Các tỉ phú công nghệ phải trả hàng đống tiền để được sống "bình thường"
Khi bạn cực kì thành công và giàu có, việc có không gian sống tự do cũng trở nên vô cùng khó khăn.
Con người ta ai cũng có nhu cầu có một cuộc sống thoải mái với gia đình trong những không gian riêng biệt, và chỉ cần bạn có thể kiếm ra tiền, việc mua một căn nhà để thực hiện việc đó chẳng có gì là lạ lùng cả. Nhưng với những người nổi tiếng, những CEO của các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay, việc đó lại không hề dễ dàng như vậy. Thay vì mua một căn nhà to, đẹp, tiện nghi, họ còn phải... mua hết những căn nhà liền kề nhà của họ. Tại sao vậy nhỉ?
Nổi tiếng đồng nghĩa với việc bị xoi mói
Khi chúng ta theo đuổi sự thành công, "cái giá" mà chúng ta phải chấp nhận chính là ánh mắt của xã hội. Với nhiều người, đó đôi khi lại là một sự tự hào khi họ luôn trở thành tâm điểm của sự chú ý mỗi khi xuất hiện nơi công cộng. Nhưng nếu bạn về nhà và điều đó vẫn tiếp diễn, nó giống với một thảm họa hơn là một điều tuyệt vời. Và đó cũng chính xác là những gì mà những Mark Zuckerberg (CEO Facebook), Marissa Mayer (CEO Yahoo) và rất nhiều tỉ phú cộng nghệ khác phải đối mặt.
Không giống các nguyên thủ quốc gia, vốn được bảo vệ bởi các lực lượng an ninh và chế độ canh phòng nghiêm ngặt, các vị CEO của chúng ta cũng chỉ là công dân bình thường như bao người khác. Đó là lí do tại sao họ luôn bị "dõi theo" ở mọi hoạt động trong cuộc sống: từ sinh hoạt gia đình cho đến đi đâu, làm gì,... Không chỉ cánh paparazzi, chính những người hàng xóm "tốt bụng" cùng đã góp phần khiến cuộc sống của nhưng nhân vật này gặp ít nhiều phiền toái.
Muốn thoải mái, hãy chi thêm tiền
Nếu là chúng ta, cách giải quyết duy nhất có thể sẽ là làm việc trực tiếp với hàng xóm, hoặc tệ hơn thì... chuyển nhà. Nhưng đây là các CEO của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, và ngoài tài năng, tất nhiên là họ sở hữu rất, rất nhiều tiền. Có ai đó đã từng nói vui với tôi rằng: điều gì trong cuộc sống mà bạn không thể thỏa hiệp bằng tiền, bạn sẽ có thể giải quyết nó bằng rất nhiều tiền. Và đó cũng là cách mà những tỉ phú công nghệ này lựa chọn.
Trong tháng 10 năm 2014, Mark Zuckerberg đã chi ra hơn 100 triệu USD để mua lại 750 mẫu đất ở Kauai - hòn đảo lâu đời nhất của quần đảo Hawaii. Trong đó 357 mẫu đất là đất trồng mía cũ và 393 mẫu đất còn lại là... vùng cát trắng bao quanh đó. Các nhà kiến trúc cho biết nó đủ lớn để ông chủ của Facebook xây một quần thể nhà ở, hay thậm chí là cả một khu nghỉ mát. Nhưng Mark chỉ định xây một ngôi nhà duy nhất, một ngôi nhà với một khoảng rộng lớn bao quanh nó. Khi toàn bộ giấy tờ được hoàn tất, có thể số tiền Mark phải bỏ ra sẽ lên đến 200 triệu USD. Nhưng rõ ràng nó chẳng đủ lớn để Mark phải quan tâm, bởi nó chỉ là "số lẻ" trong cái khối tài sản đã lên đến hơn 30 tỷ USD của anh.
Đây được cho là một "kinh nghiệm" của Mark khi anh từng gặp rắc rối trước đó với "hàng xóm tốt bụng" của mình ở Palo Alto, California. Vào năm 2013, Mark đã vung tiền mua lại 4 căn nhà liền hề nhà của anh ở đây - một hành động bị người dân xung quanh đánh giá là chơi ngông và phô trương quá mức. Nhưng nỗ lực của Mark gặp phải sự cản trở bởi một lập trình viên có tên là Mircea Voskerician. Anh ta dường như cảm thấy món hời khi Mark hành động như vậy nên bất ngờ đề nghị Mark mua lại các khối tài sản của mình với giá "rẻ mạt": 1,7 triệu USD cho quyền sở hữu và 4,8 triệu USD cho giá trị thực của toàn bộ chúng. Đổi lại, Mark phải giới thiệu cho Voskerician các mối quan hệ ở thung lũng Silicon, điều rõ ràng có giá trị hơn nhiều so với vài triệu USD kia.
Mark lập tức từ chối, và 2 bên phải ra tòa án để giải quyết. Thế nhưng khi mà Voskerician còn chưa đạt được thỏa thuận có lợi cho mình, 3 căn nhà xung quanh đó đã được Mark mua gọn với cái giá lần lượt là: 10,5 triệu USD, 14 triệu USD và 14,5 triệu USD.
Không chỉ có Mark, các chuyên gia trong ngành địa ốc cho biết việc mua sắm các khu vực bao quanh dường như đã trở thành trào lưu của những người giàu có. Họ sẵn sàng bỏ thêm gấp nhiều lần giá trị thực của các ngôi nhà chỉ để có được không gian thoải mái xung quanh nơi ở, và tránh được những sự nhòm ngó không cần thiết.
CEO của Yahoo - bà Marissa Mayer đã chi tới 11,2 triệu USD để mua lại một... nhà tang lễ có tên The Roller & Hapgood & Tinney, nơi chỉ cách nhà của bà Mayer có vài căn nhà. Lí do thì chẳng ai biết, nhưng có vẻ đây là nơi hoàn hảo cho bữa tiệc Halloween của CEO Yahoo vào năm ngoái. Chỉ có điều người dân xung quanh khu vực này tỏ ra không hài lòng cho lắm về quyết định này.
Có tiền, bạn sẽ có sự tiện nghi tuyệt đối
Trong một số trường hợp (như Mark Zuckerberg ở trên), việc họ mua lại các khu vực xung quanh chỉ đơn thuần là mua lại sự yên tĩnh và riêng tư cho gia đình họ. Nhưng trong phần lớn các trường hợp khác, mỗi quyết định chi tiền của các V.I.P đều đi kèm với những ý tưởng thiết kế và xây dựng một cách chuẩn mực. Đó có thể là các hệ thống tự động hóa, các hệ thống bảo vệ sinh trắc học hay thậm chí là cả... hệ thống thủy lợi riêng. Không phải ở đâu trên nước Mỹ cũng có nguồn nước ngầm dồi dào và dễ sử dụng (như ở California, nơi có khí hậu khá khắc nghiệt với nắng nóng thường xuyên trong năm), và tất nhiên một CEO sẽ không muốn sống cái cuộc sống mà lại... thiếu nước cả.
Năng lượng cũng là một vấn đề được quan tâm không kém. Để đề phòng nguy cơ rủi ro về năng lượng, hầu hết những người giàu có đều trang bị trong gara của mình một chiếc Tesla chạy năng lượng sạch. Vì lí do an toàn, tất cả nhân viên tham gia vào việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho các tỉ phú công nghệ đều phải kí vào một cam kết để đảm bảo họ sẽ không tiết lộ thông tin về những gì họ đang làm. Tuy vậy thông tin về số tiền bỏ ra mua sắm thì có vẻ như lại được chia sẻ khá dễ dàng: Để nâng cấp căn nhà ở San Francisco của mình, Mark Zuckerberg đã chi 65.000 USD cho nhà bếp và nhà tắm, 750.000 USD cho phía sau và bên hông nhà, 25.000 USD để thêm "sự sống" cho tầng 4 và 720.000 USD để hoàn thiện công trình.
Tất nhiên, các nhà tỉ phú công nghệ cũng không quên chi tiền cho việc bảo vệ an ninh cho khu vực sống của mình, dù đôi lúc nó hơi... thái quá. Mark đã từng bị cáo buộc thuê nhân viên ngồi lì trong những chiếc xe ô tô chỉ để giám sát tất cả những gì diễn ra xung quanh căn nhà của anh, và điều này làm người dân ở đây thấy không thoải mái. Sergey Brin - đồng sáng lập của Google thậm chí còn chơi trội hơn thế. Ông thuê 47 nhân viên để làm việc cho Bayshore Global Management - một công ty bí mật chuyên xử lý các tài sản cá nhân và thông tin của Sergey. Ấy vậy mà chỉ cần lướt qua thông tin LinkedIn của công ty này, người ta thấy ở đây có 1 cựu Lính thủy đánh bộ SEAL, một cựu mật vụ và một cựu lãnh đạo đội SWAT lừng danh của Mỹ để xem xét các vấn đề an ninh.
Thế mới biết, kiếm tiền là một chuyện, sống khi có nhiều tiền lại là một chuyện khác!
Tham khảo: BusinessInsider
>>Bóc trần câu chuyện sửa laptop luộc đồ: Khi anh thợ "vặt lông" người dùng
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"