Cái thời "phải bán ứng dụng mới kiếm được tiền" có lẽ đã đi qua từ rất, rất lâu rồi.
Instagram, Clash of Clans, Tinder, hay Snapchat đều có một điểm chung: chúng là ứng dụng miễn phí. Trên thực tế, 90% số lượng ứng dụng trên các cửa hàng trực tuyến đều miễn phí - bởi lẽ ai cũng thích đồ miễn phí cả. Nhưng nếu hoàn toàn miễn phí thì các nhà phát triển ứng dụng "cạp đất mà ăn" à? Đương nhiên không rồi, bọn họ vẫn có thể kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền là đằng khác. Vậy các nhà phát triển đã kiếm tiền như thế nào khi không bán ứng dụng của mình?
Đặt quảng cáo
Đặt quảng cáo trong app có lẽ là hình thức phổ biến nhất để đem lại doanh thu cho các nhà phát triển ứng dụng. Bởi lẽ thời gian người dùng sử dụng ứng dụng là rất lớn, nên việc đặt quảng cáo là hình thái phát triển nhanh nhất của ngành quảng cáo trong điện thoại. Theo số liệu thống kê thì doanh thu kiếm được từ việc đặt quảng cáo trong ứng dụng điện thoại sẽ đạt mức 100 tỉ USD vào năm 2020.
Ý tưởng của hình thức này rất đơn giản: những người đặt quảng cáo sẽ trả tiền để lấy tần số hiên thị cũng như số lượt click, số tiền này trở thành lợi nhuận của những nhà phát triển.
Ví dụ điển hình cho hình thức này là việc Taco Bell đặt quảng cáo trong Snapchat Lense. Chiến dịch này tiêu tốn của Taco Bell 10 triệu USD, và đem lại cho họ 224 triệu view. Đối với Taco Bell, chiến dịch này tỏ ra vô cùng hiệu quả, bởi bên cạnh số lượt xem khổng lồ nói trên, theo thống kê của Snapchat, tổng thời gian mà người sử dụng ứng dụng nghịch filter lên tới 12,5 năm - chỉ trong một ngày.
Mua hàng trong ứng dụng (In-app purchase, IAP)
Nếu như bạn đã từng một lần bấm vào mua bundle kẹo đặc biệt trong Candy Crush, thì xin chúc mừng, bạn đã vừa "hiến máu" cho các nhà phát triển ứng dụng rồi đó. Các vật phẩm bán trong ứng dụng chính là hình thức được các nhà phát triển (đặc biệt là ứng dụng trò chơi) sử dụng để kiếm tiền từ sản phẩm của mình.
Các bundle như thế này chính là lời mời gọi game thủ "hiến máu"
Trên thực tế, chỉ có 5% trong số những người sử dụng ứng dụng chịu móc hầu bao, tuy nhiên số tiền mà họ bỏ ra lại gấp 20 lần so với những gì các công ty game kiếm được từ những người khác. Ước tính đến cuối năm nay, doanh thu từ việc bán vật phẩm trong ứng dụng sẽ đạt 37 tỉ USD - con số khổng lồ cho thấy những người chơi game di động đang chịu chơi và chịu khó "đập tiền" như thế nào.
Freemium
Freemium là hình thức vừa miễn phí mà lại vừa không phải miễn phí, cụ thể là người sử dụng có thể tải ứng dụng về máy mà không tốn một đồng chi phí nào, tuy nhiên nếu muốn sử dụng đầy đủ mọi chức năng của ứng dụng thì họ sẽ phải "móc hầu bao" ra để mua lấy phiên bản premium.
Theo như lời của Apple:
Ở mô hình kinh doanh freemium, người sử dụng sẽ không phải bỏ ra đồng nào để tải ứng dụng về máy, và họ có quyền lựa chọn việc mua lấy phiên bản premium để có thể sử dụng đầy đủ chức năng của ứng dụng.
Nhóm ứng dụng sử dụng hình thức kinh doanh nói trên hiệu quả nhất là các ứng dụng nghe nhạc, mà tiêu biểu là Spotify. Hãng này cũng khá là mạnh bạo trong việc lôi kéo người dùng chịu bỏ tiền - khi mà hầu hết các quảng cáo trong ứng dụng đều là "dụ dỗ" người dùng dùng thử các tính năng premium trong 30 ngày, hoặc nâng cấp lên premium. Chiến lược này của Spotify tỏ ra khá hiệu quả, khi mà 20 triệu người sử dụng ứng dụng này hiện tại đã nâng cấp ứng dụng lên premium. Tỉ lệ chuyển đổi lên premium của Spotify cũng rất lớn, 27%, lớn hơn rất nhiều so với tỉ lệ 2-4% của các ứng dụng khác.
Đóng phí tháng/phí thường niên
Các ứng dụng dựa vào nội dung (đặc biệt là ứng dụng báo chí và nghe nhạc) sử dụng hình thức này để tạo doanh thu thường kỳ. Hình thức này yêu cầu người sử dụng bỏ ra nhiều tiền hơn rất nhiều, nên cũng đòi hỏi chiến lược kinh doanh cẩn thận hơn từ các nhà phát triển. Tuy nhiên nếu thành công, thì doanh thu thu được cũng "khủng khiếp" hơn rất nhiều.
Cụ thể, doanh thu từ ứng dụng theo hình thức đóng phí thường kỳ gấp khoảng 2 đến 3 lần so với việc đặt quảng cáo hay bán ứng dụng. So với IAP, doanh thu của hình thức này cũng trội hơn khoảng 50%.
Lấy ví dụ trường hợp của ứng dụng Headspace. Để mở khóa toàn bộ chức năng của ứng dụng này, bạn cần phải đóng một khoản phí thường kỳ là 7,99 USD/tháng. Doanh thu thường niên của hãng phát triển ứng dụng này là 50 triệu USD, và công ty được định giá 250 triệu USD. Đây có lẽ là một con số hết sức khổng lồ đối với một ứng dụng... chỉ để giúp bạn hít thở.
Tham khảo thenextweb
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập
Meta đang gặp sự cố ngừng hoạt động lớn trên tất cả các nền tảng của mình, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger và WhatsApp.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời