Các nhà khoa học tại Nam Cực uống rượu để không cảm thấy cô đơn và đỡ lạnh

    Nova,  

    Để chống lại tâm trạng cô đơn mỗi khi làm việc, những nhà khoa học tại Nam Cực có một phương án khá kỳ lạ: uống rượu cho khuây khỏa và giữ ấm thân nhiệt.

    Bạn băn khoăn không rõ công việc nào cô đơn nhất thế giới? Liệu có ai có thể thành công trong một công việc đơn độc như vậy? Câu trả lời thuộc về những nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đang sống và làm việc tại Nam Cực - một trong những nơi hẻo lãnh và có thời tiết khắc nghiệt nhất Trái Đất. Để chống lại tâm trạng cô đơn mỗi khi làm việc, những con người này có một phương án khá kỳ lạ: uống rượu cho khuây khỏa và giữ ấm thân nhiệt.

    Thật vậy, theo một báo cáo về tình trạng sức khỏe và mức độ an toàn của các nhà khoa học từ Quỹ đầu tư Khoa học quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 7/2015, thành viên của Chương trình Nam Cực Hoa Kỳ tại 2 trạm nghiên cứu McMurdo và South Pole đều có những biểu hiện của việc sử dụng rượu trong thời gian dài với liều lượng không nhỏ. Thậm chí, 3 nhà khoa học tại trạm McMurdo còn tự nấu bia để sử dụng, điều này đi ngược lại chính sách hoạt động của Chương trình Nam Cưc Hoa Kỳ. Ngoài ra, các nhà quản lý nhân sự cho biết 60 đến 75% các lỗi hành vi tại 2 trạm này đều xuất phát từ thói quen sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian dài.

    Điều kiện làm việc tại trạm McMurdo được đánh giá là một trong những nơi "khó ở" nhất hành tinh khi nhiệt độ vào tháng 7 hoặc tháng 8 có thể xuống dưới âm 45 độ C. Thậm chí, không chỉ có các nhà khoa học Hoa Kỳ sử dụng rượu để đối phó với thời tiết tại Nam Cực mà còn có cả những chuyên gia nghiên cứu của Châu Âu. Theo BBC, một trong những người đang có công việc cô đơn nhất thế giới chính là tiến sĩ Alexander Kumar, đang làm việc tại trụ sở nghiên cứu Concordia ở trung tâm của Nam Cực, vị trí khắc nghiệt nhất tại lục địa băng giá này.

     Hình ảnh về trạm McMurdo của Hoa Kỳ.

    Hình ảnh về trạm McMurdo của Hoa Kỳ.

    Trung tâm Concordia được phối hợp điều hành bởi Viện nghiên cứu vùng cực của Pháp và Italy ở Nam Cực. Nó gồm 3 tầng tháp, và có hình dạng giống như tên lửa Saturn V. Tiến sĩ Kumar và đồng nghiệp của ông đang cố gắng tìm hiểu về hiệu ứng vật lý và tâm lý của con người trong không gian, đặc biệt là không gian bị cô lập. Tiến sĩ Kumar cho biết, mình đang ở một nơi được gọi là trái tim của Nam Cực. Môi trường này cực kỳ lạnh lẽo và tăm tối. Nhiệt độ bên ngoài thường xuyên ở mức âm 80 độ C hoặc âm 99,9 độ C. Bên trong, còn tối hơn bên ngoài. Độ cao 3.800 m trên mực nước biển khiến cho con người thường xuyên có cảm giác khó thở.

    Bản thân vị tiến sỹ này cũng thừa nhận ông phải lập hẳn một thời gian biểu cho việc sử dụng rượu để vừa giữ được thân nhiệt mà không bị ảnh hưởng xấu đến trạng thái tinh thần khi làm việc. Alexander Kumar là bác sĩ của nhóm nghiên cứu gồm 13 người, đồng thời cũng là người tiến hành các nghiên cứu cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu, điều tra các hiệu ứng sinh lý và tâm lý của việc sống cô lập. Nghiên cứu của ông sẽ giúp hiểu được giới hạn của con người là bao nhiêu. Thành quả của nghiên cứu sẽ được áp dụng để đưa con người lên sao Hỏa và đảm bảo các phi hành gia có thể an toàn trở về.

     Trung tâm nghiên cứu Concordia.

    Trung tâm nghiên cứu Concordia.

    Nhóm nghiên cứu ở đây hoàn toàn bị cô lập từ tháng 2 và tình trạng này sẽ tiếp tục tới tháng 11. Tiến sĩ Kumar cũng cho biết thêm, điều kiện môi trường tại Nam Cực khá gần gũi với bề mặt của hành tinh khác. Mặc dù có sự khác biệt đáng kể về lực hấp dẫn và áp suất khí quyển giữa Nam Cực và sao Hỏa, nhưng nhiệt độ trung bình trên sao Hỏa cũng khoảng âm 55 độ C tương tự với nhiệt độ tại Concordia.

    Quay trở lại vấn đề sử dụng rượu tại Nam Cực, những người đứng đầu Quỹ đầu tư Khoa học quốc gia Hoa Kỳ cho biết họ sẽ ban bố một chính sách sử dụng đồ uống có cồn chặt chẽ hơn cho những nhà khoa học làm việc tại đây để hạn chế những hậu quả xấu không đáng có đến từ nó. Mặc dù vậy, một số nguồn tin khác cho biết lý do của tình trạng sử dụng rượu không đúng mực còn do việc phân biệt đối xử bên trong nội bộ phái đoàn Hoa Kỳ, nhưng phía Washington chưa có bình luận gì về điều này.

    Tham khảo Iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày