Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người

    Thanh Long,  

    Năm 2021, một sự cố tương tự đã xảy ra dẫn đến cái chết của một nhà khoa học thứ hai tại Pháp, người cũng được xác nhận nhiễm prion "thây ma" từ phòng thí nghiệm. Đồng loạt các viện nghiên cứu tại Pháp sau đó đã phải ra lệnh tạm dừng nghiên cứu prion, vì phân tử này quá nguy hiểm.

    Trong những cánh rừng yên bình và rộng lớn ở miền bắc nước Mỹ, một hiện tượng kỳ lạ đang diễn ra: Những con hươu, nai sừng tấm và cả tuần lộc khổng lồ đang chạy nhảy hoạt bát bỗng dần trở nên lờ đờ, run rẩy và đi đứng loạng choạng.

    Điều đặc biệt là lúc nào chúng cũng cúi gằm mặt xuống đất. Thi thoảng lắm mới có một khoảnh khắc, những con thú chân guốc này ngẩng đầu lên vì bị thu hút bởi ánh đèn pha ô tô. Nhưng cũng chính lúc đó, đôi mắt vô hôn và cái miệng lở loét chảy đầy dãi của chúng mới lộ ra - một cách ghê rợn và đầy đáng sợ.

    Nó khiến bất kỳ ai vô tình nhìn thấy những con thú móng guốc này đều phải tự hỏi: Liệu chúng có đột nhiên tăng tốc, lao thẳng về phía xe ô tô và cố gắng húc đầu vào cửa kính để cắn mình hay không?

    Trông những con vật này chẳng khác nào "zombie", hay những thây ma đi bộ trên mặt đất.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 1.

    Thi thoảng lắm mới có một khoảnh khắc, những con thú chân guốc này ngẩng đầu lên vì bị thu hút bởi ánh đèn pha ô tô. Nhưng cũng chính lúc đó, đôi mắt vô hôn và cái miệng lở loét chảy đầy dãi của chúng mới lộ ra - một cách ghê rợn và đầy đáng sợ.

    "Hươu thây ma"

    Đó là cái tên mà các nhà khoa học đặt cho những con hươu mắc một chứng bệnh kỳ lạ gọi là Chronic wasting disease (CWD) hay bệnh suy mòn mạn tính. Căn bệnh bắt đầu từ một mảnh vật chất nhỏ bé bên trong não bộ con vật gọi là prion.

    Prion là những hạt protein không chứa vật chất di truyền hoặc chỉ chứa một mảnh RNA hoặc DNA quá ngắn, không đủ để mã hóa bất kỳ thông tin di truyền nào trong cơ thể. Các nhà khoa học vì vậy không biết những mảnh vật chất này phục vụ nhiệm vụ nào trong cơ thể sinh vật sống.

    Họ chỉ biết rằng chúng thường lảng vảng khắp nơi trong não bộ và tủy sống của động vật, bao gồm cả con người chúng ta. Phần lớn thời gian prion tỏ ra vô hại. Nhưng vì một sự kiện nào đó không rõ, một prion có thể đột biến để trở thành thứ mà các nhà khoa học gọi là prion "thây ma".

    Khi một prion thây ma tìm thấy một prion bình thường khác trong cơ thể, nó sẽ lao vào "cắn" prion bình thường này. Ngay lập tức, prion bình thường sẽ bị biến tính thành prion "thây ma":

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 2.

    Prion biến protein cạnh chúng thành prion "thây ma".

    Cứ thế, các prion thây ma liên tục được hình thành. Số lượng của chúng tăng lên theo cấp số nhân, giống như một trận lở tuyết. Khi các prion mới ngày càng được tạo ra nhiều hơn, chúng tích tụ lại và sinh ra các protein bất thường gọi là amyloids.

    Amyloids lớn dần lên trong mô não, biến thành một bong bóng. Nó cứ lớn dần, lớn dần, đến khi căng quá mức, Amyloids sẽ phát nổ để lại những lỗ hổng lỗ chỗ trong não, biến bộ não của sinh vật thành một miếng bọt biển.

    Đó chính là những gì đang xảy ra trong não bộ của hàng chục ngàn con hươu thây ma ở Bắc Mỹ, đẩy chúng vào tình trạng mất chức năng sống, lờ đờ và chảy dãi. Bất cứ khi một con hươu nào khác tiếp xúc với mô cơ thể hoặc dịch tiết của con hươu đã nhiễm bệnh, chúng cũng sẽ nhiễm bệnh.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 3.

    Những lỗ hổng lỗ chỗ trong não biến bộ não của sinh vật thành một miếng bọt biển.

    Một điều khủng khiếp nữa là vì tác nhân gây bệnh là prion chứ không phải vi khuẩn, các phân tử này không thể bị giết chết ngoài tự nhiên, vì bản thân ngay từ đầu chúng đã không sống để có thể bị chết.

    Một con hươu chết vì bệnh suy mòn mạn tính sẽ tiếp tục lây lan căn bệnh của mình cho các con hươu khác tiếp xúc với những prion bệnh còn trong thịt, nhung hoặc gạc chưa phân hủy hết của nó sau ít nhất 3 năm.

    Các loài chim hoặc động vật ăn xác thối góp phần vào quá trình này, khi chúng có thể phân tán prion bệnh đi khắp nơi. Prion thấm vào đất và nước có thể tiếp tục vòng đời lây nhiễm của chúng trong các loài thực vật và động vật uống phải nguồn nhiễm bệnh.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 4.

    Vòng đời lây bệnh bất tận của prion.

    Và khi xác những con vật này được ướp trong formaldehyde như một hoạt động bảo quản mẫu vật để nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy prion thậm chí có thể trở nên bất tử.

    Nếu nó là vi khuẩn, virus hoặc một mầm bệnh sống, nó chắc chắn sẽ bị giết chết bởi dung dịch ướp xác.

    Nhưng prion là protein, nó không phải một sinh vật, thứ mầm bệnh này không hề bị hư hại trong formaldehyde và có thể được kích hoạt trở lại để tiếp tục lây nhiễm sau hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ.

    Nguy cơ lây nhiễm sang người

    Năm ngoái, một nghiên cứu trên tạp chí Neurology báo cáo trường hợp của 2 thợ săn ở Mỹ tử vong sau khi ăn thịt nai trong một quần thể nhiễm prion. Người đàn ông thứ nhất 72 tuổi, xuất hiện các triệu chứng bao gồm lú lẫn, co giật, kích động và có các cơn hung hăng kịch phát. Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn tử vong trong vòng 1 tháng.

    Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm sau đó xác nhận sự hiện diện của prion gây bệnh trong não người đàn ông. Một người đàn ông khác cũng là thợ săn trong nhóm với người đàn ông này cũng xuất hiện triệu chứng tương tự và qua đời sau đó.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện vẫn rất thận trọng trong việc kết luận đây có đúng là những ca bệnh "hươu zombie" lây nhiễm trên người đầu tiên hay không, bởi họ không thể xác nhận thịt nai mà những người đàn ông này đã ăn có bị nhiễm bệnh.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 5.

    Năm ngoái, một nghiên cứu trên tạp chí Neurology báo cáo trường hợp của 2 thợ săn ở Mỹ tử vong sau khi ăn thịt nai trong một quần thể nhiễm prion.

    Mặc dù vậy, việc prion lây nhiễm người là hoàn toàn có thể xảy ra, và đã từng được xác nhận trước đây.

    Khoảng đầu những năm 2000, một người phụ nữ 55 tuổi đến bệnh viện ở Hà Lan và phàn nàn với vị bác sĩ rằng đầu óc của mình dạo này có vẻ không được tốt. Cô ấy hay bị mất tập trung khi làm việc và trí nhớ thì đang ngày một tệ dần đi.

    Thỉnh thoảng, người phụ nữ sẽ nghe được những âm thanh kỳ lạ trong tai mình và thấy những thứ không tồn tại trước mắt. Những ảo giác và tình trạng này tiến triển rất nhanh chóng. Không lâu sau người phụ nữ bắt đầu gặp khó khăn khi nói chuyện, và rồi một ngày cô ấy trở nên câm lặng.

    Ban đầu, các bác sĩ nghĩ rằng đó chỉ là những dấu hiệu của bệnh Parkinson. Nhưng 27 tháng sau đó, nữ bệnh nhân đã tử vong với một dòng nước dãi chảy ra từ miệng không thể kiếm soát, cùng với những cơn co giật và cử động không điều hòa.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 6.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 7.

    Sau khi mổ thi thể cô ấy ra khám nghiệm, các bác sĩ thấy não của người phụ nữ chứa đầy những lỗ thủng lỗ chỗ như bọt biển. Khi ấy, căn bệnh được gọi là "bệnh não xốp truyền nhiễm".

    Nhưng 8 năm sau, hồ sơ tử vong bất thường của người phụ nữ này đã được lật lại và một nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc điều tra kỹ càng hơn. Họ lấy mô não của người phụ nữ được bảo quản trong formaldehyde, nghiền nó ra và trộn vào dung dịch tiêm để tiêm vào 8 con chuột thí nghiệm.

    Kết quả, 4 con trong số đó bắt đầu phát triển các triệu chứng giống hệt với người phụ nữ đã chết. Não của chúng cũng bị đục ruỗng như bọt biển. Nguyên nhân cuối cùng mới được tìm ra chính xác là prion.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 8.

    Năm 2019, một nữ nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm với prion tại Pháp cũng được xác định tử vong sau khi nhiễm bệnh do phân tử "thây ma" này gây ra.

    Nhà khoa học tên là Émilie Jaumain, 32 tuổi, báo cáo các triệu chứng đau rát chạy dọc hai bên vai và một bên cổ bên phải. Sau đó, trí nhớ của cô giảm sút. Émilie liên tục gặp ảo giác thị giác và những cơn cứng cơ xuất hiện khắp cơ thể.

    Các triệu chứng hành hạ nữ nhà khoa học 19 tháng trước khi cô ấy tử vong. Điều đáng nói là sự kiện lây nhiễm dường như đã diễn ra từ 8 năm trước đó, từ khi Émilie mới 24 tuổi khi đs còn đang làm nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm.

    Cô ấy đã vô tình đâm một chiếc kẹp gắp mô não chuột vào tay mình. Và đó chính là những con chuột nhiễm prion.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 9.

    Năm 2021, một sự cố tương tự đã xảy ra dẫn đến cái chết của một nhà khoa học thứ hai tại Pháp, người cũng được xác nhận nhiễm prion "thây ma" từ phòng thí nghiệm. Đồng loạt các viện nghiên cứu tại Pháp sau đó đã phải ra lệnh tạm dừng nghiên cứu prion, vì nó quá nguy hiểm.

    Bệnh bò điên và những gì xảy ra ở một bộ lạc ăn thịt người

    Những sự cố xảy ra trong phòng thí nghiệm với prion những năm gần đây, trên thực tế, chỉ là một trong số những con đường để prion lây nhiễm sang người. Khi càng đào sâu vào lịch sử y văn, bạn sẽ càng thấy prion hiện ra như một bóng ma đáng sợ và rùng rợn.

    Và nó đã ở đó, từ rất lâu, chờ đợi những nạn nhân xấu số tiếp theo.

    Câu chuyện nổi tiếng nhất về những phân tử này đưa chúng ta quay trở lại thập niên 1950, khi hai nhà khoa học Vincent Zigaz người Úc và Carleton Gajdusek người Mỹ đang làm việc trên một hòn đảo của Papua New Guinea ngoài khơi Châu Đại Dương.

    Bộ đôi phát hiện ra hơn 2.600 thổ dân ở đây đang cùng mắc phải một căn bệnh kỳ lạ. Họ đi không vững, mất khả năng phối hợp động tác, đầu thì lúc nào cũng run rẩy và hay cười một cách vô cớ.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 10.

    Một đứa trẻ nhiễm bệnh kuru ở Papua New Guinea.

    Zigaz và Gajdusek đặt tên cho căn bệnh là "kuru", trong tiếng địa phương nó có nghĩa là "run rẩy". Phụ nữ và trẻ em là đối tượng mắc kuru nhiều nhất.

    Zigaz và Gajdusek sau đó phát hiện ra tất cả những người có triệu chứng kuru hóa ra đều đã từng tham gia một nghi lễ rùng rợn: Họ ăn thịt người chết trong đám tang với niềm tin điều này sẽ giúp linh hồn họ được giải thoát.

    Trong nghi lễ, phụ nữ và trẻ em thường được chia cho phần não của thi thể vì nó mềm và dễ ăn nhất. Nhưng não bộ cũng là nơi mà những phân tử prion trú ngụ. Nếu nó đã giết chết một người thổ dân ở Papua New Guinea, phân tử này sau đó sẽ tiếp tục giết chết những người đã ăn xác của họ trong nghi lễ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.

    Một đoạn phim tài liệu về bệnh kuru.

    Ngưỡng tưởng căn bệnh quái đản chỉ lây nhiễm những bộ tộc ăn thịt người man rợ ở giữa Thái Bình Dương xa xôi, nhưng đến thập niên 1980, nó đột nhiên xuất hiện ngay giữa Châu Âu, cụ thể là tại nước Anh.

    Hàng trăm bệnh nhân nhân có các triệu chứng giống với bệnh kuru đã được phát hiện lẻ tẻ từ năm 1980 đến năm 1996. Và người ta cho rằng nguồn gốc căn bệnh là do họ ăn phải thịt bò nhiễm prion gây bệnh.

    Những con bò cũng có não bị biến thành bọt biển, gây ra các triệu chứng như run rẩy, mất thăng bằng, trở nên hung hăng và bị kích động thái quá. Vì những triệu chứng này, chúng còn được gọi là bò điên.

    Một bệnh nhân nhiễm prion không thể kiểm soát được hệ vận động trên cơ thể mình

    Người ăn phải thịt bò điên cũng có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng tâm thần, thay đổi hành vi, mất khả năng vận động. Nguyên nhân được xác định là do prion truyền từ bò sang người, phá hủy não bộ và biến não bệnh nhân thành bọt biển.

    Prion có thể âm thầm tồn tại trong cơ thể người bệnh hàng thập kỷ, sau đó lây sang cho người khác thông qua việc truyền máu. Vì vậy mà tại nhiều quốc gia như Pháp, Ba Lan và Cộng hòa Séc, những công dân được xác định là đã từng ở Anh trên 6 tháng bất kỳ giữa khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1996, đều sẽ bị cấm hiến máu đến suốt đời.

    Nhưng ngay cả khi lệnh cấm nghiêm ngặt ấy đã được ban hành, người ta vẫn không thể bịt lại con đường mà những phân tử thây ma có thể lây nhiễm. Vì prion được cho là cũng có thể di truyền.

    Người phụ nữ 55 tuổi ở Hà Lan, tử vong vì prion đầu những năm 2000, trên thực tế đã được xác định là bị di truyền prion từ mẹ mình, người cũng đã tử vong với triệu chứng mất trí nhớ, thay đổi tính cách, gặp ảo giác và mất khả năng vận động.

    Một bệnh nhân nhiễm prion năm 2020 bị mất khả năng vận động

    Những người nhiễm prion do di truyền thường đột nhiên gặp các rối loạn chức năng liên quan đến tiểu não với dáng đi không ổn định, rối loạn phát âm và có hiện tượng rung giật nhãn cầu. Một số bệnh nhân nhiễm prion thể này bị liệt một bên mắt, bị điếc hoặc sa sút trí tuệ trước khi căn bệnh giết chết họ sau khoảng 5 năm rưỡi.

    Và trong một thể prion di truyền kỳ lạ nhất, bệnh nhân thường gặp một chứng mất ngủ kinh niên, gặp ảo giác, mê sảng và tử vong sau khoảng 18 tháng bị hành hạ liên tục như vậy.

    Tỷ lệ tử vong là 100%

    Hiện không có bất kỳ một phương pháp chữa trị hiệu quả nào cho bệnh nhân nhiễm prion.

    Các phân tử thây ma này có thể âm thầm tồn tại trong cơ thể người bệnh hàng thập kỷ, nhưng một khi nó đã gây ra triệu chứng, các bác sĩ gần như không thể làm gì để ngăn chặn nó.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 11.

    Đó là bởi prion khác với virus và vi khuẩn, nó không có DNA hoặc RNA là thứ mà thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus thường nhắm tới để tiêu diệt mầm bệnh. Lõi của prion chỉ chứa 142 axit amin, và các axit amin này thậm chí không thể bị enzyme phân giải protein thông thường phân giải.

    Chúng có có thể tồn tại tới 2 giờ ở nhiệt độ 200 độ C. Vì vậy mà prion trong thịt bò điên dù đã nấu chín vẫn có thể lây bệnh cho người ăn phải nó. Thứ phân tử thây ma này thậm chí có thể sống được cả dưới phóng xạ, nó gần như là bất tử.

    Bên trong phòng thí nghiệm và các bệnh viện, quy trình khử prion hiện nay đã được cho là quy trình làm sạch khắc nghiệt nhất hành tinh. Một chiếc dao mổ hoặc nhíp kẹp mẫu bệnh phẩm chứa prion phả được rửa bằng natri hydroxit và chất tẩy, đặt trong nồi hấp có nhiệt độ và áp suất cao.

    Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng không chắc khử được 100% prion bám trên bề mặt của chúng. Tổ chức Y tế Thế giới vì thế khuyến nghị mọi thiết bị hoặc dụng cụ y tế nghi nhiễm prion đều phải được tiêu hủy hoàn toàn.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 12.

    Hàng chục ngàn con hươu đang bị nhiễm prion và đi bộ lang thang ở các tiểu bang phía bắc Hoa Kỳ. Chúng đang có nguy cơ trở thành hàng chục ngàn nguồn bệnh tiềm ẩn khả năng lây nhiễm prion sang cho con người.

    Với tất cả những sự nguy hiểm đã được biết đến của prion trong quá khứ, các nhà khoa học đang đặc biệt đặt sự chú ý của họ vào dịch bệnh "hươu zombie" đang lan tràn ở Bắc Mỹ.

    Hàng chục ngàn con hươu đang bị nhiễm prion và đi bộ lang thang ở 32 tiểu bang của Hoa Kỳ. Chúng đang có nguy cơ trở thành hàng chục ngàn nguồn bệnh tiềm ẩn khả năng lây nhiễm prion sang cho con người.

    Năm 2022, các nhà khoa học tại tiểu bang Wyoming đã tiến hành xét nghiệm prion trong 6.701 mẫu thịt hươu, nai và nai sừng tấm mà thợ săn bắt được. Kết quả cho thấy 800 mẫu dương tính với prion.

    Tỷ lệ hiện là 12%.

    Liên minh vì Động vật hoang dã Công cộng Hoa Kỳ ước tính người Mỹ đang tiêu thụ từ 7.000-15.000 động vật nhiễm prion mỗi năm. Và con số dựa kiến sẽ tăng thêm 20% sau mỗi năm, trong khi, ước tính này đã được thực hiện từ năm 2017.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 13.

    Cảnh giác trước Prion: Một căn bệnh "zombie" có khả năng lây nhiễm loài người- Ảnh 14.

    Vấn đề với việc ăn thịt hươu nai nhiễm bệnh là prion sau khi nhiễm sang người sẽ không phát tác ngay lập tức. Nó có thể âm thầm ủ bệnh trong cơ thể họ hàng chục năm. Nó có thể di truyền sang con cái những người đã nhiễm prion trong thế hệ này.

    Vì vậy, chỉ có thời gian mới trả lời được cho chúng ta biết, một đại dịch bò điên mới trên người, một quần thể nhiễm bệnh kuru mới đã được gieo mầm ngay tại thời điểm này hay chưa?

    Những con hươu thây ma đi bộ ở Bắc Mỹ ngày hôm nay, có thể trở thành một phần lịch sử của hàng chục năm sau, nếu sự lây truyền sang người của chúng được xác nhận. Chúng sẽ trở thành một chương mới trong y điển của loài người, một phần của tác nhân gây bệnh đáng sợ và rùng rợn nhất đang tồn tại trên hành tinh: Prion.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày