Càng ngày dùng iPhone không có Touch ID càng khó chịu và đó là mưu đồ của Apple

    L.H.C,  

    Apple mang niềm tin rằng họ đã tìm ra phương thức đăng nhập/bảo mật tốt nhất có thể. Để người dùng chấp nhận sử dụng phương thức đó, công ty của Tim Cook rất sẵn lòng tạo ra một trải nghiệm cực kỳ khó chịu trên những chiếc iPhone, iPad không có Touch ID.

    Sau khi cập nhật lên iOS 10, quá trình mở khóa iPhone đã trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Với iOS 9 trước đây, tôi chỉ cần trượt tay sang trái và nhập passcode – những thao tác đã quá quen thuộc với chúng ta trong suốt nhiều năm qua. Nhưng iOS 10 thì lại thay thế màn hình khóa đó bằng một màn hình thông tin mới. Bây giờ, tôi phải nhấn nút Home và đợi nửa giây để chiếc iPhone nhận ra rằng tôi không muốn dùng Touch ID hay kích hoạt Siri. Lúc này màn hình passcode mới chịu xuất hiện.

    Nửa giây không phải là một khoảng thời gian quá dài, nhưng rõ ràng là chậm và bất tiện hơn hẳn so với cách mở khóa cũ. Ngay cả khi tôi đã làm quen với kiểu mở khóa mới, trải nghiệm khởi động iPhone vẫn tỏ ra khó chịu hơn hẳn.

    Dĩ nhiên là vấn đề này sẽ không xuất hiện nếu như tôi chấp nhận sử dụng Touch ID. Nhờ cơ chế tự bật khi nâng máy và tùy chọn giữ tay trên nút Home để đi thẳng vào màn hình chính, mở khóa iPhone bằng Touch ID đang trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết.

    iPhone 7 càng làm cho sự khác biệt giữa Touch ID và passcode trở nên rõ ràng hơn. Về bản chất, nút Home của iPhone 7 không phải là một nút bấm vật lý mà chỉ là một màn hình cảm ứng có khả năng nhận biết lực nhấn. Trong phần lớn các trường hợp sử dụng, nút Home mới có khả năng thực hiện các tác vụ Touch ID tốt hơn cả chiếc iPhone 6s, bởi lực nhấn thấp giúp chuyển động tay được đơn giản, thuận tiện. Đăng nhập bằng passcode trên iOS 10 chắc chắn là chậm hơn, dù cảm giác phản hồi lực rung mới có thể khiến nhiều người cảm thấy kỳ cục.

    Nói tóm lại, iPhone 7 càng khiến cho câu hỏi "Vì sao lại tránh dùng Touch ID" trở nên khó trả lời hơn trước đây. Thực tế là một số người sẽ có các rãnh vân tay nông hơn những người khác (vì chơi guitar hoặc vì di truyền chẳng hạn). Touch ID vẫn sẽ hỗ trợ tương đối tốt các trường hợp này, song mức độ ổn định vẫn sẽ thua kém passcode. Nhiều người khác sẽ gặp vấn đề vì có quá nhiều mồ hôi tay và một số đơn giản là không thích sử dụng bảo mật sinh trắc học. Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng iPhone mà không cần có Touch ID – Apple chỉ đơn giản là vừa khiến cho bạn gặp nhiều khó khăn hơn.

    Nhìn ra ngoài các trường hợp sử dụng thông thường, bước chuyển sang cảm biến vân tay đã thay đổi phạm vi tương tác của các cơ quan hành pháp với điện thoại bị khóa. Hiện tại, cảnh sát các nước đã sở hữu hàng trăm triệu mẫu vân tay và cũng đã bắt đầu sử dụng các thông tin này vào mục đích an ninh. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan đã đạt được thành công khi tạo ra một mẫu vân tay giả để mở khóa một chiếc Samsung Galaxy S6 thuộc về một người đàn ông bất ngờ qua đời trong hoàn cảnh đáng ngờ.

    Điều này không có nghĩa rằng Apple đang ngấm ngầm tiếp tay cho NSA hay CIA. Không phải người dùng nào cũng biết sự thật rằng iPhone có các cơ chế bảo vệ đặc biệt để chống lại các bản mẫu vân tay giả. Các tầng mã hóa thấp nhất của iOS chỉ có thể được mở khóa bằng passcode, chưa kể một chiếc iPhone đã bị tắt hoặc không được sử dụng trong vòng 48 giờ đồng hồ sẽ không thể được kích hoạt bằng cảm biến vân tay. Đây cũng chính là lý do vì sao Touch ID sẽ không có mấy ý nghĩa trong các kịch bản tương tự như vụ đánh bom tại San Bernardino, dĩ nhiên là trừ trường hợp cảnh sát có thể kịp tạo ra một mẫu cảm biến vân tay giả trong vòng 48 giờ đầu tiên.

    Bất chấp điều này, nhiều người dùng vẫn tránh sử dụng Touch ID vì các lo ngại bảo mật. Không rõ tỷ lệ người dùng iPhone tránh sử dụng Touch ID là bao nhiêu, nhưng rõ ràng là con số này chưa đủ thấp để làm hài lòng Tim Cook. Trong một cuộc khảo sát được Usenix thực hiện vào mùa hè năm ngoái, chỉ có một nửa số người dùng iPhone tham gia cho biết có sử dụng cảm biến vân tay. Các ứng dụng độc lập cũng đưa ra con số cho biết chỉ có 15% phiên sử dụng được kích hoạt từ Touch ID. Các con số này có thể chưa thực sự đáng tin cậy và càng ngày Touch ID sẽ càng phổ biến hơn, song rõ ràng là cảm biến vân tay vẫn chưa hoàn thiện vai trò "tương lai bảo mật" như báo giới vẫn thường tung hô.

    Nhìn từ nhiều khía cạnh, đây là một chiêu bài quen thuộc đã từng được Apple sử dụng để quảng bá cho các công nghệ như Lightning và USB-C. Người dùng ban đầu sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng một khi đã chấp nhận đi theo con đường mà Apple đã lựa chọn, họ sẽ sớm nhận ra đó là con đường... dễ chịu nhất. Apple mang niềm tin rằng cách tốt nhất để mở khóa điện thoại hiện tại là qua Touch ID, và họ không muốn người dùng mất thời gian vào các phương thức mở khóa khác. Theo Apple, mỗi người dùng iPhone sẽ mở khóa điện thoại trung bình 80 lần một ngày – tạo ra phương thức mở khóa dễ chịu nhất sẽ càng giúp củng cố vị thế của iPhone.

    Nhưng dù sao thì vân tay vẫn có những đặc điểm riêng so với passcode và password: chúng là một phần của cơ thể con người, và rất nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu khi phải đưa thông tin về cơ thể họ vào trong một chiếc điện thoại. Dù rằng mức độ hoàn thiện của cảm biến Apple hiện nay đã vượt mặt gần như bất kỳ một đối thủ nào trên thị trường, rất nhiều người vẫn mang những đặc điểm riêng khiến cho đăng nhập bằng vân tay trở nên khó khăn hơn. Đây sẽ là một vấn đề mà Apple buộc phải vượt qua nếu muốn thay thế hoàn toàn passcode bằng Touch ID.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ