Cảm biến vân tay hay nhận diện khuôn mặt đã lỗi thời, bởi công nghệ bảo mật mới nhất phải là đọc môi

    Tuấn Hưng,  

    Điều khiến “đọc môi” khác biệt là bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu đều có thể nói một từ hoặc cử động môi của mình, thế nhưng không một ai có chuyển động môi giống hệt nhau cả. Khiến cho bạn là người duy nhất mở khóa được điện thoại của mình

    Có hàng tá cách để bạn mở khóa được điện thoại của mình: cảm biến vân tay, nhận diện khuôn mặt, giọng nói, mã PIN truyền thống, mật khẩu thông thường, mật khẩu hình vẽ,… Và giờ đây, một đội ngũ các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Baptist Hong Kong mới đây đã phát triển thành công một phương thức mới: Đọc môi.

    Ban đầu khi mới nghe qua, chắc hẳn ai ai cũng nghĩ rằng việc sử dụng chuyển động của môi để mới khóa thiết bị nghe thật là thừa thãi và rườm rà một cách không cần thiết, nhất là khi các công cụ bảo mật hiện đại đã cho phép ta thực hiện điều này một cách quá dễ dàng. Tuy nhiên, theo trưởng dự án Cheung Yiu-ming giải thích, ý tưởng đằng sau phương pháp này đem lại sự thuận tiện và bảo mật cao.

    “Bạn có thể nói tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại,” nhà khoa học chuyên ngành kỹ thuật máy tính cho biết. “Thậm chí bạn còn có thể giả tiếng chim hót mà vẫn mở được khóa máy.”

    Nhiều phương thức bảo mật cần phải phụ thuộc vào ngôn ngữ, con số hoặc giao diện phần mềm hết sức phức tạp. Điều khiến “đọc môi” khác biệt là bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu đều có thể nói một từ hoặc cử động môi của mình, thế nhưng không một ai có chuyển động môi giống hệt nhau cả.

    “Một kẻ giả mạo đọc cụm từ khóa của máy vẫn bị hệ thống từ chối đăng nhập,” Cheung hé lộ, nói thêm rằng tương tự như những công nghệ sinh trắc học khác, người dùng sẽ phải lặp đi lặp lại cụm từ bảo mật nhiều lần để hệ thống này có thể xây dựng và nhận diện được một số phản hồi để nó có thể chấp nhận.

    Hiện tại, Cheung chia sẻ rằng nhóm nghiên cứu gồm 3 thành viên của ông đã đạt được mốc tỷ lệ đọc chuẩn xác lên tới 90% và nhận định rằng một trong những khó khăn mà họ gặp phải trước khi công bố rộng rãi ứng dụng này là việc đảm bảo nó hoạt động được trong điều kiện thiếu sáng.

    Khả năng nhận diện khuôn mặt trong thời gian gần đây đã có thể bị qua mặt nếu sử dụng một bức ảnh, chính vì vậy mà vẫn còn đó thắc mắc về việc hệ thống này có nhận biết được sự khác biệt giữa người thật và một đoạn video quay lại cảnh người này nói mật khẩu hay không vẫn chưa được ông Cheung giải đáp.

    Đại học Baptist mới đây đã công bố rằng họ đã đăng ký bằng sáng chế cho công nghệ này và hiện đang cân nhắc việc thương mại hóa nó. Cheung nói rằng ông hy vọng hệ thống bảo mật sinh trắc học của mình sẽ được sử dụng rộng rãi trong khoảng 1 năm nữa, khi mà ông đã hoàn thành công việc phát triển nó.

    Theo Digital Trends

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ