Cái chết tức tưởi của BlackBerry là minh chứng cho thấy không có thứ gì gọi là "tình yêu công nghệ" cả
Người ta đã từng yêu BlackBerry đến mức sẵn sàng sống trong một thế giới smartphone không có Facebook hay Google Maps. Điều ấy có giúp cho Dâu Đen sống sót qua năm tháng?
3 năm sau khi BlackBerry tuyên bố từ bỏ kinh doanh phần cứng, số phận của smartphone BlackBerry đã chấm dứt. Trong một tuyên bố chính thức, công ty trực tiếp sản xuất điện thoại BlackBerry trong 3 năm qua là TCL cho biết sẽ ngừng phát triển các thiết bị gắn mác Dâu Đen trong năm nay. Một đối tác khác là BB Merah Putih (Indonesia) đã không ra mắt smartphone BlackBerry mới kể từ 2017.
Từng một thời gắn liền với khái niệm "smartphone", cái chết của BlackBerry chắc chắn sẽ khiến nhiều người nuối tiếc. Trước thời đại của chiếc smartphone cảm ứng đa điểm, bàn phím vật lý và ứng dụng email của BlackBerry là biểu tượng cho những chiếc điện thoại "thông minh" có khả năng kết nối vượt trội so với điện thoại "thường". Tuy vậy, khi Steve Jobs thực hiện cách mạng di động với iPhone, và khi Android phổ cập trải nghiệm smartphone mới, BlackBerry đã gục ngã trước các đối thủ. Câu trả lời của hãng này dành cho iPhone là chiếc Storm ra mắt năm 2008 thất bại thảm hại (tỷ lệ trả 100%); hệ điều hành BB10 của BlackBerry khi ra mắt năm 2013 cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng khi không được lòng các nhà phát triển ứng dụng.
Năm 2016, BlackBerry tuyên bố dừng phát triển phần cứng và chuyển sang mô hình nhượng quyền. Đến bây giờ, khi các đối tác nhượng quyền thương hiệu cũng từ bỏ thương hiệu cũ, BlackBerry đã trở thành minh chứng tiêu biểu cho một bài học lớn: không có thứ gì gọi là "tình yêu" trong thế giới công nghệ cả.
Tại sao ư? Một lần nữa, hãy nhớ rằng đã có thời nhắc đến smartphone là nhắc đến BlackBerry. So với những chiếc điện thoại cùng thời, BlackBerry có dáng vẻ độc đáo và hữu ích hơn hẳn khi sở hữu một bộ bàn phím QWERTY lớn, cho phép người dùng có thể gõ tin nhắn (và email) mà không cần nhnf vào bàn phím. Vào thời hoàng kim của BlackBerry, tin nhắn vẫn là phương tiện trao đổi thông tin phổ biến nhất giữa người dùng di động với nhau. Đơn giản chỉ bằng khả năng gõ tin nhắn nhanh, BlackBerry đã trở thành công cụ liên lạc hữu dụng nhất lúc bấy giờ.
Cũng không kém phần quan trọng là khả năng soạn thảo và gửi email. Với smartphone ngày nay, đây là một trong những tính năng đơn giản và kém thu hút nhất. Song, với điện thoại của những năm 2000, sự khác biệt lại là vô cùng to lớn: ai muốn soạn thảo email trên những chiếc điện thoại dùng bàn phím số? Những người bận rộn, những người chuyên nghiệp, những người cần thông tin mọi lúc mọi nơi vì thế gần như sẽ luôn luôn chọn BlackBerry.
BlackBerry là biểu tượng của sự chuyên nghiệp. BlackBerry còn từng là biểu tượng của tình yêu công nghệ, khi người dùng tìm cách "vọc vạch" để tìm ra những ứng dụng mới, những tính năng mới trên điện thoại. BlackBerry là biểu tượng của một trải nghiệm rất khác – chẳng giống như trải nghiệm gõ phím cùng thời, cũng chẳng giống như trải nghiệm phím ảo sau này.
Bởi thế, cũng không có gì khó hiểu khi một nhóm người dùng không nhỏ vẫn tiếp tục gắn bó với Dâu Đen, ngay cả khi thương hiệu này bị iPhone và smartphone Android đánh cho tan tác. Cho đến tận năm tài chính 2015 (tháng 3/2014 – tháng 2/2015), BlackBerry vẫn bán được 7 triệu smartphone. Những người vẫn còn mua smartphone BlackBerry vào thời điểm này có thể coi là những "fan cuồng" thực sự. Năm 2015, iOS App Store và Google Play đã có tuổi đời 7 năm, các ứng dụng đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Ấy vậy mà vẫn có hàng triệu người sẵn sàng hy sinh trải nghiệm thiết yếu này chỉ để sở hữu BlackBerry. Họ đã yêu BlackBerry một cách chân thành nhất có thể. Vì Dâu Đen, họ sẽ sống không có Gmail, Facebook, Instagram, Google Maps…
Đến cuối cùng, tình yêu ấy có cứu được BlackBerry? Rõ ràng là không. Đến cuối cùng, BlackBerry vẫn phải từ bỏ phần cứng. Thậm chí, như TCL đã nhận ra, tình yêu thương hiệu dù có nhiệt thành đến mấy cũng không thể tạo nên thành công cho những sản phẩm dở tệ. Tình yêu dành cho trải nghiệm gõ phím BlackBerry đã không thể giúp cho Key2 chống chọi được trước các đối thủ có camera tốt hơn, màn hình đẹp hơn, chip mạnh hơn (và giá tốt hơn).
Cái chết của Key2 kéo theo cái chết (cuối cùng) của thương hiệu BlackBerry trên điện thoại. Và cái chết của Key2 cũng là minh chứng cho thấy, trên chiến trường công nghệ khốc liệt và thay đổi như vũ bão, chất lượng sản phẩm là thứ làm nên doanh số, và doanh số làm nên tình yêu dành cho mỗi thương hiệu. Không có chiều ngược lại.
Thị trường không thiếu những ví dụ tương tự. Thật tình cờ, khi TCL tuyên bố ngừng sản xuất smartphone BlackBerry thì một thương hiệu cũ rất được yêu quý cũng vừa trải qua một năm tồi tệ kết thúc 2019, lượng smartphone Nokia xuất xưởng đã giảm tới 1/5 so với năm 2018. Cuộc hồi sinh của thương hiệu từng gắn với khái niệm "điện thoại di động" có vẻ đã chấm dứt, và nguyên nhân không hề khó đoán: Nokia đã có một năm thảm họa trên khía cạnh sản phẩm. Mẫu đầu bảng Nokia 9 Pureview ra mắt với trải nghiệm chậm giật và chất lượng ảnh chụp dưới mong đợi. Các mẫu giá rẻ liên tiếp bị đẩy lùi ngày ra mắt, và khi lên kệ chúng chẳng có bất kỳ điểm mạnh nào so với đối thủ Trung Quốc. Thứ duy nhất chúng có, là thương hiệu Nokia và dáng hình gợi nhắc đôi chút đến những chiếc Lumia xa xưa.
Tích cực hơn là Sony. Tình cảm của người dùng dành cho thương hiệu rất được yêu quý này tỏ ra hoàn toàn vô nghĩa khi thương hiệu Nhật Bản liên tiếp ra mắt smartphone theo kiểu "ngại sáng tạo". Phải đến năm 2019, Sony mới quay đầu thành công nhờ vào Xperia 1, một chiếc smartphone tận dụng thế mạnh truyền thống của gã khổng lồ Nhật Bản trên các lĩnh vực nghe nhìn và camera. Trong quý cuối năm, Sony đã lần đầu tiên thu lãi từ mảng kinh doanh di động.
Và cuối cùng, đến chính kẻ đã đẩy BlackBerry, Nokia và Sony vào tình cảnh như ngày nay là Apple cũng lại là minh chứng cho thấy tình yêu dành cho các thương hiệu xưa cũ vô nghĩa đến như thế nào. Là một trong những tên tuổi đi đầu trào lưu PC vào những năm 70 và rồi tiên phong phổ cập đồ họa trực quan vào thập niên 80, đến thập niên 1990 Apple cũng từng lâm vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" vì liên tiếp tung ra những cỗ máy quá đắt đỏ, quá giới hạn tính năng so với PC chạy Windows của Dell, HP và Compaq. Năm 1997, khi Apple phát hành Mac OS 8, nhiều "fan cuồng" đã kêu gọi nhau cùng mua bản quyền ủng hộ. Thậm chí, các nhóm crack còn từ chối chia sẻ phiên bản lậu của Mac OS 8 để "giúp đỡ" nhà Táo.
Những nghĩa cử cao đẹp này có giúp Apple sống sót qua thời khắc khó khăn nhất? Không hề. Thứ đã cứu sống Apple là thành công của chiếc iMac phát hành năm 1998. 20 năm trước ngày BlackBerry "lìa đời", Apple đã sớm học được một bài học quan trọng: dựa dẫm vào tình yêu thương hiệu là tự đẩy mình xuống vực. Với tư duy ấy, công ty của Steve Jobs đã liên tiếp tạo ra những sản phẩm đi trước thời đại, đôi khi là cả những sản phẩm tương lai để giết chết những thành công hiện tại (như cách iPhone vượt mặt iPod hay iPad gây ảnh hưởng đến Mac). Kết quả là, Apple không chỉ từ vực thẳm trở thành công ty có trị giá lớn nhất thế giới mà còn giết chết cả một loạt đối thủ - những kẻ bám víu vào hào quang xưa cũ mà quên cách tự làm mới chính mình. BlackBerry, đáng buồn thay, là một trong số ấy.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming