Cảm nhận chiếc Leica Q "mini" sau 1 tuần dùng thử: Chấm đỏ chưa bao giờ làm tôi thất vọng
D-Lux 8 xuất hiện lại sau 6 năm như là một lời khẳng định của Leica rằng họ không hề bỏ rơi dòng sản phẩm này và chứng minh được một chiếc máy ảnh compact mang logo chấm đỏ vẫn đang thể hiện được tốt, thậm chí là cái hồn, cái chất ảnh, cái "build quality" của Leica vẫn luôn ở đó.
Đã hơn 3 tuần kể từ khi tôi trả chiếc máy này lại cho Leica Việt Nam và bắt đầu lọc ảnh, ngẫm nghĩ hơn về những gì mà nó có thể mang lại. Ngay khi vừa ngồi lọc ảnh, tôi vừa ghi chú nhanh những dòng cảm nghĩ để viết nên bài trải nghiệm này.
Từ trước đến nay tôi khi đi chụp ảnh sẽ có xu hướng không kiểm tra lại ảnh sau khi chụp, thậm chí khi về đến nhà tôi cũng chẳng mảy may đổ ảnh ra máy tính để xem ngay mà thường sẽ để vài tháng, bởi khi đó tôi có thể đánh giá được bức ảnh có tốt hay không mà không bị cảm xúc nhất thời của ngày đi chụp ảnh ảnh hưởng vào.
Với việc viết đánh giá cũng vậy, cảm xúc của tôi lúc đó với chiếc máy ảnh tất nhiên cũng rất nhiều, nhưng cũng có thể nó sẽ không đúng sau vài tuần ngẫm nghĩ, đó là lý do vì sao tôi đắn đo và chờ đợi khá lâu để viết nên bài này.
Trước khi đi vào đánh giá chi tiết, tôi muốn bàn một chút về cảm biến của chiếc máy này. D-Lux là dòng máy mới đối với tôi (trước đây tôi chỉ dùng Q, M và SL series) và cũng là lần đầu tiên tôi trải nghiệm một chiếc máy có cảm biến Micro Four Thirds (M4/3).
Vậy nằm lơ lửng giữa smartphone và máy ảnh APS-C, liệu cảm biến Micro Four Thirds có đáng trong năm 2024?
Chúng ta đang trong thời kỳ được tiếp cận với rất nhiều thiết bị nhiếp ảnh, từ một chiếc máy ảnh Full Frame gọn gàng như Leica Q series hay Leica M series, những chiếc Fujifilm cảm biến APS-C đang làm mưa làm gió cả về độ hot trong giới trẻ lẫn mức giá đang bị thổi lên đến mức cộng đồng gọi là "ngáo giá", hay gần gũi hơn chắc có lẽ là những chiếc điện thoại trên tay mà các bạn đang cầm đây, từ độ phân giải cao, ống kính tele cho đến các thương hiệu hợp tác "đính kèm" như Leica hay Hasselblad... Liệu rằng với những món đồ công nghệ đầy rẫy như vậy, và các hãng smartphone đang cố gắng chiều lòng người tiêu dùng, một chiếc máy ảnh có cảm biến Micro Four Thirds (M4/3) có chỗ đứng trên thị trường?
Đó cũng là điều mà tôi lăn tăn khi Leica vẫn tiếp tục giữ dòng máy D-Lux này, và nhìn sang nhà Olympus chúng ta vẫn có những nhiếp ảnh gia phong cảnh và động vật hoang dã tin dùng. Đến khi cầm trên tay chiếc D-Lux 8 này và trải nghiệm 1 tuần trong chuyến công tác bên San Francisco, tôi đã phần nào hiểu được "chỗ đứng" của dòng máy này.
Cảm giác đầu tiên
D-Lux 8 là chiếc máy đầu tiên tôi cầm đến trong line-up sản phẩm này. Dẫu biết trên các hình ảnh internet rằng nó sẽ nhỏ gọn, nhưng tôi vẫn rất bất ngờ khi lần đầu tiên nhận nó từ Leica Việt Nam. Ngoại hình của máy có thể nói là chỉ chiếm 2/3 so với chiếc Leica Q2 mà tôi đang sử dụng, và độ nhẹ ư? Nó chỉ bằng một nửa so với Q2 mà thôi!
Về ngoại hình, D-Lux 8 thừa hưởng nhiều đường nét thiết kế khá giống với Leica Q và tôi nói vui nó là Leica Q "mini". Cũng vì sở hữu ngôn ngữ thiết kế này, tôi cho rằng không có một chiếc máy ảnh M4/3 nào trên thị trường có cái body đẹp như vậy nữa.
Những lúc không chụp thì D-Lux 8 được trưng dụng làm phụ kiện trang trí cũng rất đẹp và sang, không bị cảm giác "nhựa" như các đối thủ khác trên thị trường. Đây là thứ mà Leica vẫn làm được suốt nhiều thập kỷ qua, chứng minh qua rất nhiều dòng máy và nhiều đời.
Chiếc máy ảnh này nhỏ gọn đến mức tôi có thể nhét vào túi áo hoặc túi quần khi đang ở chế độ Tắt Nguồn. Tôi nhấn mạnh Tắt Nguồn là bởi thực tế bạn không thể nhét vào bất kỳ túi nào trên người nếu như chiếc máy này đang bật lên, vì lúc đó nó lại dài ra theo đúng nghĩa đen.
Một khi đã bật nguồn lên, ống kính trên Leica D-Lux 8 sẽ bắt đầu xuất hiện và ngoại hình gọn gàng ban đầu chợt "tan biến" mất.
Kích thước của chiếc ống kính này có phần dài hơn so với chiếc Q2 mà tôi đang sử dụng nên ban đầu cũng mất một thời gian để "quen mắt" với nó, bên cạnh đó cũng vì độ dài này mà việc đi chụp ngoài đường cũng có phần dễ bị chú ý hơn so với những chiếc máy Leica Q series hay M series. Đôi khi đưa máy lên với ống kính dài thượt cũng sẽ khiến chủ thể trên đường cảm thấy khó chịu hơn, nhưng biết sao giờ, ta phải tập làm quen với những thứ mới thôi và tất nhiên càng nhiều thử thách lại càng thú vị.
Mô tả khởi động và zoom in-out trên D-Lux 8. Một điểm bạn cần lưu ý là vì dùng ống kính zoom giấu bên trong nên thời gian khởi động máy cũng sẽ tốn thêm chút.
Bù lại cho việc ống kính dài thượt này là người dùng có đủ dải tiêu cự tương đương 24mm đến 75mm (quy chiếu theo cảm biến Full Frame) và đây là điểm cần thiết bởi trong thời đại smartphone ngày nay với các tiêu cự ultrawide, wide, tele thì khi chuyển sang một chiếc máy M4/3 của Leica cũng không phải bỡ ngỡ mà vẫn thoải mái thao tác lựa chọn góc zoom mình thích, với chất lượng ảnh cao hơn hẳn.
Tiêu cự đa dụng phù hợp với những người dùng nghiệp dư hoặc muốn chuyển từ smartphone sang máy ảnh để có chất lượng ảnh tốt hơn. Đây là một số ảnh tôi chụp từ tiêu cự khoảng từ 50-75mm (hệ quy chiếu tương đương trên full frame) của D-Lux 8
Trải nghiệm trên những con phố
Một thứ cần phải nhấn mạnh nữa là vì độ nhẹ của máy nên tôi cầm cả ngày rất thoải mái và với người thích đi chụp streetlife từ sáng đến tối như tôi thì đây lại là một điểm sáng giá. Hành trang của tôi được gọn nhẹ nhất có thể và không khác gì đang cầm một chiếc smartphone đi dạo cả, nhưng tất nhiên là với chất lượng ảnh tốt hơn.
So với phiên bản D-Lux 7, sau 6 năm, D-Lux 8 trở lại với diện mạo lớp da giống với Q series và đây là sự cải tiến rất đáng khen bởi với lớp da có hoa văn này, việc cầm nắm bằng 1 tay sẽ bám hơn rất nhiều, chưa kể đến là nhìn trông sexy hơn trước.
Cần gạt tỉ lệ ảnh cho phép bạn linh động chuyển đổi mà không cần phải nhìn vào màn hình và điều hướng đến Menu nữa. Với các tỉ lệ như 3:2, 16:9 hay 4:3, tất cả đều nằm trong vùng phủ của sensor và vì vậy vẫn giữ được tiêu cự tương đương 24mm full frame ở mức zoom out rộng nhất.
Vì là dòng máy dành cho người mới bắt đầu nên các tính năng và giao diện trên D-Lux 8 rất thân thiện, dễ sử dụng. Thậm chí cũng có phần điểm tựa cho ngón cái, tạo cảm giác thoải mái tốt nhất có thể trong quá trình sử dụng của người dùng.
Trong khi các phím ở xung quanh màn hình được thừa hưởng phong cách thiết kế giống Q2 thì ở phía top plate, cần gạt Power lại nhường chỗ cho tính năng zoom và chúng ta có một nút nhấn Power riêng. Với người dùng mới, điều này chẳng sao cả, nhưng với người đang quen với thiết kế của Q series và đang cầm trên tay chiếc Q "mini" này, bỗng dưng cũng có phần hơi lúng túng, đôi khi còn dùng ngón tay đẩy cần gạt đó trong vô thức.
Bánh răng bên phải có thể tùy chỉnh tùy chức năng theo ý muốn và phía trên nó cũng có một nút nhấn, tất nhiên người dùng cũng có thể tự gán theo sở thích của mình. Bản thân tôi dùng nút này cho thay đổi ISO, còn bánh răng xoay dành cho việc thay đổi +-EV.
Màn hình D-Lux 8 có kích thước 3 inch, với độ phân giải được tăng lên 1,84 triệu điểm ảnh (960 x 640 px) so với 1,24 triệu (786 x 524 px) của người tiền nhiệm. Cảm nhận cá nhân khi chụp ngoài trời nắng thì màn hình này cho độ sáng rất tốt và gần như không gặp trở ngại gì trong quá trình trải nghiệm. Bên cạnh đó, viewfinder được chuyển sang dùng tấm nền OLED nên cho khả năng hiển thị tốt hơn, thoải mái mắt hơn so với D-Lux 7.
Theo DPReview, viewfinder trước đây của D-Lux 7 hiển thị theo trường màu đỏ, xanh lá và xanh dương lần lượt, vì vậy một số người dùng khi nhìn vào sẽ bị các rìa màu làm khó chịu và thậm chí là mất tập trung trong quá trình trải nghiệm. Với D-Lux 8 cùng viewfinder OLED, điều này không còn xảy ra nữa.
D-Lux 8 trang bị hệ thống lấy nét tương phản nhưng vẫn rất nhanh nhạy, nếu so sánh thì Leica Q và Q2 cũng dùng hệ thống lấy nét này, cho đến Q3 mới là phase detecting (lấy nét theo pha). Với một người dùng Q2 cho tới thời điểm hiện tại và chưa có nhu cầu lên Q3 như tôi thì cảm giác lấy nét khi chụp ảnh streetlife với D-Lux 8 không có gì đáng phàn nàn.
Màu sắc là thứ tôi cũng rất ưng trên chiếc máy này, nó cho ra tông màu gần tương đương với Leica Q2, tức là trong trẻo, không quá đậm và tái tạo thật với quang cảnh bên ngoài (khi dùng chế độ Standard), giúp tôi có thể dễ dàng hậu kỳ hơn - điều mà tôi khó có thể làm được với các dòng máy của Fujifilm khi "chèn" quá nhiều màu giả lập và đến khi xuất lên máy tính thì thật sự không biết phải căn chỉnh sao nữa, bởi màu sắc nó đã lẫn lộn khá nhiều rồi.
Thấu kính chất lượng của Leica cũng góp phần không nhỏ trong việc tái tạo màu sắc "thật như ngoài đời", nhờ đó mà tôi đỡ nhiều công đoạn trong hậu kỳ.
Khả năng xử lý nhiễu trong cảnh tối cũng khá tốt so với những gì tôi mong đợi ởi chiếc máy nhỏ gọn này.
Kết luận
Bản thân tôi là người quen với tiêu cự rộng khi đi chụp streetlife như 24mm-28mm-35mm nên khi chuyển sang D-Lux 8 này có phần hơi bỡ ngỡ vì phải làm quen với tiêu cự mới, zoom chặt hơn. Tuy nhiên, với việc phổ rộng các tiêu cự cơ bản từ 28 đến 75mm, người dùng khởi đầu có lẽ sẽ dễ dàng tiếp cận và “gặp đâu cũng chụp được”. Đặc biệt, đối với những ai đang quen chụp ảnh trên smartphone và muốn chuyển sang máy ảnh, đây là một bước nhảy khá dễ dàng với cảm biến lớn hơn và thấu kính chất lượng hơn.
Trong bối cảnh năm 2024, cảm biến M4/3 vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc, đặc biệt là với những ai ưa thích sự gọn nhẹ và linh hoạt. D-Lux 8 xuất hiện lại sau 6 năm như là một lời khẳng định của Leica rằng họ không hề bỏ rơi dòng sản phẩm này và chứng minh được một chiếc máy ảnh compact mang logo chấm đỏ vẫn đang thể hiện được tốt, thậm chí là cái hồn, cái chất ảnh, cái "build quality" của Leica vẫn luôn ở đó - sự "sexy" hút hồn ấy khó mà có hãng nào đọ lại được. Leica D-Lux 8 không chỉ dành cho những ai muốn nâng cấp từ smartphone lên máy ảnh chất lượng cao, mà còn là một lựa chọn hợp lý cho những người đam mê chấm đỏ từ lâu nhưng nay mới có thể sở hữu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?