Tình trạng mạo danh nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet... vẫn diễn biến phức tạp. Mới đây, cơ quan công an tiếp tục đưa ra thêm nhiều hình thức lừa đảo mới, người dân cần cảnh giác.
- Lời kể của nhân viên tổng đài lừa đảo: Thấp thỏm sợ bị bắt, nhận lương 7 triệu vẫn "cắn răng" làm vì một lý do cay đắng
- Khuyến cáo lừa đảo mở tài khoản ngân hàng bằng công nghệ Deepfake
- Thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ AI ngày càng phổ biến tại Mỹ
- Lộ diện thủ đoạn lừa đảo mới, ngân hàng cảnh báo tới người dùng
- Chuyên gia công nghệ “vạch mặt” những chiêu trò lừa đảo trực tuyến, đánh cắp dữ liệu
Giả danh luật sư hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo
Trong thời gian gần đây, đã có rất nhiều trường hợp người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn thông qua các hình thức lừa đảo công nghệ cao. Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo ấy với mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng xấu đã tung ra thêm một hình thức lừa đảo mới - giả danh luật sư để hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa.
Theo đó, hiện nay trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả danh Luật sư đăng bài hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Nhiều người bị lừa đảo thay vì ra cơ quan Công an trình báo sự việc đã liên hệ các tài khoản giả danh Luật sư với mong muốn được thu hồi tiền lừa đảo. Các đối tượng sau đó sẽ giả vờ kết nối với bên an ninh mạng và thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền.
Để thu hồi số tiền đã mất, “Luật sư giả” yêu cầu nạn nhân đóng tiền để tham gia vào trò cá cược đặt lệnh. Trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỉ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa về. Khi thấy con mồi đã mắc bẫy, nạp tiền vào thì các đối tượng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi. Khi nạn nhân hỏi thì “Luật sư giả” nói phải nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về.
Ngoài ra, các đối tượng này còn "dỗ" nạn nhân bằng thủ đoạn hứa hẹn sẽ can thiệp hệ thống, hack vào tài khoản lừa đảo vào các khung giờ nhất định. Từ đó yêu cầu nạn nhân phải nộp trước một khoản tiền khoảng 30% số tiền đã bị mất trước đó. Nhiều nạn nhân vì để lấy lại tiền đã "mù quáng" làm theo những yêu cầu trên. Sau khi làm theo, các đối tượng lấy rất nhiều lý do, thậm chí chặn liên hệ để chiếm đoạt số tiền trên.
Theo khuyến cáo từ cơ quan chức năng, đối tượng “con mồi” mà kẻ gian hướng đến là những nạn nhân của các vụ lừa đảo mạng trước đó. Đánh trúng tâm lí chung của nạn nhân là muốn lấy lại tiền nhanh chóng, các đối tượng đã thực hiện nhiều thủ đoạn để dụ dỗ các nạn nhân tham gia. Cơ quan chức năng khuyến cáo, khi bị lừa đảo cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Mạo danh công an hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử
Ngoài ra, mới đây Công an TP Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo về 1 hình thức lừa đảo mới.
Theo đó, trong những tháng gần đây Công an Hà Nội và các địa phương đang nỗ lực để "phủ xanh" tài khoản định danh điện tử. Công tác đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và căn cước công dân được các địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên trong quá trình triển khai việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử, nhiều kẻ xấu đã mạo danh các cán bộ công an để thực hiện ý đồ xấu.
Trước đó vào ngày 16/6, trong khi đang ở nhà thì bà N.T.L (SN 1953, trú ở thôn Đường Nhạn, xã Xuân Nộn) nhận được điện thoại của 1 người đàn ông, tự giới thiệu là Công an xã Xuân Nộn phụ trách thôn Đường Nhạn, mời ra trụ sở Công an xã để kích hoạt định danh điện tử. Cùng với việc thông báo là qua rà soát dữ liệu, xác định bà L. chưa đăng ký, kích hoạt định danh điện tử, vị “Công an xã” còn cho biết bà L. đang bị một ngân hàng có chi nhánh ở quận Tây Hồ đòi nợ số tiền 66 triệu đồng!
Giật mình, bà L. quả quyết chưa bao giờ vay nợ ngân hàng, thì “vị Công an xã” hướng dẫn là sẽ cho số điện thoại của bà L. đến cán bộ Công an thành phố Hà Nội để trao đổi thêm, và sẽ hướng dẫn bà L. làm tường trình, khẳng định không liên quan đến số tiền 66 triệu đồng.
Ít phút sau đó, 1 người khác, tự xưng là “cán bộ Công an thành phố Hà Nội”, gọi điện thoại cho bà L. Sau khi cam kết sẽ hướng dẫn, đảm bảo bà L. vô can trong việc nợ tiền, vị “cán bộ Công an thành phố Hà Nội” yêu cầu bà L. phải chuyển 66 triệu đồng qua tài khoản để chứng minh không nợ tiền! Sau khi chứng minh xong, bà L. sẽ được nhận lại đủ 66 triệu đồng.
Đến lúc này, bà L. tinh ý nhận ra ngay chiêu trò lừa đảo của đối tượng xấu mà bà từng được Công an xã Xuân Nộn đến tận nhà tuyên truyền. Người phụ nữ lập tức tìm cách thông tin đến Công an xã.
Trong giai đoạn cao điểm nỗ lực phủ xanh tài khoản định danh trên môi trường điện tử, các đối tượng xấu sẽ lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo. Cơ quan công an Thành phố Hà Nội và các địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu liên quan đến chuyển tiền để giải quyết vụ án, hay đơn kiện. Đây hoàn toàn là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu. Cơ quan công an không giải quyết công việc qua điện thoại mà sẽ mời công dân trực tiếp tới trụ sở làm việc. Do đó, người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo và không làm theo yêu cầu của các đối tượng xấu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming