Cảnh báo đáng sợ về thảm họa môi trường từ chính đồ dùng vốn rất quen thuộc với chúng ta
Thứ chúng ta đang dùng hằng ngày tưởng chừng vô hại nhưng tiềm ẩn rủi ro gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn chẳng thua kém gì những nhà máy công nghiệp xả thải.
Trên chiếc bàn trải tấm thảm màu xanh quen thuộc, Titus Green tỉ mỉ cầm bộ tuốc nơ vít tháo từng chiếc ốc ra để sửa chữa, “mông má” điện thoại cũ. Nơi đây là một nhà kho công suất xử lý hơn 900 tấn chất thải điện tử mỗi năm.
Green năm nay 22 tuổi, làm việc cùng một nhóm tại trung tâm thu gom rác thải điện tử Green Citizen ở Vịnh San Francisco, Mỹ. Mỗi ngày, nơi đây tân trang lại khoảng 30 chiếc điện thoại di động để đưa trở lại thị trường làm bạn với những vị khách mới.
Nếu thiết bị điện tử không bị đạp nát cho tan tành thì nhiều khả năng, chúng sẽ được các thợ “đại tu” rồi bán lại bằng cách này hay cách khác. Những món đồ Green Citizen xử lý cũng khá đa dạng, từ máy tính, điện thoại cũ cho tới máy may loại cổ. Khoảng 21% trong đó sẽ có “cơ hội” lột xác lần nữa, 79% số còn lại sẽ bị lột tung để tận dụng những chi tiết còn dùng được, phần lớn là dây cáp, bo mạch chủ, kim loại…
Bảng mạch và pin được phân loại riêng thành từng thùng. Công nhân sẽ lựa ra kim loại, nhựa để bán. Nhưng họ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại từ đồ điện tử.
Kẻ sát nhân mang tên điện thoại di động
Chất thải điện tử trở thành bài toán mang tính toàn cầu. Những hố rác điện tử khổng lồ rất khó kiểm soát, các hóa chất độc hại theo đường không khí, đất và nước có thể hủy hoại môi trường sống.
Niken, Cadmium, thủy ngân và chì là các chất vô cùng độc có thể gây nguy hiểm cho con người. Phải mất từ 20 năm trở lên để chúng phân hủy hoàn toàn.
Lấy Lithium làm ví dụ, thành phần chính tạo nên pin điện thoại di động. Chất này gây tổn hại nghiêm trọng tới hệ thần kinh và các cơ quan khác. Niken, cadimi và bạc cũng nguy hiểm không kém.
“Ném một chiếc điện thoại vào thùng rác đã là việc làm vô cùng nghiêm trọng rồi. Nếu đó là 100 chiếc thì chẳng khác gì một thảm họa môi trường cả”, CEO Steve Manning của nhà bán lẻ điện thoại ReCellular cảnh báo.
Không riêng gì chất thải kể trên, ngay cả điện thoại cũ đem đi cho hoặc tái chế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các thành phần quá hạn sử dụng dễ phát tán chất độc hại, gây nguy cơ cháy nổ, nhiễm độc hóa chất. Công tác xử lý đồ điện tử vì thế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một số công ty tại Mỹ xử lý chất thải điện tử ngay trong nước, số khác lại đẩy chúng ra nước ngoài, nơi mà luật môi trường còn lỏng lẻo, thậm chí, công nhân không được trang bị đồ bảo hộ đạt chuẩn.
Thế giới có thể biến thành bãi rác điện tử khổng lồ
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), công tác chôn lấp chất thải điện tử rắn ở nước này được triển khai theo đúng quy trình, đảm bảo không phát sinh sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều đó chưa đảm bảo cho sự an toàn của môi trường sống trong tương lai.
Mỗi năm, hàng triệu thiết bị mới được xuất xưởng. Thế giới phải gồng mình đào lên hàng đống tài nguyên khoáng sản và tiêu hao nguồn năng lượng lớn. Cùng với đó, rác thải từ quá trình sản xuất và cả những sản phẩm cũ đặt ra bài toán xử lý cho doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng. Những chất phóng xạ là không thể coi thường. Nỗi ám ảnh về thảm họa môi trường gây ra bởi đồ điện tử luôn hiện hữu trong tâm trí mỗi người.
Theo báo cáo của EPA năm 2009, Mỹ tạo ra tới 2,37 triệu tấn chất thải điện tử mỗi năm. Cơ quan này ước tính, nếu đem tái chế 1 triệu máy tính xách tay thì nước Mỹ tiết kiệm được lượng điện đủ phục vụ cho khoảng 3.657 hộ gia đình.
Ngay như những chiếc điện thoại di động nhỏ như vậy cũng tạo ra lượng chất thải khổng lồ. Rất khó để thống kê chính xác có bao nhiêu thiết bị đem đi tiêu hủy, tái chế hoặc bán lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể đưa ra dự đoán khá gần với thực tế nhờ những dữ liệu thu thập được.
EPA ước tính, người Mỹ bỏ đi khoảng 13 triệu điện thoại di động mỗi năm. Con số này ngày càng lớn do lượng người dùng điện thoại như phương tiện giao tiếp chính tiếp tục tăng.
Rất may, các doanh nghiệp nhanh chóng nhận ra nguồn lợi từ đồ điện tử cũ. Họ lập website mua lại điện thoại từ người dùng, sau đó tái chế giống mô hình Green Citizen đang làm.
Tuy nhiên, nhu cầu xử lý thực tế cao hơn gấp nhiều lần. CEO Steve Manning của ReCellular cho biết, thế giới tiêu thụ khoảng 1,7 tỷ điện thoại mỗi năm, trong đó chỉ 9-10% được thu gom xử lý, tái chế lại. Ở Mỹ, con số này là gần 340 triệu chiếc và khoảng 10-12% lượng máy có cơ hội trở lại thị trường. Điều đó cho thấy, tương lai sẽ cần thêm lượng lớn trung tâm xử lý như Green Citizen mới đủ sức đảm đương khối công việc khổng lồ khi toàn bộ số điện thoại đó hết hạn sử dụng.
EPA ước tính, cứ mỗi triệu chiếc điện thoại tái chế ở Mỹ thu về 16 tấn đồng, 350 kg bạc, 34 kg vàng và 15 kg palladium mà không phải tốn công đào bới ở các mỏ.
Kịch bản khác là điện thoại tân trang được bán rẻ hoặc cho tặng. “Bạn có thể gộp 2 chiếc điện thoại hỏng thành một chiếc hoàn thiện”, James Kao, người sáng lập và là CEO của Green Citizen tiết lộ.
Kate Pearce, chuyên gia tư vấn và chiến lược tại Compass Intelligence cho biết, ngành công nghiệp xử lý rác thải điện tử rất hứa hẹn với giá trị ước tính lên đến 900 triệu USD mỗi năm.
Điện thoại là mặt hàng khá đặc biệt vì nếu tách các chi tiết ra riêng, bạn khó có thể mang đi bán lại. Niken, sắt thép, thủy tinh, nhựa hay vật liệu giá trị khác sẽ bị nấu chảy. Nhưng nếu biết cách, các công ty có thể thu về khoản lợi nhận lớn, đồng thời góp phần giảm áp lực môi trường trên toàn thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?