Cách ra phim của Netflix đang tự giới hạn khả năng phát triển của một series đầy tiềm năng như The Witcher?
Cuộc tranh cãi không hồi kết giữa mô hình ra phim từng tập theo tuần truyền thống với mô hình ra một lần cả mùa như của Netflix.
The Witcher có đầy đủ yếu tố để trở thành một bộ phim thành công: dựa theo một tác phẩm có tiếng tăm, sở hữu một chiến dịch marketing rầm rộ, diễn xuất xuất sắc của Henry Cavill, và bài hát nổi tiếng "Toss a coin to your witcher" nay đã trở thành meme trên mạng Internet. Quả thật, sau gần 2 tuần ra mắt, The Witcher đã chứng tỏ rằng mình là một "thế lực" mới trong mảng phim truyền hình với lượng người xem khủng cùng những đánh giá hết sức tích cực của cộng đồng.
Thế nhưng, trong mắt nhiều người, The Witcher sẽ còn có tiềm năng phát triển lớn hơn nữa, nếu như không bị "níu chân" bởi mô hình ra phim "một lần cả bộ" của Netflix mà thay vào đó là mô hình ra từng tập theo tuần như các bộ phim truyền hình truyền thống.
Mô hình ra phim hàng tuần truyền thống có khá nhiều ưu điểm, trong đó đáng kể nhất là giữ vững độ hype nếu như phim đủ hấp dẫn - thông qua các cuộc thảo luận hàng tuần của fan về tập phim mới nhất, cũng như cho người xem có thời gian để suy ngẫm về các tình tiết trong phim. Nhờ vậy mà độ hype của một bộ phim sẽ luôn được giữ trong khoảng thời gian dài, cũng như mang tới nhiều cơ hội để thu hút thêm đông người xem phim hơn nữa.
Lấy ví dụ như series The Mandalorian, cứ mỗi bức hình Baby Yoda mới của mỗi tuần đều sẽ có tiềm năng tạo ra thêm khán giả cho series. Có thể tôi không có ý định theo dõi bộ phim này từ đầu, nhưng khi đi đâu cũng thấy mọi người bàn luận về Baby Yoda trong một khoảng thời gian dài, khả năng tôi đổi ý và muốn xem thử phim sẽ tăng lên.
Trong khi đó, mô hình ra phim "một lần cả mùa" của Netflix sẽ mang tới rủi ro rằng độ hype của phim sẽ chỉ giữ được trong một khoảng thời gian ngắn sau khi phim ra mắt, trước khi khán giả chuyển sự chú ý sang một bộ phim mới khác. Ngoài ra, việc ra phim kiểu này thậm chí còn gây mất hứng với một số người khi họ không có quá nhiều thời gian để xem phim nên mới chỉ xem được một hai tập đầu, nhưng lên mạng lại bị spoiler vì mọi người đang đăng tải và chia sẻ meme ở tận... tập cuối phim.
Ở thời điểm hiện tại, The Witcher vẫn đang rất nổi tiếng: theo một số thống kê, series này đang có lượng người xem vượt trội hơn hẳn so với The Mandalorian của Disney. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả của tuần đầu The Witcher ra mắt, và liệu có ai có thể chắc chắn rằng bộ phim này có thể giữ vững vị trí của mình trong tương lai, khi mà The Witcher đã ra hết mùa 1 rồi còn The Mandalorian vẫn đang ra tiếp?
Bản thân kết cấu của The Witcher mùa đầu tiên cũng phù hợp với mô hình ra phim theo tuần hơn, khi mà phim diễn ra chủ yếu theo phong cách "mỗi tập một câu chuyện". Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi mùa đầu tiên của phim dựa trên hai quyển tuyển tập truyện ngắn là "The Last Wish" và "Sword of Destiny". Trong khi đó, những bộ phim phù hợp hơn với mô hình ra phim của Netflix có thể kể đến như "Stranger Things" hay "The Umbrella Academy", với kết cấu giống với một bộ phim dài khoảng 10 tiếng đồng hồ và được chia thành các chương nhỏ dưới dạng các tập - và nên được xem liền một lèo hơn là xem mỗi tập 1 tuần.
Tất nhiên, mọi phương pháp đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Với mô hình ra phim từng tập theo tuần, luôn có nguy cơ lượng người xem sụt giảm nghiêm trọng nếu như chất lượng của những tập phim mới càng ngày càng đi xuống. Cũng như đã từng có một thời, mọi người thích thú với mô hình ra phim của Netflix, khi họ không phải chờ đợi, chờ đợi từng tuần xuyên suốt quãng thời gian nửa năm trời để có thể xem hết một bộ phim.
Vậy thì, liệu The Witcher có thể trở thành bộ phim truyền hình tiếp theo có sức ảnh hưởng lớn như Game of Thrones hay không? Cái này, có lẽ chúng ta vẫn phải chờ đợi lâu hơn nữa mới có thể biết được.
Theo The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4