Cái giá đắt đỏ của iPhone X là "quả báo" đến từ Samsung?
Nếu sớm nhận ra rằng iPhone sẽ mãi mãi phụ thuộc vào Samsung, Apple có lẽ đã không hùng hổ kiện Samsung khi cuộc chiến smartphone bắt đầu thật sự nóng lên với sự trỗi dậy của Galaxy S và Galaxy Note.
Khi Android bắt đầu trưởng thành với sự trỗi dậy của Galaxy S và Galaxy Note, Steve Jobs đã lên tiếng đe dọa sẽ tiến hành "Thánh chiến" chống lại Google. Cuộc "thánh chiến" ấy được thực hiện bằng khái niệm "sở hữu trí tuệ" của riêng Táo: Apple không chỉ dùng một loạt bằng sáng chế mà còn kiện Samsung vi phạm hình dáng... "chữ nhật, góc bo tròn" của smartphone.
Tòa án Mỹ không chấp nhận luận điểm "bo tròn" của Apple song vẫn buộc Samsung phải bồi thường vì vi phạm một số bằng sáng chế. Khoản tiền ban đầu là 1 tỷ USD nhưng càng ngày càng bị các cấp thẩm phán cắt giảm và đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng từ Tòa án Tối cao Mỹ.
Nhưng trong lúc phần lớn các iFan và fandroid đều đã bỏ quên vụ kiện lịch sử này, cuộc chiến Apple vs. Samsung đã sang một trang mới, rắc rối hơn rất nhiều. Năm 2017, Samsung lãnh đạo cuộc cách mạng Universium với 2 mẫu Galaxy S8 và Galaxy Note8 trong lúc cả thế giới sục sôi chờ đợi iPhone X với màn hình OLED tràn cạnh.
Với lý do là phiên bản "đặc biệt", Apple sẽ bán iPhone X với giá 1000 USD. Và một trong những lý do khiến giá iPhone bị đẩy cao lên đến vậy là bởi Samsung đã "hét" giá tấm màn OLED lên tới 130 USD/đơn vị cho mẫu iPhone mới nhất.
Đây có lẽ chính là đòn trả thù hiểm độc nhất của Samsung dành cho Apple: cho đến tận khi iPhone buộc phải chuyển từ LCD lên OLED, Samsung vẫn là nhà cung ứng OLED duy nhất có thể đáp ứng được nhu cầu của Apple về khối lượng và sản lượng. Cũng giống như ngành vi xử lý, thị trường OLED vô cùng khắc nghiệt do chỉ có rất ít các nhà sản xuất đủ tiềm lực tài chính để xây dựng nhà máy.
Sau nhiều năm phải phụ thuộc vào Samsung để sản xuất dòng chip A, đến nay Apple lại tiếp tục cần Samsung để có thể tạo ra chiếc iPhone 8 được các iFan thèm khát.
Sự thèm khát ấy sẽ càng khiến Samsung hùng mạnh: khi mảng smartphone của Android đi xuống, chính các mảng vi xử lý và màn hình đã thúc đẩy gã khổng lồ Hàn Quốc trở thành công ty công nghệ có lợi nhuận cao nhất thế giới vào quý 2 vừa qua. Không thể đánh bại Apple bằng lợi nhuận smartphone hay trên tòa án, Samsung đã trói số phận (và giá bán) của iPhone vào chính các mảng kinh doanh áp đảo nhất của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"