iPhone 7 đâu phải sản phẩm công nghệ đầu tiên loại bỏ cổng tai nghe mà vẫn thành công

    Lê Hoàng,  

    Trước Apple, 2 ông lớn Nhật Bản là Nintendo và Sony đã từng ra mắt 2 dòng thiết bị cầm tay có doanh số lên tới hàng chục triệu máy mà không cần đến... jack tai nghe.

    Năm 2016, một công ty đứng đầu thị trường về doanh thu và lợi nhuận đã đưa ra một quyết định đầy tranh cãi: khai tử jack cắm tai nghe tiện lợi đã có hàng chục năm tuổi đời. Thay thế cho jack cắm tai nghe truyền thống là một loại cổng kết nối vốn được dùng để cắm sạc và một phụ kiện adapter có giá bán tương đối đắt đỏ. Chưa biết lợi ích ra sao, báo giới và phần đông người tiêu dùng đã phản ứng với thay đổi mới một cách đầy giận dữ. Ấy vậy mà sản phẩm nọ vẫn cứ tiếp tục bán chạy như những người tiền nhiệm đình đám.

    Bạn chắc hẳn đã nhận ra sản phẩm mà chúng tôi nói tới: chiếc iPhone 7 của Apple. Nhưng bạn có biết rằng cách đây 13 năm, một câu chuyện giống hệt đã từng diễn ra trên thị trường máy chơi game cầm tay?

    Năm 2003, Nintendo lúc này vẫn đang thống trị thị trường console di động với chiếc GameBoy Advance (GBA) đầu tiên. Khi thiết kế của GBA đã bắt đầu tỏ ra cũ kỹ, Nintendo làm mới dòng sản phẩm con cưng với phiên bản GameBoy Advance SP có đèn màn hinh, pin tích hợp và thiết kế vỏ sò lúc này vẫn đang khá thời thượng.

     Một nửa số GBA bán ra thuộc về phiên bản gây tranh cãi vì... không có cổng tai nghe.

    Một nửa số GBA bán ra thuộc về phiên bản gây tranh cãi vì... không có cổng tai nghe.

    Thế nhưng, đi kèm với GBA SP là một quyết định rất gây tranh cãi: jack cắm tai nghe 3.5mm bị loại bỏ để thay thế bằng một adapter rời gắn vào cổng EXT2, vốn là cổng sạc của thiết bị. Nói cách khác, nếu bạn muốn vừa sạc máy vừa nghe nhạc, bạn sẽ phải tìm mua các loại phụ kiện kỳ dị có giá thành không hề rẻ.

    Phản ứng của báo giới với quyết định này của Nintendo là cực kỳ dữ dội và hài hước. Một cây viết của Eurogamer ca thán: "Tại sao hả Nintendo, tại sao tại sao tại sao tại sao tại sao?" (6 từ "tại sao" trong một câu). Penny Arcard rút ra bài học thâm cay: "Hãy nhớ rằng bạn chỉ bị kết tội lạm dụng trẻ em nếu như bạn không phải là một tập đoàn đa quốc gia như Nintendo".

    Nhưng không phải vô cớ mà Nintendo đưa ra quyết định tranh cãi này. Cũng giống như Apple, lý do được công ty Nhật Bản đưa ra là do "thiết kế". Chính iFixit cũng đã từng "mổ" chiếc GBA SP và đưa ra nhận định rằng quả thật không gian bên trong mẫu máy cầm tay này bị nhồi nhét quá nhiều linh kiện. Với trường hợp của Apple, jack cắm tai nghe được loại bỏ chủ yếu để lắp khe thoát khí áp, bộ phản hồi lực (taptic engine) và cải thiện loa.

     Dù doanh số không quá tệ nhưng về sau Nintendo cũng không dám chọc giận game thủ nữa.

    Dù doanh số không quá tệ nhưng về sau Nintendo cũng không dám "chọc giận" game thủ nữa.

    Cần phải chỉ ra rằng vai trò của GBA và iPhone là hoàn toàn khác biệt nhau. Về bản chất, những chiếc GameBoy phục vụ cho mục đích chơi game cá nhân còn iPhone là thiết bị liên lạc. Nintendo cũng chưa bao giờ là một công ty có thế mạnh về khía cạnh âm nhạc trong khi Apple đã từng gọi iPhone là "iPod, điện thoại, Internet". Với iPhone, một chiếc tai nghe tiện dụng có vai trò cực kỳ quan trọng.

    Nhưng cũng chỉ 2 năm sau ngày ra mắt là một nhà sản xuất điện thoại có thế mạnh về âm nhạc cũng đã ra mắt và thành công dù cũng mắc phải "scandal" tương tự như GBA SP và iPhone 7. Năm 2003, Sony Ericsson W800 trình làng và mở ra một trong những chương đẹp nhất của lịch sử điện thoại di động Sony.

    Những bạn trẻ đã từng có may mắn được sở hữu W800, W700i, W705i, W950, W595 hay W995 chắc hẳn sẽ không thể quên được những đặc trưng của dòng điện thoại "audiophile" từ Sony: nút bấm Walkman dành riêng cho ứng dụng nghe nhạc, chất âm tuyệt vời của bộ tai nghe đi cùng (ít nhất là so với tai nghe bán kèm điện thoại hay máy mp3 cùng thời) hay mức giá đắt đỏ của thẻ nhớ tương thích. Đáng nhớ nhất vẫn là thiết kế cổng cắm gây tranh cãi: dù là điện thoại tập trung cho âm nhạc nhưng phần lớn những chiếc Walkman đều không có jack tai nghe thông thường mà lại sử dụng cổng Fast Port của riêng Sony, vốn được phát triển để cạnh tranh với PopPort của Nokia.

    Cổng FastPort huyền thoại của Sony Ericsson Walkman.
    Cổng FastPort "huyền thoại" của Sony Ericsson Walkman.

    Nếu xét về mặt âm thanh, bộ tai nghe gắn mic đi kèm những chiếc W thực chất lại có chất lượng khá tốt và được rất nhiều fan ưa chuộng, đặc biệt là khi so sánh cùng với những chiếc tai nghe bán cùng iPod hay các mẫu điện thoại cùng thời. Tuy vậy, nếu xét về khía cạnh tiện dụng - yếu tố có lẽ là quan trọng nhất với người dùng, Fast Port thực chất là một thảm họa khi không chỉ cồng kềnh mà còn rất dễ bám bụi và giảm khả năng kết nối sau một thời gian sử dụng. Khi được kết nối với máy tính, Fast Port cũng chẳng mang lại bất kỳ sự cải thiện nào về hiệu năng.

    Ấy vậy mà Sony Ericsson Walkman vẫn bán chạy. Trong quý 4 năm 2005, Sony bán được hơn 3 triệu mẫu điện thoại Walkman và lập kỷ lục doanh số 249 triệu USD, cao hơn gần 50 triệu USD so với lợi nhuận của quý 4 năm 2015. Sự ra đời của chiếc iPhone đột ngột đẩy Sony vào khó khăn trong trong năm 2008 nhưng đến lúc này tổng doanh số điện thoại Walkman đã là 57 triệu chiếc. Phải đến tận năm 2010, Fast Port mới bị khai tử.

    Như vậy, trước iPhone 7, thị trường điện tử người tiêu dùng đã chứng kiến ít nhất là 2 nỗ lực khai tử cổng tai nghe 3.5 từ 2 gã khổng lồ Nhật Bản. Nhưng khi thời đại của máy cầm tay Nintendo và điện thoại Walkman đều đã đi qua, cổng tai nghe vẫn tiếp tục sống tốt. Liệu đây có phải là một tín hiệu xấu cho Apple?

    Thực sự, FastPort là một nỗi bất tiện lớn.
    Thực sự, FastPort là một nỗi bất tiện lớn.

    Câu trả lời là "chưa chắc", bởi vị thế và hoàn cảnh của Nintendo cũng như Sony vào những năm 2000 vẫn còn rất khác biệt so với ngày nay. Chiếc GameBoy Advance của Nintendo đã luôn thống trị thị trường máy chơi game di động, nhưng thị trường này ngoài Nintendo ra cũng chẳng có một đối thủ xứng tầm nào cả. Nói cách khác, trong khi iPhone đã và sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến các đối thủ cạnh tranh, bước chuyển của Nintendo mang màu sắc "tự sướng" nhiều hơn.

    Còn Sony Ericsson tuy đã từng là một ông lớn trong làng điện thoại di động nhưng lại chưa bao giờ ở vào vị thế đặc biệt như Apple. Trong suốt những ngày tháng huy hoàng, Sony Ericsson vẫn nằm dưới cái bóng của Nokia cả về thị phần nói chung lẫn doanh số hàng cao cấp. Thực chất, trường hợp của iPhone là cực kỳ đặc biệt: chưa một thị trường nào khác chứng kiến một nhà sản xuất có doanh số thấp hơn các đối thủ nhưng lại áp đảo phân khúc cao cấp, thu phần lớn lợi nhuận và thường xuyên thực hiện những bước đi có khả năng tạo trào lưu trên thị trường (cảm ứng đa điểm, Retina, trợ lý ảo, chip 64-bit hoặc cảm biến vân tay..).

    Quan trọng hơn, thị trường âm thanh của những năm 2000 cũng chưa có một giải pháp thay thế hoàn thiện cho cổng tai nghe truyền thống: công nghệ Bluetooth lúc này vẫn còn có chất lượng kém và "đốt" quá nhiều pin. Đến năm 2016, quyết định khai tử cổng 3.5 của Apple lại được các nhà sản xuất tai nghe... hưởng ứng nhiệt liệt vì tai nghe và loa Bluetooth đã đủ tốt để làm hài lòng phần đông người tiêu dùng. Chưa kể, thay thế một cổng cắm analog thành cổng digital (Lightning) cũng sẽ giúp gia tăng sức hút cho phụ kiện âm thanh số (DAC/amp) cao cấp vốn chưa từng được phần đông người dùng phổ thông để mắt tới.

    Dẫu sao, đây cũng không phải là lần đầu tiên Apple giết chết một chuẩn kết nối nào đó và cũng không phải là lần đầu tiên cổng tai nghe bị khai tử trên một dòng sản phẩm thành công về doanh số. "Quá tam ba bận", nếu ngay đến cả iPhone cũng không loại bỏ được jack 3.5, các gã khổng lồ lớn có lẽ sẽ học được bài học và không bao giờ động đến cổng kết nối đã có... vài chục năm tuổi này nữa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ