Những phiến đá vỡ được chặm khắc mô tả vùng đất và các con đường
Các nhà khảo cổ học tại Đan Mạch vừa tìm ra tấm bản đồ cổ xưa nhất từng có trên Trái Đất này, hoặc ít ra là họ cho rằng như vậy. Những dấu hiệu trên những phiến đá 5.000 năm tuổi này cho thấy rằng chúng đang mô tả đồng áng, đường xá và những nơi người ở.
Những phiến đá trên rộng khoảng 5 cm, có từ khoảng những năm 2700-2900 Trước Công nguyên, được tìm thấy tại đảo Bornholm nằm trên biển Baltic. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn tìm thêm được nhiều cổ vật khác nữa, bao gồm một số những viên đá kì lạ thuộc về một nghi lễ thờ cúng Mặt Trời xa xưa.
Theo như đội nghiên cứu, những nhà khoa học tới từ Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch, những viên đá này đã bị đập vỡ khi những nông dân thời kỳ Đồ Đá thực hiện nghi thức thờ Mặt Trời. Hiện mới chỉ có 2 trong 3 mảnh vỡ được tìm thấy.
2 trong số 3 mảnh của "tấm bản đồ đá"
“Những vết vỡ này không phải tự nhiên mà có”, một trong những nhà nghiên cứu, ông Flemming Kaul nói.
Ông còn nói thêm rằng, nếu như những viên đá này là một tấm bản đồ thực sự, đây sẽ là một thứ bản đồ “cực kì hiếm có” và “không có gì giống được như vậy”.
Các nhà khảo cổ cho rằng những người nông dân xa xưa đã nghiền nát những hòn đá này để thực hiện một nghi thức ban phước cho đất đai. Tại khu vực khảo cổ này, họ tìm được những viên đá có vẽ hình ảnh Mặt Trời và ánh nắng chiếu xuống đồng áng. Có thể chắc chắn rằng họ đã thực hiện một nghi thức gì đó.
Phát hiện lần này về tấm bản đồ đá kia khác biệt ở chỗ nó được khắc chi tiết hơn hẳn những viên đá họ tìm thấy trước đó.
“Chúng tôi đều đồng ý rằng nó nhìn rất giống một bản đồ cổ đại, không phải là bản đồ địa chính như bây giờ ta vẫn thấy, mà một tấm bản đồ được cách điệu hóa”, nhà khảo cổ Kaul giải thích.
“Trong những mảnh đá này, tôi thấy những điểm tương đồng với những cổ vật tìm được tại khu vực núi Alpes tại Ý. Đá từ hai khu vực đều có cùng niên đại xuất xứ, có lẽ cùng được sử dụng để tượng trưng cho một tấm bản đồ”.
Những người dân cổ đại trong khu vực đã đến đây sinh sống vào khoảng năm 3.500 Trước Công nguyên. Họ đã tiến hành xây nhà từ gỗ và đá, trồng trọt lúa mì, lúa mạch, các loại đậu và cây lanh để lấy sợi dệt vải.
Khu vực khảo cổ không còn dấu vết của những cánh đồng mùa màng (như những gì những viên đá kia có thể đã mô tả) nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mục đích của những viên đá được tìm thấy kia không rõ ràng. Nhưng Kaul và đội ngũ nghiên cứu đều tin rằng họ đã tìm thấy một tấm bản đồ cổ đại.
Đa số những tấm bản đồ sót lại từ thời xưa mô tả bầu trời sao chứ không phải vẽ Trái Đất, ví dụ như bức vẽ trên hang Lascaux là một tấm bản đồ sao 16.500 năm tuổi, nhiều nghìn năm trước khi chúng ta có hình ảnh vệ tinh hay thiết bị định vị.
Trong khi đó, những bản khắc đá mô tả vị trí sông ngòi, núi non và hồ nước lớn đã được tìm thấy tại Tây Ban Nha hồi năm 2009, tuổi thọ của nó có thể lên tới 14.000 năm.
Những gì các nhà khảo cổ tìm thấy tại Đảo Bornholm không so sánh được với phát hiện tại Tây Ban Nha, nhưng ít nhiều nó vẫn rất thú vị.
Ví dụ như các điểm tương đồng giữa khu vực khảo cổ tại Đan Mạch này với khu vực khảo cổ ở Ý cho thấy rằng hai nền văn hóa Đồ Đá xưa kia đều thờ Mặt Trời và đều cầu xin Mặt Trời ban phước cho đất đai và mùa màng của họ.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4