Cái nhìn đầu tiên về FaceTime 5.0 trên macOS Mojave, có hỗ trợ đa người dùng
Sau hơn 7 năm trời chỉ cho phép người dùng gọi video cho một khác, FaceTime đã được thiết kế lại để hỗ trợ các cuộc gọi với tối đa 32 người tham dự, bao gồm người dùng macOS Mojave, iOS 12, hay thậm chí là watchOS 5 thông qua FaceTime Audio.
FaceTime 5.0
Trong bản macOS Mojave Public Beta, FaceTime 5.0 vẫn còn khá mới mẻ và cần phải cải thiện nhiều. Nó có thể kết nối thành công với một người dùng FaceTime trên iOS 12 và cả người dùng macOS High Sierra, nhưng dù bạn có thể thấy giao diện gọi điện video đa người dùng mới, việc kết nối với một nhóm các người dùng có vẻ vẫn chưa hoạt động.
FaceTime 4.0 hiện tại trên macOS Hight Sierra không hề có bất kỳ khái niệm nào về việc gọi điện với hơn 1 người. Nếu bạn mời nhiều người vào cùng một cuộc gọi, nó thậm chí còn không đổ chuông. Các bản ghi FaceTime trước đó với nhiều người dùng trên các máy Mac cũ sẽ hiện ra tên gọi là "Unknown" (không biết), và High Sierra không thể gọi lại cho họ.
Như vậy, khả năng cao là để có thể gọi điện FaceTime cho một nhóm nhiều người dùng, bạn sẽ phải cập nhật macOS lên phiên bản Mojave. Tất nhiên, người dùng những phiên bản macOS cũ hơn vẫn có thể gọi điện 1 - 1 với cả người dùng Mojave lẫn iOS 12.
Giao diện FaceTime mới trên Mojave
Khi chỉ có một người tham gia cuộc gọi, giao diện FaceTime không có gì thay đổi: bạn hiện ra trong một khung hình nhỏ nổi trên cửa sổ hiển thị hình ảnh người ở đầu bên kia. Điểm khác biệt lớn ở FaceTime 5.0 trên Mojave là nút camera dùng để chụp ảnh Live Photo đã được thay bằng nút hiển thị các liên hệ, cho phép bạn thêm những người dùng khác vào cuộc gọi.
Khi bạn mời thêm người gọi, FaceTime sẽ chia đôi giao diện người dùng (như hình trên), với hình của bạn nằm ở góc dưới bên phải hai người gọi còn lại. Có một số nút bấm mới để hiển thị thanh sidebar chứa các cuộc gọi trước đó và các cuộc gọi nhỡ, hoặc những người đang tham gia cuộc gọi hiện tại. Giao diện này vẫn có một nút kết thúc cuộc gọi màu đỏ quen thuộc, các nút dùng để tắt âm thanh microphone hoặc tắt camera, và nút để chuyển cuộc gọi sang fullscreen hoặc quay về chế độ cửa sổ.
Khi bạn thêm nhiều hơn 2 người vào cuộc gọi, mỗi người sẽ trở thành một khung nổi trong cửa sổ lớn. FaceTime mới sẽ quản lý các cuộc gọi với các nhóm lớn hơn bằng cách tự động phát hiện người nào đang nói và sắp xếp vị trí của họ phù hợp. Bạn có thể bấm vào người tham gia khác để tập trung vào họ. Giao diện người dùng cho phép thực hiện điều này hiện đã hoạt động, ngay cả khi việc gọi nhiều người vẫn chưa thực hiện được.
Các người gọi khác cũng sẽ có thể tham gia cuộc gọi bất kỳ lúc nào; nếu bạn mời một người gọi và họ không hồi đáp, sẽ có một nút "ring again" (gọi lần nữa) để thêm họ vào cuộc gọi.
Trong suốt cuộc gọi, những người mới tham gia vẫn có thể được mời vào. Sau đó, họ sẽ chọn hiện ra trong video đầy đủ, hoặc chỉ âm thanh mà thôi. Bạn có thể chuyển một cuộc gọi FaceTime thành một cuộc chat nhóm thông qua việc tích hợp với ứng dụng Messages. Trên iOS 12, các nút bấm để thêm người gọi vào một cuộc nói chuyện đang diễn ra cũng tương tự.
FaceTime trên Mojave so với trên iOS 12
FaceTime trên Mojave không có bộ lọc camera, sticker, và tính năng theo dõi khuôn mặt Animoji và Memoji. Animoji tất nhiên chỉ giới hạn cho iPhone X, nhưng bạn có thể thấy mọi hiệu ứng camera mà người dùng iOS sử dụng trên cuộc gọi từ Mac.
Các hiệu ứng camera trên FaceTime của iOS 12 nằm trong nút Effects, với biểu tượng ngôi sao. Bấm vào đó sẽ mở ra một giao diện với các biểu tượng khá quen thuộc khi bạn nhắn tin bằng ứng dụng Messages trên iOS.
Có một nút Animoji để áp dụng 1 trong số 20 nhân vật emoji do Appe thiết kế lên khuôn mặt của bạn, và bạn có thể sử dụng bất kỳ khuôn mặt Memoji nào từng tạo ra trong ứng dụng Messages. Trên FaceTime, Animoji và Memoji sẽ trở thành một avatar đời thực, sử dụng AR để đưa đồ họa 3D ghép vào khuôn mặt của bạn.
Nút bấm tiếp theo là các bộ lọc dành cho live video, được áp dụng vào camera và hiện ra đối với mọi người tham gia. Nó có 9 bộ lọc (Vivid, Dramatic, Silverstone..) mà Apple đã từng đưa vào camera iOS thông thường trước đây, cùng với một số bộ lọc mới giúp bạn thoải mái thể hiện bản thân.
Những bộ lọc dành cho video này bao gồm một hình ảnh truyện tranh được đơn giản hóa, ảnh màu nước, ảnh vẽ mực, và ảnh monochrome của ảnh truyện tranh và màu nước nói trên. Bạn có thể chèn các bộ lọc này lên trên các hiệu ứng khác, như một khuôn mặt Animoji chẳng hạn.
Chữ và nhãn dán FaceTime trong môi trường AR
Các nút bấm dùng để chèn chữ, các hình vẽ, và các loại sticker bạn đã cài trong Messages sẽ cho phép bạn đặt nhiều hiệu ứng vui nhộn vào video bằng AR. Bạn có thể đặt một sticker hoặc một dòng chữ, và nó sẽ giữ nguyên vị trí trong không gian 3D khi bạn di chuyển camera điện thoại ra xung quanh. Nếu nó vô tình đè lên mặt bạn, bạn có thể kéo nó ra ngoài và tiếp tục.
Đây là lý do vì sao Apple lại đầu tư vào AR: đây là một giao diện 3D quan trọng, vượt trên cả đa chạm trong tương lai.
Với các thiết bị iOS, AR hiển thị các điều khiển 3D trong không gian dùng để điều hướng với một góc nhìn ảo chèn lên thế giới thực. Nó không có tính ứng dụng trên Mac - vốn là một cỗ máy quá lớn để mang đi xung quanh và sử dụng như một thấu kính AR. Tất nhiên, tính năng này sẽ hữu dụng hơn nữa một khi Apple tung ra kính AR để hiển thị hình ảnh ngay trước mắt người dùng.
Một iChat mới
Trước khi FaceTime xuất hiện trên Mac vào năm 2012, Apple từng tung ra một ứng dụng cho phép gọi điện video là iChat từ 2002 đến 2012, với khả năng hỗ trợ tối đa thêm 3 người gọi. Apple giới thiệu FaceTime lần đầu trên iPhone 4 vào năm 2010 và sau đó mang nó cùng ứng dụng Messages lên Mac để thay thế iChat.
Trong quá trình chuyển đổi đó, Mac vô tình mất đi khả năng chat video đa người dùng, nhưng lại có thể gọi FaceTime với người dùng iOS. Các công ty khác cũng đã cung cấp nhiều dịch vụ gọi điện video tương thích với Mac, cho phép gọi nhiều người dùng. Bên cạnh đó, một số tính năng đặc trưng trên iOS 12 của FaceTime mới đã xuất hiện trên iChat của Mac, như bộ lọc video.
Cho đến lúc này, chưa có tính năng mới nào mà Apple đã mang lên Messages cho iOS, bao gồm Apps, Stickers, Image Filters và Animoji, được đưa lên Mac. Phiên bản FaceTime của macOS được viết với mã nguồn khác hoàn toàn và cũng sử dụng framework khác so với phiên bản iOS. Và tất nhiên, chúng chạy trên các phần cứng hoàn toàn khác nhau.
iPhone X cho Mac
Điều này có thể thay đổi trong tương lai nếu Apple theo đuổi chiến lược mang framework từ iOS sang macOS, giúp hệ thống desktop Mac cao cấp của hãng có thể sử dụng nhiều thứ được phát triển dành cho thế giới di động.
Để tạo sự phấn khích đối với người dùng Mac cao cấp, nhiều trong số đó sở hữu iPhone X, Apple có thể mang tính năng Continuity Camera - cho phép kích hoạt nhận diện khuôn mặt (và vẽ bản đồ khuôn mặt 3D) trên Mac khi sử dụng với một iPhone có camera TrueDepth. Về cơ bản, bạn sẽ có thể sử dụng iPhone như một webcam không dây. Lúc đó, sẽ có nhiều thứ được hưởng lợi chứ không phải chỉ mỗi FaceTime.
Với sự thành công của iPhone X (mang camera TrueDepth đến hàng triệu người dùng toàn cầu), Apple hiện có lợi thế rất lớn so với các hãng sản xuất PC khác trong việc mang một camera điện tử cao cấp với các tính năng hình ảnh độc nhất lên sử dụng trên Mac cùng nhiều ứng dụng, từ quét các vật thể 3D từ xa để phân tích, đến tạo hình và tạo các bản mẫu thiết kế sản phẩm.
MacOS Mojave và iOS 12 chính thức một khi ra mắt sẽ mang lại nhiều tính năng hơn cho FaceTime 5.0 và tiết lộ những chi tiết mới về hướng đi của Apple trong gọi điện video. Hãy cùng chờ xem.
Tham khảo: AppleInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4