Canh tác khô – một hướng đi cho nông nghiệp nhằm ứng phó biến đổi khí hậu

    Lê Tuấn Anh,  

    Giảm thiểu lượng nước tưới tiêu trong nông nghiệp sẽ góp phần bảo vệ nguồn nước sạch đang ngày càng khan hiếm trên thế giới.

    Hiện nay, chúng ta sử dụng hơn 2/3 lượng nước cho nông nghiệp. Vấn đề sử dụng nước sạch tiết kiệm và hợp lý càng cấp thiết hơn khi Liên Hợp Quốc dự đoán đến năm 2025, khoảng hơn 65% dân số thế giới sẽ phải sống trong tình trạng khan hiếm nước.

    Thực tế, nước sạch chỉ chiếm 3% nguồn nước của hành tinh với khoảng 75% được lưu trữ trong các sông băng.

    Vì vậy, chúng ta nên trân trọng từng giọt nước, quan tâm đến cách giảm lượng nước sử dụng ở mọi lĩnh vực, không chỉ riêng nông nghiệp.

    Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành nuôi sống thế giới. Vậy chúng ta có thể trồng trọt, chăn nuôi như thế nào để tiết kiệm nước?

    Canh tác khô (Dry farming)

    Ngày nay, có những trang trại không cần đất, hệ rễ của cây được phun sương (khí canh), tiết kiệm tới 95% lượng nước so với trồng trong đất và tưới tiêu thông thường. Liên Hợp Quốc ước tính dân số sẽ đạt gần 10 tỷ người vào năm 2050, trong đó đa số sống ở khu vực đô thị. Để cung cấp đủ lương thực cho số dân đó, chúng ta đang tăng cường tìm kiếm các giải pháp công nghệ.

    Canh tác khô là một phương pháp không cần tưới tiêu. Cây được kích thích để rễ mọc sâu vào đất và hút nước dự trữ tự nhiên trong đất. Lối canh tác này là tối ưu trong một số địa hình nhất định có nước ngầm tích lũy tự nhiên.

    Một số bằng chứng cho thấy người Inca ở Nam Mỹ đã canh tác trong điều kiện tương tự. Phần lớn ngành công nghiệp rượu vang của Châu Âu là dùng canh tác khô.

    "Ở Pháp, thủy lợi bị cấm, bạn không thể tưới cho vườn nho", Tod Mostero – một người trồng nho tại Dominus Estate ở thung lũng Napa, California, cho biết. Dominus đã tiến hành canh tác khô trong nhiều năm, và lượng nước tiết kiệm được rất đáng kinh ngạc. Không sử dụng nước tưới cho 100.000 cây nho, mỗi tháng họ tiết kiệm được một triệu gallon nước, tức là khoảng 3.785.411 lít nước.

    Ruộng nho sử dụng kỹ thuật canh tác khô
    Ruộng nho sử dụng kỹ thuật canh tác khô

    Tại California, nơi sử dụng 80% lượng nước cho nông nghiệp, những cách tiết kiệm nước như vậy cần được chú ý. Đối với các loại cây trồng cần rất nhiều nước như hạnh nhân, canh tác khô có thể là một lựa chọn cho người nông dân. Khoai tây và cà chua cũng đã được trồng theo cách này tại đây.

    Gốc rễ của vấn đề

    Tất nhiên, đối với các nhà sản xuất rượu, hương vị là quan trọng nhất. May mắn cho Mostero, nho Dominus được canh tác khô thậm chí còn mọng nước hơn nho trồng thông thường.

    Do các yêu cầu về địa lý, không phải ai cũng có thể thực hiện canh tác khô. Một nhược điểm khác của canh tác khô là sản lượng có thể thấp hơn bình thường. Người nông dân có thể tiết kiệm nước với kỹ thuật khác có tên: làm khô một phần rễ (partial root drying).

    Được tiên phong bởi giáo sư, nhà khoa học cây trồng Bill Davies (Đại học Lancaster), kỹ thuật này chia hệ thống rễ của cây thành hai nửa, tưới nước vào một nửa và bỏ mặc nửa còn lại. Sau đó tiến trình được đảo ngược lại. Kỹ thuật này chỉ sử dụng khoảng một nửa lượng nước so với tưới truyền thống.

    Làm khô một phần rễ đã được thử nghiệm thành công trên một số cây trồng, trong đó có cây lúa. "Lúa sử dụng một lượng nước khủng khiếp. Chúng tôi đã khuyên nông dân Trung Quốc rằng nếu đi vào ruộng lúa và thấy dấu chân mình trên đất, không cần phải tưới nước" ông Davies cho biết.

    Đa số các hệ thống thủy lợi hoạt động khá chính xác. Nhưng biến đổi khí đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các khu vực sản xuất lương thực. Hệ thống của chúng ta cần phải thay đổi. Kỹ thuật canh tác cần phải ứng phó ngay bây giờ.

    Theo CNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ