Các nhà mạng loay hoay ứng phó với OTT

    PV,  

    Song song triển lãm Quốc tế CNTT-VT (Vietnam Telecomp) lần thứ 15, hội thảo bàn tròn về chủ đề OTT đã diễn ra chiều ngày 20-11. Những nguy cơ và cả những cơ hội liên quan đến OTT đã được mổ xẻ.

     Đông đảo các đại diện nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, các đại diện cấp cao từ Google, Microsoft cùng giới truyền thông đã tham gia hội thảo bàn tròn về chủ đề OTT chiều ngày 20-11 - Ảnh: T.Trực

    Đông đảo các đại diện nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, các đại diện cấp cao từ Google, Microsoft cùng giới truyền thông đã tham gia hội thảo bàn tròn về chủ đề OTT chiều ngày 20-11 - Ảnh: T.Trực

    Hội thảo quy tụ các đại diện của Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Viễn thông (Bộ TTTT), đại diện các nhà mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel, VNPT, Google, Microsoft, Ericsson, cùng giới truyền thông trong và ngoài nước, trao đổi xung quanh các vấn đề liên quan đến quan điểm và giải pháp ứng phó của các nhà mạng Việt Nam trước "nguy cơ" mang tên OTT (Over-the-Top), ảnh hưởng tốt và xấu của các sản phẩm và dịch vụ OTT hiện nay đối với nhà mạng, và liệu hai bên có thể hợp tác cùng phát triển hay không.

    Mở đầu bằng các nhóm dịch vụ chính của OTT hiện nay như: nhắn tin, gọi thoại (Viber, Zalo, WhatsApp, Line, Skype, HangOuts, Facebook Messenger..), truyền tải video (video streaming như YouTube, Netflix). Gần như tất cả các dịch vụ OTT này đều miễn phí cho người dùng di động hiện nay, dễ cài đặt và không hạn chế sử dụng. Số lượng người dùng smartphone so với điện thoại di động tính năng phổ thông tăng nhanh theo các quý đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của các dịch vụ OTT. Họ có thể cài đặt ứng dụng OTT để nhắn tin và gọi thoại miễn phí trên nền Internet, thay thế cho tin nhắn SMS/MMS hay gọi điện thoại qua mạng viễn thông, khiến doanh thu của nhà mạng bị ảnh hưởng lớn.

    Ứng dụng nhắn tin di động dạng OTT Zalo của Công ty VNG đã vượt qua mốc 5 triệu người dùng trong tháng 9. Các đối thủ ngoại quốc như Viber, Line, Kakao Talk cũng đạt từ 2 - 5 triệu người dùng Việt. Riêng Facebook Messenger (FB Messenger) thừa hưởng lợi thế mạng xã hội Facebook nhảy vọt lên 8,3 triệu người dùng, và Yahoo! Messenger là 17 triệu người dùng. - trích số liệu công bố tại Hội thảo.

    Ngoài ra, xu hướng xem video trực tuyến qua dạng truyền tải (streaming) từ các dịch vụ OTT như YouTube, hay dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix đã đặt ra nhu cầu về lưu lượng băng thông lớn cho mạng viễn thông, và cũng ảnh hưởng đến doanh thu của nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CSP). Trong khi đó, các công ty cung cấp OTT hưởng trọn lợi ích từ cộng đồng người dùng. Do đó, các nhà mạng Việt Nam, cũng như nhiều nhà mạng ở các quốc gia trên thế giới đều đang đau đầu tìm kiếm một giải pháp trước "nguy cơ OTT".

    Theo ông Đỗ Vũ Anh, trưởng ban viễn thông Tập đoàn VNPT, ảnh hưởng gây bất lợi đầu tiên của OTT lên các dịch vụ viễn thông hiện nay của nhà mạng cũng chính là tính chất hoạt động cốt lõi của OTT, đó là sử dụng mạng viễn thông được cung cấp bởi nhà mạng, cung cấp các dịch vụ như miễn phí thoại hay nhắn tin quốc tế mà không hợp tác hay chia sẻ doanh thu với nhà mạng. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước đang cung cấp các dịch vụ OTT hiện chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

    Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc bộ phận Marketing Tập đoàn viễn thông Viettel bày tỏ lo ngại về vấn đề không thể quản lý nội dung cũng như tình trạng giảm mạnh doanh thu, ảnh hưởng đến chi phí và chất lượng vận hành mạng viễn thông.

    Trước câu hỏi liệu các dịch vụ OTT như các ứng dụng nhắn tin di động có bị nhà mạng "bóp" băng thông hay không do tình trạng chập chờn khi truyền tải dữ liệu xảy ra thường xuyên, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết Viettel chưa có các biện pháp điều khiển băng thông đối với các dịch vụ OTT.

    Đại diện Google, ông Mike Orgill, trưởng đại diện chính sách của Google tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn ra các ví dụ là những trường hợp tương tự ở Mỹ hay một số quốc gia châu Âu cho thấy, nhà mạng không thể ngăn bước tiến của OTT trong xu hướng di động hóa mạnh mẽ hiện nay, thay vào đó, một số nhà mạng đang tìm kiếm giải pháp như điều chỉnh giá dịch vụ mạng cho phù hợp.

    Về phía Bộ TT-TT, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế chính sách và Quy hoạch, Cục viễn thông, cho biết, hiện chưa có chính sách cấp duyệt giấy phép hoạt động dịch vụ OTT theo đề nghị từ các nhà cung cấp, cũng như chưa có chính sách cấm hay ngăn chặn OTT. Thay vào đó, Cục Viễn thông sẽ cùng phối hợp tìm ra những giải pháp phù hợp, tạo ra cơ hội phát triển cho các dịch vụ OTT tại Việt Nam.

    OTT được coi là một trong những chủ đề đáng chú ý nhất trong phát triển dịch vụ CNTT - Viễn thông trên thế giới hiện nay, và lời giải cho một môi trường "win - win" giữa nhà cung cấp viễn thông và các sản phẩm, dịch vụ OTT vẫn còn trong vòng lẩn quẩn.

    Dịch vụ OTT (Over-the-Top), là dịch vụ của những tổ chức cung cấp không có hạ tầng mạng, cung cấp dịch vụ trên mạng của các nhà khai thác dịch vụ viễn thông (CSP) và hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ (trích định nghĩa từ Gartner, 2013).

    Dịch vụ OTT là dịch vụ ICT cung cấp cho khách hàng qua mạng viễn thông của các CSP nhưng không phải là dịch vụ của CSP (trích tmForum, 2013).

    Năm 2012 các nhà mạng trên thế giới giảm khoảng 9-10% doanh thu về tin nhắn SMS do OTT miễn phí, theo hãng tư vấn Ovum.

    Theo Thanh Trực
    Tuoitre.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ