Cách chơi của Huawei Trung Quốc với Apple và Samsung

    PV,  

    Sau Apple, đến lượt Samsung bị một Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei kiện vì xâm phạm bằng sáng chế công nghệ di động...

    Đơn kiện được gửi lên cả tòa án Mỹ và Trung Quốc.

    Đây là vụ kiện đầu tiên của doanh nghiệp Trung Quốc với Samsung - hãng giữ vị trí thống trị doanh số smartphone toàn cầu trong mấy năm trở lại đây.

    Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh các công ty Trung Quốc đang nuôi tham vọng cạnh tranh rất lớn với Samsung và cả Apple trên thị trường trong và ngoài nước.​

    Theo đó, doanh nghiệp này đang đưa giá đòi Samsung phải bồi thường cho vụ vi phạm 11 bằng sáng chế của hãng liên quan đến smartphone và mạng di động.

    Trong đó, có việc Samsung sử dụng giao thức mạng di động (cellular network protocol) mà Huawei cho là giúp đảm bảo dịch vụ không bị gián đoạn trên mạng 4G LTE.

    Hãng công nghệ Trung Quốc cáo buộc Samsung sử dụng công nghệ này trên các sản phẩm chủ lực từ thời chiếc Galaxy S2 mà nhà sản xuất smartphone Hàn Quốc trình làng cách đây 5 năm.

    “Samsung và các công ty con đã kiếm hàng tỷ USD bằng cách bán những sản phẩm sử dụng công nghệ của Huawei”, đơn kiện của Huawei gửi lên một tòa án bang California có đoạn viết.

    Chủ tịch phụ trách quyền sở hữu trí tuệ của Huawei, ông Ding Jianxing lên tiếng đề nghị Samsung sẽ tôn trọng đầu tư của Huawei, đồng thời dừng việc vi phạm bằng sáng chế của doanh nghiệp này.

    Tuy nhiên, tờ Korea Times dẫn một nguồn tin thâm cận với Samsung lại cho biết, đơn vị này cũng đang có kế hoạch kiện ngược lại Huawei ở Mỹ.

    Theo Wall Street Journal, cả Samsung và Huawei đã ký kết một số thỏa thuận về bằng sáng chế với các hãng công nghệ khác nhằm hạn chế xung đột về quyền sở hữu trí tuệ giữa các công ty sản xuất smartphone.

    Nhưng đầu năm nay, Huawei đã đạt thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế với Apple, như vậy, Apple sẽ trả tiền bản quyền để sử dụng bằng sáng chế của Huawei.

    Chính vì vậy, cùng với việc đối diện với vụ kiện của Huawei thì Samsung cũng đang phải chi rất nhiều tiền để đối phó với vụ kiện của Apple tại Mỹ.

    Đòn hiểm với Apple

    Trong khi Samsung mới chỉ đối diện với vụ kiện lần đầu của doanh nghiệp Trung Quốc thì Apple tỏ ra có kinh nghiệm hơn với hai lần gặp phải những rắc rối trong việc khẳng định quyền sử dụng thương hiệu đối với các công ty Trung Quốc.

    Mới đây là vụ xử thua kiện của một tòa án Trung Quốc với thương hiệu iPhone của Mỹ.

    Cụ thể, doanh nghiệp Trung Quốc này có tên là Xintong Tiandi. Theo như căn cứ pháp lý của công ty này đưa ra thì họ đã đăng ký thương hiệu iPhone cho sản phẩm của mình tại nước nhà từ năm 2007.

    Đây cũng là thời điểm Apple cho ra đời chiếc điện thoại iPhone phiên bản đầu tiên. Nhưng theo lập luận của phía Xintong Tiandi thì công ty này đã đăng ký thương hiệu trên trước cả khi iPhone của hãng công nghệ Mỹ trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc.

    Theo đó, tòa án ở Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết cho phép công ty Xintong Tiandi được quyền sử dụng thương hiệu iPhone trên các sản phẩm của mình bao gồm túi xách, ví, thắt lưng... (theo pháp luật Trung Quốc).

    Vào năm 2012, Apple cũng đã phải lao vào cuộc chiến pháp lý tranh chấp thương hiệu iPad tại thị trường Trung Quốc.

    Cuối cùng, để vụ việc được dàn xếp ổn thỏa, Apple đã phải chấp nhận đền bù cho công ty Trung Quốc mức phí 60 triệu USD (tương đương 1.260 tỉ đồng). Đổi lại, thương hiệu iPad sẽ hoàn toàn là của hãng công nghệ Mỹ.

    Nhận định về hiện tượng trên, PGS.TS Vũ Trí Dũng (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, đây là cách doanh nghiệp Trung Quốc đánh nhòa thương hiệu, nhập nhèm sản phẩm Mỹ - Trung, hạ uy tín của Apple.

    Nguy hiểm hơn, đây có thể còn được coi là đòn hiểm đang nhắm trực tiếp vào nền kinh tế Mỹ.

    "Vì trên thực tế, Apple là thương hiệu lớn của Mỹ và đóng góp tới 1% GDP cho Mỹ. Như vậy, đánh vào Apple cũng chính là đánh vào kinh tế Mỹ", vị chuyên gia cho biết.

    Xâu chuỗi nhiều sự kiện liên quan tới thương hiệu của Apple tại thị trường Trung Quốc, vị chuyên gia nghi ngại: "có một dụng ý rất rõ ràng từ phía Trung Quốc là "ngầm tẩy chay sản phẩm công nghệ của Mỹ" trên đất nước mình", ông Dũng nói.

    Theo Báo Đất Việt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ