Cận cảnh: Các nhà khoa học Nga mổ khám nghiệm một con voi ma mút được bảo quản 130.000 năm trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia
Đây là mẫu vật voi ma mút được bảo quản tốt nhất mà con người từng tìm thấy. Nó sẽ tiết lộ nhiều điều về cuộc đời con voi này, quá khứ của hành tinh và cả tương lai biến đổi khí hậu mà con người phải đối mặt.
- Đột phá: Khoa học đã hồi sinh được loài sói tuyệt chủng cách đây 12.500 năm, đó chính là những con sói trong "Game of Thrones"
- Trong quá trình hồi sinh voi ma mút lông cừu, các nhà khoa học đã tạo ra một loài chuột hoàn toàn mới!
- Dị ứng phấn hoa có thể đã khiến voi ma mút lông cừu tuyệt chủng
- Tại sao voi châu Á khi còn nhỏ lại có lông dài? Về mặt di truyền, chúng có gần với voi ma mút hơn không?
- Khủng long Allosaurus có hạ sát được voi ma mút? Tác giả 1 cuốn sách về 'huyền thoại' của kỷ băng hà lên tiếng
Bên trong một phòng thí nghiệm tại vùng Viễn Đông của nước Nga, 6 nhà khoa học mặc quần áo, mũ trùm và kính bảo hộ đang vây quanh một mẫu sinh vật khổng lồ.
Họ cẩn thận rạch một đường rạch qua lớp da của nó, xuyên vào trong những thớ thịt, để tìm kiếm những cấu trúc giải phẫu của sinh vật, trái tim, lá gan và ruột…
Toàn bộ cuộc khám nghiệm này đặc biệt đến nỗi, nó đã được phát trực tiếp lên một màn hình cỡ lớn tại Đại học Liên bang Đông Bắc ở vùng Yakutsk. Đó là bởi mẫu vật mà các nhà khoa học Nga tìm thấy được là một mẫu vật ngàn năm có một – không đúng – hàng trăm ngàn năm mới có một:
Một con voi ma mút đã chết từ cách đây 130.000 năm, nhưng được bảo quản một cách tuyệt vời bên dưới lớp băng vĩnh cửu của Siberia.

Mẫu vật voi ma mút được bảo quản tốt nhất mà con người từng tìm thấy
Được phát hiện vào năm ngoái, chú voi con này được đặt tên là Yana, theo tên lưu vực sông nơi nó được tìm thấy. Da của Yana vẫn giữ được màu nâu xám đặc trưng, thấp thoáng bên trên nó vẫn còn những đám lông đỏ nhạt, màu đặc trưng của voi ma mút.
Chiếc vòi nhăn nheo của nó cong lại và hướng về phía miệng. Vùng hốc mắt vẫn còn nguyên vẹn đến mức người ta có thể tưởng tượng Yana còn đang ngủ. Và đôi chân chắc khỏe của chú trông giống hệt chân của một con voi vẫn còn sống ngày nay.
"Cuộc khám nghiệm tử thi động vật này là cơ hội cho chúng ta nhìn sâu vào quá khứ của hành tinh", giáo sư Artemy Goncharov, trưởng Phòng thí nghiệm Bộ gen và protein của Vi sinh vật tại Viện Y học Thực nghiệm Saint Petersburg cho biết.
Những kiến thức mà chúng ta tìm được từ đó không chỉ tiết lộ về cuộc đời bản thân con voi ma mút này, mà còn cho chúng ta một cánh cửa sổ nhỏ để nhìn vào Kỷ Băng hà, cùng những dự đoán về tương lai của Trái Đất, khi biến đổi khí hậu làm tan lớp băng vĩnh cửu nơi Yana được chôn vùi.

Các nhà khoa học hy vọng cũng sẽ tìm thấy những vi khuẩn cổ đại độc đáo bên trong dạ dày của voi ma mút. Giải mã bộ gen và protein của chúng cùng các loại thực vật và bào tử mà Yana đã ăn sẽ tiết lộ thêm về môi trường xung quanh lưu vực sông nơi nó từng sống.
Thời gian và lớp băng vĩnh cửu ở lưu vực Yana thuộc vùng Sakha, Siberia đã cho chúng ta có cơ hội tuyệt vời đó. Với chiều cao vai 1,2 mét, dài 2 mét và nặng 180 kg, Yana có thể là mẫu vật voi ma mút được bảo quản tốt nhất mà con người từng tìm thấy.
Nó vẫn còn giữ nguyên được nội tạng, các mô mềm và cả lông trên da, các nhà khoa học Nga cho biết.
Bên trong dạ dày và ruột
Trên màn hình phát trực tiếp, chúng ta có thể thấy có tổng cộng 6 nhà khoa học đang tiến hành cắt xẻ qua thi thể của Yana. Chú voi này quả thực là một kho báu đối với họ.
Để không có bất cứ thứ gì có thể nhiễm bẩn lại mẫu vật, các nhà khoa học tại Bảo tàng Voi Ma Mút thuộc Đại học Liên bang Đông Bắc được yêu cầu mặc đồ bảo hộ từ đầu tới chân, đeo kính, khẩu trang và mũ trùm tóc.
Họ sẽ tiến hành khám nghiệm Yana bên trong một căn phòng sạch vô trùng. Phải mất vài giờ để cắt xẻ chỉ riêng phần thân trên của con voi ma mút, một loài đã tuyệt chủng cách đây gần 4.000 năm.

"Chúng tôi có thể thấy nhiều cơ quan và mô còn được bảo quản rất tốt", giáo sư Goncharov nói. "Hệ tiêu hóa được giữ lại một phần, dạ dày vẫn còn nguyên. Vẫn còn đó những đoạn ruột, đặc biệt là ruột già được bảo quản điều này cho phép chúng tôi thu thập được rất nhiều mẫu đa dạng".
Một trong số các mẫu vật mà giáo sư Goncharov đang tìm kiếm là các vi sinh vật cổ đại được bảo quản bên trong đường tiêu hóa của con voi ma mút. "Chúng tôi muốn nghiên cứu mối quan hệ tiến hóa của chúng với các vi sinh vật hiện đại", ông nói
Trong khi một nhà khoa học dùng kéo cắt da của Yana, một người khác dùng dao mổ rạch vào thành trong của thịt. Sau đó, họ đặt các mẫu mô vào ống nghiệm và túi để phân tích.
Trên một bàn khác là phần thân sau của con voi ma mút, vốn vẫn còn mắc kẹt trong vách đá khi phần thân trước rơi xuống dưới.
Mùi tỏa ra từ con voi ma mút gợi lên sự pha trộn giữa đất lên men và thịt, ngấm trong lớp đất ngầm của Siberia.

"Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận bộ phận sinh dục", Artyom Nedoluzhko, giám đốc Phòng thí nghiệm Cổ di truyền học của Đại học Châu Âu tại Saint Petersburg, cho biết.
"Dùng các dụng cụ đặc biệt, chúng tôi muốn đi vào bộ phận sinh dục của nó để thu thập vật liệu, nhằm hiểu các vi sinh vật nào đã sống trong cơ thể nó khi nó còn sống."
Chưa có ngà nên còn trẻ con
Ban đầu, Yana được ước tính chỉ là một mẫu vật có niên đại 50.000 năm. Nhưng sau khi phân tích cẩn thận lớp băng vĩnh cửu nơi nó nằm, Maxim Cheprasov, giám đốc Bảo tàng Voi Ma Mút cho biết nó phải có niên đại gần gấp rưỡi, chính xác là 130.000 năm.
Nhưng con voi nặng 180 kg này chắc chắn chỉ mới hơn 1 tuổi. Bởi khi nó chết, ngà sữa của nó còn chưa mọc. Cả voi hiện đại lẫn voi ma mút đều có ngà sữa, giống như răng sữa của loài người, chiếc ngà sữa này sau đó sẽ rụng.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được lý do Yana chết khi còn quá nhỏ như vậy.
Vào thời điểm loài động vật ăn cỏ này sinh sống, tại vùng Yakutia chưa hề có con người", giáo sư Cheprasov nói. Con người mới chỉ đến Siberia cách đây khoảng 28.000 đến 32.000 năm. Vì vậy, họ không liên quan gì đến cái chết của con voi ma mút.

Bí mật đằng sau sự bảo quản hoàn hảo của Yana nằm ở lớp băng vĩnh cửu. Đất ở vùng Siberia đóng băng quanh năm, hoạt động như một tủ đông khổng lồ, giữ gìn xác của các loài động vật thời tiền sử.
Việc phát hiện thi thể Yana lộ ra ngoài là do băng vĩnh cửu ở Siberia đang tan chảy, điều mà các nhà khoa học tin rằng bắt nguồn từ hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Việc nghiên cứu vi sinh vật học từ những di hài cổ đại như vậy cũng cho phép chúng ta khám phá "các rủi ro sinh học" của biến đổi khí hậu, giáo sư Goncharov nói.
Một số nhà khoa học đang tìm hiểu liệu băng vĩnh cửu tan chảy có thể giải phóng các mầm bệnh tiềm ẩn nguy hiểm hay không. "Có một số giả thuyết cho rằng trong băng vĩnh cửu có thể tồn tại các vi sinh vật gây bệnh, khi tan ra, chúng có thể xâm nhập vào nước, thực vật, cơ thể động vật – và cả con người". ông nói.
Cận cảnh Yana, con voi ma mút có niên đại 130.000 năm được khám nghiệm
Đó là lý do tại sao toàn bộ các nhà khoa học tham gia vào cuộc khám nghiệm này đều phải mặc đồ bảo hộ. Sức khỏe của họ cũng sẽ phải được theo dõi sau nghiên cứu đặc biệt này.
Hãy nhớ rằng Yana đã chết không rõ nguyên nhân khi nó mới được 1 tuổi. Không loại trừ khả năng nó có thể đã chết vì một mầm bệnh nào đó, vẫn được bảo quản trong thi hài khổng lồ này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google.com.vn sắp bị khai tử
Google sẽ có những thay đổi về tên miền trong thời gian tới.
Làm thế nào mà con người có thể biến 'đồ chơi pháo hoa' thành tên lửa Mặt Trăng?