Căng thẳng, kiệt sức, người trẻ Hàn Quốc đang chuyển sang làm YouTuber thay vì làm văn phòng lương cao tại Samsung
Giới trẻ Hàn Quốc đang muốn phá vỡ chuẩn mực thành công truyền thống của xã hội vốn gói gọn trong những thứ như làm công việc văn phòng, được trả lương cao, lập gia đình và mua nhà.
Cha mẹ Yoon Chang-huyn khuyên anh nên suy nghĩ tỉnh táo trước khi bỏ công việc nhà nghiên cứu tại Samsung vào năm 2015 để bắt đầu một kênh YouTube. Mức lương 65 triệu won/1 năm (tương đương 1,2 tỷ đồng), gấp ba mức lương khởi điểm trung bình tại Hàn Quốc, cộng với các phúc lợi chăm sóc sức khỏe và ưu đãi khác khiến Samsung trở thành nơi làm việc mơ ước của nhiều sinh viên Hàn Quốc mới tốt nghiệp đại học.
Nhưng kiệt sức và vỡ mộng bởi những ca làm đêm liên tục, cơ hội thăng tiến bị thu hẹp và giá bất động sản tăng cao khiến Yoon, khi đó 32 tuổi, quyết định bỏ việc. Từ một công việc ổn định, anh chuyển sang sự nghiệp nhà cung cấp nội dung internet không mấy chắc chắn.
Yoon Chang-huyn đang quay clip cho kênh YouTube của mình
Yoon là điển hình của làn sóng ngày càng đông những người trẻ Hàn Quốc từ bỏ công việc văn phòng ổn định. Họ làm điều này trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và hàng triệu người khác đang tranh đấu khốc liệt để giành một chỗ trong các tập đoàn chaebol Hàn Quốc.
Một số thanh niên Hàn Quốc cũng từ bỏ thành thị để trở về nông thôn canh tác nông nghiệp hoặc làm những công việc tay chân ở nước ngoài. Họ muốn phá vỡ chuẩn mực thành công truyền thống của xã hội vốn gói gọn trong những thứ như làm công việc văn phòng, được trả lương cao, lập gia đình và mua nhà.
"Mọi người hỏi nhiều tới mức tôi phát điên lên được", Yoon nói. "Nhưng nếu quay trở lại đó thì tôi sẽ lại nghỉ việc tiếp thôi. Mấy ông sếp của tôi ông nào trông cũng mệt mỏi, không vui. Họ luôn làm việc quá sức và cô đơn...".
Yoon hiện đang là chủ một kênh YouTube với những video chia sẻ về cách theo đuổi các công việc ước mơ và đang tự hỗ trợ bản thân bằng tiền tiết kiệm.
Samsung từ chối bình luận về vấn đề được nêu ra trong bài viết này.
Nền kinh tế chaebol
Các tập đoàn được sáng lập và quản lý bởi các gia đình như Samsung và Huyndai, hay còn gọi là chaebol, đã thúc đẩy sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Hàn Quốc từ đống tro tàn sau cuộc nội chiến 1950 - 1953. Chỉ trong chưa đầy một thế hệ, Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Các công việc ổn định, được trả lương cao đã tạo ra một cánh cổng bước vào giới trung lưu cho các baby boomers (những người sinh ra trong những năm 1946 – 1964).
Nhưng mọi thứ trở nên phức tạp khi sự tăng trưởng của nền kinh tế bị đình trệ cùng với sự cạnh tranh từ các hãng sản xuất với chi phí rẻ so với tiền lương. Hiện tại ngay cả những millennials (sinh ra trong những năm 1980 đến 1990) tốt nghiệp các đại học hàng đầu và làm việc công việc ổn định tại những chaebol cũng nói rằng họ ít có xu hướng cố gắng thực hiện kỳ vọng của xã hội.
Các vấn đề tương tự cũng xuất hiện trong tầng lớp lao động trẻ trên toàn cầu. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp phân cấp rõ ràng và tình trạng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ đồng đều quá dồi dào khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn tại Hàn Quốc, Ban Ga-woon, nhà nghiên cứu thị trường lao động tại Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo Hàn Quốc chia sẻ.
Tính đến năm 2012, người Hàn Quốc có số năm gắn bó với một công việc ngắn nhất trong số các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED), chỉ 6,6 năm so với mức trung bình 9,4 năm và 11,5 năm của Nhật Bản.
Cuộc khảo sát tương tự cũng cho thấy chỉ 55% người Hàn Quốc hài lòng với công việc của họ, thấp nhất trong số các quốc gia thành viên OCED.
Tháng 1 vừa qua, "bỏ việc" đã xuất hiện trong top 10 giải pháp cho mọi vấn đề trong năm mới được đề xuất trên mạng xã hội Hàn Quốc.
"Đừng kể với sếp"
Thậm chí, một số công nhân viên còn bỏ thời gian đi học cách bỏ việc.
Kể từ khi mở cửa vào năm 2016 đến nay, một trường họp nhỏ gồm 3 lớp ở phía nam Seoul có tên "Trường học Bỏ việc" đã thu hút được hơn 7.000 người theo học. Sáng lập trường, Jang Su-han cũng từng bỏ việc tại Samsung.
Năm 2015, Jang - 34 tuổi bỏ việc để lập ra ngôi trường đặt biệt này. Hiện tại, trường cung cấp khoảng 50 khóa học, bao gồm cả các lớp dạy cách làm YouTuber, cách tìm ra công việc yêu thích và cách lập ra một Kế hoạch B cho cuộc đời.
Ngay trước lối vào của trường có một tấm biển với dòng quy tắc: "Đừng kể với sếp của bạn, đừng nói gì và cũng đừng chào hỏi nếu bắt gặp đồng nghiệp và đừng để bị phát hiện cho tới khi bạn tốt nghiệp".
"Nhu cầu tham gia các lớp học liên quan tới việc tìm ra công việc phù hợp rất cao vì rất nhiều người Hàn Quốc quá bận rộn với các lớp luyện thi đại học lúc còn thanh niên nên chẳng có thời gian suy nghĩ nghiêm túc về việc họ muốn làm gì nhất trong cuộc đời", Jang nói.
Đương nhiên các công việc tại những chaebol uy tín vẫn có sức hút mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh Hàn Quốc đang lâm vào tình trạng sụt giảm công việc tồi tệ nhất kể từ năm 2009. Hiện tại, tỷ lệ thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp cũng gần đạt mức cao kỷ lục.
Hồi tháng 2, một cuộc khảo sát của cổng thông tin việc làm Saramin cho thấy Samsung vẫn là nơi làm việc mong muốn nhất của các sinh viên tốt nghiệp năm 2019.
Tuy nhiên, rất nhiều thanh niên chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động không sẵn sàng chấp nhận những cuộc nhậu kéo dài, bắt buộc bởi văn hóa phân cấp, khốc liệt trong doanh nghiệp Hàn Quốc. "Suy nghĩ của những người trẻ mới hoặc chuẩn bị tham gia lực lượng lao động Hàn Quốc rất khác so với thế hệ trước". Duncan Harrion, trưởng cơ quan tuyển dụng Robert Walters Plc. có trụ sở tại London, chia sẻ.
"YouTuber, vận động viên thể thao, nhân viên vệ sinh"
Một cuộc khảo sát của chính phủ vào năm 2018 cho thấy YouTuber là công việc mơ ước thứ năm của các học sinh tiểu học tại Hàn Quốc, sau vận động viên thể thao nổi tiếng, giáo viên, bác sĩ hoặc đầu bếp.
Số khác chọn một cuộc sống đơn giản hơn ở vùng đồng quê.
Từ năm 2013 đến 2017, số hộ gia đình Hàn Quốc bỏ cuộc sống thành thị về nông thôn làm nông nghiệp tăng 24%, tổng cộng hơn 12.000 gia đình.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cơ hội việc làm tại quê nhà dần cạn kiệt, gần 5.800 người Hàn Quốc đã chọn ra nước ngoài tìm việc trong năm ngoái thông qua các chương trình trợ cấp của chính phủ. Đây là con số nhiều gấp ba so với năm 2013.
Những người khác ra đi mà không cần sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc khi chưa có công việc chờ sẵn.
Tháng 12 vừa rồi, kỹ sư nhà máy Cho Seung-duk đã mua vé một chiều cho gia đình một vợ và 2 con của mình.
"Tôi không nghĩ con trai mình có thể tìm được việc giống như tôi tại Hàn Quốc", anh kỹ sư 37 tuổi nói. Anh đã chuyển từ Huyndai Engineering & Contrucstion sang một công ty xây dựng hàng đầu khác vào năm 2015 trước khi quyết định ra nước ngoài.
"Tôi có thể phải nhân viên vệ sinh ở Brisbane (một thành phố của Úc) nhưng không sao hết".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà toán học Việt Nam có khám phá kép, giúp trường đại học Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về đại số
Giáo sư Phạm Hữu Tiệp cho biết các khám phá của ông thường sẽ nảy sinh tại thời điểm mà ông ít mong đợi nhất. "Đó có thể là lúc mà tôi đi dạo với các con, hoặc làm vườn với vợ, hoặc hí hoáy gì đó trong bếp", ông nói.
Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI