Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời

    Tuấn Lê,  

    Ngày 24/4/2015, Tim Cook bước lên sân khấu giới thiệu Apple Watch thế hệ đầu tiên và đã mở ra một kỷ nguyên mới cho công nghệ đeo tay. Từ một thiết bị lạ lẫm, nó đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của tôi và hàng triệu người khác.

    Hành trình của tôi bắt đầu với Apple Watch Series 4 vào năm 2018, và từ đó, nó đã thay đổi cách tôi vận động, làm việc, và chăm sóc sức khỏe. Những tính năng như theo dõi giấc ngủ, thể thao, thậm chí cho đến kiểm tra dáng đi, đo tốc độ leo cầu thang, hay nhận thông báo khẩn cấp đang dần giúp cuộc sống của tôi tiện lợi và khỏe mạnh hơn.

    Nhân dịp sinh nhật 10 năm của Apple Watch, hãy cùng tôi nhìn lại hành trình cá nhân cũng như những cột mốc và thay đổi đáng chú ý của thiết bị trên cổ tay này đến từ nhà Táo Khuyết.

    Vì sao tôi chọn Apple Watch là chiếc smartwatch đầu tiên và vẫn gắn bó đến giờ?

    Trước Apple Watch, tôi từng thử vài chiếc smartband giá rẻ. Chúng đếm được bước chân và theo dõi giấc ngủ cơ bản, nhưng màn hình nhỏ tí khiến tôi chẳng đọc được gì. Vì tính chất công việc, tôi thường xuyên di chuyển, từ họp hành, đi công tác cho đến dạo phố chụp ảnh… cho nên mỗi lần có tin nhắn hay cuộc gọi, nếu đang ở ngoài đường, tôi phải dừng xe máy để lôi điện thoại ra kiểm tra vừa bất tiện lại vừa không an toàn. Đó là lúc tôi quyết định thử smartwatch, và Apple Watch Series 4 trở thành người bạn đồng hành đồng hành đầu tiên của tôi.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 1.

    Apple Watch Series 4 chính là chiếc smartwatch nhà Táo đầu tiên mà tôi sở hữu.

    Còn nhớ lúc ấy, tôi chọn chiếc đồng hồ này vì nó giải quyết đúng những vấn đề tôi gặp phải: màn hình lớn, rõ nét giúp tôi liếc qua là biết ngay tin nhắn hay cuộc gọi có khẩn cấp không. Chẳng hạn nếu tin từ sếp và có tính khẩn cấp, tôi sẽ tấp vào lề trả lời ngay, còn nếu các tin nhắn linh tinh từ bạn bè, tôi cứ thế mà chạy tiếp đến nơi rồi xử lý sau. Nhờ vậy, tôi không còn hoảng loạn mỗi khi có thông báo, và lái xe máy cũng an toàn hơn.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 2.

    Với những tin nhắn linh tinh thế này, tôi cứ việc tiếp tục chạy xe thôi, không cần phải tốn thời gian tấp vào lề kiểm tra điện thoại như trước đây nữa.

    Nghĩ lại thì thời ấy còn chưa có các cuộc gọi lừa đảo nhiều, chứ như hiện tại mà tôi không có một chiếc smartwatch trên cổ tay, chắc có lẽ sẽ luôn trong tình trạng "hoảng loạn" phải tấp vào lề để nghe điện thoại nhưng rồi cay đắng nhận ra chỉ là những cuộc gọi lừa đảo hay quảng cáo vô bổ…

    Ngoài nhu cầu cần một thứ thể hiện rõ ràng nội dung trên cổ tay, Apple Watch còn đóng vai trò là thiết bị theo dõi chạy bộ, đạp xe, tích hợp mượt mà với iPhone và MacBook, giúp tôi quản lý công việc và vận động dễ dàng. Giờ đây, Apple Watch là một phần không thể thiếu, từ nhắc tôi đứng dậy khi ngồi lâu, theo dõi giấc ngủ, đến giúp tôi phục hồi sau chấn thương với các chỉ số chi tiết. So với smartband cũ, nó mang lại trải nghiệm hoàn chỉnh, và tôi chưa từng nghĩ đến việc đổi sang thiết bị khác để dùng dài lâu.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 3.

    Apple Watch đóng vai trò là thiết bị theo dõi chỉ số của hầu hết những lần chơi thể thao của tôi.

    Nhưng điều khiến tôi thực sự ấn tượng không chỉ là tiện ích hàng ngày, mà là cách Apple Watch đã tiến hóa qua từng năm, mang đến những tính năng thiết thực hơn, từ chăm sóc sức khỏe đến hỗ trợ vận động.

    Apple Watch không chỉ thay đổi tôi mà còn định hình cách hàng triệu người tương tác với công nghệ. Từ thế hệ đầu tiên (2015) đến những mẫu mới nhất năm 2024, mỗi phiên bản đều mang đến những tính năng thiết thực hơn, hỗ trợ sức khỏe, vận động và kết nối trong cuộc sống hàng ngày.

    Apple Watch chăm lo cho sức khỏe của bạn hơn bạn nghĩ

    Khi mua Apple Watch Series 4, tôi muốn có một chiếc đồng hồ với màn hình lớn để đọc thông báo dễ dàng, đồng thời hỗ trợ tôi trong thể thao và sức khỏe, từ theo dõi chạy bộ đến chăm sóc cơ thể tốt hơn. Tôi không ngờ rằng nó lại mang đến nhiều giá trị hơn thế. Ngay từ thế hệ đầu tiên năm 2015, Apple Watch đã có cảm biến nhịp tim quang học, giúp người dùng theo dõi sức khỏe cơ bản. Đến Series 4 (2018), tính năng theo dõi nhịp bất thường và ứng dụng ECG được thêm vào, cho phép phát hiện rung tâm nhĩ (Atrial Fibrillation, viết tắt là AFib) - một dạng rối loạn nhịp tim phổ biến.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 4.

    Ở Việt Nam, ECG chỉ khả dụng từ năm 2021 với watchOS 7.4, nhưng thông báo nhịp tim bất thường đã mang lại giá trị lớn cho tất cả những người đeo trên toàn thế giới.

    Tạp chí Y khoa New England vào năm 2019 đã thực hiện nghiên cứu và khảo sát với 419.297 người trong 8 tháng nhằm đánh giá quy mô lớn về đồng hồ thông minh để xác định rung nhĩ. Theo đó, trong số 450 người nhận thông báo nhịp bất thường từ Apple Watch và đeo ECG patch tối đa 7 ngày để kiểm tra, khoảng 34% được xác nhận có AFib. Hơn nữa, 84% các thông báo nhịp bất thường trùng khớp với AFib khi so sánh đồng thời với ECG patch, cho thấy tính hữu ích của tính năng này.

    Ngoài nhịp tim, Apple Watch cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc theo dõi phục hồi sau chấn thương. Apple Watch và ứng dụng Health trên iPhone có một số tính năng mà khi nhắc đến có lẽ các bạn sẽ không biết, nhưng với tôi nó là một "viên ngọc ẩn" mà không phải đối thủ nào cũng có được.

    Tính năng mà tôi nhắc đến ở đây chính là Walking Asymmetry (hay còn gọi tên tiếng Việt là Đi bộ không đối xứng, nằm trong mục Mobility/Vận động), dùng để đo độ bất đối xứng trong bước đi, cho tôi biết chân trái và chân phải có hoạt động cân đối hay không. Bình thường ít ai sẽ để ý đến vấn đề này, nhưng nếu chịu khó xem sẽ biết được chúng ta có bị tật khi đi bộ hay không.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 5.

    Còn với tôi, tính năng này được tận dụng nhiều nhất khi mới bị chấn thương dây chằng gối do chơi bóng rổ vào tháng 8/2024, và tỷ lệ Walking Asymmetry trên ứng dụng Health nhảy vọt lên trên 50% vào tháng 9 và 10, cho thấy dáng đi của tôi rất lệch.

    Đến tháng 12/2024, con số giảm dần, và sang tháng 1/2025, nó về dưới 1%, giống như trước khi chấn thương. Với những con số này, tôi có thể đánh giá được quá trình phục hồi của mình cũng như biết được mình có bị ảnh hưởng hay bị tật gì trong việc đi lại sau khi chấn thương hay không.

    Cũng nhớ lại vào tháng 9/2023, tôi cũng từng lật mắt cá chân phải khi chơi bóng rổ (không biết phải tình cờ không nhưng 2 năm liền đều bị chấn thương vào thời điểm tháng 8-9 này…) Tất nhiên tỉ lệ này cũng từng chạm 9.5% trong một tuần, cao hơn mức bình thường của tôi vốn là 1.5-2%, và theo Apple Health thì vượt ngưỡng 5% là bất bình thường. Nhờ biểu đồ trên iPhone, tôi nhận ra những thay đổi nhỏ mà mắt thường khó thấy, từ đó điều chỉnh cách đi lại để phục hồi tốt hơn.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 6.

    Nhìn biểu đồ này, bạn cũng có thể thấy rõ lần chấn thương nặng nhất của tôi là vào tháng 9/2024, với mức độ bất đối xứng của 2 chân khi đi là 52,8%, còn lần lật mắt cá chân thì chỉ 9,5% thôi.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 7.

    Thêm chút hình ảnh lần lật mắt cá chân (tháng 9/2023, ảnh trái) đang chườm lạnh bằng… kem và lần chấn thương dây chằng gối (tháng 8/2024, ảnh phải).

    Bên cạnh dáng đi, tôi còn để ý đến sức mạnh chân và đùi qua một chỉ số khác: Stair Speed: Up , tức Đo tốc độ leo cầu thang.

    Trước tháng 8/2024, tôi thường bước bộ lên các bậc thang với tốc độ 0.8-1.1 m/s, nhưng sau chấn thương dây chằng gối, từ tháng 9 đến tháng 10/2024, tôi gần như không leo được cầu thang do gối không gập được, và khi cố bước lên các bậc thềm, tốc độ chỉ đạt 0.2-0.4 m/s.

    Đến tháng 12/2024, quá trình bước lên bậc thang của tôi có tiến triển hơn, đạt 0.21-0.6 m/s và ở tháng hiện tại thì con số này dao động từ 0.21-0.8 m/s.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 8.

    Tốc độ leo lên cầu thang của tôi qua giai đoạn chấn thương dây chằng gối (tháng 8/2024, ảnh trái), gần 4 tháng sau chấn thương (ảnh giữa), và tháng hiện tại cho thấy con số đang dần hồi phục lại.

    Nhìn biểu đồ trên iPhone, tôi biết mình đang hồi phục tốt, dù chưa trở lại như trước. Những chỉ số này không chỉ giúp tôi theo dõi tiến trình mà còn mang lại động lực để tập luyện nhiều hơn cũng như tự trị liệu cho bản thân. Các tính năng như Walking Speed và Walking Steadiness (có mặt từ 2021) cũng hỗ trợ tôi đánh giá vận động tổng thể, nhưng Walking Asymmetry và Stair Speed: Up là hai thứ tôi theo dõi nhiều nhất.

    Và Apple Watch không dừng lại ở đó. Năm 2020, với Apple Watch Series 6, tính năng đo oxy máu (Blood Oxygen) và theo dõi giấc ngủ (Sleep Tracking) được giới thiệu, giúp tôi hiểu rõ hơn về hô hấp và chất lượng nghỉ ngơi. Đến năm 2024, Apple Watch Series 9, Series 10, và Ultra 2 ra mắt tính năng thông báo ngưng thở khi ngủ (Sleep Apnea Notifications) với watchOS 11, hỗ trợ người dùng phát hiện sớm các vấn đề hô hấp tiềm ẩn, mang lại thêm một cách để chăm sóc sức khỏe toàn diện. Những tính năng này khiến Apple Watch trở thành người bạn giúp chúng ta sống khỏe hơn mỗi ngày.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 9.

    Apple Watch đo và đánh giá giấc ngủ của tôi mỗi ngày.

    Nhưng ngoài việc chăm sóc sức khỏe, Apple Watch còn mang lại sự an tâm trong những tình huống bất ngờ, từ té ngã đến tai nạn.

    Tính năng an toàn đang ngày càng được nâng cấp

    Apple Watch không chỉ theo dõi sức khỏe mà còn giúp người dùng cảm thấy yên tâm hơn trong cuộc sống hàng ngày. Một tính năng nổi bật là Fall Detection, ra mắt năm 2018, dùng cảm biến để nhận biết té ngã nghiêm trọng. Nếu người đeo không phản hồi trong 60 giây, nó tự động gọi cứu hộ và báo cho người thân.

    Tôi còn nhớ câu chuyện CEO Tim Cook kể trên podcast Table Manners về việc bố của ông ngã trong nhà, và Apple Watch đã gửi cảnh báo kịp thời để đội cứu hộ đến hỗ trợ, dù ông cụ sau đó lại bận tâm vì cánh cửa bị phá hơn là cảm ơn thiết bị!

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 10.

    Apple Watch Ultra trên cổ tay Tim Cook tại sự kiện WWDC 2023.

    Năm 2022, Apple giới thiệu thêm tính năng Crash Detection dùng để phát hiện va chạm xe hơi như va chạm trước, ngang, sau, hoặc lật xe. Nếu không có phản hồi sau 20 giây, thiết bị tự liên lạc với cứu hộ. Một trường hợp năm 2024 cho thấy Apple Watch đã giúp một người mẹ mang thai được hỗ trợ nhanh sau tai nạn xa lộ. Những tính năng này khiến người dùng phần nào yên tâm hơn trong các hoạt động hàng ngày, kể cả khi tham gia giao thông vì biết rằng thiết bị trên cổ tay luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu cần.

    Từ đo các hoạt động thể thao thường nhật đến hỗ trợ các bộ môn thể thao chuyên nghiệp

    Đã đeo smartwatch thì không thể không tận dụng nó để theo dõi các hoạt động thể thao, và với tôi thì nó là các buổi chạy bộ, đạp xe, thậm chí là còn ghi lại hoạt động đi dạo bộ quanh thành phố để chụp ảnh. Với việc chạy bộ, Apple Watch đã đáp ứng tốt các tiêu chí mà tôi mong đợi từ trước đến nay, từ việc GPS chuẩn, kết nối liên tục, có Pace Alerts giúp tôi giữ tốc độ ổn định bằng cách rung lên nếu tôi chạy quá nhanh hay quá chậm theo mục tiêu Pace đã đề ra sẵn.

    Ở thời điểm hiện tại, sau chấn thương dây chằng gối, tôi đã chưa thể quay trở về các bài luyện tập chạy như trước, mà thay vào đó là luyện tập các nhóm cơ ở phòng gym.

    Về cơ bản, Apple Watch nói chung có thể đo đạc được một vài chỉ số khi tôi tập luyện trong phòng gym (chế độ Traditional Strength Training), như thời gian, lượng calo đã đốt, nhịp tim, nhưng tôi mong chờ trong tương lai gần Apple có thêm khả năng nhận biết các bài tập nhóm cơ mà tôi đã tập ngày hôm đó, để đề xuất tôi nên nghỉ ngơi các nhóm cơ nào trong buổi sau và tập trung vào các bài tập khác. Tôi nghĩ việc này nằm trong tầm tay của nhà Táo, và đặc biệt hơn là với sự hỗ trợ của Apple Intelligence, điều này có thể khả thi và nó sẽ trở thành trợ lý workout thật sự cho từng người.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 11.

    Tôi mong rằng trong tương lai gần, Apple Watch và ứng dụng Fitness có thể đo được nhiều thông số hơn như bài tập hôm nay đã tác động đến nhóm cơ nào, đề xuất nên tiếp tục nhóm cơ khác cho buổi tập sau.

    Bỏ qua những bộ môn thể thao cơ bản, Apple cũng đã bước vào sân chơi của bộ môn thể thao chuyên nghiệp với dòng Watch Ultra, vốn ra mắt vào năm 2022 và sau đó là Watch Ultra 2 ở thời điểm hiện tại. Apple Watch Ultra có thiết kế thay đổi hoàn toàn so với các dòng Watch trước đây, được làm từ lớp vỏ Titanium bền bỉ hơn, chống nước 100m và pin lên đến 36 giờ (72 giờ ở chế độ tiết kiệm), Ultra là lựa chọn hoàn hảo cho các hoạt động khắc nghiệt.

    Apple Watch Ultra cũng hỗ trợ bộ môn thể thao lặn biển, kết hợp với ứng dụng Oceanic+, biến nó thành combo lặn tiện lợi, từ hiển thị độ sâu, thời gian lặn, nhiệt độ nước, và nhắc nhở an toàn để bạn yên tâm tận hưởng. Bên cạnh đó, với GPS đa tần chính xác và chế độ đo tải luyện tập, và nhiều chỉ số đo khác, Ultra đã và đang chứng minh nó không chỉ dành cho người dùng phổ thông mà còn từng bước cạnh tranh với các thiết bị đồng hồ thể thao chuyên dụng khác trên thị trường.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 12.

    Ngoài những tiện ích công nghệ, tôi còn thấy Apple Watch là một trong những sản phẩm đầu tiên của Apple đóng góp tích cực cho môi trường, một cột mốc đáng ghi nhớ của hãng này trong lộ trình tiến tới 2030.

    Tiến tới bảo vệ môi trường

    Tại sự kiện tháng 9/2023, Apple đã giới thiệu Apple Watch Series 9, Apple Watch SE và Apple Watch Ultra 2 là các sản phẩm đầu tiên đạt trung hòa carbon. Bên cạnh đó, dây đeo FineWoven và Sport Loop cũng được làm từ vật liệu tái chế, vừa đẹp vừa bền vững. Những thay đổi này nằm trong kế hoạch Apple 2030 để giảm thải carbon toàn chuỗi cung ứng.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 13.

    Biểu tượng trung hòa carbon trên hộp Apple Watch Ultra 2.

    Ngoài ra, Apple còn có chương trình tái chế rất thiết thực là Apple Trade In nhằm thu hồi các mẫu Apple Watch cũ và giảm rác thải điện tử. Vật liệu từ thiết bị cũ được tái sử dụng để sản xuất các mẫu mới, tạo ra một vòng đời bền vững hơn.

    Đúc kết gì từ việc sạc pin với Apple Watch?

    Qua nhiều năm quan sát, lắng nghe, cũng như chính bản thân sử dụng Apple Watch, tôi nhận thấy không ít người than phiền về vấn đề pin của smartwatch nói chung hay Apple Watch nói riêng. Bởi lẽ, họ không biết sạc pin vào lúc nào là hiệu quả và cảm giác như Apple Watch có thời lượng pin quá ngắn. Tôi hiểu vấn đề của họ, bởi một vài trong số này sử dụng đồng hồ truyền thống là chính và chỉ lấy Apple Watch ra đeo mỗi khi cần đi gym hay tập luyện thể dục thể thao, kết quả là nhiều lần lấy ra đeo thì báo hết pin và phải chờ sạc.

    Đây là thói quen và sở thích của mỗi người dùng, vậy nên tôi sẽ không bàn sâu hơn, nhưng nếu muốn sử dụng một chiếc smartwatch và muốn nó phục vụ mình, hãy cố gắng nhớ sạc pin cho nó.

    Vậy sạc lúc nào? Một số người chọn sạc lúc ngủ nhưng tôi cho rằng không nên, bởi nếu vậy bạn sẽ bỏ lỡ các tính năng đo chất lượng giấc ngủ khá đáng giá của sản phẩm này.

    Vậy thì sạc pin ra sao? Trong một bài viết cách đây 6 tháng, tôi đã viết về cách thử nghiệm quy trình sạc mới và tới hiện tại tôi vẫn thấy đây là cách tối ưu nhất, theo quan điểm và thói quen sử dụng của tôi.

    Cụ thể với Apple Watch Ultra 2 mà tôi đang dùng, thay vì mỗi lần gần hết pin là sạc tới 100% rồi dùng thì tôi có sự thay đổi chút đỉnh: Sạc 2 lần trong ngày và mỗi lần chỉ cần 15-20 phút sạc. Nói rõ hơn, mỗi sáng thức dậy, tôi sẽ tháo đồng hồ ra sạc và trong lúc đó thì đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân. Bởi đây là thời điểm mà tôi ít kiểm tra nội dung thông báo nhất (nếu cần thì đã mở iPhone lên xem luôn rồi), và tất nhiên cũng chẳng cần đo đạc hoạt động gì ở lúc này cả… Cứ thế khi vệ sinh cá nhân xong xuôi thì có thể lấy Apple Watch ra khỏi dock sạc, đeo vào và bắt đầu một ngày mới với một viên pin đã được nạp thêm khoảng hơn 50%.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 14.

    Một lưu ý là với kiểu sạc này thì chúng ta nên chọn tắt chế độ sạc bảo quản pin (sạc đến 85% là ngừng) hoặc vào Settings để bỏ chọn phần Optimized Battery Charging, để sạc pin thoải mái hơn vì có khi đến hết ngày dung lượng pin của Watch Ultra 2 vẫn còn khá cao và sạc chỉ 1 chút là dừng ở 85%, không hiệu quả.

    Và lần thứ 2 tôi sạc trong ngày chính là lúc trước khi đi ngủ, cũng là lúc đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân… Tất nhiên thời gian sạc cũng dao động trong tầm 15-20 phút hoặc có khi hơn một chút. Và vậy là lượng pin Apple Watch của tôi cứ thế vẫn được nạp mỗi ngày, trong những khoảng thời gian mà tôi ít cần tới nó nhất.

    Lời kết

    Mười năm qua, Apple Watch không chỉ là thiết bị công nghệ mà là người bạn đồng hành của rất nhiều người. Với cá nhân tôi, những chiếc Apple Watch đồng hành trong suốt 7 năm qua đã giúp tôi vận động nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn, và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Từ ECG, Walking Asymmetry, Stair Speed, đến Fall Detection và Crash Detection, mỗi tính năng đều mang lại tiện ích thực tế, giúp tôi sống khỏe và an tâm hơn.

    Cách đây 10 năm, chiếc Apple Watch đầu tiên ra đời- Ảnh 15.

    Tôi tin Apple sẽ tiếp tục mang đến những tính năng thiết thực hơn với Apple Watch, nhất là trong hành trình Apple 2030. Với tôi, đây không chỉ là đồng hồ thông minh, nó là minh chứng cho việc công nghệ làm cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn, sống một cuộc sống tích cực hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ