(NLĐO)- Dù tình trạng lừa đảo bằng gửi link chứa mã độc không mới nhưng hình thức này đã dần tinh vi hơn đã khiến nhiều người sập bẫy, nhất là vào dịp Tết.
Chị H.K.H, nhân viên văn phòng tại TP HCM cho biết mới đây đã bị hack tài khoản Facebook do nhấp vào đường link trong một hội nhóm Zalo liên quan đến cách bán hàng hiệu quả trên thương mại điện tử. Đáng chú ý, dù đã rất cẩn thận nhưng chị vẫn "dính bẫy".
Cụ thể, chị cho hay do có nhu cầu kiếm thêm thu nhập và tận dụng ngay dịp Tết nên đã tập tành, học hỏi các chiêu, thủ thuật bán hàng online trên thương mại điện tử trên một số hội nhóm có lượng người theo dõi khá lớn, từ 30.000 thành viên trở lên của Facebook.
Ở dưới phần bình luận những bài viết hướng dẫn kinh doanh, đa phần đều có những đường link truy cập vào hội nhóm Zalo gần 200 người để hướng dẫn, tương tác nhiều hơn. Sợ bị lừa và hack tài khoản, chị đã dùng tài khoản "sơ cua" truy cập thử và thấy an toàn.
Sau đó, chị dùng tài khoản chính để tham gia group Zalo này và được đề nghị truy cập vào đường link để tài file PDF về những điều cần lưu ý khi bán hàng online và đăng nhập bằng tài khoản Facebook để xem. Bất ngờ, vài tiếng sau Facebook chị bất ngờ không thể truy cập được nữa.
"Tôi đã rất cảnh giác nhưng vẫn bị lừa do hình thức quá tinh vi. Những đối tượng lừa đảo đã dùng tài khoản của tôi để đi hỏi các bạn bè trên Facebook vay tiền, một số người đã mất tiền nhưng không đáng kể. Dù vậy, tôi muốn khuyến cáo mọi người không nên truy cập vào đường link lạ trên mạng xã hội"- chị H. nói.
Anh L.H, ngụ TP HCM cho hay gần đây đã nhận được nhiều tin nhắn đề nghị xác minh tài khoản bằng đường link lạ trên các nền tảng Facebook và Telegram. Đây là những tin nhắn của tin tặc để tìm cách chiếm quyền tài khoản mạng xã hội. Trước đó, anh cũng đã bị hack tài khoản mạng xã hội.
"Người dùng tuyệt đối không click vào những đường dẫn lạ, dù đó là từ tài khoản quen hay lạ mà chưa được xác minh đó là chính chủ"- anh L.H khuyến cáo.
Chị D.H, ngụ TP HCM cho biết gần đây xảy ra tình trạng mạo danh nhân viên điện lực và gửi đường link lạ qua Zalo để lừa đảo.
Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện cho khách hàng rằng chưa đóng tiền điện và yêu cầu chứng minh bằng hóa đơn. Sau khi chứng minh, đối tượng đó đề nghị khách hàng thanh toán bằng đường link để xóa nợ do điện lực không còn liên kết ngân hàng. Nếu không sẽ bị cắt điện.
Sau khi nhấp vào đường link và QR code do đối tượng lừa đảo gửi, người dùng sẽ bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Theo báo cáo mới đây của cơ quan chức năng, trong tháng 8-2024, cả nước xảy ra 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng hơn 11%. Đáng chú ý, quá nửa số vụ việc là lừa đảo qua không gian mạng.
Theo các chuyên gia công nghệ, phần lớn các đường link lạ trên mạng xã hội hiện nay chứa mã độc. Khi nhấp vào đường link này, dù chưa thao tác nhưng đối tượng lừa đảo vẫn có thể cài mã độc lên thiết bị của người dùng thông qua các lỗ hổng trình duyệt.
Sau đó, chúng sẽ đánh cắp dữ liệu tài khoản cá nhân, đặc biệt liên quan đến tài khoản ngân hàng và mạng xã hội.
Do đó, để tránh bị lộ thông tin cá nhân và nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân hạn chế tối đa vào những đường link và QR code lạ.
Ngoài ra, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã xác thực OTP cho bất kỳ ai trên mạng. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming