Cẩm nang phòng tránh virus corona: 5 bước rửa tay đúng cách, chọn khẩu trang y tế hay N95?
Bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng giống cúm.
Chỉ 3 tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố dịch bệnh viêm phổi lạ do một loại virus mới ở thành phố Vũ Hán gây ra, con số bệnh nhân đã tăng lên hơn 600 với 18 trường hợp tử vong. Những lo ngại liên tục gia tăng khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Mỹ, Ả rập xê út, Việt Nam và Singapore lần lượt báo cáo các trường hợp dương tính với virus này.
Trước nguy cơ chủng virus Vũ Hán có thể lây lan trong dịp Tết Nguyên Đán, hãy cùng trang bị những kiến thức cần thiết để phòng tránh dịch bệnh:
1. Hành trình của hai bệnh nhân Trung Quốc tại Việt Nam
Hôm nay, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức 2 ca nhiễm virus corona gây bệnh phổi bí ẩn đầu tiên ở Việt Nam. Đó là hai cha con người Trung Quốc Li Ding (66 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi). Đặc biệt, ông Li Ding là người Vũ Xương, ở trong vùng tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.
Ông cùng vợ mình đã tới Việt Nam từ ngày 13/1, bằng một chuyến bay từ Vũ Hán đến Hà Nội. Họ lưu trú trong một khách sạn ở Hà Nội đến ngày 16/1, sau đó tiếp tục đi máy bay tới Nha Trang vào ngày 17/1 để hội ngộ cùng người con Li Zichao đã ở Việt Nam 4 tháng.
Cả gia đình người Trung Quốc lưu trú ở đây đến ngày 19/1, sau đó đi tàu hỏa vào TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra trong ngày 20/1, Li Ding và Li Zichao có đi taxi về Long An.
Trong quá trình ở Việt Nam, ông Li Ding đã khởi phát sốt từ ngày 17/1 và tự mua thuốc uống nhưng không giảm. Ba ngày sau đó, người con Li Zichao cũng bị sốt. Hai cha con đến Bệnh viện Bình Chánh thăm khám và được tư vấn nhập Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 22/1. Bệnh viện tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur, sau 6 giờ đã có kết quả xét nghiệm khẳng định cả hai cha con người Trung Quốc nhiễm vi rút coronavirus.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết các tỉnh và cửa khẩu trên hành trình của các bệnh nhân cần phải được thông báo về trường hợp này. Dựa theo đó, Bộ Y tế đã khuyến cáo những hành khách đi trên chuyến bay VJ 783 từ Hà Nội đến Nha Trang ngày 16/1 và chuyến xe lửa SE 5, Toa 11, hàng ghế 11, 17, 18, 19 từ Nha Trang về TP. Hồ Chí Minh ngày 19/1 nên chủ động cách ly trong vòng 14 ngày để kiểm tra y tế khi cần thiết.
2. Khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng chống dịch bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Vũ Hán gây ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
3. Các con đường lây nhiễm của virus
Virus corona mới được cho là đã lây nhiễm đầu tiên từ động vật sang người, nhiều khả năng là rắn và dơi. Vì vậy, một biện pháp phòng ngừa đầu tiên là tránh các tiếp xúc không cần thiết với động vật, nấu chín kỹ các thực phẩm từ thịt và trứng.
Ngoài ra virus corona cũng được xác định có thể lây từ người sang người. Với việc nhóm coronavirus thường tấn công đường hô hấp, đây là một số kịch bản mà 2019-nCoV có thể lây:
- Thông qua không khí cùng hít thở, khi bệnh nhân ho, hắt hơi
- Qua những tiếp xúc cá nhân, như bắt tay
- Thông qua vật trung gian, khi cả hai người đều chạm vào
- Thông qua phân (hiếm gặp)
Bởi vậy, biện pháp phòng tránh tiếp theo là nên hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng giống cúm. Nếu bản thân thấy không khỏe, bạn nên ở nhà và tránh ra ngoài nơi công cộng. Và đừng đến thăm những người bị cúm trừ khi thật cần thiết.
Nếu một thành viên trong gia đình bạn bị cúm, bạn nên cách ly họ khỏi các thành viên khác trong nếu có thể.
4. Virus sẽ phát tán trong phạm vi 4 mét kể từ cú hắt hơi của người bệnh
Khi một người hắt hơi, họ sẽ phát tán vào môi trường một đám mây được gọi là "sol khí". Đám mây này mang theo đủ mọi thứ vật chất khủng khiếp, từ dịch lỏng cơ thể, phân tử khí cho đến các mầm bệnh như virus và vi khuẩn. Sol khí có thể phát tán trong bán kính 4 mét kể từ cú hắt hơi của người bệnh.
Để tránh lây lan virus cho người khác, người bệnh cúm nên hắt hơi và ho đúng theo các bước:
- Quay lưng lại với người khác
- Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo, khủy tay
- Sử dụng khăn giấy dùng một lần thay vì khăn tay (có thể lưu trữ virus)
- Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác gần nhất, thay vì túi quần áo hoặc túi xách
- Rửa tay, hoặc sử dụng nước rửa tay bằng cồn càng sớm càng tốt sau đó.
5. Khẩu trang y tế không có hiệu quả phòng ngừa virus lây qua không khí
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC), những bệnh nhân nhiễm virus corona nên đeo khẩu trang để bảo vệ những người xung quanh mình, hoặc nếu bệnh nhân không thể đeo khẩu trang, những người khác nếu ở cùng phòng với họ nên đeo khẩu trang.
Điều đó có nghĩa là đeo khẩu trang có tác dụng phòng ngừa cho người khác tốt hơn là phòng ngừa cho bản thân mình.
Tiến sĩ David Carrington đến từ Đại học St George's, London, nói với BBC News: "Đeo khẩu trang y tế thông thường không thể bảo vệ mọi người hiệu quả khỏi virus hoặc vi khuẩn có trong không khí", đó là cách mà "hầu hết các loại virus" được truyền đi. Lý do bởi vì khẩu trang y tế quá lỏng lẻo, không có bộ lọc không khí và vẫn để lộ mắt ra ngoài.
Khẩu trang y tế giúp người đã nhiễm virus giảm phát tán những giọt chất lỏng chứa mầm bệnh vào không khí từ những cú ho hoặc hắt hơi của họ, từ đó giúp phòng bệnh cho những người xung quanh.
Đeo khẩu trang y tế không có tác dụng hiệu quả đối với con đường lan truyền virus qua sol khí này.
6. Nhưng khẩu trang y tế có tác dụng ngăn ngừa virus lây qua đường tiếp xúc
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy mọi người chạm tay lên mặt mình trung bình 23 lần mỗi giờ. Và đây là một con đường lây lan virus gây bệnh mà khẩu trang có thể phòng ngừa được.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ khuyến cáo những người chăm sóc hoặc những người sống cùng nhà với người bị bệnh nên đeo khẩu trang dùng một lần, cùng với găng tay và áo choàng dùng một lần, khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể của bệnh nhân.
7. Người dân có cần đeo khẩu trang N95 không?
Không khó để giải thích cơn sốt khẩu trang N95 hiện nay khi dịch bệnh do virus corona ở Vũ Hán Trung Quốc đã lan ra nhiều nước trong khu vực. Tại Singapore, hệ thống nhà thuốc Guardian cho biết doanh số khẩu trang đã tăng gấp 4 lần trong hai tuần qua. Nhiều nhà thuốc đã hết khẩu trang N95 để bán.
CDC khuyến cáo các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm virus corona nên đeo khẩu trang N95. Nó có thể lọc 95% các hạt có đường kính 0,3 micron. (Một micron là 1/1.000 của milimet). Tại thời điểm này, kích thước của các hạt coronavirus vẫn chưa được biết. Nhưng SARS, chủng virus tương đồng với nó có đường kính 0,1 micron .
Việc có hay không nên đeo khẩu trang N95 để phòng ngừa cúm vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Giám đốc điều hành Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm Singapore, Leo Yee Sin nói với tờ The Straits Times rằng khẩu trang N95 không được khuyến khích cho công chúng. Chúng chủ yếu được sử dụng bởi các nhân viên y tế.
Khẩu trang N95 được thiết kế khiến mọi người khó thở khi đeo đúng cách. "Nếu bạn thấy khẩu trang N95 dễ thở và thoải mái, bạn đang đeo sai và nó không đem lại tác dụng ... bạn nghĩ rằng bạn được bảo vệ nhưng thực tế thì không", giáo sư Leo Yee Sin nói.
Một nghiên cứu đăng trên Singapore Medical Directory cũng báo cáo việc sử dụng khẩu trang N95 có thể phản tác dụng. Trước đây, khi các nhân viên y tế Canada đeo khẩu trang N95 để chăm sóc bệnh nhân SARS, họ thường bị khó thở, đau đầu và suy giảm tinh thần do thiếu oxy.
Nghiên cứu trích dẫn ý kiến của bác sĩ Ling Moi Lin, Giám đốc kiểm soát nhiễm trùng tại bệnh viện đa khoa Singapore cho rằng đeo khẩu trang y tế là đủ. Khẩu trang y tế nếu được đeo đúng cách có tác dụng phòng ngừa tốt hơn khẩu trang N95 đeo sai cách.
Tại Đài Loan, nơi đã xác nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm virus corona, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) nước này, Chuang Jen-hsiang cho biết đeo khẩu trang y tế đã có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tới 80% và người dân không cần phải đeo khẩu trang N95.
8. Đeo khẩu trang y tế đúng cách là như thế nào?
Khi để ý bạn sẽ thấy khẩu trang y tế có 2 mặt khá giống nhau, thông thường, bạn phải đeo mặt chống nước có màu đậm hướng ra ngoài, với các nếp gấp hướng xuống dưới, thanh nẹp mũi ở trên sống mũi.
Các bước đeo tiếp theo như sau:
Bước 1: Dùng 2 tay kéo khẩu trang phẳng đều sang 2 bên
Bước 2: Một tay giữ chặt chiếc khẩu trang, tay còn lại đeo quai khẩu trang qua tai và đeo tiếp bên còn lại
Bước 3: Định hình thanh nẹp mũi sao cho vừa ôm khít vào sống mũi.
Bước 4: Kéo đuôi khẩu trang khít qua cằm
Bước 5: Dùng tay kiểm tra các mép khẩu trang đã khít với mặt chưa. Nếu đã khít, bạn sẽ hít thở hơi khó một chút và nếu đeo kính, hơi nước sẽ không làm mờ kính.
9. Rửa tay thường xuyên với xà phòng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa virus corona
Như đã nói, virus corona có thể lây nhiễm qua các bề mặt tiếp xúc chung giữa người bệnh và người khỏe mạnh, và việc đeo khẩu trang không có tác dụng bảo vệ hiệu quả bản thân với con đường lây nhiễm qua không khí.
Vì vậy, rửa tay sẽ là biện pháp chủ động hiệu quả nhất để phòng tránh virus corona. Bác sĩ Huang Ching-tai, trưởng khoa Truyền nhiễm, Khoa Nội tại Bệnh viện Tưởng niệm Linkou Chang Gung tại Đài Bắc cho biết thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là chìa khóa để bảo vệ mình trước nguy cơ nhiễm bệnh.
Mọi người nên rửa tay kỹ bằng xà phòng. Họ không nên chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi hoặc miệng, trước khi rửa tay, bác sĩ Huang nói thêm. Để rửa sạch tay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Hoa Kỳ đề nghị chúng ta làm những bước sau:
Bước 1: Làm ướt tay với nước sạch.
Bước 2: Sử dụng xà phòng xoa và chà tất cả những điểm lõm của bàn tay trong 20-30 giây (bằng khoảng thời gian hát bài "Happy Birthday" hai lần).
Bước 3: Rửa lại tay bằng nước sạch.
Bước 4: Lau khô tay bằng khăn giấy sạch hoặc để khô tự nhiên
10. Vệ sinh nhà cửa
CDC đề nghị rằng bất kỳ ai tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm virus đều cần làm sạch tất cả các bề mặt mà bệnh nhân đã chạm vào chẳng hạn như quầy, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại, bàn phím, máy tính bảng và bàn cạnh giường ngủ.
Các chất tẩy rửa chứa chất khử trùng với nhãn "Đã được EPA chấp thuận" có thể diệt virus, theo CDC. Hoặc bạn cũng có thể pha cho mình một phiên bản tự chế, sử dụng một muỗng canh thuốc tẩy với một lít nước.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4