Mọi người dân sống ở các vùng lưu hành ký sinh trùng giun cao nên uống thuốc tẩy giun hàng năm.
Nếu đã từng xem seri phim điệp viên Johnny English do Rowan Atkinson thủ vai, chắc hẳn bạn còn nhớ anh chàng “Mr. Bean” này đã phải khổ luyện thế nào để có tuyệt chiêu vùng hạ bộ, khiến nó cứng lại như đá và chịu được những đòn tấn công hiểm.
Thế nhưng, có một câu chuyện ngoài đời thực được ghi nhận ở Ấn Độ, trong đó, một người đàn ông cũng có tinh hoàn hóa đá. Chỉ có điều, quá trình vôi hóa này diễn ra hoàn toàn tự nhiên, sau khi người đàn ông này nhiễm phải ký sinh trùng giun chỉ.
Các bác sĩ cho biết giun chỉ là loài ký sinh trùng lưu hành phổ biến ở các nước Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á, Trung Phi và Nam Mỹ, những nơi có khí hậu nóng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 900 triệu người ở 49 quốc gia sẽ cần uống thuốc tẩy giun hàng năm để điều trị dự phòng.
Trong đó khoảng 25 triệu nam giới đã bị nhiễm ký sinh trùng giun và trở thành đối tượng dễ bị
vôi hóa tinh hoàn nhất.
Ảnh chụp CT cho thấy một lớp vôi hóa như vỏ trứng bao quanh tinh hoàn phải của người đàn ông.
Trường hợp đặc biệt đã được các bác sĩ Ấn Độ báo cáo lại trên tạp chí BMJ Case Studies. Trong đó, người đàn ông đã 80 tuổi đến gặp bác sĩ sau khi phát hiện ra máu trong nước tiểu của mình. Đó là một dấu hiệu phổ biến của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhưng khi các bác sĩ cho ông ấy kiểm tra sức khỏe tổng thể, họ còn phát hiện ra một dấu hiệu lạ nữa. Người đàn ông có tinh hoàn bên trái bình thường. Nhưng tinh hoàn bên phải của ông ấy không những to hơn hẳn mà còn cứng như đá khi chạm vào.
Ngay lập tức, họ đưa ông đi chụp cắt lớp CT, và phát hiện thấy một túi chứa dịch lỏng đang bao quanh tinh hoàn bên phải, mà lẽ ra nó không nên có mặt ở đó. Túi dịch lỏng này có một cái tên trong từ điển thuật ngữ y khoa. Các bác sĩ gọi nó là “hydrocele”, hay bao dịch tinh mạc.
Thông thường, bao dịch tinh mạc chỉ được quan sát thấy ở trẻ sơ sinh, và chiếc túi chất lỏng này sẽ biến mất khi đứa trẻ được một tuổi mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào.
Nhưng ở người đàn ông 80 tuổi này, thật kỳ lạ là bao dịch tinh mạc vẫn còn ở đó. Các bác sĩ nghi ngờ rằng một chấn thương cục bộ hoặc chứng viêm nhiễm trùng nào đó ở vùng bìu đã khiến chất lỏng tích tụ xung quanh tinh hoàn của ông ấy và hình thành nên chiếc túi mới.
Với sự xuất hiện của chiếc túi này, vô tình đã tạo ra một điều kiện tuyệt vời cho canxi lắng đọng và tạo nên một lớp vôi hóa dày như vỏ trứng xung quanh tinh hoàn của người đàn ông.
Một viên sỏi hình thành trong cơ thể do hiện tượng tích tụ canxi.
Vôi hóa bản thân nó không phải là một vấn đề hiếm gặp trong lâm sàng. Chúng ta biết trong máu của mình chứa canxi, một vi chất cần thiết để phát triển xương và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác trong cơ thể. Nhưng đôi khi, canxi lắng đọng tại một số bộ phận có thể gây ra các vấn đề, ví dụ như sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang…
Nhưng vôi hóa xung quanh tinh hoàn là một trường hợp y tế hiếm gặp. Các bác sĩ nghi ngờ rằng người đàn ông Ấn Độ đã bị nhiễm một loài giun chỉ Wuchereria bancrofti, thường được tìm thấy ở các khu vực nóng như Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á, Trung Phi, Nam Mỹ.
Những con giun này lây sang người dưới dạng ấu trùng qua vết muỗi đốt, sau đó di chuyển đến các hạch bạch huyết rải rác trên cơ thể, bao gồm cả các hạch gần bìu của những người đàn ông.
Lúc đầu khi mới nhiễm giun chỉ, một số nạn nhân có thể gặp các triệu chứng nhẹ giống như cúm. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, nhiễm giun chỉ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Chỉ cho đến khi ấu trùng giun trưởng thành và chặn các mạch bạch huyết quan trọng trong cơ thể, nó mới gây đau, sưng và tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng khác xâm nhập.
Nếu nhiễm giun chỉ không điều trị mà để lâu, các vết sưng có thể làm biến dạng vĩnh viễn một số cơ quan, bao gồm cả một tình trạng thường thấy của nó, là bệnh phù chân voi.
Nhiễm giun chỉ trong các hạch bạch huyết là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bao dịch tinh mạc ở nam giới, theo các tác giả nghiên cứu trường hợp. Nhưng trường hợp tinh hoàn sau đó bị vôi hóa như người đàn ông Ấn Độ là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp. Các bác sĩ cho rằng bao dịch tinh mạc của ông ấy đã phải nhiễm trùng rất lâu, thì mới có thể khiến canxi hình thành xung quanh nó.
Ký sinh trùng giun chỉ Wuchereria bancrofti.
Về phương pháp điều trị, phác đồ dành cho các bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng giun chỉ thường bao gồm các loại thuốc uống hàng năm. Các loại thuốc này có thể tiêu diệt hầu hết các loại ấu trùng giun, làm giảm nguy cơ biến chứng và cắt đứt chu kỳ lây nhiễm từ người trở lại muỗi để sang các bệnh nhân khác.
Tuy nhiên, thuốc tẩy giun này hiếm khi có tác dụng với giun trưởng thành. Những con giun chỉ trưởng thành có thể tiếp tục sống tới 8 năm trong cơ thể người bệnh.
Do vậy, để loại bỏ bao dịch tinh mạc cùng chiếc vỏ trứng xung quanh tinh hoàn người đàn ông Ấn Độ, các bác sĩ có lẽ sẽ cần phẫu thuật cho ông ấy. Việc này là cần thiết để ngăn chặn các biến chứng nhiễm trùng mạn tính có thể xảy ra.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mọi người dân sống ở các nước nhiệt đới nóng, cũng là vùng lưu hành ký sinh trùng giun chỉ, nên uống thuốc tẩy giun hàng năm. Theo WHO, gần 900 triệu người ở 49 quốc gia sẽ cần điều trị dự phòng, trong đó khoảng 25 triệu nam giới đã bị nhiễm ký sinh trùng giun và xuất hiện bao dịch tinh mạc.
Tham khảo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Chỉ mua và nắm giữ Bitcoin, giá trị tài sản một công ty vô danh vươn lên hàng đầu thế giới, ngang ngửa Intel
Hiện tại công ty còn đang lên kế hoạch huy động thêm 40 tỷ USD nữa cho việc tích lũy Bitcoin trong tương lai.
Bkav sử dụng trái phép chứng chỉ quốc tế để quảng cáo cho phần mềm diệt virus