Nếu thiếu cảnh giác, người dân rất dễ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo thông qua các đường link, ứng dụng giả mạo.
- Bí mật khiến 4/5 ứng dụng được tải nhiều nhất ở Mỹ là của Trung Quốc: Chiến thuật 'đua ngựa' và 'thêu dệt' hệt như cách họ trở thành công xưởng thế giới
- Ứng dụng nguy hiểm nhăm nhe tài khoản ngân hàng, những ai hay xem YouTube cần đặc biệt chú ý!
- Vén màn loạt chiêu trò đáng sợ đằng sau ứng dụng vay tiền online: Các con nợ bị gài bẫy, săn lùng tới mức tự tử như thế nào?
- Pháp cấm cài ứng dụng giải trí trên điện thoại công vụ
- CEO Nguyễn Tử Quảng: Bkav đã thử nghiệm thành công một việc nhờ công nghệ giống ChatGPT, sẽ ứng dụng trên Bphone
Thời gian gần đây, chiêu thức lừa đảo tưởng chừng đã quá quen thuộc lại được tội phạm mạng tiếp tục sử dụng để đe doạ, yêu cầu người dùng cả tin tải về ứng dụng giả mạo. Nhiều người không biết đã làm theo những hướng dẫn của đối tượng lừa đảo và hậu quả là mất số tiền lớn trong tài khoản.
Điều nguy hiểm là những phần mềm gián điệp này thường được phát tán thông qua các trang web giả mạo cơ quan chức năng, thậm chí còn có cả trang web giả mạo Bộ Công an. Tội phạm mạng sau khi đã lừa được người dùng cài đặt ứng dụng, sẽ thu thập cả những thông tin nhạy cảm như mã số OTP (mật khẩu dùng một lần khi giao dịch trực tuyến) và lừa lấy tiền của nạn nhân.
Bộ Công an từng nhiều lần cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác trước những đường link, ứng dụng lạ vì nếu kích vào (hoặc tải về) sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của tin tặc và bị chiếm đoạt thành công tiền trong tài khoản ngân hàng
Gần đây nhất là trường hợp ông Chu Văn S, giáo viên 1 trường tiểu học ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết đã có đơn trình báo gửi các cơ quan chức năng về việc bị kẻ xấu lừa đảo gần 1 tỷ đồng. Trong một kịch bản được dàn dựng tinh vi, những kẻ lừa đảo giả mạo cơ quan chức năng thông báo rằng ông S có liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng, và hướng dẫn giáo viên này tải một phần mềm Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (giả mạo).
Khi mở ra, ông S tá hỏa khi thấy trong đó có thông tin của cá nhân mở tài khoản rửa tiền tại Đà Nẵng cùng quyết định bắt tạm giam, thời hạn tạm giam 90 ngày để phục vụ điều tra. Nghe theo lời dụ dỗ nếu huy động được nhiều tiền trong tài khoản để đảm bảo khả năng tài chính của mình thì sẽ sớm được minh oan, ông S đã vay mượn được số tiền 965 triệu đồng từ anh em, bạn bè người thân để chuyển vào tài khoản của mình. Số tiền này sau đó đã bị kẻ gian khoắng sạch.
Thực tế, nhiều trường hợp bị mất tiền tỷ tương tự ông S đã từng được ghi nhận trước đó. Vào tháng 10/2020, lực lượng Công an đã cảnh báo phần mềm gián điệp, được các đối tượng sử dụng nhằm lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại hệ điều hành Android.
Theo đó, phần mềm gián điệp này được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại mang tên "Bộ Công an". Đây là thủ đoạn sử dụng phần mềm gián điệp để lừa đảo, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản đặc biệt nguy hiểm. Nếu người dùng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.
Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được phần mềm gián điệp kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn có thể điều khiển điện thoại di động của người dùng từ xa như: soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng Internet, truy cập Wi-Fi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi mà chủ điện thoại không hề hay biết.
Điển hình đã có vụ việc, các đối tượng âm thầm theo dõi nội dung tin nhắn, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại ra nước ngoài.
Ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an (Ảnh: Bộ Công an)
Các tin nhắn chứa mã OTP, các cuộc điện thoại xác nhận của nhân viên ngân hàng đều bị phần mềm gián điệp chuyển trực tiếp cho các đối tượng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc cấc đối tượng rút tiền của chủ thẻ mà nạn nhân không nhận ra.
Trang thông tin chính thức của Bộ Công an là Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an chỉ sử dụng 02 tên miền chính thức là: mps.gov.vn và bocongan.gov.vn, mọi tên miền khác nhân danh Bộ Công an đều là giả mạo.
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm mạng; tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống. Không cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận.
Nếu người dùng điện thoại hệ điều hành Android đã cài đặt ứng dụng giả mạo "Bộ Công an" nêu trên, cần nhanh chóng kiểm tra, thông báo ngay cho ngân hàng qua tổng đài hỗ trợ 24/7 và trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple chính thức mở bán Mac mini M4 tại Việt Nam: Chip M4 và M4 Pro, RAM khởi điểm 16GB, giá ưu đãi từ 12.5 triệu đồng
Người dùng hiện sẽ phải chờ khoảng 2 đến 3 tuần để nhận máy.
Cầm Sony 85mm F/1.4 GM II giá 50 triệu du hí bắc Thái Lan và đây là những gì tôi chụp được