Ca phẫu thuật cấy ghép đốt sống cổ bằng công nghệ in 3D đầu tiên trong lịch sử đã thành công
Bệnh nhân đang dần dần hồi phục.
Mặc dù cho đến giờ chúng ta vẫn chưa phổ biến được máy in 3D tại gia nhưng trong y học, công cụ này đã trở nên vô cùng hữu ích. Những bộ phận cấy ghép 3D mang lại hiệu quả y học đáng kinh ngạc, giống như điều mà một bác sĩ người Úc vừa thực hiện.
Cuối năm 2015, Ralph Mobbs, nhà giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện Prince of Wales ở Sydney tiếp nhận một bệnh nhân đang trong cơn hiểm nghèo. Người này mắc phải dạng ung thư chết người có tên chordoma (u nguyên sống). Bệnh nhân ngoại lục tuần và khối u nằm ở vị trí rất khó để có thể thực hiện phẫu thuật. Mobbs kể lại: “Trên cổ có 2 đốt sống chuyên biệt liên quan đến khả năng xoay và uốn của đầu. Khối u này nằm ở trên cả 2 đốt sống đó”.
Vị trí hiểm nghèo của khối u.
Nếu không được điều trị, khối u này sẽ từ từ đè lên thân não và cột sống, gây nên liệt. Thật tồi tệ!
Trước đây không có nhiều phương án điều trị khối u này bởi vị trí khó tiếp cận của nó cũng như rủi ro tới người bệnh ở mức cao. Nếu bác sĩ cố gắng hoàn nguyên lại 2 đốt sống cổ, họ sẽ phải lấy xương ở bộ phận khác để thay thế. Tuy nhiên, phương án này gần như bất khả thi vì cực kỳ khó để kiếm được mẩu xương nào vừa vặn và phù hợp.
Đó là lúc Mobbs quyết định nhờ cậy đến công nghệ in 3D.
“Tôi nhận thấy đó là một cơ hội tuyệt vời. Với công nghệ in 3D, bệnh nhân có thể được cung cấp những phần cơ thể được tùy chỉnh để đạt tới thành công trong phẫu thuật, tốt hơn tất cả những gì chúng tôi có từ trước tới nay”.
Để làm được điều này, Mobbs đã làm việc với một công ty cung cấp thiết bị y tế của Úc có tên là Anatomics. Ngoài việc làm những bộ phận cấy ghép bằng titanium, công ty này còn in cho bác sĩ chính xác mẫu cơ thể của bệnh nhân để họ có thể thực tập trên đó trước khi bắt tay vào mổ thật.
Phẫu thuật sử dụng những phần cơ thể được in 3D không phải là mới, nó đã được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một ca phẫu thuật đốt sống cổ được thực hiện bằng cách này. Mobbs cho biết: “Có được phần cấy ghép mà bạn biết chắc sẽ vừa vặn vì trước đó đã ghép thử trên một mô hình thực sự là thú vị hết sức. Nó như thể một người nào đó vừa bật đèn và nói ‘này nếu đây không phải là tương lai thì tôi chẳng biết gọi nó là cái gì nữa’”.
Ca phẫu thuật kéo dài tới hơn 15 giờ. Đến giờ, bệnh nhân đã hồi phục rất tốt, theo lời Mobbs, chỉ phải đối phó với một số hiệu ứng do tiến hành phẫu thuật qua dường miệng quá lâu. “Anh ấy hơi khó nuốt, nhưng đang hồi phục dần dần rồi”.
Theo Mashable
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?