứng. Thậm chí, Apple còn đệ đơn yêu cầu ITC ra lệnh cấm nhập khẩu điện thoại Nokia vào đất Mỹ. Vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết thúc.
Kiện HTC vi phạm 20 bằng sáng chế
Lý do được Giám đốc điều hành Steve Jobs đưa ra là: “Chúng tôi cảm thấy cần phải làm điều gì đó khi đối thủ ăn cắp công nghệ của mình. Họ (HTC) cần làm ăn đứng đắn và tự sáng tạo chứ không phải chỉ sao chép của chúng tôi”. Thế là đã đủ lý do để tòa án phát đơn triệu hãng sản xuất điện thoại của Đài Loan đến chất vấn.
Đai diện của HTC phản ứng mạnh mẽ rằng họ đã có trên 13 năm kinh nghiệm trong làng di động và có hàng loạt phát minh quan trọng chứ không cần phải đi ăn cắp của một kẻ “mới có vài năm trong nghề” như Apple. Vì thế HTC sẽ bảo vệ công nghệ của mình cho đến cùng.
HTC “kiện ngược” Apple
Không lâu sau đó, hồi tháng 5/2010, HTC cũng chính thức đệ đơn lên tòa án buộc tội Apple xâm phạm hàng loạt sáng chế độc quyền của mình. Đó là công nghệ kéo dài thời lượng pin bằng cách để điện thoại hoạt động riêng rẽ với các chức năng, tức là di động sẽ được “sleep” trong khi các chương trình khác vẫn đang hoạt động. Tiếp theo là giải pháp di chuyển các thông tin lưu trữ từ bộ nhớ này sang bộ nhớ khác tùy thuộc vào dung lượng còn lại của pin.
Ba công nghệ khác mà HTC kiện Apple xâm phạm liên quan đến cách thức lưu số điện thoại trong máy, và cách thức tìm kiếm và quay số. Không dừng lại tại đó, HTC còn yêu cầu Ủy ban thương mại quốc tế cấm Apple kinh doanh iPhone, iPad và iPod tại Mỹ.
Motorola cũng đưa Apple ra toà
Ngày 6/10/2010, Motorola chính thức kiện Apple ra tòa với lý do Quả táo đã xâm phạm những…18 bằng sáng chế của hãng. Cáo buộc được đưa ra xung quanh dịch vụ MobileMe và gian hàng App Store của Apple xâm phạm công nghệ dịch vụ e-mail không dây, cảm biến lân cận, quản lý ứng dụng, các dịch vụ bản đồ và khả năng đồng bộ với nhiều thiết bị…
Không dừng lại ở việc đệ đơn lên tòa án bang Illinois và Florida, Motorola còn đẩy mạnh vận động hành lang kêu gọi Ủy ban thương mại Quốc tế Mỹ ra phán quyết với Apple.
Quả táo cũng đáp lễ với Motorola
Một tháng sau khi bị Motorola kiện ra tòa, Apple cũng đáp trả không thương tiếc đối thủ với lý do tương tự: vi phạm 6 bằng sáng chế. Trong đơn kiện được gửi lên tòa án bang Wisconsin (Mỹ), Quả táo cho rằng họ đã bị đối thủ vi phạm nhiều sáng chế có liên quan đến hệ điều hành cũng như công nghệ cảm ứng đa điểm trên các mẫu điện thoại Droid, Droid 2, Droid X, Cliq, Cliq XT, Backflip, Devour A555, Devour i1 và Charm.
Apple muốn Motorola phải bồi thường về tài chính cũng như ngừng sử dụng những sáng chế của hãng đã đăng ký bản quyền.
Microsoft cũng vào cuộc
Thương hiệu App Store được Apple chính thức sử dụng kể từ năm 2008 và được coi như dịch vụ cửa hàng bán lẻ có chức năng cung cấp các ứng dụng cho máy tính và các thiết bị khác do mang thương hiệu Quả táo cắn dở. Tuy nhiên, theo cách hiểu của Microsoft thì “App Store” là một thuật ngữ quá chung chung mà hãng nào cũng có thể áp dụng được. Đó không phải là một cái tên để ai (Apple) cũng có thể độc quyền!
Hiện Microsoft đang yêu cầu Văn phòng cơ quan cấp bằng sáng chế từ chối hoàn toàn nhãn hiệu do Apple đang xin cấp trên.
… đến bị khách hàng chống đối
Bị kiện vì iPad quá nóng
Một người sử dụng iPad tại Mỹ đã rất bất bình và yêu cầu Apple phải bồi thường cho những tổn thất mà mình gặp phải khi thiết bị ông mua về đang hoạt động bỗng nhiên… tắt ngỏm. Ông cho biết chiếc máy tính bảng thường xuyên rất nóng ngay cả trong điều kiện bình thường kể từ khi được mua về. Trong lúc đọc sách, xem phim chơi game dưới ánh sáng mặt trời, iPad sẽ nóng lên rất nhanh và một vài phút sau sẽ tự tắt.
Lý do kiện Quả táo được người đàn ông này đưa ra là hãng đã không đạt được mong muốn hợp lý và bình thường từ phía người tiêu dùng. Thêm vào đó là cáo buộc cung cấp sản phẩm chất lượng thấp ra ngoài thị trường. Ông nói thêm: “Tôi mua iPad về để sử dụng chứ không phải mua rắc rối”.
Bị kiện bởi cô bé 13 tuổi
Chuyện rằng một cô bé ở Hàn Quốc sở hữu chiếc iPhone 3G phiên bản quốc tế chẳng may để điện thoại dính nước. Bố cô bé đã đem chiếc smartphone này tới cửa hàng của Apple để đề nghị bảo hành nhưng yêu cầu của ông đã bị từ chối thẳng thừng. Thay vào đó, các nhân viên cho biết nếu muốn sửa thì phải bỏ tiền chứ không có chuyện miễn phí nào ở đây hết.
Phẫn nộ trước những gì mình bị đối xử, cô bé cùng cha đã quyết định khởi kiện Quả táo vì đã không giữ đúng những cam kết có trong điều kiện bảo hành. Apple Hàn Quốc đã nhanh chóng thu xếp một khoản tiền 251 USD cùng lời hứa sửa miễn phí chiếc iPhone 3G đã bị dính nước kia. Tuy nhiên, vụ việc mua chuộc bất thành và Quả táo đã phải ra hầu tòa hôm 13/1 vừa qua. Bố cô bé cho biết: “Chúng tôi không vì tiền. Chúng tôi muốn đấu tranh để tránh trường hợp các khách hàng khác bị đối xử tương tự”.
Và còn rất nhiều các vụ kiện cáo khác
Mới đây, người đàn ông có tên Donald LeBuhn sống tại Los Angeles đã đệ đơn khiếu nại việc Apple biết rõ dòng điện thoại thông minh iPhone của mình còn nhiều khiếm khuyết mà lại cố tình “ỉm” đi, không sửa chữa. Vụ việc xảy ra sau khi 2 người con gái của ông làm rơi chú dế trên từ độ cao 1 mét và nó đã ra đi mãi mãi. Toàn bộ mặt kính bao quanh đều bị nứt vỡ.
Ông LeBuhn vô cùng bức xúc khi đã phải trả hơn 250 USD cho một sản phẩm như vậy trong khi Apple đã không hề cảnh báo khách hàng về lỗi thiết kế vẫn còn lỗi. Với vụ kiện tụng này, ông LeBuhn đã yêu cầu Apple cần phải hoàn trả lại chi phí cho những ai nằm trong hoàn cảnh tương tự, bào gồm chi phí sửa chữa và tiền mua sản phẩm.
Trước đó, Quả táo cũng gặp phải rắc rối nghiêm trọng khi những cáo buộc nảy sinh xung quanh các ứng dụng trên iPhone đánh cắp dữ liệu của khách hàng. Tiêu biểu nhất là các tiện ích Pandora và Dictionary.com. Không những bị kiện vì đã không bảo vệ được khách hàng, Apple cũng bị đưa ra tòa vì đã dung túng cho các hãng thu thập thông tin kia.
Về cơ bản, có thể hiểu toàn bộ quá trình lấy cắp trên giống như cookies trong trình duyệt, thu thập lịch sử truy cập web và lưu lại trong máy, giúp nắm bắt thị hiếu của các "Thượng đế". Những ứng dụng khác cũng bị “tố” cùng là Toss It, Text4Plus, The Weather Channel, Talking Tom Cat và Pimple Popper Lite.