Các nhà khoa học đã tìm ra lý do vì sao Gấu trúc lại có 2 màu đen và trắng

    Kuroe,  

    Đôi khi, việc tìm câu trả lời cho những điều tưởng chừng "rất đỗi hiển nhiên" - như việc tại sao lông gấu trúc có hai màu đen và trắng - lại tốn rất nhiều giấy mực của giới khoa học.

    Gấu trúc, có lẽ là loài gấu dễ nhận biết nhất trên Trái đất, nhờ vào bộ lông với màu sắc đen trắng hết sức đặc trưng của mình. Thế nhưng, đã bao giờ các bạn tự hỏi rằng, tại sao bộ lông của Gấu trúc lại có màu như vậy hay chưa?

     Không, không phải là Gấu đen với Gấu trắng dùng phép Lưỡng long nhất thể đâu

    Không, không phải là Gấu đen với Gấu trắng dùng phép "Lưỡng long nhất thể" đâu

    Trong thế giới tự nhiên, màu sắc của các loài có thể đảm nhận nhiều chức năng khác nhau, như thu hút bạn tình, xua đuổi thú săn mồi, hoặc để ngụy trang trong môi trường xung quanh. Chính bởi lý do này, khi nghiên cứu về nguồn gốc của màu sắc loài vật, các nhà sinh vật học sẽ thường so sánh chúng với những loài khác sinh sống trong môi trường tương tự.

    Chẳng hạn như, loài báo hoa tại châu Phi và châu Á, và loài báo gấm châu Mỹ, đều có những đốm đen trên cơ thể - dù môi trường sống của chúng cách nhau tới gần nửa vòng trái đất. Bởi lẽ, những đốm đen này giúp chúng có thể trà trộn vào những bóng cây giữa môi trường nắng, từ đó săn mồi hiệu quả hơn.

    Vấn đề là, họa tiết màu lông của loài gấu trúc thuộc dạng "có một không hai" trong thế giới động vật, nên việc so sánh chúng với các loài khác gần như là điều bất khả thi.

    Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đến từ hai ngôi trường Đại học lớn của California là Davis và Long Beach, đã cùng hợp tác để "giải mã" bí ẩn đằng sau bộ lông của gấu trúc.

    "Bước đột phá trong nghiên cứu đến từ việc tách riêng từng vùng màu lông của gấu trúc với các chức năng khác nhau" - Ông Tim Caro, đến từ UC Davis chia sẻ.

    Nhóm nghiên cứu so sánh các vùng lông trên loài gấu trúc với 39 loài gấu, cũng như 195 loài động vật ăn thịt khác, với mong muốn tìm ra được những điểm tương đồng về tập quán cũng như thói quen sinh hoạt giữa chúng. Hàng ngàn bức hình khác nhau đã được đem ra nghiên cứu và phân tích.

     Do khẩu phần ăn hết sức đặc biệt mà gấu trúc không thể tích đủ mỡ mà ngủ đông

    Do khẩu phần ăn hết sức đặc biệt mà gấu trúc không thể tích đủ mỡ mà ngủ đông

    Nói về quá trình nghiên cứu, Ted Stankowich cho biết: "Đôi khi, chúng ta sẽ phải bỏ ra hàng trăm giờ làm việc cật lực, chỉ để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi tưởng chừng như vô cùng đơn giản: Tại sao Gấu trúc lại có màu đen trắng như vậy?"

    Từ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, màu sắc của gấu trúc đến từ việc chúng phải sinh sống trong hai môi trường khác nhau tại vùng núi Trung Quốc, bởi đặc điểm của loài gấu này là chúng không hề ngủ đông.

    Gấu trúc không ăn thịt như những loài gấu khác, mà món ăn ưa thích của chúng là tre và trúc. Tuy ở nơi gấu trúc sống không khó để kiếm thức ăn, nhưng rõ ràng là món ăn này không đủ để giúp chúng tích mỡ ngủ đông. Vậy là gấu trúc vẫn phải đi kiếm tìm thức ăn giữa mùa đông giá rét, để đáp ứng nhu cầu về năng lượng hàng ngày.

    Phần lông màu trắng của gấu trúc giúp chúng ẩn mình tốt hơn giữa không gian mùa đông đầy tuyết, tránh khỏi sự chú ý của những loài thú săn mồi như báo tuyết hay chó rừng. Trong khi đó, phần tay chân màu đen của loài gấu này, giúp chúng dễ dàng "biến mất" dưới những bóng cây trong rừng trúc vào mùa ấm hơn.

    Về phần lông đen ở mắt và tai, nhóm nghiên cứu cho rằng chúng có vai trò giúp gấu trúc giao tiếp với nhau, cũng có thể là cách để gửi tín hiệu tới các loài thú săn mồi khác là: "Đừng động vào, tao đang cáu đó".

    Tất nhiên, đây mới chỉ là những giả thiết được nhóm nghiên cứu đưa ra, và họ tin rằng điều này sẽ mở đường cho các cuộc thảo luận khác về vấn đề này trong giới khoa học - trước khi chúng ta có được câu trả lời. Cũng phải thôi, có phải thứ gì trong tự nhiên cũng đều "trắng đen rõ ràng" như gấu trúc đâu.

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ